Ghé nơi 'nhà tạm' của Quốc hội

Ghé nơi 'nhà tạm' của Quốc hội
TP - Chiểu theo quyết định của Bộ Chính trị cũng như Nghị quyết của Quốc hội, Hội trường Ba Đình xây dựng từ năm 1960 đã hết nhiệm vụ lịch sử, sẽ được phá dỡ trong nay mai để xây nhà Quốc hội mới. 
Ghé nơi 'nhà tạm' của Quốc hội ảnh 1
Tiền sảnh Hội trường Bộ Quốc phòng.

Ngần ấy năm gánh vác biết bao trọng trách: Gần mười khóa Quốc hội, bảy lần diễn ra Đại hội Đảng và vô số các cuộc họp trọng của quốc gia, công tích dường ấy, nhưng hình như các cơ quan lẫn cá nhân có trách nhiệm có lẽ bận nhiều việc quá chưa kịp xếp cho ngôi nhà họp lớn nhất nước một tấm biển chứng nhận di tích!?

Nhà họp của kỳ thứ II Quốc hội khóa XII là Hội trường Bộ Quốc phòng thuộc nhà số 5 và số 7 của phố Nguyễn Tri Phương. Phố Nguyễn Tri Phương, một con đường đẹp xuyên từ Nam ra Bắc thành Thăng Long ghi công tích tên người giữ thành Hà Nội, mới được ló dạng ít lâu nay.

Lần đầu tới cái nơi mà thường ngày không dễ chi được đến, khác với lệ  các kỳ họp Quốc hội khác, bữa nay tôi đến Hội trường Bộ Quốc phòng (HTBQP) sớm hơn. Hình như nhiều người cùng tâm trạng như mình sớm thế mà đã tấp nập xe lẫn người?

Vào HTBQP có hai cửa. Cửa số 5 từ phố Nguyễn Tri Phương vào Hội trường dùng cho xe đặc biệt. Cửa số 7 dành cho mọi người có phận sự phía trong hội trường. Tôi cứ nghĩ lẩn thẩn rằng đến một lúc nào đó, HTBQP đây sẽ được mở cửa cho khách tham quan để ngõ hầu thiên hạ biết được tài trí lẫn bàn tay dựng xây khéo léo của các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam, thiết kế thì chưa rõ nhưng nghe nói mà cụ thể là lực lượng công binh, đã đảm trách việc xây cất này!…

Đang lẩn thẩn nghĩ, may mắn làm sao khi khai móng của ngôi hội trường này, những người thợ lính lại không phải bắt gặp những tầng nấc văn hóa của tiền nhân dù rất gần khu vực hoàng thành vừa phát lộ thì tôi sững sỡ trước ba cây đa cổ thụ buông những tua rễ lòa xòa trầm mặc uy nghi trước cửa hội trường.

Thứ cổ mộc này đã từng sừng sững thế hàng bao thế kỷ? Thời điểm các vua ta bàn việc ở Điện Kính Thiên thì chả dám nói nhưng chí ít hồi các cụ Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu tuẫn tiết với thành Hà Nội chắc đã có rồi.

Mười lăm bậc đá hoa cương dẫn lên hàng hiên có bốn chiếc cột giả đá rất khéo tày ôm gợi sự vững chãi và khá đăng đối với ba thứ thụ mộc cổ kia. Gian tiền sảnh mênh mông lặp lại thứ cột giả đá ngoài hàng hiên gồm 14 trụ sừng sững nhưng không che khuất các đại biểu Quốc hội mỗi khi giải lao đứng trò chuyện hay giải khát.

Hai bức gò đồng Thánh GióngBác cùng chúng cháu hành quân non chục mét vuông mỗi bức, đặt ngay ngắn gần cửa ra vào hội trường màu đồng sáng trên nền tường gỗ nâu trầm gợi không khí hào hùng, trang nghiêm.

Không biết có bố trí lại không nhưng chỗ ngồi trong HTBQP khéo vừa vặn với số lượng quan khách của kỳ họp QH XII này. Lang thang khắp tầng trên tầng dưới, tôi bất ngờ đụng với hai yếu nhân của Văn phòng Quốc hội, đó là hai ông họ Trần, ông Đình Đàn (Chánh) và ông Quốc Thuận (Phó).

Hồi nãy, tôi gặp ông Thuận đang bươn bả nơi này nơi khác để kiểm tra xem hệ thống điện lẫn WiFi ở tầng một có chi trục trặc cần sang sửa bổ sung. Hai ông đang trao đổi với nhau có lẽ ngay trong kỳ họp này sẽ trang bị cho các Đại biểu Quốc hội mỗi người một cái máy tính xách tay! Ông Đàn cho tôi hay như thế sẽ tiện lắm bởi khỏi phải in hàng trăm văn bản tài liệu mỗi một kỳ họp như thế cho mỗi một Đại biểu Quốc hội.

Ở một chỗ khác, lão tướng (cánh báo chí thường gọi vui vị cựu đại tá ở báo Cựu Chiến Binh Bùi Đình Nguyên), đang phàn nàn với nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán rằng vô đây chả có nơi nào để mà ngồi! Ông Toán cự lại với ông Nguyên đại ý, bác có cái thẻ màu tím hồng này là gặp may so với nhiều đồng nghiệp lắm rồi. Họ đâu có được vô HTBQP mà phải ngồi ở Trung tâm báo chí tại 19C Hoàng Diệu theo dõi diễn biến của kỳ họp qua ti vi.

Ghé nơi 'nhà tạm' của Quốc hội ảnh 2
Phòng họp

Hồi sáng tôi có đáo qua 19C Hoàng Diệu. Trung tâm báo chí gồm 12 dãy bàn phủ khăn trắng. Ngoài màn hình to chính giữa, mé hông bên phải là 6 cái computer để bàn. Cánh báo chí cho hay, trang bị như thế là hơi bị... sơ sài. Ngoài thông tin ở cái tivi ra cùng số tài liệu phát không nhiều nhặn, họ phàn nàn thêm không biết lấy tài liệu chi để chế ra bài vở đây!

Hồi còn tác nghiệp ở Ba Đình, TT báo chí chỉ cách Hội trường một khoảng vườn hoa. Tầm giải lao nhoáng cái đã gặp được đối tượng mình cần phỏng vấn. Bây giờ, từ 19C Hoàng Diệu đến 5 - 7 Nguyễn Tri Phương, đi bộ coi chừng hết giờ giải lao luôn. Nhưng với nhiều nhà báo, có rảo cẳng cũng chẳng đến nơi. Bởi thẻ vàng không được phép vô hành lang HTBQP.

Chưa hết, trong số hàng mấy chục ký giả đang có mặt ở Trung tâm, chỉ đúng 20 người được phát thẻ sự kiện. Tấm thẻ xanh sự kiện như thế kèm tấm thẻ vàng thì mới được phép vào hành lang HTBQP mỗi khi giải lao mà phỏng vấn Đại biểu Quốc hội (thẻ màu hồng tím như lão tướng Bùi Đình Nguyên có được không nhiều lắm. Mỗi cơ quan báo thường chỉ được 1-2 thẻ). Ai cũng xứng đáng để nhận thẻ xanh để tác nghiệp cả. Không thể nói báo nào kém cạnh hơn báo nào. Ấy thế mà lại vẫn câu chua chát bầu dục đâu đến bàn thứ chín để vận vào những anh không được may mắn nhận thẻ sự kiện màu xanh.

Nhìn cảnh đồng nghiệp người thì nài nỉ người thì gay gắt đòi xin thẻ xanh sự kiện và những ánh mắt thèm thuồng của những người kém may mắn thấy mà phục cho cánh ký giả xứ mình luôn lăn xả để được hành nghề bằng nhiều cách. Bằng chứng là ngặt nghèo làm vậy thế mà sáng hôm sau, hầu như tất tật các tờ nhật trình đều có tin bài không ít thì nhiều chẳng dài thì ngắn về Quốc hội!?

HTBQP, nơi sẽ diễn ra dài dài các kỳ họp Quốc hội kế tiếp... Tôi nhớ mình có hỏi một quan chức của Văn phòng Quốc hội thì được biết, phải hơn ba năm nữa, nhà Quốc hội mới sẽ được hoàn thành.

Hơn ba năm, nghĩa là nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII này sắp kết thúc. Có thể phiên họp cuối cùng sẽ diễn ra ở nhà Quốc hội mới chăng? Và có lẽ ở nơi ấy, việc hành nghề của các đồng nghiệp thân yêu của tôi sẽ thong dong hơn thế này?

... Giờ giải lao đã vãn, bên gốc thụ mộc đã cao niên, tôi lướt thêm lần nữa vị thế đắc địa của cái nơi đang diễn ra kỳ họp lần thứ II của Quốc hội khóa XII này. Không xa đây, một thời từng ngự trên hành lang đông tây của hoàng thành này những cung điện Tập Hiền, Quảng Vũ, Nhật Quang, Nhật Minh Tuyên Đức, Diên Phúc, Chính Dương..., từng là nơi bàn thảo quyết định những kế sách dân sinh.

Đặc biệt Điện Chính Dương, ai có việc oan khuất thì được phép lên lầu để đánh chuông, vua sẽ thân nghe việc và nếu cần thì sẽ trực tiếp khu xử việc minh oan. Tình cờ địa điểm kỳ họp lần này lại diễn ra ở rất gần những danh thắng một thời ấy. Hy vọng những hào khí lẫn chính khí Thăng Long sẽ truyền thêm sức mạnh cho cơ quan quyền lực cao nhất nước này.

MỚI - NÓNG