Hai vầng hương khói Nguyên tiêu

Hai vầng hương khói Nguyên tiêu
TP - Nguyên tiêu năm Tỵ này, đất Châu Hoan xưa nay là Nghệ Tĩnh có sự kiện 222 năm ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Chợt giật mình khi gẫm thêm Y Đức và văn chương thế tục thời nay...

Xin biên ra một đoạn trích ngang lý lịch của một thành viên từng tham gia dịch bộ Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh (HTYTTL) của cụ Hải Thượng Lãn Ông. Đó là cụ lang Bách, tức cụ Nguyễn Văn Bách, vị lương y kiêm thư pháp gia nổi tiếng ở ngõ Tràng Tiền Hà Nội.

Nhân chuyện cụ Bách, xin nói ngay là chúng ta rất mực kính trọng các đấng bậc đương đảm gánh những trọng sự nặng nề của quốc gia về Y học chữa bệnh cứu người. Rất phải thôi, bởi những lòng tốt lớn ở vào vị thế những ngôi lớn thì mới cứu giúp được nhiều, rất nhiều người, cho nhân quần rộng lớn chứ không phải một vài người, một nhóm người!

Ngay từ hồi trẻ, cụ Nguyễn Văn Bách tham gia tích cực trong nhóm học giả dịch Bộ sách đồ sộ HTYTTL. Cũng cần nói thêm rằng những năm cuối 60 đầu 70 của thế kỷ trước, trong điều kiện bom đạn mù trời cùng bao khó khăn chất chồng như thế, xuất bản một bộ sách đồ sộ đậm chất học thuật như bộ HTYTTL là một cố gắng, một thành công lớn.

Hải Thượng y tông tâm lĩnh gồm 28 tập, 66 quyển bao gồm lý, pháp, phương, dược và biện chứng luận trị về nội khoa và ngoại khoa, sản phụ khoa, khoa nhi, cấp cứu... đạo đức y học, vệ sinh phòng bệnh.

Như tên bộ sách - những chiêm nghiệm tâm huyết về ngành Y của Hải Thượng Lãn ông - cụ Nguyễn Văn Bách ngoài tiếp nhận học hỏi những kiến thức học thuật Y lý, có lẽ còn tiếp thụ được những giá trị nhân văn Nam dược trị nam nhân những về y đức của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Cụ đã kịp tỉnh trí lánh xa mà không can dự vào những đấu đá chức quyền này khác. Kịp dọn cho mình một nơi ở, một chỗ ngồi trong một ngõ vắng, cụ mở một gian Đông y nho nhỏ và luyện thư pháp.

Những phương thuốc trị bệnh của cụ cùng những con chữ thư pháp hằng bao năm nay lần lượt đậu chi chít uẩn súc sáng rỡ trong những đền đài miếu mạo danh thắng khắp cả nước (trong đó có Văn Miếu) không biết thứ nào nổi danh hơn thứ nào? Ở tuổi gần cửu thập cụ vẫn như nhiên vi nhiên cách sống từ hồi trẻ hòa mục tự tại thung dung. Chỗ ngồi của cụ chĩnh chiện khoáng đạt hàng chữ theo lối thảo Tri túc chi chỉ chung thân bất nhục (Biết đủ biết dừng cả đời không bị nhục).

Những ước có ao rau muống/ những mong có chum tương đầy/ Thi thoảng vui cùng chúng bạn/ giữa bầu non nước trời mây...

Đoạn trên trích trong bài thơ chân dung tự vịnh đồng thời cũng là ngôn chí cái năm cụ mới 49 tuổi!

Nhân chuyện cụ lang Bách, gẫm thêm về hai vầng khói hương ngày Nguyên tiêu.

Dịp Tết Nguyên tiêu năm Rắn, ngó trên các phương tiện thông tin đại chúng thấy hình ảnh bà Bộ Thượng thư ngành Y quốc gia cùng nhiều quan chức Y tế kính cẩn dâng hương trước Đền thờ bậc Danh Y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại quê hương Hương Sơn Hà Tĩnh.

Hương khói ấy như chứng thêm lời hứa thế hệ thầy thuốc nước nhà sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy sự nghiệp y học mà cụ Lê Hữu Trác đã gây dựng, rèn luyện y đức, đưa sự nghiệp y học nước nhà lên một tầm cao mới.

Rồi cũng dịp ấy, Bộ Y tế tổ chức trao Giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông lần thứ hai cho 105 thầy thuốc tiêu biểu của cả nước có thành tích kế thừa, bảo tồn và phát huy sự nghiệp y dược học cổ truyền của nước nhà. (Từ năm 2000, Bộ Y tế đã chính thức lấy ngày Rằm tháng Giêng làm Ngày truyền thống Y Dược cổ truyền Việt Nam).

Tôi không rõ những kiến thức kinh nghiệm cùng các phương thuốc quý giá trong 66 quyển biên soạn ròng rã trong 30 năm trời của Cụ Hải Thượng, các hậu bối của Cụ thực hiện được bao nhiêu và phát huy được những gì.

Cũng như 222 năm qua, liệu có thiếu vắng đi bao nhiêu những cuộc thắp hương tưởng nhớ? Nhưng có lẽ không thiếu những lần những dịp hậu thế đến với Cụ hương khói trước Cụ với một tâm trạng bối rối?

Bối rối? Vấn nạn phong bì phong bao? Những vòi vĩnh vô lối trắng trợn cùng bao thứ dốt nát này khác gây chết người? Rồi bao thứ quá tải ở bệnh viện từ tuyến huyện tới trung ương? Vv... Khi hương khói như thế, các thày thuốc thời nay liệu có tĩnh tâm tự tin và cân bằng tâm thế hơn không lúc chợt nhớ đến tài năng lẫn tiết tháo của cụ Hải Thượng? Khi Quan Chánh đường Hoàng Đình Bảo (Chức quan cao nhất của Chúa Trịnh phong trong Phủ Chúa) hãnh diện giới thiệu về mình với Chúa Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm rằng ông này là người tuy quê mùa ăn nói vụng về nhưng về mặt hiểu sâu sắc trong Y Lý thì tưởng thày thuốc trong thiên hạ không ai hơn được (Thượng kinh ký sự- TKKS) thì Cụ Hải Thượng đã dựng cả tóc gáy vì sợ! Bởi lúc nào cụ cũng chăm chắm.

“Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên bảo vệ sinh mạng con người, phải lo cái lo của người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình không nên cầu lợi kể công...

“Thường thấy kẻ làm thuốc, hoặc nhân bệnh cha mẹ người ta ngặt nghèo, hoặc bắt bí người ta lúc đêm tối, trời mưa, có bệnh nguy cấp; bệnh dễ chữa bảo là khó chữa, bệnh khó chữa bảo là không chữa được, giở lối quỉ quyệt ấy nhằm thoả mãn yêu cầu, rắp tâm như thế là bất lương. Chữa cho nhà giàu sang, thì tỏ tính sốt sắng, mong được lợi nhiều, chữa cho nhà nghèo hèn thì ra ý lạnh nhạt, sống chết mặc bay. Than ôi, đem nhân thuật làm chước dối lừa, đem lòng nhân đổi ra lòng buôn bán. Như thế thì người sống trách móc, người chết oán hờn không thể tha thứ được (TKKS).

Giữa Phủ Chúa Thăng Long thành, Cụ dám mắng thẳng vào mặt các quan ngự Y bất tài lẫn mất đoàn kết rằng làm sao các ông còn tranh công gièm pha cản trở người khác? Làm thuốc thì phải nghĩ đến việc cứu người chứ? Cái lòng trung của kẻ làm tôi ở trong nghề thuốc để đâu? Các thày lang trong triều nghe tôi nói chỉ cười lạt. Nguyên kẻ nịnh hót xưa nay thường không xem ai ra gì. Nay thấy tôi chữa trị hơi kha khá một chút thì sinh ghen ghét khinh miệt lời nói của tôi (TKKS).

Thoát khỏi thành Thăng Long ra khỏi chốn quan trường phồn hoa đô hội Cụ Hải Thượng viết như một tiếng thở dài may sao tuy thân mắc vào vòng danh lợi nhưng vẫn không bị danh lợi mê hoặc ra đi thung dung khi về ngất ngưởng... (TKKS).

Tài năng, tiết tháo của Hải Thượng như một thứ trấn yểm như sự tiết độ nhân cách về y đức của mọi thời?

Cũng dịp Rằm, những vầng khói hương cũng bảng lảng lẩn quất ở Miếu Văn do nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội văn bút Việt khởi sự trong Ngày Thơ Việt. Trong hương khói khai mạc, một ông bạn viết bất ngờ thì thầm với tôi đại ý, về tài năng cùng nhân cách tiết tháo, Cụ Hải Thượng Lãn Ông quá xứng đáng được phối thờ ở Miếu Văn! Nhưng hình như Cụ đã được phối thờ ở Y Miếu cùng danh y Tuệ Tĩnh rồi.

Lời thì thầm ấy hẳn có lý? Đã từng có nhà thơ một bài. Nhà văn chỉ một cuốn sách đó sao? Cuốn Thượng kinh ký sự của Cụ Hải Thượng khiêm tốn được xếp vào tập 55 trong Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh, mỏng thôi cũng chỉ tròm trèm 180 trang in nhưng bao đời nay đã bầu nên một nhà văn một tác giả Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác!

Giá trị hiện thực, văn chương của Thượng kinh ký sự khó bề mà tính đếm.

Hậu thế thêm căm thêm hận cái ông vua Lê Chiêu Thống ngớ ngẩn rông càn trong cơn khùng đã phóng hỏa thiêu rụi hàng chục biệt thự và toàn bộ khu biệt điện nguy nga Phủ Chúa, lửa khói phần phật lem lém hàng tháng giời mới tắt.

Biệt điện nguy nga ấy, tài trí, công sức bao năm trời của những kíp thợ tài hoa nhất của Đại Việt đã được Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác miêu tả kỹ càng trong TKKS.

Cho đến bây giờm không có một tài liệu nào, tác phẩm nào (kể cả tài liệu của các giáo sĩ phương Tây đến Đại Việt thời điểm ấy) miêu tả chi tiết sinh động Phủ Chúa Thăng Long như Cụ Hải Thượng!

Rồi đoạn đối thoại sinh động có giá trị hiện thực lịch sử giữa ông Chúa Trịnh Sâm và viên thày thuốc Hải Thượng Lãn Ông trong các buổi luận về bệnh tật thuốc thang...

Rồi hàng chục bài thơ (cũng lạ là chưa có ai làm cái tuyển tập- tập hợp những bài thơ của Lê Hữu Trác được chép rải rác đó đây ở tập này khác kể cả trong những cuốn sách thuốc) của Cụ Hải Thượng, ý và tứ lạ khiến đương thời lẫn hậu thế cứ nắc nỏm...

Ta hãy dừng một chút ở một bài thơ hơi bị lạ thuở ấy trong Thượng kinh ký sự.

Xuất xứ của bài thơ đã được Lê Hữu Trác nói rõ trong Thượng kinh ký sự: trước đây gia đình Lê Hữu Trác có dạm hỏi một cô gái, là con quan Tả Thừa ty ở Sơn Nam, cho ông cưới làm vợ. Đã làm lễ vấn danh và ăn hỏi rồi, nhưng có việc trở ngại, khiến ông phải từ hôn, và về ở luôn quê ngoại Hương Sơn.

Năm, sáu năm sau, ông lên kinh thì nghe tin vị quan trên đã qua đời, còn cô gái đau khổ kia đã thề suốt đời không lấy ai... Trong thời gian ở Kinh, tình cờ ông gặp lại người xưa, mà giờ đây đã thành một bà sư già, khổ hạnh và cô độc.

“Từ đó thói thường qua lại hỏi thăm nhau. Bà ấy nói là ở Nghệ An có nhiều gỗ đóng quan tài, bà xin mua cho bà một cỗ. Tôi sai người đi kiếm, nhưng chưa được. Ngày tôi được thả cho về, tôi trao cho người lo việc ấy năm quan tiền cổ để tìm mua bán mà tặng bà ta...” (Thượng kinh ký sự).

Câu chuyện đời sinh sắc như thoát xác khỏi lối văn từ chương khuôn sáo hơn 200 năm trước được cụ Phan Võ dịch khá đạt như khi cụ cho chuyển ngữ cuốn Thượng kinh ký sự vậy!

Lầm người, sự bởi vô tâm, Nhìn nhau, nay những luống thầm thở than! Một cười, giọt lệ chứa chan, Mắt trông, xuân hết hoa tàn thương thay. Anh em kết nghĩa kiếp này, Kiếp sau cầm sắt bén dây họa là. Trót vì người phụ lòng ta,

Ôi thôi, đành vậy, biết là làm sao?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG