Hai thanh niên trong “cũi trần gian”

Hai thanh niên trong “cũi trần gian”
TP - Một thanh niên 31 tuổi, hai chân teo tóp ngồi bất động trong một chái nhà nếu không lát gạch men thì không khác gì nơi nuôi gia súc. Một cô gái gần 30 tuổi, người teo tóp khẳng khiu như một vượn khỉ đang nhảy trong chiếc cũi đặt trên nền nhà ẩm ướt.

Nhà  ông Nguyễn Văn Kim, tổ 34 phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình nằm ở rìa cánh đồng. Tôi không thể ngờ được giữa cái thành phố trẻ, nhịp sống hối hả lại có những mảnh đời bất hạnh đến thế.

Trước tôi là một gian chái nhà cánh cửa đã được buộc chặt. Tôi không thể quên được hình ảnh ông Kim chậm rãi cởi từng nút buộc. Khi cánh cửa mở ra, một cảnh tượng hãi hùng: Một thanh niên không mặc quần ngồi bệt ở một góc nhà, hai chân để xuống rãnh nước.

Khuôn mặt chàng thanh niên vuông vức, trắng bệch trong trạng thái hoàn toàn vô cảm. Tôi nhìn người cha đang lấy chiếc quần đắp lên chỗ kín cho đứa con trai tội nghiệp. Giá không có cái thứ chất độc oái oăm của Mỹ thì đây đã là một chàng thanh niên đẹp trai, đã học hành tử tế, đã có công ăn việc làm, có vợ có con.

Tôi chờ ông Kim buộc chặt chẽ chiếc cánh cửa nơi nhốt đứa con trai của mình. Ông bảo nếu không buộc chặt nhỡ mà Hùng lết ra ngoài thì nguy hiểm cho anh, khổ cả nhà, ngại ngần với xóm làng, khách khứa.

Ông Kim rít một điếu thuốc lào hết cỡ, nhả khói nói: “Cả nhà khuyên tôi bỏ thuốc, hút thuốc có hại lắm, nhất là tôi đang mang trong người cái chất độc da cam cùng năm sáu thứ bệnh trong đó có bệnh viêm phổi.

Nhưng nhiều đêm không ngủ được, nhất là những đêm đông buốt giá con lên cơn đập cửa, kêu gào khóc lóc thì làm sao mà ngủ được, đành lấy thuốc lào giải khuây.”

Rồi ông Kim chậm rãi kể lại những tháng ngày chiến đấu và nguồn cơn dẫn đến bi kịch này.

Ông Nguyễn Văn Kim sinh năm 1948, chính gốc thành phố này. 19 tuổi đang là công nhân xí nghiệp ngói Hồng Quang, người thanh niên Kim lên đường nhập ngũ. Ông đã tham gia nhiều trận đánh ác liệt ở ven thành phố Huế.

Sau này khi bị phát hiện nhiễm chất độc da cam ông mới hình dung lại những cánh rừng trụi lá mà ông đã đi qua, những con suối mà đơn vị ông đã lấy nước đã ngấm chất hóa học quái ác này từ bao giờ mà những người lính như ông lúc ấy sao mà biết được.

Năm 1974, ông Kim về phép cưới vợ. Sau đó, vợ chồng ông sinh cháu Nguyễn Mạnh Hùng. Lúc sinh ra Hùng bình thường và lớn lên đủ tuổi đi học.

Nào ngờ đến năm học lớp 9, bệnh tình  mới phát. Hùng biểu hiện như một người bị thần kinh. Cả lớp đang chăm chú nghe thầy cô giảng bài, tự nhiên Hùng nhảy lên bục giảng, tự xưng là thầy giáo và nói luyên thuyên.

Gia đình phải đưa Hùng đi hết bệnh viện Thái Bình lại đến các bệnh viện Hà Nội. Lúc đó hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, bao nhiêu lương, bao nhiêu gà lợn dồn vào chữa chạy cho con nhưng bệnh tình ngày càng nặng. Hùng bỏ học từ đấy.

Đầu tiên Hùng đi kiễng chân, sau chuyển sang bò khắp xóm. Ban đầu không tìm ra căn bệnh của Hùng. Cách đây 4 năm, khi ông Kim bị  viêm phế quản, tai chảy máu, viêm họng đi khám, y bác sỹ mới phát hiện là ông bị nhiễm chất độc da cam.

Đầu tiên cả nhà để cho Hùng nằm ở phòng bên cạnh phòng bố mẹ. Lúc nào cũng phải có một người canh Hùng, nếu không Hùng sẽ bò ra sân ra đường, xuống cống rãnh lúc nào không biết.

Nhiều đêm Hùng la hét đập phá, xé quần áo chăn màn, cả nhà không thể nào ngủ được. Hùng đi vệ sinh tại chỗ nên mùi phân, mùi nước tiểu ám cả nhà. Có khách đến thật không biết nói thế nào. Cứ như thế này thì cả nhà cũng ốm, cũng không đủ sức để trông nom con!

Cách đây ba năm, sau bao nhiêu lần bàn đi tính lại, cuối cùng hai vợ chồng phải gạt nước mắt mà quyết định xây cho Hùng một phòng nhỏ ở chái nhà. Nói là một phòng nhỏ nhưng thực chất nó như một chiếc chuồng nuôi gia súc, chỉ khác là được lát gạch men.

Dù mùa hè hay mùa đông, Hùng không chịu nằm giường. Bà Oanh- mẹ Hùng kể đến đây hai mắt đầm đìa, ngẹn ngào không nói nên lời.

Bà kể: “Trong những đêm đông buốt giá, bố mẹ nằm trên giường, trong chăn còn rét mà chỉ cách một bức tường, đứa con trai nằm trên sàn gạch quần áo rách bươm. Anh thử tưởng tượng còn gì xót xa, đau lòng hơn thế! 

Nhưng từ thang, lạch đến cái giường, khi lên cơn cháu đều giật tung, đập gãy hết. Bao nhiêu chăn màn quần áo cho vào cháu đều cắn, xé, rách hết.Thật là bi kịch, thương con vô cùng nhưng không còn cách nào nữa phải nhốt con để còn sức nuôi con!”.

Sợ một ngày phải nhắm mắt nhìn con ra đi

Hai thanh niên trong “cũi trần gian” ảnh 1
Lại Thị Hà

Phải qua mấy cánh đồng, mấy con sông, tôi mới tìm thấy nhà anh Lại Văn Hằng ở làng Bắc Trong, xã Phúc Thành, huyện Vũ Thư. Cách đây hơn chục năm nhà văn Minh Chuyên đã về đây viết bài bút ký “Chiếc cũi trần gian”.

Bây giờ sau hàng chục năm tôi trở lại, vẫn còn chiếc cũi trần gian ấy và nạn nhân trong chiếc cũi ấy giờ đã gần ba mươi tuổi. Nhưng trông cô không bằng đứa trẻ lên bảy lên tám.

Mặc dù đã được hình dung qua lời tả nhưng tôi cũng rợn người khi nhìn cô bé. Chủ yếu là các ống xương  nối vào cái đầu trọc lốc với hai hàm răng vàng khè.

Anh chị Hằng không muốn kể lại câu chuyện đã vắt kiệt tâm hồn anh chị. Nhưng rồi tôi đường xa dặm thẳng mà miễn cưỡng kể lại đôi điều. Anh Hằng là chiến sỹ Lữ đoàn 204. Đầu năm 1975, anh tham gia chiến dịch giải phóng Đồng Dù và tham dự chiến dịch Hồ Chí Minh.

Sau giải phóng miền Nam, anh cùng đơn vị làm nhiệm vụ ở một vùng đất miền Đông Nam Bộ - nơi từng bị quân đội Mỹ rải chất độc điôxin. Sau đó anh tiếp tục sống trong những cánh rừng cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng, Mường Phin giúp các bạn Lào.

Nơi đây dấu vết của chất độc da cam còn để lại nhiều vạt rừng cây cối chết khô. Trong một lần vào rừng, khí độc đã làm anh bị ngất mê man trong 2 ngày giữa rừng thẳm. May mà anh em trong đơn vị tìm thấy và đưa về bệnh viện cứu chữa.

Phục viên về quê,  thỉnh thoảng Hằng lại bị những trận sốt rung giường chiếu. Những lúc ấy anh cảm thấy trong người đang bị một sức nóng thiêu đốt tâm can. Sau này anh mới biết đó chính là chất độc Mỹ thả xuống từ những cánh rừng đã thấm vào cơ thể anh. Và hậu quả là đứa con gái Lại Thị Hà của anh thân hình dị dạng.

Lên 8 tuổi, Hà  mới biết bò và bắt đầu quậy phá. Sểnh ra là Hà bò tung tung ra sân, ra ngõ, xuống ao, bất kể mưa nắng. Có lần sáng dậy, cả nhà cuống lên tìm khắp nơi không thấy Hà đâu. Cuối cùng mới tìm thấy Hà đang nằm trong bể nước mưa. Kinh hoàng hơn, Hà không biết sợ một loại con gì. Từ gián, chuột, sâu khoai, sâu róm, nhái bén... Hà đều ăn sống.

Một đêm Hà bò ra sau vườn, mẹ Hà đang ốm đi không vững nên cũng bò theo. Không thấy vợ đâu, anh Hằng bổ nhào đi tìm, mãi sau mới thấy hai mẹ con đang vật nhau dưới máng nước.

Sau vụ ấy, vợ chồng Hằng đành buộc chân Hà vào một chân giường. Hà không chịu cắn đứt dây, la hét om sòm. Vì vậy vợ chồng anh Hằng chỉ còn cách nhốt Hà vào chiếc cũi tre chắc chắn.

Hơn hai mươi năm qua, Lại Thị Hà đã sống trong chiếc cũi. Chiếc cũi này là giường cũng là nơi vệ sinh của Hà. Mùa hè hay mùa đông Hà đều nằm trực tiếp trên nền dát gỗ của chiếc cũi. Bố mẹ Hà đã từng lót chiếu, lót chăn, thậm chí cả quần áo, Hà cũng xé ra và làm thức ăn ăn dần.

Không thể kể hết sự vất vả của anh chị Hằng. Ngoài việc đồng áng cấy hái nuôi con, anh chị phải cử một nhân lực trông coi, cho ăn uống và vệ sinh cho Hằng.

Cũng như vợ chồng ông Kim ở Kỳ Bá, vợ chồng chị Hằng như đứt từng khúc ruột nhất là trong những đêm mùa đông, vợ chồng trong chăn ấm còn thấy buốt trong khi đó đứa con gái đứt ruột đẻ ra đang phải co ro trong giá lạnh. Một bi kịch sau chiến tranh mà không thể gì có thể giải quyết được. Nhưng không nhốt con vào cũi thì đồng nghĩa với việc nhắm mắt nhìn con mình ra đi!

Lời kết

Khi ngồi gõ những dòng bi thương này, tôi cứ tự hỏi:  Khi cuộc chiến tranh chống Mỹ đã đi qua 32 năm, trên thế giới này ở nơi đâu còn có hàng vạn bà mẹ phải chịu những dày vò bất hạnh triền miên đêm ngày như những bà mẹ có con bị nhiễm chất độc da cam như ở Việt Nam.

Ngày ngày phải nhìn, phải chăm sóc trông nom những đứa con người không ra người, vật không ra vật. Không biết sự đọa đày về thể xác và tinh thần này còn đến bao giờ khi cái chất độc khủng khiếp này đã di căn đến thế hệ thứ ba ở Việt Nam?

Thái Bình 7/2007

MỚI - NÓNG