Giấc mơ bềnh bồng của phà công ích

Đưa người sang thành phố. Ảnh: T.N.A
Đưa người sang thành phố. Ảnh: T.N.A
TP - “Nghe tin bến phà sẽ ngừng hoạt động, anh chị em đều hoang mang. Chúng em đã gắn bó với bến phà như với ngôi nhà của mình rồi” - chị Bảo nói.

> Thủ Thiêm, số phận một bến phà

Đưa người sang thành phố. Ảnh: T.N.A
Đưa người sang thành phố. Ảnh: T.N.A.
 

Chống chọi thời gian

Nói những người có đóng góp với thành phố lớn nhất Việt Nam, chắc chắn không thể bỏ sót những người đưa phà Thủ Thiêm.

Nhiều năm họ thuộc nhóm “lao động công ích”, cần mẫn tự nuôi sống mình, làm việc phục vụ cho công cuộc hiện đại hóa, công nghiệp hóa. Hàng chục triệu lượt khách được đón đưa đi làm việc. Đơn cử năm 2007 bến đón đưa 13.640.270 lượt khách. Doanh số 16,36 tỷ đồng.

Thành phố phát triển chóng mặt, giá cả mọi thứ tăng nhanh, riêng giá vé qua phà do thành phố quyết định, hiếm khi tăng! Giá xăng năm 2006 khoảng 12.000 đồng/lít, năm 2010 tăng lên thành 16.400 đồng/ lít. Giá vé đi phà từ năm 2006 đến năm 2010 thì … không đổi (đi bộ vé 500 đồng, xe đạp 1.000 đồng, xe máy 1.500 đồng, xe 4 chỗ 10.000 đồng).

Ông Tuấn, Trưởng phòng Quản lý phà và xe máy thiết bị (Công ty TNHH một thành viên Công trình Cầu phà TPHCM), phụ trách phà Thủ Thiêm nói: “40% chi phí cho bến phà là chi cho xăng dầu. Giá xăng dầu liên tục tăng ảnh hưởng thu nhập của anh chị em”.

Tận đầu năm 2011 giá vé qua phà mới được điều chỉnh (đi bộ vé 1.000 đồng, xe đạp 1.500 đồng, xe máy 2.000 đồng, xe 4 chỗ 14.000 đồng).

Những chiếc phà hột vịt không chỉ phải đối phó lạm phát mà còn phải cạnh tranh với cầu vĩnh cửu. Năm 2008 thông cầu Thủ Thiêm gần đó. Cầu Thủ Thiêm dài 1.250 m, 5 nhịp, 6 làn xe. Khách thích đi cầu hơn.

Chị Bảo nói: “Lương em hơn 4 triệu rớt xuống còn hơn 2 triệu, không đủ tiền xăng và chi phí đi làm”. Ông Dân, Phó giám đốc Xí nghiệp Phà Cát Lái - Thủ Thiêm nói: “Doanh thu từ 50 triệu đồng/ngày giờ chỉ còn khoảng 15 triệu đồng/ngày”.

Trước tình hình thua lỗ, bến phà Thủ Thiêm được sát nhập với bến phà Cát Lái. Nửa số công nhân được chuyển về bến Cát Lái, doanh thu bến Cát Lái điều chuyển về nuôi bến Thủ Thiêm. Thu nhập của công nhân được cải thiện, nhưng các chỉ số kinh doanh vẫn tụt giảm không dừng. Ông Dân nói vào thời hoàng kim mỗi ngày bến phà Thủ Thiêm đón tới 40.000 lượt khách nhưng cả tháng 9 - 2011 bến chỉ đón 236.107 lượt khách.

Mỗi tháng bến phà Thủ Thiêm đang lỗ từ 250-300 triệu đồng. Hầm Thủ Thiêm - hầm chui qua sông đầu tiên của Đông Nam Á dự kiến thông xe ngày 20 – 11 - 2011. Hầm nằm dưới đáy sông, mặt cắt ngang rộng 33,3 m cao 9m. Tốc độ ô tô lưu thông trong hầm đạt 60 km/giờ. Có lẽ hầm Thủ Thiêm là “quả đấm giao thông hiện đại” cuối cùng hạ gục bến phà Thủ Thiêm cùng những “cụ phà hột vịt”.

Ông Đức, Trưởng phòng quản lý phà và xe máy thiết bị cho biết: “Công ty chúng tôi đã có công văn xin thành phố cho chấm dứt hoạt động của bến phà Thủ Thiêm”.

Chị Bảo mong muốn bến phà được giữ lại
Chị Bảo mong muốn bến phà được giữ lại.
 

Người ở lại

Điều người ta an tâm, là dù chính công ty xin chủ trương đóng cửa bến phà nhưng công nhân đang tiếp tục làm việc với tinh thần trách nhiệm cao.

Bến phà, công việc cuốn hút chị Thủy. 52 tuổi chị vẫn độc thân và mỗi tháng đi làm 15 ngày, đẩy đóng mở cánh cửa sắt rất nặng ở bến phà. Sống và làm việc giữa môi trường khắc nghiệt, chị càng thêm kỷ luật.

Có lẽ hầm Thủ Thiêm là “quả đấm giao thông hiện đại” cuối cùng hạ gục bến phà Thủ Thiêm cùng những “cụ phà hột vịt”. Ông Đức, Trưởng phòng quản lý phà và xe máy thiết bị cho biết: “Công ty chúng tôi đã có công văn xin thành phố cho chấm dứt hoạt động của bến phà Thủ Thiêm”.

 

Chị vào ca lúc 6 giờ sáng, làm đến 10 giờ nghỉ hai tiếng ăn cơm, 12 giờ làm đến 4 giờ chiều, lại nghỉ ăn cơm hai tiếng. 6 giờ chiều làm đến 10 giờ đêm, ngủ đến 3 giờ 30 vội vã dậy để 4 giờ mở cửa cho khách. 6 giờ sáng giao ca.

Dù mưa hay nắng, bao nhiêu chuyến phà chị sẽ đóng mở cổng sắt bấy nhiêu lần. Chị mắc chứng gai xương, phải uống thuốc hàng ngày. Bác sĩ dặn phải cẩn thận, “đi lại nhiều dễ bị liệt”. Niềm vui của chị, ấy là mở cổng sướng hơn bán vé. “Bán vé ngồi một chỗ, ngửi khói xe rất hại người. Tuổi cao mà ngồi bán vé cả ngày, ít đi tiểu thì mệt lắm”.

Chị Nhạn bán vé được ngồi trong bóng mát suốt ngày. Người mua vé xuống phà phải qua đoạn đường dẫn hẹp, chỉ vừa đủ một vài xe máy đi vào. Đường dẫn cong vòng, có mái che, như cái lồng sắt. Ngồi trong đó, khuất tầm nhìn, chị chẳng biết lúc nào khách sẽ đi vào. “Buồn đi vệ sinh, thấy ai rỗi việc thì gọi nhờ bán giùm cho chút – Chị nói - Tất nhiên nhờ hoài không được, ai cũng có việc cả!”.

Thời hoàng kim, khách đông nhưng bến có hơn trăm con người, chia nhau làm. Giờ khách giảm, bến còn 44 anh em, mỗi ngày 22 người làm, công việc chẳng nhẹ đi được bao nhiêu.

Máy trưởng tên Tâm vào làm từ năm 1992, phân tích khái niệm “ca” thế này: “Đầu tiên một ngày 24 giờ chia ra làm ba ca. Mỗi ngày, một người chỉ làm một ca, hôm sau được nghỉ. Sau đó thì gom lại, ngày 24 tiếng, chia thành hai ca. Mỗi ngày mỗi người vẫn làm một ca, hôm sau nghỉ. Cuối cùng, bây giờ một ca là một ngày đêm”. Ừ, vẫn chỉ làm một ca thôi. Tâm cười nói: “Chia ca nhiều, phải giao ca, ảnh hưởng công việc đưa đón khách”.

Thuyền trưởng Hùng gắn bó với bến phà từ những ngày thống nhất
Thuyền trưởng Hùng gắn bó với bến phà từ những ngày thống nhất.
 

Tôi lên “cụ phà” hột vịt cùng anh Hùng thuyền trưởng. Anh sinh năm 1958. Xem sổ trực, anh chạy từ 6 giờ sáng đến 10 giờ trưa được 15 chuyến (mỗi “chuyến” là một cặp hai chiều đi - về). Nghỉ trưa hai tiếng, chiều anh chạy tới 4 giờ, được 12 chuyến. Nghỉ, ăn tối xong anh lái thêm 10 chuyến nữa rồi ngủ tại phà. 4 giờ sáng anh dậy lái đến 5 giờ 30.

Anh Hùng nói: “Ban đêm nghỉ được mấy tiếng, chúng tôi ngủ tại phà. Mắc võng ở dưới sàn phà chứ không lên phòng lái, sợ mất tài sản công ty. Các phà đều bật đèn để ngủ. Hồi trước trộm cướp dữ lắm. Nó trộm cả dây xích của phà”. Anh nào cảm sốt bất thường mới lên phòng nghỉ trên bờ.

Mưa lớn, phà ướt, chạy khắp boong tìm chỗ trú. Anh Hùng cũng nói: “Khó ngủ ngon giấc. Trên sông thuyền bè chạy luôn, lúc nào cũng nghe tiếng còi tàu, còi phà”.

Phà vượt sông đêm. Ảnh: T.N.A
Phà vượt sông đêm. Ảnh: T.N.A.
 

Giấc mơ bềnh bồng

Ông Tuấn, Trưởng phòng Quản lý phà và xe máy thiết bị (Công ty TNHH một thành viên Công trình Cầu phà TPHCM) nói nguyện vọng của công nhân muốn giữ lại bến phà để khai thác và tạo công ăn việc làm phù hợp với họ. Công ty đã có kế hoạch muốn chuyển đổi bến thành bến thủy nội địa, sau khi hầm Thủ Thiêm đi vào hoạt động vào cuối năm nay.

Ông nói: “Chúng tôi sẽ chuyên chở khách đi những tuyến đường gần, liên kết với các công ty du lịch trên sông. Nhưng, chưa biết ý kiến thành phố thế nào”.

Người ta cũng kháo nhau một doanh nghiệp nào đó muốn tiếp nhận khai thác bến. Thủ Thiêm là bến phà duy nhất trên sông Sài Gòn sử dụng hệ thống phao hỗ trợ, chìm nổi theo thủy triều, lúc nào bến cũng có thể tiếp nhận được ô tô, xe máy qua sông. Nếu không làm ăn công ích, chỉ kinh doanh, người ta sẽ giàu to.

Công nhân ai cũng biết, trừ những khoản đầu tư nâng cấp lớn kinh phí nhà nước rót xuống, tiền duy tu xây dựng hàng năm làm nên bến phà đều trích từ tiền thu được của chính bến phà, những đồng tiền ấy thấm mồ hôi của người công nhân bến phà Thủ Thiêm.

Anh Hùng thuyền trưởng nói anh em đang dao động, lo công ăn việc làm trong tương lai. Trên công ty khuyên anh em đừng lo, không ai bị thất nghiệp. Anh em cứ lo mình đông quá, 44 người, công ty không giải quyết hết được. Nhưng anh tin làm người nhà nước thì không lo bị đẩy xuống đường đâu.

Chị Bảo nói ban đêm đi phà “Nhìn qua bên kia sông thấy thành phố đẹp vô cùng. Tôi thấy dù sao cũng nên giữ lại những gì là lịch sử. Người dân thích đi phà, vì nó rẻ. Phà giúp nhiều cho người đi bộ, đi xe đạp”.

Thống kê tháng 9- 2011 phà đón khách đi bộ 69.999 lượt, xe đạp 13.570 lượt, trong khi ô tô các loại chỉ 335 lượt. Phà là tuyến giao thông ngắn và rẻ nhất để người quận 2 vào trung tâm thành phố.

Cầu mong của chị Bảo rất bé nhỏ, nhưng nếu được, chị sẽ ăn chay nhiều kiếp để cầu nguyện cho bến phà Thủ Thiêm tồn tại mãi.

10- 2011

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG