Ghi ở một ngôi trường danh tiếng của nước Pháp

Ghi ở một ngôi trường danh tiếng của nước Pháp
TP - Tôi vẫn không hiểu tại sao, và đến giờ vẫn chưa kịp hỏi, như một dạng mật khẩu, Trường Đại học Bách khoa Paris lại mang tên X? Nhưng đến Paris hay nước Pháp cứ nhắc đến trường X là người ta biết ngay École Polytechnique trường Bách khoa - một trong những trường đào tạo kĩ sư nổi tiếng nhất tại Pháp.
Ghi ở một ngôi trường danh tiếng của nước Pháp ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trò chuyện với các sinh viên Việt Nam tại Trường Đại học Bách khoa Paris. Ảnh: Xuân Ba

Chính Hoàng đế Napoléon Bonaparte đã đặt phương châm hành động đồng thời cũng là khẩu hiệu cho nhà trường là Pour la Patrie, les Sciences et la Gloire (Vì Quốc gia, Khoa học và Vinh quang). Cánh báo chí được bố trí đến trước có lẽ chả phải do đường xa lại thường tắc và trường ở mãi ngoại ô Paris mà để có điều kiện tìm hiểu hỏi han được nhiều?

Trường Bách khoa Paris tọa lạc trong khoảng rờn xanh của đồng cỏ cùng mênh mông những vườn cây. Dưới bức tượng đồng khá lớn đã ngả sắc xanh thời gian đặt trên khoảng sân mênh mang nhưng vẫn không bị nuốt mà khá nổi trội, bức tượng ghi lại và kỷ niệm cho hậu thế sự kiện các sĩ quan của trường Polytechnique hướng ra mặt trận bảo vệ Paris chống ngoại xâm năm 1841.

Chưa kịp hỏi han chi nhiều, việc đầu tiên của tôi là cuống cuồng hỏi thăm nơi có Internet. Cô Antoinette, nhân viên truyền thông của trường thân đón chúng tôi tận xe báo chí, mỉm cười thông cảm rồi dẫn tôi lên tầng 2. Hệ thống bàn phím của computer ở Pháp bố trí có khác nên cô gái thanh mảnh này phải tận tình hướng dẫn cho khách hồi lâu!

Cắm cúi cho xong việc, ngẩng lên tôi đã bất ngờ thấy năm sáu chiến binh măng tơ người Việt thập thò ở cửa. Trời đất ơi, tôi đã nhận ra trong số đó có Hoàng Nguyên, con của đôi bạn học ngày trước cùng lớp với tôi là Bình, Hạnh. Cô Antoinette ngỡ ngàng ngó bác cháu tôi những tíu tít hỏi thăm với chuyện trò... Mừng cho vợ chồng bạn có cậu con trai học giỏi được đặc cách chọn vào Bách khoa Paris này.

Hoàng Nguyên năm nay mới học hết năm thứ nhất, còn 3 năm nữa ở trường này. Nhưng Nguyên có cơ sở vững vàng để lấn tới. Xúc động khi hay Nguyên vừa nhận được học bổng Eiffel 1.200 euro/ tháng. Nguyên còn đạt điểm A trong tất cả 5 môn học.

Bình Hạnh làm ở Đài phát thanh truyền hình Khánh Hòa, đời sống cũng khó khăn thế mà đứa lớn học cao học đạt học bổng ở Australia, đứa thứ hai ở Trường ĐHBK Paris này.

Qua Nguyên và các cháu, tôi được biết thêm Trường Polytechnique do Bộ Quốc phòng Pháp quản lý. Hiện tại, các truyền thống quân đội vẫn được tiếp nối. Trước hết, đứng đầu trường là một vị tướng, thêm vào đó, các vị trí điều hành, quản trị, thể thao đều do các nhân sự trong quân đội đảm nhiệm.

Tất cả các sinh viên, kể cả sinh viên nữ, đều phải trải qua một kì huấn luyện quân sự trước khi bắt đầu khóa học kĩ sư. Bản thân họ cũng là các sĩ quan dự bị. Về sau tính chất quân sự của trường ngày càng giảm đi, trên thực tế, rất ít sinh viên tốt nghiệp tiếp tục theo đuổi nghiệp binh.

Vào những dịp lễ lớn như ngày Quốc khánh Pháp (ngày 14 tháng 7), các sinh viên của Polytechnique tham gia lễ duyệt binh trên đại lộ Champs-Élysée trong bộ đồng phục quân đội truyền thống nổi tiếng của trường. Bộ đồng phục truyền thống (áo sơ mi trắng và quần đen kẻ đỏ, bên ngoài là áo khoác đen, thắt lưng da, kiếm épée cùng với mũ bicorne).

Triết lý “rộng hơn sâu” đã gây nên rất nhiều tranh cãi từ nhiều năm nay, nhưng điều này đã làm nên tính đặc trưng của chương trình học Polytechnique. Ngoài khoa học, các sinh viên phải theo học một môn thể thao bắt buộc, từ các môn đại chúng như bóng đá, bơi lội... cho đến những môn cao cấp như quần vợt, golf, đánh kiếm.

Cuộc thi tuyển vào trường Polytechnique là một kì thi tuyển đặc biệt khó khăn. Sinh viên cần học ít nhất 2 năm “dự bị” (préparatoire) sau khi tốt nghiệp phổ thông. Các trường dự bị nổi tiếng như Lycée Louis-Le-Grand hay the Lycée Henri IV. Cuộc thi tuyển bao gồm 1 tuần thi viết các môn toán, vật lý, hóa học, văn học, triết học và tiếp sau đó là kì thi nói.

Khoảng 400 sinh viên Pháp được lựa chọn mỗi khóa. Sinh viên nước ngoài từng theo khóa học dự bị như sinh viên Pháp cũng phải trải qua một kì thi tương tự (gọi là EV1, thường là các sinh viên đến từ các nước dùng tiếng Pháp).

Trong một khóa học có khoảng 100 sinh viên nước ngoài, hầu hết đến từ Brazil, Việt Nam, Trung Quốc, Iran, Nga và Romania. Trước năm 2004, cộng đồng sinh viên Việt Nam ở X khá đông, mỗi năm có khoảng hơn 10 sinh viên, nhưng trong 3 năm nay mỗi năm chỉ có khoảng 5,6 sinh viên Việt Nam thi đỗ. Trong khi đó lượng sinh viên Trung Quốc tăng khá mạnh từ 4,5 hai năm trước tăng lên khoảng 20 năm 2007.

Mặc dầu không chuyên nhưng nghi thức mời khách quý Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng duyệt đội danh dự sau khi đội quân nhạc nhà trường trỗi quốc thiều Việt - Pháp đã rất bài bản lịch lãm! Lúc tham quan, người hướng dẫn đã không quên lướt qua lịch sử ngôi trường đặc biệt này.

Năm 1814, các sinh viên ra mặt trận phòng thủ Paris chống lại quân Phổ xâm lược. 1830: 50 sinh viên tham gia Cách mạng tháng Bảy 1914 - 1918: Sinh viên sơ tán vì chiến tranh và trường được biến thành bệnh viện. Hơn 200 sinh viên bị thiệt mạng 1939 - 1945: trường được sơ tán đến Lyon trong vùng tự do. Hơn 400 sinh viên bị chết trong Thế chiến thứ II 1972: Sinh viên nữ đầu tiên được nhận vào trường 1976.

Tiền thân của trường Bách khoa là Trường École centrale des travaux publics được thành lập trong cuộc Cách Mạng Pháp.

Một năm sau, năm 1794, trường đổi tên thành École Polytechnique. Năm 1994, trường đã long trọng kỷ niệm 200 năm ngày thành lập. Tổng thống Pháp khi đó là François Mitterrand đã đích thân tới dự.

Trường X. còn là nơi đào luyện các nhân tài. Nhiều phi hành gia vũ trụ, nhiều nhà công nghiệp, các Tổng thống lẫn chính trị gia như Valéry Giscard d’Estaing (X1944): cựu tổng thống Pháp từ 1974 đến 1981. Sadi Carnot (X1857): cựu Tổng thống Pháp từ 1887 đến 1894. Francis Mer (X1959): cựu Bộ trưởng Tài chính Jean-Baptiste Eugène Estienne (X1879): “Cha đẻ” của xe tăng.

Một điều cũng lạ lùng là René Cogny - viên tướng thực dân (X1925) tổng tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp ở Bắc Kỳ 1953 - 1954, một trong những người có trách nhiệm trong thất bại của Pháp ở trận Điện Biên Phủ cũng đã được đào luyện ở trường này!

Ngoài ra còn có 4 vị thống chế chỉ huy quân đội Pháp trong Thế chiến thứ nhất xuất thân ở trường X. Hàng loạt các nhà khoa học trong đó có Fulgence Bienvenue (X1870): Cha đẻ của hệ thống tàu điện ngầm Paris.

Chất giọng người hướng dẫn như cao hơn khiến không riêng tôi mà nhiều vị khách Việt có mặt bữa nay đều bồi hồi: GS Hoàng Xuân Hãn từng học ở Bách khoa Paris (X.1930) rồi GS Trần Hà Anh (X.1959). Sinh viên Việt Nam đầu tiên ở trường bách khoa Paris là giáo sư Hoàng Xuân Hãn, X.1930.

Từ năm 1995, các sinh viên đến từ Việt Nam được tuyển chọn qua kì thi dành cho sinh viên nước ngoài. Nhiều trong số các sinh viên Việt Nam học tại đây đã từng đoạt huy chương trong các kì thi học sinh giỏi quốc tế toán và lý.

Sinh viên nước ngoài không được xếp hạng cùng sinh viên Pháp, tuy nhiên khóa X. 1997 có Ngô Đắc Tuấn có thứ hạng tương đương với thủ khoa của khóa. Sinh viên Việt theo học tại trường không nhiều nhưng đã làm được nhiều việc đáng khâm phục.

Ngoài việc học tập giỏi, nhiều năm nay họ còn tổ chức được một quỹ học bổng có tên là Đồng hành. Đây là việc làm khá công phu lẫn nhiệt huyết. Họ đã phối hợp với nhiều nhà tài trợ những người hảo tâm các doanh nhân Việt trên đất Pháp cấp học bổng cho nhiều sinh viên trong nước học giỏi nhưng có số phận éo le kém may mắn.

Hội trường rộng thênh đông chật các sinh viên- sĩ quan thuộc nhiều quốc tịch, nhiều nhất vẫn là những thanh niên Pháp. Bộ đồng phục của họ trong ánh đèn màu vàng ấm như tôn thêm vẻ trang nghiêm quý phái! Tất cả chú mục vào vị diễn giả là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Thi thoảng trường vẫn đón các nguyên thủ về thăm và thuyết trình trước các sinh viên như thế. Âm thanh của những tràng pháo tay từ những người trẻ dường như cũng mang một dư vị khác?

Sau bài phát biểu của Thủ tướng là chương trình đối thoại giữa Thủ tướng với sinh viên trường Bách khoa Paris. Câu hỏi của một sinh viên Pháp được coi là bất ngờ và thú vị khi Vason (tên của sinh viên) muốn biết sự cạnh tranh của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, cụ thể là phải cạnh tranh với những nước đang phát triển ở gần mình nhất chẳng hạn như Thái Lan như thế nào?...

Phần trả lời của Thủ tướng không chỉ khuôn trong phạm vi câu hỏi mà còn mở rộng thêm ở khu vực và thế giới, đặc biệt những con số, những dẫn chứng sinh động mà Thủ tướng đưa ra không một chút bối rối, nhầm lẫn hoặc phải hỏi thêm tùy tùng, đã gây nên sự ngạc nhiên lẫn thuyết phục cùng với sự hấp dẫn rất lớn đối với các sinh viên của trường và quan khách.

Lại những tràng pháo tay dậy lên hồi lâu trong hội trường. Bài phát biểu cùng với chương trình đối thoại với sinh viên ở một trường đại học danh tiếng của Pháp quốc, Thủ tướng Việt Nam như muốn gửi đến 5.000 sinh viên Việt Nam đang tu nghiệp trên đất Pháp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau thông điệp của niềm tự hào, sự tự tin vào vị thế mới của dân tộc.

Sự tự tin lẫn tự hào ấy còn là thông điệp đối với các trường đại học, các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực của nước Pháp đang có nhiều cách làm sáng tạo khi rộng mở vòng tay đón các sinh viên Việt Nam!

Thời giờ có hạn nên tôi chẳng thể gặp hết những thủ khoa mới đây như Cao Thị Phương Anh, quê ở Hải Phòng mới 22 tuổi, đang theo học ngành Hóa sinh. Những Nguyễn Trọng Cảnh, Khánh Hiệp, Nguyễn Hải Nam, Trần Quang Vũ... cùng những sinh viên khác nữa vừa chăm vừa học giỏi...

Lúc về khách sạn, tôi đã mở trang website www.donghanh.net theo lời dặn của cháu Hoàng Nguyên rằng nhớ truy cập sẽ có nhiều điều thú vị. Quả là thú vị và cảm động khi các bạn của Hoàng viết về những tấm gương sinh viên nghèo vượt khó ở trong nước được nhận Quỹ học bổng Đồng hành.

Xuân Ba
Từ Paris, Pháp

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.