Hai vị lão thành cách mạng và một vụ án oan

Hai vị lão thành cách mạng và một vụ án oan
Một vụ cưỡng chế nhà để giải phóng mặt bằng, đất bị coi là vô chủ, vì người chủ đã đi theo Pháp (?!). Nhưng thật ra, đó là đất của một đội viên đội VN tuyên truyền giải phóng quân đã Nam tiến. Đến nay, nhiều người trong cuộc vẫn còn chưa an tâm vì nhiều lẽ…

Gia đình cụ Nguyễn Văn Kiên dân tộc Tày ở thôn Đoỏng Đeng, xã Đề Thám, huyện Hoà An, tỉnh Cao Bằng từng sống ở sườn đồi Khang Ghị, trên mảnh đất tổ tiên để lại.

Khoảng năm 1957, cụ Kiên mua miếng đất khác dưới chân đồi, cả gia đình chuyển đến nơi mới. Đất trên đồi chuyển sang trồng hoa màu. Tháng 8/1989, con gái cụ Kiên là bà Nguyễn Thị Minh Loan và con trai là ông Nguyễn Văn Hiệp về lại đất cũ dựng 3 ngôi nhà. Khi san nền, dựng nhà, không ai nhắc nhở, xử phạt.

Chỉ khi họ đã chuyển đồ đạc đến ở, ngày 22/9/1989, UBND huyện mới bất ngờ ra quyết định yêu cầu họ phải tự phá dỡ trước ngày 30/9/1989, lý do đất này UBND tỉnh đã quy hoạch để xây trụ sở UBND xã Đề Thám. Cho đây là quyết định phi lý, bà Loan và ông Hiệp không thi hành. Ngày 13/10/1989, UBND huyện tổ chức cưỡng chế, phá sập toàn bộ 3 ngôi nhà. Riêng ông Hiệp còn bị bắt giam một thời gian ngắn, sau đó được cho tại ngoại để hầu toà.

Hai vị lão thành cách mạng và một vụ án oan ảnh 1

Ngày 17/3/1990, TAND huyện Hoà An mở phiên sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Văn Hiệp về tội “vi phạm các quy định về quản lý đất đai”. Tại toà, ông Hiệp trình bày: mảnh đất trên do tổ tiên ông để lại; việc tỉnh quy hoạch, ông không biết, mà người dân thôn Đoỏng Đeng cũng không ai biết.

Trình bày của ông Hiệp không được toà chấp nhận. Một cán bộ UBND xã Đề Thám được mời đến toà phát biểu: Mảnh đất ở đồi Khang Ghị đúng là trước đây của ông chú ông Hiệp, tên là Cơ. Tuy nhiên, ông Cơ đã bỏ đi khỏi địa phương từ năm 1945, có nguồn tin ông Cơ đi theo Pháp. Đất này thuộc loại vô chủ, cho đến trước khi UBND tỉnh có quy hoạch. TAND huyện Hoà An đã tuyên bị cáo Hiệp phạm tội đã nêu, chịu mức án 1 năm tù giam.

Bị cáo Hiệp chống án, kêu oan. Ngày 2/6/1990, TAND tỉnh Cao Bằng xử phúc thẩm, tuyên y án sơ thẩm. Bị án Hiệp “trốn” về Hà Nội, ở nhờ nhà họ hàng, viết đơn kêu oan gửi toà thượng thẩm. Cụ Kiên năm ấy đã ngoài 80 tuổi, bảo với bà Loan: “Bố và chú Cơ đều đi theo cách mạng từ khi còn trẻ. Nay vướng vào vụ án này, gia đình ta mang tiếng có người đi theo Pháp. Bố đã già yếu, không đi được. Con phải vào Khánh Hoà, tìm gặp chú Cơ, đón về đây…”.

Người “mất tích” trở về

Em trai cụ Kiên là cụ Nguyễn Văn Cơ, sinh năm 1920, đi khỏi Cao Bằng từ năm 1945. Năm 1975, cụ Kiên vào Nam tìm gặp được cụ Cơ, bấy giờ đã lấy vợ có con, sinh sống ở thôn Lạc Hoà, xã Ninh An, huyện Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà.

Những năm tháng ấy, đất nước còn nhiều khó khăn. Cụ Kiên đông con nên rất nghèo. Cụ Cơ mắt loà tai điếc, sống dựa vào đồng ruộng, cũng không hơn gì. Sau lần gặp nhau ấy, hai anh em không có điều kiện đi lại, thăm hỏi. Cụ Kiên ít kể chuyện, nên nhiều người ở địa phương cứ nghĩ cụ Cơ đã mất tích…

Vay mượn được ít tiền, bà Loan khăn gói vào Nam, tìm ông chú mà bà chưa một lần gặp mặt.

…Hôm cụ Cơ được bà Loan đưa về lại quê Cao Bằng là một ngày hạnh phúc khôn tả của gia đình cụ Kiên. Nhiều người bạn của cụ Cơ đã già yếu cũng tìm đến chia vui. Tin đồn cụ Cơ đi theo Pháp hoàn toàn bị bác bỏ. Không những vậy, qua câu chuyện của cụ Kiên, cụ Cơ và nhiều nhân chứng là lão thành cách mạng ở địa phương, bà con thôn Đoỏng Đeng mới biết cả cụ Kiên và cụ Cơ đều tham gia cách mạng trước năm 1945.

Đặc biệt, cụ Cơ là một trong 34 đội viên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, thành lập ngày 22/12/1944! Với bí danh Đức Cường, cụ Cơ đã tham gia cả 3 trận đánh đi vào lịch sử: Khai Phắt, Nà Ngần, Đồng Mu. Tình hình cách mạng những năm tháng ấy thay đổi hết sức nhanh chóng. Sau khi ta cướp chính quyền, giặc Pháp lập tức quay lại.

Ngày 23/9/1945, quân dân Nam Bộ đứng lên kháng chiến. Ngay tháng 10/1945, cụ Cơ có mặt trong đội quân Nam tiến. Từng chiến đấu ở Bình Định, Đắc Lắc, Quảng Ngãi, rồi do hậu quả chiến tranh, bị điếc nặng, lại thêm bệnh viêm khớp, cụ Cơ ra quân và xây dựng gia đình với một cô thôn nữ ở Quảng Ngãi. Đất nước bị chia cắt ở vĩ tuyến 17.

Qua một người bạn cùng đơn vị cũ, cụ Cơ kịp gửi một lá thư về cho cụ Kiên. Năm 1975, cụ Kiên theo địa chỉ trong thư này, tìm vào Quảng Ngãi, được người dân cho biết gia đình cụ Cơ đã chuyển vào Khánh Hoà. Cụ Kiên tìm vào Khánh Hoà, gặp được em…

Nhiều bạn bè của cụ Kiên và cụ Cơ đề xuất: Cần đề nghị lên trên công nhận các cụ là lão thành cách mạng. Bà Loan làm hồ sơ cho bố và chú, có xác nhận của nhiều nhân chứng, nộp lên Huyện uỷ huyện Hoà An. Tuy nhiên, cũng giống như những lá đơn kêu oan của ông Hiệp, hồ sơ của cụ Kiên và cụ Cơ cứ bị nằm lại “ở đâu đó”, gia đình không nhận được kết quả.

Ở chơi thăm quê khoảng một tháng, cụ Cơ lên đường trở vào Nam. Đấy là lần đầu tiên, cũng là lần cuối cùng, người đội viên anh dũng của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân về lại mảnh đất Cao Bằng, kể từ ngày xung vào đội quân Nam tiến.

“Hết mưa là nắng…”

Những lá đơn kêu oan của bị án Hiệp cuối cùng cũng thấu đến toà thượng thẩm. Ngày 25/5/1994, ủy ban thẩm phán TANDTC đã xử giám đốc thẩm, tuyên Nguyễn Văn Hiệp “không phạm tội”. Bấy giờ ông Hiệp mới “dám” trở về Cao Bằng, mang theo nghề sửa xe máy học được trong những năm tháng “trốn” ở Hà Nội.

Riêng hồ sơ lão thành cách mạng của cụ Kiên và cụ Cơ (nộp từ năm 1990) tiếp tục bị nằm lại “ở đâu đó”… Bà Loan gõ cửa Huyện ủy. Người ta bảo hồ sơ chưa đầy đủ. Rồi bảo hết đợt cũ rồi, chờ đợt mới. Rồi lại bảo cán bộ quản lý hồ sơ đi vắng…

Bảy năm trời. Bà Loan làm liều, gõ cửa Tỉnh ủy, được đồng chí Dương Mạc Thăng, Phó Bí thư thường trực tiếp. Đồng chí Thăng nghe bà Loan trình bày rất chăm chú. Rồi lấy giấy bút ghi ngay một lá thư gửi Huyện ủy huyện Hoà An. “Cụ Nguyễn Văn Cơ tức Đức Cường chính là một trong 34 chiến sĩ trong Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, thành lập ngày 22/12/1944. Việc này, sinh thời ông cụ thân sinh tôi vẫn nhắc tới và có nói là sau này cụ Cơ đi đâu, cụ không liên lạc được (thực tế là đi Nam tiến, nhưng các cụ không liên lạc được với nhau). Đề nghị các đồng chí xác nhận phần tham gia cách mạng ở địa phương cho cụ Đức Cường…”. Thân sinh của đồng chí Dương Mạc Thăng chính là cụ Dương Mạc Thạch, bí danh Xích Thắng, một trong 34 đội viên và là Chính trị viên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.

Lá thư của đồng chí Thăng đề ngày 12/9/1997. Nhận được thư này, hồ sơ của cụ Cơ nhanh chóng được Huyện ủy Hoà An xác nhận và chuyển lên Tỉnh ủy. Ngày 14/10/1997, Tỉnh ủy Cao Bằng ra nghị quyết công nhận cụ Cơ có thời gian tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1940, và chuyển hồ sơ đến Tỉnh uỷ Khánh Hoà.

…Thời gian này, cụ Cơ đã rất yếu. Các con cụ kể lại, cụ đang bịnh, nhận được tin vui, bỗng khoẻ trở lại! Tỉnh ủy Khánh Hoà không dừng ở các chế độ theo quy định chung, khẩn trương xây ngay một ngôi nhà tình nghĩa. Dọn vào ở nhà mới được hơn một tháng thì cụ Cơ bịnh trở lại, lần này không qua khỏi.

Đám tang của cụ Cơ, quan tài được phủ quốc kỳ, Tỉnh đội Khánh Hoà cử Đội danh dự về đưa tiễn cụ ra nghĩa trang. Bấy giờ người dân địa phương mới biết và hết sức tự hào về việc địa phương mình có một cụ lão thành cách mạng từng tham gia vào Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân huyền thoại thuở nào.

Điều mong ước chính đáng

“Qua vụ án của em tôi, gia đình tôi gặp lại chú Cơ, nhờ đó làm chế độ lão thành cách mạng cho chú, âu là trong cái rủi có cái may” - Bà Loan tâm sự với chúng tôi (tác giả bài viết). Trong 7 người con của cụ Kiên, bà Loan là người được ăn học đầy đủ nhất.

Trước khi xảy ra vụ phá dỡ nhà, bà Loan nguyên là giảng viên Trường Đại học nông lâm Thái Nguyên, nghỉ mất sức bà về quê Cao Bằng, xin bố mẹ dựng nhà riêng trên đồi Khang Ghị… “Thế còn chuyện minh oan, bồi thường cho ông Hiệp đến đâu rồi ạ?” - chúng tôi hỏi.

Bà Loan đáp: “Đất trên đồi Khang Ghị, mới đây gia đình tôi đã được cấp sổ đỏ. Chuyện phá dỡ nhà, chúng tôi có đơn đòi bồi thường, không ai giải quyết. Đến tháng 12/1998, Chính phủ lập Đoàn thanh tra về địa phương giải quyết những vụ khiếu nại tồn đọng, có văn bản chỉ đạo phải bồi thường cho gia đình tôi. Nhưng cũng phải đến ngày 19/8/2002, UBND huyện Hoà An mới có quyết định trích kinh phí để đền bù hơn 6 triệu đồng, song lại trừ đi 481.110đ chi phí cưỡng chế (?!). Thôi như thế cũng là xong một việc”.

“Vậy mong mỏi nhất của gia đình hiện nay, phải chăng là chuyện chế độ lão thành cách mạng cho cụ Kiên?”. “Vâng, vì thế mà chúng tôi có đơn gửi đến toà báo Tiền Phong, mong được phóng viên về tận nơi tìm hiểu, viết bài”. Bà Loan đưa chúng tôi bộ hồ sơ (phôtô) chứng nhận cụ Kiên từng tham gia hoạt động cách mạng từ trước năm 1945.

Theo hồ sơ này, cụ Nguyễn Văn Kiên tức Phi Long sinh năm 1909, được giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1930. Sau một thời gian bị lộ, mật thám vây bắt, cụ Kiên phải trốn về Hà Nội. Năm 1937, tình hình tạm yên, cụ trở về Cao Bằng, tiếp tục tham gia hoạt động. (Lúc này, cụ Cơ cũng được giác ngộ, sang học trường Hoàng Phố (Trung Quốc).

Năm 1943, cụ Cơ về nước, cụ Kiên được gặp cụ Cơ một lần, rồi chia tay, mỗi người một nhiệm vụ). Năm 1945, cụ Kiên tham gia cướp chính quyền ở địa phương, là uỷ viên UBHC lâm thời xã Nhượng Bạn; khi xã này tách một phần ra thành thị trấn Nước Hai, cụ Kiên là Chủ tịch UBHC thị trấn Nước Hai… Hồ sơ của cụ có nhân chứng xác nhận là các cụ Nông Thị Sậu, Bế Dương Thiện, Hà Tố.

Tại UBND xã Đề Thám (nay thuộc TX Cao Bằng), chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Đoàn Văn Eng, Bí thư Đảng ủy xã. Về trường hợp cụ Kiên, ông Eng nhận định hồ sơ có lẽ đang nằm ở Huyện ủy Hoà An, còn vì sao đến nay chưa được giải quyết, ông Eng không được rõ. Ông Eng cũng cho biết, theo ông nắm được thì việc làm hồ sơ để xét công nhận cụ Kiên là lão thành cách mạng có thể đã muộn, song gia đình có thể rút hồ sơ về để làm lại chế độ cho cụ theo tiêu chuẩn cán bộ tiền khởi nghĩa.

Khi chúng tôi tới thăm, cụ Nguyễn Văn Kiên 96 tuổi đang xách xô nước nhỏ đi tưới cây trong vườn. Cụ giải thích: “Mùa này là mùa khô, mình phải đi tưới cho những cây đang ra hoa, không thì nó bị khát nước”. Khi nghe chúng tôi nói là sẽ viết bài về trường hợp của cụ, đề nghị các cơ quan chức năng sớm xem xét công nhận cán bộ tiền khởi nghĩa, cụ Kiên vuốt râu cười, đôi mắt lấp lánh: “Mình còn sống 15 năm nữa, chắc là còn kịp”. 

MỚI - NÓNG