Hàn Quốc trở lại Tết ta

Mâm cỗ gia tiên tết âm của người Hàn. Nguồn: Internet
Mâm cỗ gia tiên tết âm của người Hàn. Nguồn: Internet
TP - Có lẽ ít ai nghĩ Hàn Quốc, quê hương của đương kim huấn luyện viên trưởng tuyển bóng đá Việt Nam Park Hang Seo, từng bỏ tết âm lịch. Nhưng kể từ khi được khôi phục, tết ta lại gây một hiện tượng cũng ít ai ngờ ở xứ sở kim chi.

Không quên “muôn năm cũ”

Hàn Quốc từng bỏ tết nguyên đán. Vậy sao họ quay lại? Có người bảo tết ta nên quên đi vì nó xuất xứ Trung Quốc (TQ). Thực ra tổ tiên chúng tôi ăn tết từ ngàn năm nay nhưng chưa bao giờ chúng tôi là người TQ và ngược lại. Thư tịch cổ thời Tam Quốc của TQ cho hay tết âm lịch du nhập vào bán đảo Triều Tiên từ thế kỷ thứ ba sau công nguyên. Còn theo thư tịch triều đại Goryeo của HQ, tết trở thành một trong chín lễ hội chính của nước chúng tôi từ thế kỷ 13. Năm 2016, thống kê cho thấy 36 triệu người Hàn về quê ăn tết, trong đó có nhiều Hàn kiều từ khắp nơi trên thế giới. Ảnh hưởng và tiếp biến văn hoá là tất yếu lịch sử mà không  dân tộc nào có thể cưỡng lại được. Tiếng Anh hàm chứa không dưới một nửa số từ vựng vay mượn từ các lân bang nhưng người Anh chưa bao giờ đặt vấn để loại bỏ các từ vay mượn ấy để làm “thanh sạch” ngôn ngữ của dân tộc mình.

Lịch sử Nhật Bản cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 là lịch sử của chủ nghĩa quân phiệt. Trong cơn say văn minh phương tây và sùng bái phương tây, năm 1873, Nhật chính thức chuyển sang dùng lịch dương hay còn gọi là lịch mặt trời Gregorian và trào lưu hồi đó được gọi là “thoát Á nhập Âu”
. Trong bối cảnh xâm lược TQ, năm 1910, chính quyền quân phiệt Nhật chính thức kết liễu tết nguyên đán. Song ngay tại đất nước mặt trời mọc, không ít đình và miếu vẫn duy trì tập tục dưới cái tên gợi nhớ quá vãng “Cựu Chánh Nguyệt”
tức tháng giêng cũ.

Chiếm đóng bán đảo Triều Tiên, quân phiệt Nhật Bản cũng bắt dân tộc chúng tôi làm cái việc họ đã làm. Cuối cùng thì truyền thống vẫn chứng tỏ sức sống của nó. Năm 1988, chính phủ Hàn Quốc quyết định khôi phục tết nguyên đán trước nguyện vọng tha thiết của nhân dân. Đến 2003, tuy muộn hơn nhiều, Triều Tiên cũng khôi phục nó. Thế là cả hai miền đều đón tết như muôn đời tổ tiên của họ.

Khôn nguôi đoàn viên

Tết xưa chỉ có ba ngày. Nay chính phủ thêm hai ngày để không mai một truyền thống. Trước tết, người Hàn mua sắm nhiều nhất trong năm. Chính tết, luôn có ngày dành riêng cho gia đình đi chơi. Nơi hay đến là Bảo tàng Quốc gia Seoul ở thủ đô Seoul nơi có nhiều trò dân gian, và cung điện Changdeokgung Palace nơi có cây đa 300 tuổi. Tục du xuân cả gia đình khiến các tour du lịch và phòng trọ luôn đắt khách.

Món nổi tiếng chỉ có cơ hội thưởng thức một lần trong năm là tteokguk, loại súp được bảo kéo dài tuổi thọ có thịt bò, rau, trứng, và bánh đa gạo mỏng tang. Phổ biến nữa là Galbijjim với thịt sườn bò hấp rồi thái nhỏ nấu với nước tương, hạt tiêu, dầu vừng, hành tăm, và chút đường. Lửa nhỏ để thịt mềm và dậy mùi. Cạnh đó có namul tam sắc với ba loại rau xanh, trắng, và nâu. Cũng không thể thiếu rau cải bó xôi hay rau chân vịt (spinach), củ dương xỉ (fern roots), và rễ cây hoa chuông (balloon flower). Tết được xem như sinh nhật chung nên không thể thiếu tteokguk, món ăn có ý nghĩa chúc thêm tuổi.

Người Hàn hay diện hanbok (Hàn phục) cổ truyền với ba màu chủ đạo đỏ-hồng-vàng trên váy phụ nữ hoặc quần áo nam giới. Không chỉ tết, đám cưới và sinh nhật đầu tiên của con cái cũng hay xuất hiện trang phục truyền thống. Người Hàn hay biếu tặng tiền mặt hoặc thẻ mua hàng. Con cái mua nhân sâm hoặc đồ bổ dưỡng biếu cha mẹ. Quà phổ biến khác còn là đồ dùng nhà tắm, bánh kẹo, cả cá và nhất là hoa quả. Mấy ngày đầu năm mới hay secho (tuế sơ) là lúc diễn ra các trò chơi kết nối gia đình trong đó có thả diều, bập bênh, để trẻ con gần với người lớn hơn. Tết chỉ kể chuyện yêu thương, cơ may việc làm, tiếu lâm, và tương lai. Ốm đau chết chóc và chuyện buồn tịnh không nhắc đến.

Hiếu thảo trên hết

Người Hàn chịu ảnh hưởng truyền thống Khổng Giáo nên luôn tưởng nhớ tổ tiên và tết là lễ tưởng nhớ lớn nhất. Bởi thế, bao trùm trên hết những ngày đầu năm hay còn gọi là sesu (tuế thủ) là tỏ lòng hiếu thảo. Sáng mồng một hay wondan (nguyên đán), gia đình làm lễ gia tiên. Đồ cúng đơn giản mà lòng thành vô bờ. Suốt mấy ngày của năm mới yonsi (niên thuỷ), ăn xong, mọi người vái lạy tiền nhân.

Thế chưa đủ. Còn có riêng một sebae hay “tuế bái”, nghi thức của lễ Seollal tôn kính tiền bối chiếm trọn mồng một. Seollal từng bị đe doạ xoá sổ cho đến những năm 1980, thời điểm khôi phục tết cổ truyền để thoát khỏi nguy cơ đồng hoá với văn minh phương tây mà người Nhật từng áp đặt. Làm sống lại tục lệ, trẻ em thành chủ thể chính. Bận quần áo truyền thống, chúng chúc mừng ông bà, cha mẹ, cô dì, chú bác hạnh phúc bách niên giai lão rồi rạp xuống vái. Chúng cũng lạy bề trên kèm lời saehae bok mani badeuseyo (cầu mong tổ tiên nhận nhiều may mắn tân xuân). Các bậc trưởng thượng sau đó lì xì mụn tiền trong túi lì xì làm bằng lụa và thường là giấy bạc mới kèm theo một lời giáo huấn (dõkdam). Còn quà của cha mẹ cho các con thường là bánh tẻ và hoa quả.

Hàn Quốc trở lại Tết ta ảnh 1 Con cái vái cha mẹ

Hàn Quốc trở lại Tết ta ảnh 2

(*) Se Gun là nghiên cứu sinh tiến sỹ tại đại học Sydney (Úc) về quản lý các tổ chức phi lợi nhuận và hiện giảng dạy tại Đại học Thăng Long Hà Nội

Hàn Quốc trở lại Tết ta ảnh 3 Thả diều để kết nối các thế hệ với nhau

Thăng và giáng

Điều đáng chú ý là sau khi khôi phục tết nguyên đán, xuất hiện hai hiện tượng trái ngược nhau và người ta chưa rõ chúng có quan hệ nhân quả với nhau hay không. Thứ nhất, số cặp đôi tái hôn với nhau gia tăng. Theo thống kê của chính phủ, các cặp vợ chồng tái hôn từ năm 1995 đến nay tăng gấp đôi. Riêng năm 2004, những gương vỡ lại lành tăng 16,1 phần trăm, đạt 44,355 cặp.

Ngược lại, ngày càng nhiều đôi trẻ chia tay sau khi nguyên đán qua đi. Năm 2012, có 114.707 vợ chồng ly hôn và nhiều trong số đó xảy ra sau tết. Theo báo cáo của Bộ Tư pháp năm ngoái, trung bình mỗi ngày có 300 vụ ly hôn. Nhưng trong 10 ngày sau tết ta và tết trung thu, hai sự kiện cổ  truyền lớn nhất trong năm ở Hàn Quốc, mỗi hôm có trung bình 750 vụ, tăng gấp 2,5 lần so với thường nhật. Cũng như tết trung thu, tết ta là những thời khoảng lắm việc nhà nhất. Đàn bà ngày càng nhận thức quyền bình đẳng của họ thì đàn ông chậm thay đổi và vẫn tỏ ra “ông kễnh”. Hầu như mọi nội trợ dồn lên vai phụ nữ trong khi mày râu vẫn duỗi chân duỗi cẳng hoặc bôn tẩu đây đó.

Tóm lại, hồi sinh tết ta thực ra đầy gập ghềnh. Các chính phủ Hàn sau giải phóng từng cũng cổ suý tết dương như người Nhật, nhất là chế độ quân sự Park Jung Hee (cầm quyền từ 1963 đến 1979). Mãi đến 1985, nó mới được khôi phục và chỉ được phép diễn ra một hôm gọi là “Ngày Dân Gian” (Folk’s Day). Bốn năm sau, lễ Seollal hiếu thảo mới tái sinh và tết ta kéo dài ba ngày trong khi tết dương rút còn hai ngày.

Đến hẹn lại lên, đêm giao thừa năm nay, rơi vào 4/2 dương lịch, bên cạnh tiệc và đốt pháo hoa như phương tây, chúng tôi sẽ lại rung quả chuông lịch sử Boshingak đúc từ năm 1396 bởi triều đại Joseong trị vì năm thế kỷ và từng bị huỷ hoại nhiều lần, sự kiện chỉ có mỗi khi nguyên đán về.

[ Se Gun Song (*) ] 

Bài của một nhà khoa học Hàn Quốc viết cho riêng Tiền Phong Chủ Nhật.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.