Hai mối tình của hai chàng trai chạy thận

Hai mối tình của hai chàng trai chạy thận
TP - Ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) có hai chàng trai phải chạy thận suốt đời. Tương lai tưởng mờ mịt, nhưng tình yêu nâng đỡ họ, cho họ một tổ ấm gia đình và tiếp thêm sức mạnh trong cuộc chiến đầy cam go với thần chết...

Câu chuyện về người đàn ông vắt kiệt sức mình để cứu con khỏi thần chết cứ ám ảnh dai dẳng tôi từ mấy năm nay.

Ông Phạm Văn Hiệu - Dân tộc Mường ở huyện miền núi Cẩm Thủy (Thanh Hóa) đã bán hết tài sản để đưa cậu con trai Phạm Văn Hùng ra bệnh viện Bạch Mai chạy thận để kéo dài sự sống.

Nhưng rồi số tiền ít ỏi ông mang theo cũng hết  khi mà chi phí cho một lần lọc thận tốn khoảng  gần tạ thóc ở quê.

Chẳng thể khoanh tay nhìn con chết, ông Hiệu đã đi bán máu, làm thuê, đã dầm mình trong nước mùa đông vứt bèo nuôi lợn... lần hồi kiếm từng đồng tiền lẻ để đủ một cục tiền chẵn cho con một tuần 3 lần đi chạy thận.

Thế rồi, ông gắn bó với nghề bán nước sôi trong bệnh viện Bạch Mai. Sáng, trưa, chiều tối, đêm khuya, ông  đun đặt bếp than tổ ong ở gốc cây xà cừ phía góc bệnh viện, đun nước rồi cầm chiếc làn có mấy cái phích, đi trên các hành lang hun hút gió. Cậu con trai nước da xanh mét, hay nở nụ cười hiền mà chất chứa nỗi buồn, ngồi trong căn trọ tồi tàn ở xóm chạy thận, chờ bố về.

Trò chuyện với ông Hiệu  ở gốc cây xà cừ lần ấy, tôi động viên ông hãy lạc quan nhưng mà trong lòng đầy ái ngại và và tự hỏi chẳng biết với cái làn nước sôi ấy, ông có cứu nổi con trai mình? Chẳng biết lần sau đến  có gặp lại bố con ông nữa hay không?

Bốn năm sau, tôi quay lai, gốc cây xà cừ. Không còn chiếc bếp than tổ ong nữa, gần đó là chiếc quán cóc nằm bên góc tường. Ông Hiệu đang ngồi bán hàng, cạnh đó Hùng và một cô gái khác tất bật phục vụ khách. Ông Hiệu rót chén nước chè, bảo: “Tôi cũng có một số cái mới chú ạ”.

Sau một thời gian bán nước sôi ở bệnh viện, bệnh vôi hóa cột sống khiến ông Hiệu nén cơn đau trong những bước đi. Đúng lúc cùng quẫn ấy, ông được nhượng lại một chỗ để bán quán trong góc bệnh viện Bạch Mai, mỗi tháng phải trả 1 triệu đồng.

Ông Hiệu từ giã chiếc làn đựng mấy cái phích nước và bếp than tổ ong, ngồi vào quán cóc bán những thứ hàng tạp hóa cho khách đi bệnh viện. Nhờ cái quán cóc ấy, thu nhập của hai bố con ông khấm khá hơn trước. Hùng lại xin được bảo hiểm người nghèo, chạy thận miễn phí. Cuộc sống của hai bố con đã thay đổi hẳn kể từ khi Hùng có vợ, một điều mà ngay cả chàng trai này cũng không dám nghĩ tới.

“Chuyện em lấy vợ cũng bất ngờ với cả chính em. - Hùng kể - Sau những ca chạy thận, một vài  bác sỹ vẫn thường ra đây uống nước và khuyên bố là  nên lấy vợ cho em. Về mặt y học, người đàn ông bị suy thận vẫn lấy vợ và sinh con bình thường. Trong thâm tâm, em không muốn lấy vợ vì mình bệnh tật thế này, lấy vợ sinh con lại thêm gánh nặng...”.

Nhưng ông Hiệu lại rất muốn con trai mình lập gia đình. Hùng cũng đã 30 tuổi, chẳng lẽ cứ ở vậy mãi. Thế là ông lên đường về quê tìm vợ cho con trai. Có người giới thiệu cho ông Hiệu một cô gái sinh năm 1979 ở huyện Hậu Lộc. Về Hậu Lộc ông gặp Luận (tên cô gái) và thật thà kể lại hoàn cảnh cũng như nguyện vọng của gia đình mình.

Nói xong ông cũng chẳng dám tin là cô gái có vẻ bề ngoài hiền lành, dễ coi ấy sẽ nhận lời. Nhưng Luận đã đồng ý ra Hà Nội tìm hiểu Hùng vì con trai ông Hiệu không thể xa chiếc máy chạy thận ở bệnh viện Bạch Mai.

Thế rồi Luận ra Hà Nội và  ở ngay trong ngôi nhà trọ của bố con ông Hiệu để Hùng có cơ hội gần gũi chuyện trò. Xưa nay có lẽ chẳng ai đi lấy vợ lại có được cái “đặc ân” ấy.

Tuần trăng mật, chú rể 3 lần đi chạy thận

Sau một tháng, Luận và Hùng đã phải lòng nhau. Ông Hiệu vui lắm, đưa cả hai về quê làm lễ cưới. Ngày 26/1/2007, đám cưới của đôi trai gái này đã diễn ra với những nghi lễ cổ truyền của huyện miền núi xứ Thanh nhưng ngay sau đó chú rể phải ra Hà Nội để... chạy thận.

Chẳng thể có tuần trăng mật ở một nơi nào đó lãng mạn vì Hùng một tuần phải chạy thận 3 lần. Nhưng Luận chẳng vì thế mà tủi thân, cô nhanh chóng bắt tay vào vun vén cho cuộc sống mới đầy những lo toan.

Cả gia đình ở trong một căn nhà trọ gần trường đại học Kinh tế Quốc dân với giá 2 triệu đồng/tháng. Căn phòng cũng rộng rãi đủ cho 4 người sinh hoạt: vợ chồng Hùng, ông Hiệu và cô em gái đang học năm cuối trường Cao đẳng công nghiệp Hà Nội.

Thế rồi, niềm vui đã đến với căn nhà trọ ấy: Luận có thai. Ông Hiệu đã vui đến phát khóc, chẳng ai ngờ đứa con trai đã từng có lúc mạng sống phải tính từng ngày vì thiếu tiền chạy thận giờ đây sắp sửa làm bố.

Nhưng niềm vui ấy cũng đi liền với nỗi buồn khi mà vợ ông Hiệu ở quê phát hiện bị ung thư vòm họng. Ba tháng liền ông Hiệu ngày nào đưa đón vợ đến viện K điều trị. Thêm một làn nữa, người đàn ông này phải gồng mình lên để cứu người thân của mình khỏi lưỡi hái của thần chết.

Sau khi bệnh tình thuyên giảm, ông đưa vợ về quê. Cậu con trai út Phạm Lê Mạnh đang học dở lớp 12 ở Hà Nội cũng phải về Cẩm Thủy để chăm sóc mẹ. Thành ra “một  nhà hai bếp” mà bếp nào cũng cần tiền. Trăm khoản phải chi trong thời buổi “bão giá” đều trông vào quán cóc ở bệnh viện Bạch Mai.

Trong một buổi chiều Hà Nội bừng nắng sau đợt rét dài, nét mặt Hùng trở nên đầy tâm trạng: “Có gia đình rồi, em cảm thấy vui, hạnh phúc hơn nhiều, nhưng mà cũng lo hơn. Sức khỏe bố ngày một yếu đi, tương lai vợ con em chẳng biết sẽ ra sao? Nhưng mà 13 năm chạy thận ở đây em đã sống bằng niềm lạc quan nên mới có thể vượt qua mà lấy vợ sinh con”.

13 năm chạy thận, bây giờ các khớp xương của Hùng thỉnh thoảng lại nhói đau vì chất độc không không được lọc hết ra ngoài. Muốn giảm đau, Hùng phải  chạy thận ở máy “siêu lọc”  nhưng phải tốn 3 triệu đồng/lần nên chàng trai này đành nghiến răng chịu đựng.

Ngày nào Hùng cũng dậy sớm tập thể dục, rồi dọn hàng, cả hai vợ chồng phụ giúp bố từ sáng đến 9 giờ tối mới nghỉ. Họ chắt chiu từng đồng, chắt chiu từng niềm vui nho nhỏ để chờ  mong đứa con ra đời. Đó đang là  liều “doping” giúp cho Hùng vượt qua căn bệnh quái ác đã “chung thân” với mình như là định mệnh. Nhưng dường như định mệnh đã chào thua tình yêu...

Chữa bệnh, nuôi vợ con trong cơn “bão giá”

Hai mối tình của hai chàng trai chạy thận ảnh 1
Tuấn hàng ngày đánh giầy lấy tiền chữa bệnh và nuôi vợ con trong cơn “bão giá”

Một chàng trai ngồi đối diện với tôi và Hùng bên góc đường, đang lặng lẽ đánh giày cho khách. Khi tôi đến hỏi chuyện, anh ngẩng đầu lên, để lộ nước da trắng xanh nhợt nhạt. Nước da chung của những người suy thận. Hùng bảo: “Hoàn cảnh anh Tuấn đây còn khó khăn hơn em”.

Tuấn kể chuyện đời mình, mặt buồn rười rượi: “Quê em ở huyện Mỹ Lộc (Nam Định), tốt nghiệp trung học phổ thông em xin đi làm công nhân ở Cty ngọc trai Hạ Long. Đi làm một thời gian em phát hiện mình bị bệnh viêm cầu thận nhưng chủ quan, cứ mải miết theo công việc cho đến khi bị suy thận nặng…”

Bệnh nặng khiến Tuấn phải nghỉ việc, lên bệnh viện Bạch Mai chạy thận. Tuấn đi chữa bệnh mà tay trắng, tất cả chỉ trông vào bảo hiểm người nghèo bởi hoàn cảnh gia đình cũng rất gieo neo. Ở quê chỉ còn người mẹ già yếu, bố sống với bà vợ hai tận Nam Đàn (Nghệ An) kinh tế cũng khó khăn, anh em bà con đều nghèo chẳng thể giúp đỡ. Nhưng trong cơn khốn cùng ấy, Tuấn luôn có  người vợ hiền bên cạnh.

Tuấn và Trang yêu nhau khi cả hai đều làm công nhân ở nhà máy ngọc trai. Sau khi cưới một thời gian, biết mình bị bệnh nặng, Tuấn đặt vấn đề muốn giải phóng cho Trang, sợ đời cô sẽ khổ nếu cứ gắn bó với một người đàn ông đã phải chạy thận suốt đời. Nhưng Trang không chấp nhận, cô bỏ việc lên Hà Nội chăm sóc chồng. Hai vợ chồng thuê một căn phòng trọ nhỏ xíu ở xóm chạy thận.

Thế rồi, căn phòng nhỏ xíu ấy đã vang lên tiếng khóc trẻ thơ khi Trang sinh bé gái đầu lòng. Gia đình bé mọn ấy thêm niềm vui mà cũng thêm biết bao nỗi lo toan. Trang ở nhà trông con, nội trợ, Tuấn vừa chạy thận vừa đi làm kiếm tiền trong khi đáng lẽ với bệnh tình như vậy, anh phải được nghỉ ngơi.

Mùa hè Tuấn bán trà đá. Mùa đông Tuấn đánh giày. Những đồng tiền lẻ kiếm được phải dành mua thuốc cho mình, mua sữa, mua bỉm… cho con, trang trải cho sinh hoạt hàng ngày.

Nếu ngày nào không đi chạy thận, Tuấn kiếm được khoảng 40.000 đồng. 40.000 đồng, quá ít cho một gia đình trong cơn “bão giá”, quá ít đối với một người bệnh như Tuấn, và không đủ cho những dự định của chàng trai này cho tương lai.

Nhưng nếu một ngày nghỉ đánh giày hay bán nước thì Tuấn cũng không thể có 40.000 đồng và vợ con có nguy cơ nhịn đói. Vậy nên trong những ngày Hà Nội rét đậm, rét dài kỷ lục vừa rồi, Tuấn vẫn phải run rẩy đánh giày cho khách cho dù sức đề kháng của người suy thận rất kém, cho dù gió lạnh khoan buốt từng đốt xương. Chỉ khi về căn nhà trọ, nhìn thấy vợ con, Tuấn như quên cả mùa đông và bệnh tật…

Tuấn tâm sự với tôi: “Em bây giờ sẽ phải xoay vần với những công việc tự do như đánh giày bán nước. Em là bố nhưng không thể lo cho tương lai của con mình được rồi. Vợ cũng động viên em, nói nhiều về tương lai nhưng chẳng có hướng  nào cụ thể.

Em chỉ mong vợ được Cty nào đó ở Hà Nội nhận vào làm nếu không thì với tình hình giá cả leo thang thế này, gia đình em không thể nào cầm cự nổi. Mình thế nào cũng xong, nhưng cứ nghĩ đến con gái mới 1 tuổi  trong căn phòng trọ tồi tàn, không đồ chơi, không sữa bột, em lại rơi nước mắt…”.

Tuấn cúi mặt đánh đôi giày cho khách sáng bóng. Bên kia, Hùng đang tất bật bán hàng. Hai chàng trai  phải “chung thân” với bệnh viện nhưng đang tự tìm lối thoát cho cuộc đời mình. Ngày mai họ lại lên lên giường để chạy thận, lại bắt đầu một cuộc chiến đấu mới...

Tôi ra về từ góc bệnh viện Bạch Mai mà  hình ảnh hai chàng trai ấy cứ ám ảnh mãi. Tôi viết những dòng này không chỉ để kể về hai số phận, hai chuyện tình, mà còn hy vọng bạn đọc sẽ giúp đỡ, tiếp sức cho Hùng và Tuấn trong cuộc chiến đầy cam go này.

MỚI - NÓNG