Hai ông “vua bếp” và duyên kỳ ngộ

Hai ông “vua bếp” và duyên kỳ ngộ
Duyên trời cho hai người đàn ông kỳ khôi ấy gặp nhau và gắn với nhau bằng một dự án nhân đạo, đó là sản xuất bếp “cháy” bằng năng lượng mặt trời để biếu không cho người nghèo khắp cả nước!
Hai ông “vua bếp” và duyên kỳ ngộ ảnh 1
Hans - Bích và những chiếc bếp NLMT đầu tiên thử nghiệm trên nóc nhà của Hans tại Thanh Nhàn (Hà Nội, năm 1999)

Một ông Tây sau chuyến du lịch đến Việt Nam từ 22 năm trước, vì mải mê với đất và người nơi đây đã “quên” đường về xứ sở hoa tuy-líp quê nhà.

Một anh chàng nông dân nghèo quê Bình Sơn – Quảng Ngãi từ sáng tới chiều đánh vật với cái cuốc, con trâu, đêm đêm lại chong đèn tự học... tiếng Anh, cái thứ ngôn ngữ mà thời ấy đi khắp cả làng cả tổng cũng chẳng biết đem ra nói với ai. Và họ gặp nhau...

Chuyện của ông Hans

Hans Van Beek, 54 tuổi, chưa vợ con. Hans sinh ra và lớn lên ở thành phố Rotterdam Hà Lan, nơi có đội bóng nổi tiếng Feyenoord, cũng là quê hương của danh thủ Ruud Gullit.

Sau Thế chiến thứ 2, quê hương, gia đình Hans nghèo kiệt quệ. Trong nhà Hans có một người bỏ mạng vì cuộc chiến, còn lại tất cả đều mang theo những vết thương tinh thần khủng khiếp. Sau khi học xong phổ thông, anh theo học ngành bách khoa ở Dordrecht.

Vì nhà nghèo nên việc học của Hans gặp rất nhiều khó khăn. “Tôi bị ám ảnh bởi chiến tranh và cái nghèo từ rất sớm, cho đến tận hôm nay” - Anh tâm sự.

Năm 1983, lần đầu tiên Hans sang Việt Nam trong chuyến du lịch 10 ngày. “Việt Nam khi ấy mới bước qua chiến tranh được 8 năm, bạn cũng biết đấy, thật giống đất nước tôi ngày trước.

Cả một quá khứ sống dậy, ngay lập tức, tôi hiểu rằng tôi thật khó rời xa đất nước này. Tôi nghĩ mình phải làm cái gì đó, dù thật nhỏ bé, để giúp đỡ người dân nơi đây. Ngày ấy hầu như rất ít người ngoại quốc đến Việt Nam, nói gì đến chuyện ở lại lâu dài”. – Hans nhớ lại.

Để đạt được nguyện vọng, suốt mấy năm tiếp theo anh sang Việt Nam thêm 2 lần nữa, đồng thời viết rất nhiều thư cho các nhà đại diện ngoại giao của Việt Nam tại Hà Lan, bày tỏ mong muốn được ở lại Việt Nam học tiếng Việt và giúp đỡ Việt Nam bất cứ công việc gì bằng hết khả năng và sức lực của mình.

Rồi Hans mạo muội viết cả thư gửi Bộ trưởng Ngoại giao lúc ấy là ông Nguyễn Cơ Thạch. Năm 1989, sau lá thư gửi ông Thạch, anh cực kỳ vui sướng vì Bộ trưởng Thạch trả lời đồng ý tạo điều kiện cho Hans sang học khoa Tiếng Việt của Đại học Tổng hợp Hà Nội. Thế là từ đó anh chính thức gắn bó với Việt Nam.

Hans kể: “Hà Nội những năm ấy rất nghèo, cả thành phố tôi nhớ có mỗi một nhà hàng dành cho người ngoại quốc ở Phố Huế mà với túi tiền của mình tôi chưa bao giờ dám bước đến. Tôi may mắn được sắp xếp một chỗ ở tại Nhà khách Quốc hội.

Ngày ngày tôi đạp xe đi học, rồi chén cơm bụi. Ngoài giờ học, tôi đi dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em mù ở Trường khuyết tật Nguyễn Đình Chiểu và làm nhiều công việc tình nguyện khác. Một thời gian sau, không khí cởi mở hơn với người ngoại quốc, tôi đã có thể thuê một căn phòng ở khu “xóm liều” Thanh Nhàn. Ai cũng ngại, tôi thì không”.

Hai ông “vua bếp” và duyên kỳ ngộ ảnh 2
Hans “biểu diễn” nấu món sữa chua bằng bếp NLMT Parabon (tại Đà Nẵng 7/2005)

Lý do mà Hans đến ở “xóm liều” vì anh muốn thật gần gũi với những người nghèo, bất hạnh. “Và bởi bạn biết đấy, tôi có nhiều bạn bè ở Hà Lan - những người muốn tôi thay mặt họ để giúp đỡ Việt Nam. Họ cũng từng là nạn nhân của chiến tranh, nhiều người đang mang thương tật”. – Hans nói.

Anh cho biết, hiện một người bạn của anh là Fred cùng hàng trăm người bạn khác ở Hà Lan đang tổ chức một cuộc đi bộ thể thao thường niên đông tới hàng ngàn người để quyên góp tiền giúp những người nghèo, tàn tật ở khắp nơi, trong đó có Việt Nam.

Sống ở “xóm liều”, Hans thường xuyên chia sẻ phần cơm hàng ngày của mình cho những người nghèo, bệnh tật đến từ khắp nơi. Nhiều lúc anh còn giúp tiền đưa những người vô gia cư vào bệnh viện Thanh Nhàn chữa bệnh. “Nhưng tôi nghĩ như thế là chưa đủ, tôi vẫn luôn nghĩ đến một việc gì đó lớn hơn” – Hans tâm sự.

Dịp ấy đã đến trong một lần anh về thăm nhà ở Hà Lan. Đọc được một bài báo viết về ông Arie de Ruiter – một người chuyên chế tạo ra những cái bếp dùng năng lượng mặt trời để giúp đỡ người dân nghèo ở châu Phi, Hans lập tức nghĩ tới Việt Nam, và tìm cách liên lạc với ông Ruiter.

Ông ấy rất vui vẻ truyền đạt toàn bộ kiến thức làm bếp của mình và tặng Hans một cái bếp hình hộp. Anh liền mang cái bếp ấy sang Hà Nội đặt trên nóc nhà ở Thanh Nhàn để thử nghiệm... nấu cơm! Kết quả là hỏng bét. Không chịu bó tay, Hans mày mò nghiên cứu, mua vật liệu làm 5 cái bếp khác với nhiều cải tiến thay đổi.

Nhưng kết quả cũng chẳng khá hơn. Đúng lúc đấy, tình cờ anh lên mạng Internet quen một người nông dân ở miền Trung tên là Bích. Anh Bích mê học tiếng Anh, thường lên mạng tìm bạn để trao đổi ngoại ngữ...

Chuyện của Bích

Nguyễn Tấn Bích, 37 tuổi, một vợ 3 con, hiện đang ở xã Bình Mỹ, huyện Bình  Sơn – Quảng Ngãi, miền quê nghèo bậc nhất miền Trung. Học hết phổ thông, không có tiền lên đại học, Bích trở thành một nông dân như bao người khác trong làng tối ngày quần quật trên ruộng đồng.

Nhưng Bích khác họ ở chỗ anh rất mê... tiếng Anh, chả hiểu vì sao. Bích kể: “Thấy tôi học tiếng Anh cả làng ai cũng cười, vì tiếng Anh có bẻ ra ăn được đâu. Tôi học ở mọi lúc, mọi nơi. Khi Quảng Ngãi bắt đầu có mạng Internet, tôi dành dụm tiền lên thị xã la cà vào mạng tìm bạn bè.

Thế rồi, năm 1999, tôi quen anh Hân (Hans) qua những bức thư tiếng Anh. Tôi xúc động khi nghe anh kể về những người nghèo mà anh bắt gặp ở nhiều nơi. Một hôm anh viết thư cho tôi kể về những cái bếp được đun nấu bằng ánh nắng mặt trời, cùng ước mong của anh là làm sao ứng dụng được ở Việt Nam để đem tặng cho những người nghèo nông thôn, miền núi.

Tôi nghĩ ngay đến vùng cát nghèo miền Trung quê mình, nơi quanh năm thừa thãi nắng lửa. Kiếm được miếng ăn đã khó, để nấu chín lên mà ăn cũng không dễ dàng”. Sau đó anh Hân gửi cho Bích những tài liệu bằng tiếng Anh về những cái bếp kỳ lạ ấy.

Bích mày mò dịch và cảm thấy thú vị quá, liền nhảy xe đò ra Hà Nội. Anh mang cái bếp anh Hân lấy từ Hà Lan về quê mày mò tìm hiểu. Cái bếp này hình vuông bằng các-tông, bọc giấy bạc xung quanh để hút sức nóng mặt trời, bên trên có nắp đậy bằng nhựa plastic.

Hai ông “vua bếp” và duyên kỳ ngộ ảnh 3
Ngày hội bếp NLMT tại Ninh Hải – Ninh Thuận

Nắng vùng cát quê Bích dữ là thế, nhưng lấy bếp nấu thử thức ăn cũng không chín. Không nản, anh tháo tung chiếc bếp ra chế tạo lại thành hình tròn bằng cách ra chợ mua một cái thau nhôm để thay giấy bạc hút sức nóng mặt trời, và thay nắp đậy bằng một tấm kính nằm trong vành của một cái mâm, đồng thời thay đổi vị trí của tấm phản chiếu bên trên cho phù hợp với độ chiếu nắng.

Loay hoay sửa đổi mãi, cuối cùng anh cũng thành công. Rồi anh làm thêm 8 chiếc bếp như vậy đưa cho người làng sử dụng, ai cũng thích vì như có phép lạ, chẳng hề tốn than, củi mà đồ ăn vẫn chín ngon lành.

“Tôi liền viết thư mời anh Hân vào Quảng Ngãi. Khỏi nói anh ấy vui như thế nào. Mấy ngày ở thị xã, anh em tôi bàn đến việc phải lập một dự án giúp đỡ người nghèo ở miền núi, nông thôn bằng chính những cái “bếp mặt trời” này” – Anh Bích nhớ lại.

Sau đó, nhờ một người bạn giới thiệu, hai anh tìm gặp giáo sư Lê Quang Xưng – Giám đốc Đại học Đà Nẵng. Chứng kiến hiệu quả của bếp năng lượng mặt trời (NLMT) và xúc động trước tấm lòng của một người bạn nước ngoài như anh Hân, giáo sư Xưng liền giới thiệu đôi bạn Hans – Bích với Trung tâm Nghiên cứu Thiết bị áp lực và Năng lượng mới của Đại học Đà Nẵng.

Nhờ sự giúp đỡ của Trung tâm, cụ thể là tiến sĩ Hoàng Dương Hùng, bắt đầu từ năm 2000, Dự án Phục vụ năng lượng mặt trời (Solar Serve) của họ ra đời. Từ đó, anh Hân rời Hà Nội về ở hẳn tại Phòng trưng bày bếp NLMT của dự án tại thành phố Đà Nẵng (tại số nhà 222 - Nguyễn Tri Phương) với vai trò cố vấn dự án, còn anh Bích là giám đốc.

Giám đốc Bích còn  về làng mình mở một xưởng sản xuất bếp ngay tại nhà. Hiện xưởng của anh có 12 công nhân đều là những thương binh, người tàn tật, sinh viên, thu nhập hàng tháng mỗi người 700 ngàn đồng ...     

Chỉ mong bị ăn cắp bản quyền

“Tổ chức Solar Serve nhằm mục đích giúp cho các gia đình nghèo và hỗ trợ cho người tàn tật (địa phương) làm bếp NLMT. Đây là dự án nhân đạo vì thế bếp NLMT sẽ không được bán”. Đó là những dòng nội dung in đậm trong tờ rơi của Solar Serve – tổ chức được sự tài trợ của những người quan tâm đến NLMT tại Hà Lan thông qua Hans Van Beek.

Giám đốc Nguyễn Tấn Bích cho biết, kể từ năm 2000 đến nay, dự án đã cấp phát 1.000 bếp NLMT hình hộp cho đồng bào nghèo ở vùng nông thôn tỉnh Quảng Nam, đồng bào dân tộc Cơtu ở xã Hòa Phú, Hòa Vang (TP. Đà Nẵng), đồng bào Chăm, Rắc Lây ở Ninh Hải - Ninh Thuận ..., được mọi người đánh giá rất cao.

Từ đầu năm nay, dự án đã nghiên cứu và chế tạo thành công bếp NLMT hình chảo Parabon với ưu điểm tạo nhiệt độ cao hơn (360 - 400oC, so với 140oC của bếp hình hộp). Đã có khoảng 50 bếp NLMT Parabon đến với người nghèo các nơi.

Tại xưởng sản xuất nhà anh Bích hiện đang có 220 bếp NLMT, chuẩn bị cho chuyến đi đến đồng bào Khơme các tỉnh miền Tây vào tháng 10 tới đây, đơn giản vì vào thời gian ấy khu vực ĐBSCL mới có nhiều nắng.

Hoạt động của Solar Serve mang tính chuyên nghiệp rất cao. Tại mỗi địa phương, trước khi bếp NLMT được cấp phát bao giờ cũng diễn ra một cuộc hội thảo (khoảng 10 người/nhóm những người sẽ dùng bếp) nhằm hướng dẫn cách thức sử dụng và bảo quản bếp.

Giảng viên ban đầu chính là những công nhân xưởng sản xuất bếp của anh Bích. Sau hội thảo, sẽ có 2 giảng viên mới là người địa phương được chọn ra trong số 10 người trên, và họ sẽ tiếp tục hướng dẫn lại những người khác cũng như thường xuyên đứng ra kiểm tra bảo quản số bếp đã nhận.

Hàng năm, cứ đến Ngày Môi trường thế giới (5/6), tại những địa phương đang sử dụng bếp NLMT, Solar Serve lại tổ chức ngày hội ẩm thực với thức ăn được nấu từ chính năng lượng mặt trời. Với 2000 – 3.000 giờ nắng/năm, dùng bếp NLMT, người nông dân miền Trung mỗi tháng có thể tiết kiệm được 200 ngàn đồng, đồng thời hạn chế tác hại đến môi trường và sức khỏe từ việc dùng than, củi.

Một tin vui mới, đó là anh nông dân Dương Tấn Bích cùng người bạn Hà Lan vừa nghiên cứu và sản xuất thành công thiết bị dùng NLMT để chưng cất nước lợ và cả nước biển thành nước uống tinh khiết. Với những ngư dân đi dài ngày trên biển, đây quả là một phép mầu.

Có một điều mà cả Nguyễn Tấn Bích và Hans Van Beek đều mong muốn, đó là làm sao bị ... “đánh cắp bản quyền càng nhiều càng tốt !”. Từ những chiếc bếp NLMT do Solar Serve cấp phát, người dân nghèo khắp nơi sẽ tự nhân bản và sử dụng hàng ngày để giảm bớt cái nghèo cho chính mình.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.