Gặp thôn nữ trong bức ảnh Bác Hồ thăm nông dân

Gặp thôn nữ trong bức ảnh Bác Hồ thăm nông dân
TP - Nét phúc hậu, duyên quê vẫn đọng trong ánh mắt ngời sáng của bà Dương Thị Bình khi nhìn tấm ảnh chụp đã hơn nửa thế kỷ. Bà chính là thôn nữ ôm bó lúa trong bức ảnh nổi tiếng Bác Hồ thăm nông dân Đại Từ sau cải cách ruộng đất 1954.

Sau ngày độc lập (2/9/1945), cô thôn nữ 16 tuổi Dương Thị Bình ở xóm Bình, Điềm Thụy, Phú Bình mới học bình dân học vụ, tham gia phong trào thanh niên.

Năm 19 tuổi được kết nạp vào Đảng. “Năm 1950 sau khi học 6 tháng lớp “công - nông - phụ tham chính” do liên khu Việt Bắc mở Dương Thị Bình, về làm bí thư phụ nữ cứu quốc xã Nhã Lộng, cán bộ phụ vận huyện Phú Bình, rồi cán bộ nông hội tỉnh.

Bà Bình kể: “Sau khi xuống các xã làm giảm tô, giảm tức ở Phúc Xuân, Túc Duyên và Trung Thành, chúng tôi về đi mở rộng cải cách, đồng chí Hoàng Quốc Việt, Bí thư Đoàn ủy cải cách ruộng đất gọi tôi lên giao nhiệm vụ:

- Cô là cán bộ nông hội tỉnh, phải đi chỉ đạo nông dân sản xuất, vì ở Đại Từ đã cải cách thí điểm rồi.

Lúc này, Đảng, Chính phủ chia ruộng đất cho nông dân, thực hiện khẩu hiệu “Người cày có ruộng” động viên, sức người, sức của cho mặt trận Điện Biên Phủ. Đại Từ là huyện An toàn khu (ATK) được T.Ư chỉ đạo trực tiếp, 6 xã điểm thực hiện xong cải cách ruộng đất có Hùng Sơn, Bình Thuận, Trần Phú, Tân Thái, Độc Lập và An Mỹ.

Gặp thôn nữ trong bức ảnh Bác Hồ thăm nông dân ảnh 1
Bà Bình với  học sinh trường Đội Cấn, thành phố Thái Nguyên

Tôi được giao xuống xã Bình Thuận và xã Hùng Sơn chỉ đạo sản xuất, điều tra. Xem nông dân có ruộng, có trâu rồi thì tình hình sản xuất thế nào?

Tôi về ở nhà chị Huân, xóm Liên Giới, bên kia cầu Huy Ngạc, “ba cùng” với bà con: quét dọn nhà cửa, tắm giặt cho trẻ con, nấu cám lợn, gặt lúa…

Anh Trần Đức, Phó ban công tác nông thôn T.Ư làm trưởng đoàn. Đoàn gồm độ hai chục người (cô Huê, anh Tiến, ông Trương Việt Hùng - Vụ trưởng của Bộ Canh nông…).

Vào sáng một ngày của tháng 9/1954, tôi mặc áo nâu, thắt khăn mỏ quạ cùng đoàn tập trung ra đồng Cả, trước cửa nhà thờ Yên Huy tham gia gặt lúa giúp dân.

Chúng tôi gặt ở giữa cánh đồng cùng năm, bảy chị, vài ba bác nông dân, mấy em thiếu niên (thanh niên trai tráng đi bộ đội cả). Đến độ 9 giờ sáng, mới cắt được bảy tám ôm lúa, thấy tiếng xôn xao, tôi nhìn sang phía suối Tấm thấy đông người ngựa. Nhận ra Bác Hồ, chúng tôi mừng quá reo lên: “Bác Hồ, Bác Hồ”, rồi ùa lên đón Bác.

Trong đoàn có đồng chí Lâm Đình Phòng - Bí thư huyện ủy Phú Lương, còn toàn cán bộ trung ương. Đi với Bác hôm ấy, có người nước ngoài chụp ảnh, quay phim, mãi sau này mới biết là nhà đạo diễn người Nga - Roman Carmen, làm phim Việt Nam trên đường thắng lợi.

Bà Nguyễn Thị Luân hồi ấy mới 17 tuổi, người xóm Cả, nay đã 71 tuổi, còn nhớ như in buổi gặt hôm đó là vụ thu hoạch đầu tiên sau cải cách ruộng đất nên nông dân rất phấn khởi.

Đi đến gần con mương, Bác cúi xuống xắn quần lội qua. Bác mặc quần áo nâu, cổ vắt chiếc khăn mặt bông, đầu đội mũ cát két. Bác đặt mũ xuống, kê dép cao su ngồi xuống đầu bờ hỏi chuyện đời sống, tình hình sản xuất. Không khí ấm cúng bao trùm lên mỗi chúng tôi, không có gì ngăn cách giữa vị Chủ tịch nước với bà con. Bác hỏi anh Phan Văn Khoan:

- Chú làm gì ở địa phương?

- Thưa Bác, cháu là Bí thư nông hội xã Hùng Sơn!

Bác hỏi mọi người:

- Nông dân sau cải cách ruộng đất có ruộng cấy, có trâu cày rồi thì phải làm gì?

- Thưa Bác, có ruộng cấy, có trâu cày rồi thì nông dân phải tích cực sản xuất, phải đoàn kết giúp nhau cùng tiến bộ.

Bác mỉm cười nói:

- Đúng rồi, muốn giúp nhau sản xuất thì phải xây dựng tổ đổi công, cùng nhau làm ăn, có ăn rồi mới có đóng góp cho kháng chiến, kiến quốc.

Bác quay sang hỏi bà Huê (lúc đó đứng cạnh bà Bình) người Quảng Bình, chồng là ông Đài, sau là phó ban Tuyên giáo T.Ư:

- Cô là thế nào?

Bà Huê xúc động bối rối, được anh Trần Đức đỡ lời:

-  Thưa Bác đây là đồng chí cán bộ trong đoàn công tác nông thôn đi gặt giúp dân.

Bác cười:

- Thế là nông dân lai rồi

Bác lại quay sang hỏi bà Bình. Bà thưa:

- Cháu là cán bộ về xã chỉ đạo sản xuất, điều tra nông thôn, đi gặt giúp dân ạ!

Bác dặn dò:

- Ừ, thế là tốt, cán bộ phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm mới hiểu được nông dân, mới giúp đỡ được dân…

Bà Nguyễn Thị Luân không ngờ Bác vào làng Cả, thăm gia đình mình (vì nhà bà có 3 người đi bộ đội) Bà con vây quanh chào đón. Bà Luân vội rửa tay, sẵn có buồng chuối chín trong nhà, bà chọn mấy quả đặt lên đĩa, bưng ra mời Chủ tịch nước.

Bác lấy chuối chia cho các cháu nhỏ, rồi hỏi thăm chuyện làm ăn của gia đình.

Bà Luân thưa với Bác:

- Dạ, năm nay được mùa lúa, nhà cháu đủ ăn và có đóng góp cho kháng chiến.

Bác dặn:

- Các cô, các chú phải đoàn kết nhau vào, giúp đỡ nhau làm ăn mới tiến bộ được, vài năm nữa Bác về thăm.

Bà con Hùng Sơn ghi lòng tạc dạ, làm theo lời Bác dạy, tổ đổi công Cầu Thành được thành lập với 13 hộ, dẫn đầu phong trào tổ đổi công toàn miền Bắc, được tuyên dương, báo chí ca ngợi.

Tổ đổi công sau đó phát triển lên Hợp tác xã Cầu Thành (tháng 5/1955), là một trong số những HTX nông nghiệp đầu tiên của miền Bắc.

Tại hội thảo di tích lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm nông dân xã Hùng Sơn do ông Hà Phúc Mịch, Phó Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam chủ trì tại hội trường huyện ủy Đại Từ ngày 28/11/2006, lão nông Đặng Trường Thọ kể lại:

Bác Hồ về thăm nông dân xã Hùng Sơn lần thứ hai vào đầu năm 1958, khi hợp tác xã Cầu Thành đang gặp khó khăn, một số hộ làm đơn xin ra khỏi hợp tác, tình hình rất căng. Hôm ấy, Bác mặc bộ quần áo kaki sáng màu. Bác không vào hội trường mà chọn hòn đá to trước cửa nhà ông Trịnh Văn Thịnh, phó chủ nhiệm hợp tác xã nói chuyện với xã viên:

- Hòn đá này có khiêng được không?

- Thưa Bác, phải nhiều người mới khiêng được ạ.

Bác giải thích:

- Hợp tác xã cũng vậy, một người không thể làm được mà phải nhiều người cùng đoàn kết, giúp nhau mới làm được.

Bác lại chỉ lên cây cau trước nhà hỏi:

- Cây cau kia trồng mấy năm thì bói quả?

Mọi người đáp:

- Thưa Bác độ sáu, bảy năm ạ!

Bác nói:

- Hợp tác xã cũng phải sau 6, 7 năm làm ăn tập thể, sản xuất mới phát triển được.

Bác quay sang chỉ vào em bé đứng gần hỏi mọi người:

- Mấy năm thì cháu bé này biết đi ?

- Thưa Bác, sau 2-3 năm ạ!

- Đúng rồi, năm đầu tiên cháu mới biết đi chập chững, năm thứ hai mới dần dần đi thạo, năm thứ ba mới đi chắc. Hợp tác xã cũng vậy!

Bác lại hỏi tiếp:

- Bẻ một chiếc đũa có được không?

- Thưa Bác được ạ

Bác gật đầu nói:

-  Đúng rồi! Thế bẻ một bó đũa có được không?

- Không ạ!

Bác nói: “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại thành hòn núi cao”.

Thì ra Bác chọn chỗ hòn đá để trò chuyện với nông dân vừa thiết thực, vừa dễ hiểu để giải thích lộ trình đi lên của HTX theo cách nghĩ, cách nói của họ.

HTX Cầu Thành vượt qua thời kỳ khó khăn, trở thành điển hình tiên tiến trong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp của Đại Từ, của tỉnh Thái Nguyên và trên toàn miền Bắc.

Ngày 15/3/2003, Đoàn Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam chúng tôi về cội nguồn Điện ảnh - Nhiếp ảnh ở Đồi Cọ, Bản Bắc, trong đoàn có nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Đăng Bảy và nghệ sĩ Nhiếp ảnh Đinh Đăng Định, tác giả tác phẩm ảnh nổi tiếng Bác Hồ thăm nông dân Đại Từ sau cải cách ruộng đất 1954, in trên hàng trăm tờ báo, tạp chí trong nước và nước ngoài, trở thành biểu tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh với nông dân suốt 54 năm qua.

Ông Định hỏi tôi một số nhân vật trong ảnh hiện nay ra sao?

Bà Dương Thị Bình về Ban công tác nông thôn T.Ư, sau khi lập gia đình với ông Trần Văn Sinh, phó trưởng ban tiếp tế, vận tải chiến dịch Biên giới, bà Bình chuyển về huyện Phổ Yên (1970) làm Phó phòng Hợp tác xã nông nghiệp, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện, ở đâu bà cũng luôn phấn đấu, vươn lên.

Bà làm giám đốc Sở Lao động, nghỉ hưu năm 1985, cả ba con đều học giỏi, thành đạt. Anh Trần Dương Hợp giờ là Phó giám đốc Sở Xây dựng, anh Trần Dương Thịnh học Đại học kỹ thuật quân sự, sau chuyển ngành, nay là Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên, cô út Trần Dương Thành là Phó hiệu trưởng trường PTTH Phổ Yên…

Bà luôn nhớ lời Bác dạy: Cán bộ phải gần dân, giúp dân, vì dân, mọi người dân Việt Nam đều có thể học tập làm theo gương Bác: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”.

MỚI - NÓNG