Giải thoát

Giải thoát
TP - “Hải tặc Somalia dí súng vào đầu các con tin, ép họ gọi điện về nhà”, thủy thủ Lưu Đình Hùng (Nghi Tiến, Nghi Lộc, Nghệ An) kể. Suốt 17 tháng, cảm giác hạnh phúc đến với thủy thủ hai lần: Được nghe tiếng người thân và được biết mình sẽ sống để về quê.

> Bị giam trên đất liền
> Ba ngày bị giam trong chuồng dê
> Suýt bị cướp biển thiêu sống
> Những cuộc đấu súng trên biển
> 500 ngày dưới họng súng cướp biển Somalia

Tàu Shiuh Fu No1 khi chưa bị hải tặc trấn cướp. Ảnh: Eaglespeak.us
Tàu Shiuh Fu No1 khi chưa bị hải tặc trấn cướp. Ảnh: Eaglespeak.us.

Kêu cứu

Dưới lùm cây thấp lòa xòa, toán cướp chặt thêm một ít cành làm rào chắn và tạo thành vòng vây canh giữ 26 con tin. Hoang mạc nắng như thiêu đốt, bầu trời không một gợn mây, các con tin kẻ đứng người ngồi xung quanh gốc cây, hứng chịu cơn khát. Thảng hoặc, những cơn mưa cuối chiều hiếm hoi trút xuống, khiến họ ướt sũng.

“Thà chịu nắng nóng còn hơn. Trời mưa khổ lắm, quần áo chỉ có vài bộ đồ mặc từ lúc lao động trên tàu Shiuh Fu No1. Toàn thân hôi hám khó chịu, mưa xuống lại càng thêm bứt rứt”, thủy thủ Lưu Đình Hùng nhớ lại.

Tết Nguyên đán qua đi lúc nào không hay. Đồng hồ, điện thoại, tiền bạc đã bị lột sạch ngay sau khi cướp biển tấn công tàu Shiuh Fu No1.

Các con tin dần dần mất khái niệm về không gian, thời gian. “Anh em thủy thủ đùa nhau rằng nếu được thả cho tự do, thì mọi người cũng sẽ chết đói, chết khát do lạc đường”, Nguyễn Văn Hải (Quỳnh Long, Quỳnh Lưu) nói.

Một ngày, tên chỉ huy bỗng xuất hiện, lệnh cho đám lâu la lôi thuyền trưởng, thuyền phó, máy trưởng, máy phó ra một nơi biệt lập, bắt gọi điện về cho chủ tàu.

Tiếp đến, từng con tin bị dí súng vào đầu, buộc phải gọi điện thoại về cho gia đình. “Sau nhiều tháng giam cầm, giờ được nghe giọng nói của bố mẹ, của anh chị em trong gia đình, ai nấy đều run lên”, thủy thủ Hồ Xuân Hương (Quỳnh Lưu) nhớ lại.

Giải cứu thủy thủ từ cướp biển Somalia. Ảnh: Reuters
Giải cứu thủy thủ từ cướp biển Somalia. Ảnh: Reuters.

“Mẹ ơi, con đây”, Hùng chỉ nói được một câu như vậy. Một họng súng đen ngòm áp sát mang tai. Từ đầu dây bên kia, bà Võ Thị Nhị lặng ngắt. Bà đứng như trời trồng.

Mừng quá, bà Nhị chạy xuống bếp kêu bà nội Trần Thị Tuân lên nghe máy. Nhưng khi bà nội của Hùng lật đật chạy đến thì đường dây đã mất tín hiệu, không còn nghe tiếng của Hùng nói nữa.

Thủy thủ Nguyễn Văn Hải cũng được yêu cầu điện thoại về cho gia đình. Hơn một năm bôn ba, Hải chỉ nhớ số điện thoại của anh trai Nguyễn Văn Thanh (sinh sống tại xã Quỳnh Long): “Anh ra nói với công ty tìm cách cứu em về, nếu không em sẽ bị bắn”.

Thanh động viên em: “Bọn anh đã cố gắng hết sức, em đừng lo, sớm muộn rồi em cũng được thả về”. Cùng lúc, thủy thủ Trần Minh Trí gọi về cho bố Trần Trường. Không có tín hiệu. Trí quay sang gọi vào số điện thoại của mợ Bùi Thị Phương (xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu).

Để khủng bố tinh thần, toán cướp đột ngột đưa 3 con tin ra khỏi nơi giam giữ và tung tin là 3 người này đã bị bắn chết.

Thủy thủ Trần Minh Trí
Thủy thủ Trần Minh Trí.

Từ huyện rẻo cao Tương Dương xa xôi, ông Lưu Đình Thu (bố của Lưu Đình Hùng) đang làm công trình nghe tin con điện về từ Somalia vội quáng quàng bỏ công việc, sấp ngửa chạy về xã Nghi Tiến, Nghi Lộc.

“Ruột gan tôi nóng như lửa đốt. Giá như tôi có thể chết đi để con tôi được sống, tôi cũng cam lòng”, ông Thu bảo, trong những tháng ngày Hùng bị bọn cướp bắt cóc, giam giữ, đã có lúc ông nghĩ đến cái chết.

Bà Võ Thị Nhị, mẹ thủy thủ Lưu Đình Hùng sinh chứng mất ngủ triền miên, chẳng làm nổi công việc gì. “Đêm đêm, tôi không dám vào trong nhà, tự dưng sợ bóng tối. Tôi nằm trên thềm, nhìn lên trời và chắp tay cầu khấn cho con, mong nó được bình an”, bà Nhị nói. Bà nội Hùng 79 tuổi, sức cùng lực kiệt, chiều nào cũng ra ngõ ngóng trông cháu.

Tại xã ven biển Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, ông Nguyễn Thanh Chớc (bố của thủy thủ Nguyễn Văn Hải) mân mê tờ giấy thông báo của Trung tâm Đào tạo- Xuất khẩu lao động và Du lịch (thuộc Cty Đầu tư Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Hà Nội) báo sự việc con ông bị cướp biển bắt cóc.

Sau cú điện thoại của Hải loan tin dữ là bọn cướp dọa sẽ “xử lý” từng con tin, ông đã rã rời. “Tôi mấy lần ra công ty, lần nào họ cũng động viên, nhưng tôi không thể ngồi yên được”, ông Chớc trần tình.

“Rất may là bọn cướp chỉ đe dọa”, Nguyễn Văn Hải nói. Cách đây chưa lâu, một người đồng hương của Hải là Trần Văn Trí (SN 1988, quê xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu), thuyền viên tàu Tai Yuan 227 (Đài Loan) và Nguyễn Tiến Anh, Nguyễn Khắc Hiếu (quê Hà Tĩnh) cũng bị cướp biển bắt cóc. Cả 3 thuyền viên bị hải tặc giam giữ suốt 7 tháng, sau đó được trả tự do.

Thoát khỏi hang ổ cướp biển

Thủy thủ Hải kể: “Người bị đánh đập nhiều nhất, hay bị trói nhất là thuyền trưởng. Ông ấy bảo, anh em thủy thủ còn trẻ, phải sống để trở về, ông già rồi có chết cũng không sao”. Mỗi lần bị mang ra trói, đánh đập, ông hét lên: Chúng mày có giết thì giết tao đi! Toán cướp cười cợt.

Thủy thủ Hồ Xuân Hương và bố
Thủy thủ Hồ Xuân Hương và bố.

Vẫn ngày hai bữa cơm không thức ăn và đội mưa nắng sống dưới gốc cây, 26 thủy thủ tàu Shiuh Fu No1 nhẫn nại cầu mong phép màu. Quả nhiên, sự chờ đợi của họ được đền đáp.

Một ngày đẹp trời, tên chỉ huy toán hải tặc đến, vui vẻ bắt tay từng người. Cướp biển Somalia bảo thuyền trưởng phiên dịch lại với thủy thủ: “Ngày mai, tất cả sẽ được trả tự do, sẽ có tàu đến đón”.

“Anh biết là lúc nghe tin đó, anh em thủy thủ sung sướng thế nào không?”, Nguyễn Văn Hải hỏi tôi, đoạn nhảy cẫng lên, reo: “Anh em ơi! Chúng ta thoát chết rồi”. Gương mặt lấm tấm mồ hôi, Hải thở dốc: “Như chết đi rồi được sống lại! Đêm đó, chẳng ai ngủ được”.

Sáng 17-7-2012, các thủy thủ được đưa ra bãi biển. Một chiếc tàu ghé vào bờ, thả xuống hai ca-nô. Sóng lớn, hai ca-nô vừa tấp vào đã bị ngập nước, chết máy.

“Đó là giây phút hồi hộp, căng thẳng, ai cũng muốn nhanh chóng được ra khỏi đất liền, thoát khỏi hang ổ cướp biển”, Lưu Đình Hùng nói. Vài chục phút yên lặng, chợt có tiếng động cơ gầm rú phía xa, một chiếc máy bay trực thăng quần đảo trên đầu và thả thang dây xuống, 26 người lần lượt trèo lên và vài phút sau họ đã trên boong tàu đậu ngoài khơi.

Tại đây, các thủy thủ được phát quần áo, tắm giặt, ăn uống dưỡng sức và nghỉ ngơi. Con tàu trực chỉ hướng Tanzania và sau 3 ngày đêm trên biển, các thủy được đưa vào đất liền.

Lúc 15h10’ ngày 24-7, toàn bộ 12 thủy thủ về đến sân bay quốc tế Nội Bài, trong niềm vui nghẹn ngào của người thân. “Đó là một chuyến phiêu lưu kinh hoàng”, thủy thủ Lưu Đình Hùng rùng mình. Hỏi, liệu tới đây anh có dám mạo hiểm đi đánh cá ngừ ở vùng biển có hải tặc một lần nữa không? Hùng cười cười: “Nếu bố mẹ cho đi, em sẽ đi”.

Chẳng biết anh nói thật hay đùa…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG