Gặp lại dưới hầm

Gặp lại dưới hầm
TP - Chiều qua, căn hầm trú ẩn dưới khách sạn Thống Nhất (nay là Legend Metropole Hanoi) thời chiến tranh chống Mỹ đã chính thức mở cửa đón khách tham quan.

Nhiều nhân chứng lịch sử như cựu hoa hậu quốc tế - nhà báo người Philippines Gemme Cruz Areneta, nhà ngoại giao Australia- người đã có dòng chữ khắc tên mình trên đó, nhà ngoại giao Cao Xuân Nhã- người có nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho các khách quốc tế thời đó, đã có mặt…

Cận cảnh hầm trú bom trong khách sạn Metropole

Bà Gemme Cruz Areneta bước xuống tham quan hầm trú ẩn Ảnh: Văn Dũng Lòng hầm trú ẩn
Bà Gemme Cruz Areneta bước xuống tham quan hầm trú ẩn. Ảnh: Văn Dũng.

Những câu chuyện của các nhân chứng đã làm sống lại quá khứ hào hùng của người dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và góp phần đưa khách sạn Metropole Hà Nội trở thành chứng nhân lịch sử có một không hai giữa lòng thủ đô.

Nhà báo, cựu hoa hậu quốc tế năm xưa

Trở lại căn hầm trú ẩn sau 44 năm xa cách, hoa hậu quốc tế 1964, nhà báo Phillippines Gemme Cruz Areneta, cho biết, bà rất xúc động khi cuốn Nhật ký Hà Nội ghi lại thời gian một tháng bà và chồng lưu trú tại khách sạn Thống Nhất (nay là Metropole Hà Nội) lại khuấy động sự quan tâm về chiến tranh Việt Nam.

Bà kể, bà và chồng đến Hà Nội vào tháng 5 - 1968. Lúc đó, Philippines có quan hệ ngoại giao với miền nam Việt Nam. Vì thế, chuyến thăm của họ đến miền bắc Việt Nam là chuyến đi tuyệt mật. Lúc đó, bà là nhà báo, còn chồng là giáo sư đại học. Bà muốn biết sự thật về chiến tranh Việt Nam và báo cáo lại cho Philippines.

Tất cả những gì bà được chứng kiến tại miền Bắc Việt Nam lúc đó có thể gói gọn trong một từ “Quyết thắng”. Tiếng hô này được viết ở mọi nơi- đỉnh núi, trên bờ tường lấm bùn trong túp lều của người nông dân, trên những ngôi nhà đổ nát trong thành phố, thậm chí còn được dệt trên túi làm bằng sậy được các hợp tác xã bán.

“Tôi phải ngả mũ bái phục những người phụ nữ Việt Nam thời đó, những người đã làm nên lịch sử với phong trào “Ba đảm đang”- bà nói.

Dòng chữ trên tường hầm
Lòng hầm trú ẩn.

Bà cho hay: “Ngay khi chúng tôi đặt chân đến khách sạn vào ngày thứ sáu, 17-5-1968, chúng tôi nhìn thấy một số tấm biển ghi “abri”- hầm trú ẩn và mũi tên hướng dẫn tới vị trí căn hầm. Tôi đã hy vọng là mình sẽ không bao giờ phải sử dụng “abri”.

Thế nhưng chúng tôi đã phải lao tới hầm trú ẩn hai lần, trong đó có một lần là vào lúc 2h30 chiều 24-5 khi tiếng còi báo động rú lên trên toàn bộ thành phố.

Căn hầm được miêu tả chi tiết trong cuốn Nhật ký Hà Nội, trong đó tôi nói rằng căn hầm có thể dựng thành một “vũ trường thời thượng”. Tôi phải cẩn trọng dùng một số cụm từ hài hước để không bị sa thải vì tuyên truyền cho chế độ cộng sản…”. Hình ảnh khách sạn Metropole và hầm trú ẩn sẽ có mặt trong tập 2 cuốn Nhật ký Hà Nội của bà.

Năm ngoái, lần đầu tiên bà Gemme có dịp trở lại Hà Nội sau hơn 40 năm. Bà cố gắng tìm gặp người phụ nữ từng chụp ảnh cùng bà năm 1968. Người phụ nữ ấy mặc bộ quần áo bộ đội, đội mũ có gắn sao vàng.

Với sự giúp đỡ của Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines, hai người đã gặp lại nhau. Và thật bất ngờ, đó chính là cựu Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội Nguyễn Thị Hằng. Bà Gemme cũng từng là Bộ trưởng Bộ Du lịch Philippines (1998 - 2001).

Dòng chữ khắc 40 năm trước

Tình cờ, năm ngoái, Bob Devereaux, nhà ngoại giao nghỉ hưu đã đọc một bài báo tại Australia viết về việc phát hiện căn hầm ở khách sạn Metropole và dòng chữ khắc tên Bob Devereaux trên tường.

Dòng chữ trên tường hầm
Dòng chữ trên tường hầm.

Ông đã liên lạc với khách sạn và cho biết, dòng chữ đó chính là do ông viết vào tháng 8- 1975, khi chiến tranh đã kết thúc. “Có thể lúc đấy tôi đang ở trong căn hầm ngập nước, không điện đóm và không có gì để làm nên trong lúc mò mẫm chai rượu Australia bị ngập trong nước, tôi đã tiện tay khắc tên mình lên tường” - ông kể lại.

 Đóng góp của khách sạn Metropole  với di tích lịch sử này mở thêm một trang sách mới về câu chuyện chiến tranh ở Việt Nam. Dòng chữ trước cửa hầm đã nói lên tất cả: Để nhớ - Khoan dung- Mãi mãi (Remember- Forgive- Forever 

Có mặt tại lễ khai trương hầm trú ẩn, ông Devereaux có vẻ hồi hộp: “Khi tôi đến Hà Nội, thành phố này còn thiếu thốn nhiều thứ như thức ăn, quần áo, điện nước.

Văn phòng Đại sứ quán Australia nằm trong khách sạn Thống Nhất (nay là Metropole), dù xuống cấp nhưng vẫn rất đẹp. Sứ quán chỉ có đại sứ và bốn nhân viên.

Mỗi người được phát một tập phiếu lương thực dành cho các bữa ăn ở khách sạn (một số món đơn giản, trong đó có cơm và thịt viên).

Thực đơn cho bữa sáng, trưa và chiều hầu như không có mấy thay đổi. Chúng tôi hiểu rằng, chúng tôi còn may mắn hơn nhiều người dân địa phương.

Cuối năm 1976, tôi thường có cơ hội xuống Hải Phòng để nhận bưu phẩm gửi bằng đường biển từ Australia sang. Tôi đã tranh thủ mua cua biển (thứ không thể mua được ở Hà Nội do khó khăn vận chuyển thời hậu chiến) và mang về nhờ nhân viên khách sạn chế biến giúp.

Điều gì đã đưa tôi xuống căn hầm này? Có lẽ lúc đó khách sạn cũng không có nhiều phòng để đồ, nên chúng tôi dùng căn hầm làm nhà kho của đại sứ quán. Tôi thậm chí còn cất mấy chai rượu vang của mình ở đó. Do tôi có chìa khóa, nên tôi thường hay xuống đây.

Trong hầm tối, ảm đạm và hay ngập. Thành thật mà nói, tôi cũng không nhớ là mình đã khắc tên lên tường, nhưng các bạn thấy đấy, dòng chữ vẫn còn đó”.

Jane Fonda không sợ còi báo bom

Ông Cao Xuân Nhã, cán bộ làm công tác đối ngoại Nhân dân, người đã làm nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho hàng trăm khách quốc tế tại khách sạn thời đó, nhớ lại: “Để đảm bảo an toàn cho khách khi có còi báo động và loa phát thanh của thành phố thông báo có máy bay địch cách Hà Nội 35 km là tôi và anh em có trách nhiệm hướng dẫn khách xuống hầm của khách sạn.

Đó là căn hầm nhỏ, chỉ có năm ngăn thôi. Người đến trước xuống trước, người đến sau xuống sau. Có những người không xuống. Nhưng lại có người rất hay sợ hãi như một nữ nhà văn Thụy Điển, cứ nghe thấy tiếng còi là đòi xuống hầm ngay…

Ông Kai Speth, Tổng giám đốc khách sạn Metropole cho biết, trước mắt, căn hầm trú ẩn sẽ được mở cửa cho khách của khách sạn, sau có thể mở tour du lịch lịch sử dành cho các sinh viên.

Khi máy bay địch đánh phá khốc liệt nhất, đó là năm 1972 khi Mỹ đánh phá phố Khâm Thiên, rất nhiều khách quốc tế đã được xuống hầm 25 phút, có thể coi là thời gian ở trong hầm trú ẩn lâu nhất.

Điều đó cho thấy sự quan tâm của nhà nước Việt Nam trong việc bảo vệ an toàn tính mạng cho khách quốc tế”.

Căn hầm đã được nhiều khách chứng kiến như ngài Allende sau khi về nước được nhân dân bầu làm Tổng thống Chile (sau đó ông bị Pinochet giết chết và tiếm quyền), nhiều nhân sỹ trí thức, nhà khoa học và nữ nghệ sỹ điện ảnh Jane Fonde… Đến giờ, ông Cao Xuân Nhã vẫn nhớ như in mình đã ngồi ở đâu, bạn bè quốc tế ngồi ở đâu trong
căn hầm này.

Ông Nhã cho biết, Jane Fonda từng đến Hà Nội hai lần, mỗi lần lưu trú nửa tháng. Năm 1971 bà đi một mình, năm 1972 bà đi cùng chồng và con. Lần đầu tiên nghe thấy còi báo động, Jane Fonda có vẻ hơi hoảng. Vài lần sau, thì bà dạn đòn hơn, thậm chí có nhiều lần bà không chịu xuống.

Với Jane Fonda, ông Trần Minh Quốc, 68 tuổi, người phiên dịch cho bà hồi đó kể: “Tôi đi Nam Sách, Hải Dương cùng Jane Fonda khi Mỹ đánh bom ở đó.

Khi có còi báo động, tôi đẩy cô ấy xuống hầm, nhưng cô ấy không chịu, cứ cố gắng nhoi lên. Sau tôi phải quát: An toàn của bà là trách nhiệm của tôi, nên bà không được lên. Tính cô ấy như thế, chả sợ gì hết…”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.