Gặp lại nữ anh hùng trở về từ “địa ngục trần gian”

Gặp lại nữ anh hùng trở về từ “địa ngục trần gian”
TPCN - Tuy tuổi đã gần tám mươi nhưng nữ anh hùng Hoàng Thị Nghị vẫn còn nhanh nhẹn và minh mẫn. Trong căn nhà mới xây cạnh đường ra khu du lịch Đồ Sơn, bà đã dành trọn buổi chiều trò chuyện với tôi.

Tôi sinh năm 1929 trên mảnh đất Đồ Sơn. Lúc đầu tôi tham gia phụ nữ cứu quốc, sau thành lính của bộ đội địa phương trong Ban địch vận Đồ Sơn. Tôi nhận được thư của anh Thọ Tuynh: “Bàn giao ngay công việc, 20 - 11 - 1954 về Tổng cục Chính trị nhận nhiệm vụ mới”.

Đồng chí Trần Nam Trung giao nhiệm vụ: “Tôi đã nghe báo cáo về tinh thần và năng lực của đồng chí. Trung ương quyết định chọn đồng chí tiếp tục làm nhiệm vụ này ở mặt trận phía Nam”.

Bảy ngày nghỉ phép qua nhanh như chớp mắt. Tôi phải nói dối bố là đi công tác nước ngoài 2 năm. Điều day dứt là mối tình của tôi và Hải - anh bộ đội quê Thái Bình - yêu nhau trong khói lửa của cuộc kháng chiến và hẹn nhau ngày thắng lợi sẽ làm lễ cưới.

Dù đây là nguyên tắc bí mật nhưng tôi vẫn nói thật với anh. Nghe tin đó lúc đầu anh choáng váng không tin, thậm chí còn cho là có chuyện đổi thay, khi hiểu ra, anh lại có ý định xin được cùng vào hoạt động.

Biết chuyện này là không thể được, tôi an ủi anh: “Không được đâu! 2 năm có đáng là bao!”. Nghe vậy, anh liền đưa ra một tình huống: “Nếu tình hình không diễn ra 2 năm mà là 5 năm, lâu hơn nữa thì sao!”. 

Tôi đành trả lời: “Lâu thế thì anh đừng chờ em nữa, đừng tự ràng buộc vào lời giao ước mà khổ thân mình”. Nói xong, dù đã cố kìm nén cảm xúc nhưng nước mắt tôi cứ chảy còn anh thì đứng lặng như trời trồng.

Sau này nhiều năm, trong lòng địch, tình hình đã diễn ra đúng như anh dự đoán và không ngờ đó là những lời vĩnh biệt mối tình đầu - mối tình duy nhất đời người con gái của tôi.

Cuộc chiến đấu trong lòng địch

Hải Phòng những ngày cuối năm 1954 thật náo động. Nhất là chuyện di cư vào Nam. Tôi bước lên máy bay của Pháp với một lý lịch giả là vợ một trung úy phi công di cư. Xuống sân bay Tân Sơn Nhất, tôi được mời về khu dành riêng cho các sỹ quan nhưng tôi nói về nhà riêng, ba các cháu đã chuẩn bị rồi!

Tôi thuê taxi vào một địa chỉ đã hẹn trước nhưng khi gõ cửa lại thấy một tên Pháp. Sau vỡ lẽ, đây là nhà của một viên lãnh sự người Pháp. Vô miệng cọp để bắt cọp kể cũng nguy hiểm nhưng lại an toàn.

Đoàn cán bộ binh vận xuất quân đợt đầu này khá đông, anh Thọ Tuynh, chị Thái quê Thái Bình, chị Soi Nam Định, chị Vui, anh Quang, anh Ba Thịnh ở Hưng Yên. Mỗi người đi một đường, người trà trộn vào đoàn dân di cư bằng tàu há mồm của Mỹ, người đi nhờ tàu nước ngoài...

Chỉ mấy hôm cả đội đã tập kết đầy đủ. Quả là một nghệ thuật tổ chức tài tình. Để hợp pháp hóa, tổ chức xếp tôi với anh Thọ Tuynh (sau là Cụm trưởng cụm công tác tình báo binh vận Sài Gòn - Chợ Lớn) thành một “cặp vợ chồng”.

Khi vào trong đó, tôi thấy phức tạp quá. Anh Tuynh đã có vợ con, còn tôi vừa tạm biệt người yêu. Đóng giả không khéo thì bị lộ, chuyện tình cảm trai gái khó nói trước, nên tôi và anh đã “ly hôn” ngay khi chưa làm lễ cưới!

Kẻ thù không thể ngờ được, chính tại nhà lãnh sự Pháp, một hội nghị gần 30 cán bộ cách mạng từ Bắc vào và của Sài Gòn - Gia Định kéo dài 5 ngày liền. Hội nghị đã quán triệt nghị quyết của Ban binh vận Xứ ủy Nam bộ, xây dựng hệ thống cơ sở, lực lượng nội tuyến.

Sau đó, tôi ra ở một nhà người thím dâu họ và mở gánh hàng xén ở chợ Bà Chiểu. Chưa đầy một tháng tôi đã làm quen nhiều gia đình ở Tân Định, Phú Nhuận, chợ Đa Kao, Bà Chiểu.

Lấy cớ bỏ mối hàng mới, những buổi chiều nghỉ chợ, tôi đã tới Gò Vấp, Phú Nhuận, chợ Đa Kao, rạp Casino Sài Gòn, rạp Tân Thịnh... mỗi cơ sở là một bàn đạp chuẩn bị tấn công địch ngay từ lòng của chúng.

14 tháng, tổ công tác do tôi phụ trách phát triển khá rộng, phần đông anh em ở trong này, tôi phân công mỗi người đảm nhiệm một hướng khác nhau, đã có hàng trăm sỹ quan, hạ sỹ quan và binh lính địch ở các lực lượng bảo an, bộ binh, pháo binh, thiết giáp, không quân... được giáo dục, giao nhiệm vụ. Tháng 1/1956, từ tổ trưởng, tôi được giao nhiệm vụ đội phó.

Ngày 21/3/1956, trên đường về nhà, tôi bị bọn Cảnh sát đặc biệt miền Đông bắt. Về đến Ty đặc cảnh miền Đông, tôi thoáng nhìn thấy Huỳnh Văn Đức (người trong tổ hoạt động) và cả bà chủ nhà. Như vậy chắc Đức không chịu nổi đòn đã khai ra tôi.

Chúng đánh kinh khủng, chỉ thấy mấy tiếng khắp người tôi đã sưng vù. Rồi chúng lại dụ dỗ ngọt ngào. Nhưng trước sau tôi chỉ nhận là người “bị lợi dụng”. Anh Đức có vợ có con, thấy tôi xinh đẹp lại muốn lấy làm vợ hai. Tôi không muốn cướp chồng. Anh ta gây gổ, bực tức thù oán.

Tôi chỉ là một phụ nữ theo tiếng gọi di cư của chúa vào đây buôn bán. Hôm sau chúng cho “nếm” trận đòn kiểu tàu ngầm, buộc dây như con ếch, cho vào bể nước đầy kéo đi kéo lại.

Chúng tra điện vào đầu lưỡi, mười đầu ngón tay, cả đầu vú và chỗ kín. Không thể tả hết, kể hết được sự đau đớn mà người con gái bị bọn dã thú tra tấn được! Đánh chán địch không lấy được cung chúng đưa về nhà lao Gia Định, Thủ Đức, bắt chào cờ, tố cộng, suy tôn Ngô tổng thống.

Tôi không chịu, chúng nó nhốt tôi vào hầm, không cho tôi uống nước. Nhốt mấy tuần, không khuất phục nó lại lôi lên trại. Thấy cứng đầu, chúng lại cho vào trại Tam Hiệp - Biên Hòa. Tại đây tôi cùng chị em tổ chức 3 lần tuyệt thực.

Chúng đày tôi ra Côn Đảo, cùng chuyến tàu với đồng chí Nguyễn Đức Thuận. Tên tỉnh trưởng thấy không thuyết phục được, liền đưa tôi xuống hầm xay lúa - nơi chúng đã từng tra tấn chủ tịch Tôn Đức Thắng. Hầm xay lúa giống như nhà lao, hai bên còng sắt, còng tay, còng chân.

Cơm ăn không có bát, ăn bằng vỏ dừa, máng đổ cơm như máng lợn. Chúng cho tôi vào hầm đá kín mít, chỉ nhốt được 2 người nhưng chúng nhét tới 8 người.

Không cho nước, cả hầm chỉ có một lon. Chị em liền nghĩ kế khai ăn cháo, thuyết phục cai ngục mua hộ đường, cho nước. Chị em phải cắt hết tóc. Trên người chỉ có độc chiếc quần đùi. Ai nấy mụn nhọt đầy người, khi có mưa, chị em hót nước vào thau chia nhau một lon nước để tắm.

Chỉ cần một lon là tắm đủ. Khổ nhất là chị em bị bệnh kiết lỵ rèn rẹt suốt đêm, có đêm tôi phải đứng quạt cho chị em suốt 3 tiếng đồng hồ, hơi không chịu nổi. Không khuất phục được, chúng lại đưa tôi về Phú Lợi, tháng 1/1960 chúng buộc phải trả tự do cho tôi.

Ra tù, tôi lại lao vào hoạt động, làm phó ban nội tuyến, sau phụ trách khối sỹ quan quân đội Ngụy. Tết Mậu Thân tôi chỉ huy trận đánh đồn Lái Cua - Long An. Với lực lượng nội công bên trong, trận đánh đã giành thắng lợi giòn giã, tiêu diệt 55 tên, thu toàn bộ vũ khí của địch.

Trận địch vận cùng Trung đoàn 38 pháo binh đánh Gò Đậu tiêu diệt nhiều địch, xe tăng địch ngổn ngang, tiếc là mình chưa có điều kiện lấy xe ra. Công việc địch vận đang suôn sẻ, xây dựng nhiều nhân mối và đã giành thắng lợi thì tôi bị bắt lần thứ 2 (do một đồng chí không chịu nổi tra tấn khai tôi ra). Lần này địch có chứng cứ.

Tôi đành chấp nhận phương án “ở tù về thấy các ông ép quá, tôi đã đi làm giao liên”. Tôi đòi gặp kẻ khai để “đối chất” và tôi đã chửi cho hắn một trận. Thế là bọn an ninh quân đội tra tấn tôi. Chúng tra tấn hết sức dã man. Đánh xong bọn chúng dụ tôi làm việc “hai mang”.

Trước sau tôi chỉ nói “các ông nhầm, tôi không đáp ứng được vì tôi chỉ là một giao liên”. Chúng lại đánh, Cục an ninh quân đội đánh dã man nhất. Tôi xác định chấp nhận chết! Tôi bị chúng hành hạ như thế 5 tháng. Sau chúng đưa tôi lên Thủ Đức, Phú Lợi.

Tại đây tôi là chi ủy viên thuộc Đảng ủy nhà tù, cùng chị em đấu tranh quyết liệt. Không thu được gì, địch lại đưa tôi ra Côn Đảo lần thứ hai. Chúng bắt chào cờ, không chào, lại đánh. Chúng bắt nằm ngay cạnh một đồng chí vừa chết. Lần này bọn chúng dùng những kiểu tra tấn rất man rợ với tôi, thục chai, cho lươn, rắn vào chỗ kín của phụ nữ...

Chúng lại cho tôi về Sài Gòn lãnh án. Tại đây tôi lại cùng chị em đấu tranh quyết liệt. Lại bị đày ra Côn Đảo lần thứ ba, tôi cùng chị em trong tù tuyên truyền Hiệp định Pari, đấu tranh cho Lê Hồng Tư, Lê Quang Vịnh, cùng chị em thành lập “Ban tranh thủ” đòi giảm đánh đập, giúp đỡ tù nhân, vận động được một chỉ huy bảo an làm nội công cho ta để chuẩn bị tư thế tự giải phóng.

Đêm 30/4 một giám thị đã đưa tôi chìa khóa. Chỉ huy bảo an lấy vũ khí trang bị cho tù binh nổi dậy. Cùng với Đảng ủy nhà tù, tôi tham gia công việc ổn định trên đảo và chuẩn bị đón tàu của ta. Ngày 3/5/1975 tôi nằm trong số 250 tù chính trị đầu tiên từ “địa ngục trần gian” lên tàu về với đất liền thân yêu vừa mới được giải phóng.

Còn sức là còn công tác

Sau giải phóng miền Nam, nữ địch vận Hoàng Thị Nghị được phân công làm Hội trưởng hội phụ nữ quận Tân Bình. Sau đó bà tiếp tục học trung cao cấp chính trị, về quê hương Hải Phòng làm Phó giám đốc Sở LĐ- TBXH.

Năm 1978 bà Hoàng Thị Nghị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Sau 10 năm công tác bà được nghỉ hưu. Về quê biển Đồ Sơn, một thời gian, bà cùng các cán bộ nghỉ hưu tổ chức làm kinh tế, nuôi tôm cua, chế biến hải sản.

Bà là ủy viên BCH hội CCB Việt Nam, Hội CCB thành phố Hải Phòng, Chủ tịch hội CCB thị xã Đồ Sơn. Đặc biệt 13 năm qua, người nữ anh hùng địch vận này còn đảm nhiệm cương vị chủ tịch Hội từ thiện thị xã Đồ Sơn với 400 hội viên.

Hội tổ chức hoạt động giếng tráng nước ngọt, cho thuê phao bơi, quần áo tắm cho khách du lịch mỗi năm thu nhập gần hai chục triệu. Bà cùng một số cán bộ hội lóc cóc đạp xe đến các cơ sở vận động quyên góp. Số tiền tích lũy từ hai nguồn trên được gửi vào ngân hàng lấy lãi.

Vì thế mỗi năm, Hội từ thiện Đồ Sơn giúp 30 trẻ em nghèo vượt khó học giỏi, 80 đối tượng già cả cô đơn, tàn tật, thăm tặng quà hàng trăm đối tượng khó khăn trong dịp tết nguyên đán với tổng số tiền khoảng 80 triệu đồng.  Bà nói với tôi, biết là vất vả đấy nhưng là việc phát tâm đức, còn sức là còn tiếp tục công tác từ thiện cho đến khi không làm được nữa mới thôi. 

Về chuyện riêng tư, biết mình không còn khả năng sinh nở nên khi ra tù, bà kiên quyết không lấy chồng. Mãi mấy năm gần đây, ở tuổi thất thập cổ lai hy, bà mới nhận lời xây dựng gia đình với một cựu đại tá công an, hai người nương dựa vào nhau lúc mãn chiều xế bóng.

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.