Chuyến thăm hữu nghị Trung Quốc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Hải Nam, đêm nằm năm nghĩ…

Hải Nam, đêm nằm năm nghĩ…
TP - Chuyến thưởng lãm thắng cảnh đầu tiên trong chặng dừng chân ở Hải Nam trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Hoa của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại là một ngôi đền...
Hải Nam, đêm nằm năm nghĩ… ảnh 1
“Hải Khẩu thế kỷ đại kiều” bắc qua sông Nam Đô, thành phố Hải Khẩu thủ phủ của tỉnh Hải Nam

Hải Nam bây giờ thiên hạ đã ví là Hawaii của phương Đông. Thoạt đầu, tôi cứ lẩn thẩn rằng Hải Nam đâu thiếu những danh lam thắng tích  với các địa danh những sông Vạn Tuyền, núi Đông Sơn- Một thánh địa Phật giáo của đảo Hải Nam.

Rồi tượng Nữ Hồng quân, xóm Phong tình Indonesia, thành phố Hưng Long, Vườn thực vật nhiệt đới Hưng Long với nhiều loại cây trái gần gũi với Việt Nam.

Rồi những Vịnh Á Long, Lục Hồi Đầu, Đại Đông Hải, Quảng trường trung tâm Vịnh Á Long, Trung tâm Triển lãm vỏ sò, vỏ trai với diện tích hơn 3.000m2, Làng dân tộc Lê, Miêu, núi Ngũ Chỉ Sơn (cao nhất đảo Hải Nam)...

Vậy mà chuyến thưởng lãm thắng cảnh đầu tiên trong chặng dừng chân ở Hải Nam trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Hoa của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại là một ngôi đền.

Đó là một ngôi đền được xây từ thời nhà Thanh năm 1889, có tên là Ngũ Công tự để tưởng niệm 5 vị đại thần nhà Đường, Tống bị cách chức rồi bị đày ra đảo Hải Nam. Đó là Lý Đức Dụ (787-850), Lý Cương (1083-1140), Triệu Đĩnh (1085- 1147), Lý Quang (1077-1159), Hồ Toàn (1102-1180).

Lý Đức Dụ là bậc danh tướng đời Đường. Còn bốn vị kia là nạn nhân của gian thần Tần Cối. Đảo Hải Nam thuở các vị ấy bị đày ra còn có tên là Quỳnh Châu. Đó là một vùng biên viễn, nơi các triều đại phong kiến đày biệt xứ cho nhụt chí, cho chết dần chết mòn những người bất đồng chính kiến hay ngang ngạnh cự chống triều đình. 

Không chỉ có 5 vị đại thần ấy. Có một địa danh mà ngành du lịch Hải Nam bây giờ nổi danh và cuốn hút du khách là đền Tô Công và trường học Tô Đông Pha.

Thi sĩ kiêm quan chức Tô Đông Pha (một trong Đường Tống bát đại văn gia. Cũng cần nói thêm, suốt cả bảy thế kỷ, Trung Hoa chỉ lựa được tám văn hào lớn nhất thì riêng họ Tô đã chiếm 3: Tô Tuân (1009-1066), Tô Thức tức Tô Đông Pha (1037-1101), Tô Triệt (1039-1112).

Năm nhà còn lại là Hàn Dũ, Liễu Tông Nguyên, Âu Dương Tu, Vương An Thạch và Tăng Củng đời Tống). Tô Đông Pha không ủng hộ những chính sách tân cải cách của những Vương An Thạch, Chương Đôn đã trải bốn bận bị lần lượt cách tuột hết chức và cũng tuần tự qua 4 chặng đày ải từ Nam Kinh đến đảo Hải Nam.

Trung Hoa thuở trước từng có câu Quỳnh Châu tích hà xứ? Tích cận qủy môn quan (Quỳnh Châu là ở chốn nao? Phải chăng sắp sửa lạc vào xứ ma?- NV dịch).

Tôi không muốn nói 36.000 km2 để hình dung ra hòn đảo rất gần với Việt Nam về địa lý này mà tạm tính diện tích bằng cách lấy độ dài từ Hà Nội quá Vinh và bề rộng cũng tính từ Hà Nội vào Cầu Bùng của đất Nghệ An.

Không phải là lớn lắm, không phải là hoang đảo nhưng thuở ấy thi sĩ Tô Đông Pha, tuổi đã cận 60 với người con trai lẻo khẻo theo cha đi đày, nếu chỉ loanh quanh với xứ lam sơn chướng khí với nạn ruồi vàng muỗi vắt luôn đói ăn- như nhật ký của Tô Đông Pha là có ngày từng phải hớp ánh nắng ban mai cho lại người - thì cũng đủ nhụt chí, nhược người.

Nhưng Tô thi sĩ và con trai đã biết chuyển hung thành cát biến dữ thành lành, khắc phục chịu đựng gian nan hòa đồng với dân địa phương khi ấy người Trung Hoa cho là man di mọi rợ. Trong hoàn cảnh đày ải bi đát, Tô Đông Pha  vẫn vừa viết sách vừa mở trường học để truyền thụ học vấn, quảng bá thi, thư, lễ, nhạc làm công việc giáo hóa văn minh cho người dân tộc Lê lạc hậu.

Động cơ, nghị lực nào để Tô Đông Pha làm được việc ấy? Đêm đầu tiên đến Hải Nam đốt đèn lên thấy mối bu lại đặc phòng. Vật gì cũng mốc meo, đồ sắt đồ đồng mấy tháng là rỉ sét hết. Bao giờ mới thoát khỏi được hòn đảo này? Nhưng rồi tôi thấy có nhiều ông bà già trên đảo thọ cả tám chín chục tuổi, trăm tuổi.

Con kỳ nhông có thể sống trong cát bỏng, trứng tằm vùi dưới tuyết mà không hư. Các nông dân vô học có thể không biết gì đến bí mật của hóa công nhưng theo bản năng mà thích ứng với thời tiết hoàn cảnh như kỳ nhông như trứng tằm.

Vũ trụ bốn bề mênh mang là nước vậy thì đâu mà chẳng phải trên một hải đảo? (trích nhật ký) và ông làm thơ Hoa Di lưỡng tôn hợp. Tuý tửu nhất bôi đồng (Rượu Hoa hòa với rượu Di/Hai ta cùng cạn sầu đi đường nào?- NV dịch).

Hơn 4 năm đày ải ở Hải Nam, cha con Tô Đông Pha đã làm được rất nhiều việc có ích, khi cha con ông hết hạn lưu đày được trở về Nam Kinh, dân chúng tộc Lê ở đảo Hải Nam đã lập đền thờ sống ông để ghi cái ơn giáo hóa.

Có điều trùng hợp kỳ lạ là ngoài Tô Đông Pha, năm vị đại thần kia và cả ông quan Hải Thụy đời Minh (vở kịch Hải Thuỵ bãi quan từng là vũ khí kinh khủng của phe này phe khác trong cuộc đại cách mạng văn hóa) sau này cũng từng bị biếm ra Hải Nam, tất cả các vị đều có chung một chí, một quyết tâm nhằm giáo hóa dân chúng bằng cách mở trường dạy học ở chốn vùng sâu vùng xa này.

Năm tháng qua đi, lịch sử đã từng có những độ lùi này khác để minh định thẩm chứng nhưng đến giờ vẫn nguyên vẹn ân đức và ơn khai hóa mà các vị quan bị đày ải kia mang lại cho dân đảo Hải Nam.

Ngày nay, ngoài di tích trường học Tô Đông Pha có tuổi thọ ngàn năm, đền thờ Ngũ công lẫn Tô công nằm kề nhau lúc nào cũng nườm nượp người tứ xứ đến chiêm bái, tham quan.

Thăm đền về, tôi chợt nhận ra, hình như bạn muốn chia sẻ với chúng ta thông điệp của Tô Đông Pha để lại cho hậu thế của hòn đảo này, cao rộng hơn thế với dân tộc Trung Hoa qua những dòng nhật ký non ngàn năm trước rằng, thuật sống chỉ đơn giản là sự thích nghi với hoàn cảnh! 

Trên nền tảng của sự thích nghi hòa đồng tự lực tự cường ấy mà từ khi Hải Nam tách khỏi tỉnh Quảng Đông (năm 1988) trở thành tỉnh riêng đồng thời cũng là một đặc khu kinh tế của Trung Quốc. Từ đó, Hải Nam không ngừng cất cánh, kinh tế ngày một xôm tụ phát đạt.

Cảng nước sâu, nhà máy lọc dầu... nằm trong một tổ hợp công nghiệp khổng lồ có tên gọi là Dương Phố với tổng diện tích trên 9,2 km2 là điều quan tâm trước tiên đồng thời cũng là thế mạnh của Hải Nam trong buổi tham quan đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến thăm hữu nghị chính thức CHND Trung Hoa.

Trên vị trí trang trọng của Đặc khu kinh tế Dương Phố lưu lại những tấm hình cỡ lớn lần các nhà lãnh đạo Trung Quốc như Hồ Cẩm Đào, Lý Khắc Cường, Giả Khánh Lâm, Ngô Nghi, Tăng Khánh Hồng đến thăm Dương Phố. 

Chắc phải là tầm cỡ như thế nào đó thì chỉ mới 3 năm nay thôi mà  những trụ cột lương đống của Trung Hoa mới tìm về Dương Phố này để tham quan động viên khuyến khích. Phó tỉnh trưởng cùng GĐ Đặc khu cũng nhân thể kêu gọi mời chào Việt Nam nên quan tâm khai thác triệt để những tuyến đường biển qua Hải Nam, phần để làm ăn với Hải Nam với Trung Quốc và cũng để nối mạng với quốc tế.

Dương Phố - Hải Phòng chỉ hơn 200km đường biển. Rồi gần hơn khi nối thêm với những cảng Đông Bắc Quảng Ninh, với Móng Cái. Rồi tính xa hơn với Đà Nẵng với TPHCM, xa hơn những biết bao cái lợi nhỡn tiền…

Rồi  còn rất nhiều điều mà ta phải học, phải trăn trở để tìm ra lời giải rằng tại sao cùng một thế, một mặt bằng xuất phát không chênh nhau mấy, bạn lại đang cất cánh? Tại Diễn đàn doanh nghiệp doanh nhân hai nước, Thủ tướng thẳng thắn bộc bạch như thế.

Thử ngược chiều thời gian, chợt ngạc nhiên  từ mấy năm trước, năm 2004,  GDP bình quân đầu người, Hải Nam xếp hàng 16 trên thế giới. Hệ thống đường cao tốc bao quanh, ngang dọc khắp đảo. Chúng tôi đã có buổi xuyên đảo từ Hải Khẩu đến Dương Phố non 200km trên xa lộ một chiều mới xây với vận tốc 120km/h.

Bốn cảng nước sâu và 3 sân bay dân dụng quốc tế Đông Phương, Ngũ Chí Sơn, Bá Ngao (từ nay đến năm 2020, Hải Nam sẽ đầu tư xây dựng thêm 5 sân bay nữa hình thành hệ thống vận tải hàng không hoàn chỉnh trên cả 4 hướng. Điều này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của Hải Nam).

Hệ thống đường thủy bộ, hàng không như thế đã khiến cho hòn đảo cô quạnh thuở nào của Tô Đông Pha càng thân gần với cả thế giới. Có lẽ không ít người cũng phải giật thột bởi không biết làm cách nào mà mỗi năm, hòn đảo 8 triệu dân với diện tích 34 ngàn cây số vuông này đã  hút được tới 15 triệu lượt khách du lịch nội địa và 4 triệu du khách nước ngoài.

Trên ban công tầng  5  của khách sạn Sheraton dạt dào nắng gió, tôi đưa mắt  suốt lượt thầm đoán xem những ô cửa nào từng lưu giữ khuôn hình của các người đẹp khắp hành tinh đến Hải Nam, ở tại khách sạn này để dự cuộc đọ tài khoe sắc trong hai cuộc thi hoa hậu thế giới được tổ chức ở chính khách sạn này mà cuộc thi mới nhất diễn ra cuối năm ngoái?

Trương Tử Lâm mới vừa đến Việt Nam đã từng ló ra ở ô cửa nào vậy? Cũng tại hòn đảo này, tháng 4 năm nay đã từng diễn ra cuộc gặp lịch sử giữa Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào và Phó Tổng thống Đài Loan Tiêu Vạn Tường. Nội dung cuộc gặp chỉ diễn ra trong 20 phút và chủ yếu tập trung vào kinh tế và có lẽ đó là một biểu hiện sinh sắc của sự thích nghi lẫn hòa đồng?

Phải chăng không có mối thù nào truyền kiếp, không có phe phái nào vững bền chỉ có lợi ích gắn kết làm cơ sở cho các mối quan hệ? Rồi chủ đề của Hội nghị ASEM-7 mấy bữa nữa khai mạc tại Bắc Kinh có tên gọi là Đối thoại hợp tác cùng lợi cùng thắng!

Lưu lại ở Sheraton Hotel Hải Nam này dẫu chỉ một đêm nhưng những khách Việt chắc hẳn còn gẫm lâu hơn thế với những điều thu nhận được dẫu thoáng qua lẫn bất chợt ở hòn đảo được mệnh danh là Hawaii của phương Đông này.

MỚI - NÓNG