Hành trình giải oan cho 7 người vượt biên-Mò kim đáy bể

Hành trình giải oan cho 7 người vượt biên-Mò kim đáy bể
TP - Sau khi rời các gia đình có người thân trên chiếc tàu BTT - 07, ngoài nước mắt và nỗi ứ nghẹn của suốt 25 năm cam chịu với bao đắng cay, khổ cực, hơn 1/4 thế kỷ qua, những gia đình này tịnh không hề có bất cứ một thông tin nào của người thân.

>> Kỳ 1: Sợi chỉ mỏng manh

Hành trình giải oan cho 7 người vượt biên-Mò kim đáy bể ảnh 1 Hành trình giải oan cho 7 người vượt biên-Mò kim đáy bể ảnh 2

Ông Nguyễn Đình Bảy, Giám đốc CA tỉnh BTT ngày đó: “Tôi không thể nhớ vụ này”

Ông Tính, người cung cấp những thông tin quý về các thành viên tàu BTT-07

Đất nước đã mở cửa, đổi mới. Bao người con đất Việt lạc lối, lầm đường đã tìm về với một sự sám hối ăn năn. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn của những năm đầu thập kỉ 80 của thế kỉ trước, một phút nông nổi để phạm sai lầm, qua thời gian dài nguôi ngoai, bây giờ đó cũng là điều dễ tha thứ.

Họ ở đâu dưới gầm trời này, nếu đúng như kết luận là họ đã vượt biên? Vợ, con, bố, mẹ và người thân của họ còn đó. Nếu họ còn sống, ắt sẽ không thể không bắn tin, lên tiếng. Lập luận đó cho tôi bấu víu để hy vọng tàu BTT-07 trên hành trình của mình đã gặp nạn.

Địa chỉ mà tôi tìm đến đầu tiên là Sở Giao thông Vận tải (GT-VT). Tôi hi vọng Sở GT-VT là cơ quan chủ quản của Cty Vận tải thủy, khi chia tách ra ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên thì hồ sơ về những người trên con tàu BTT-07 cũng sẽ được chia tách theo, về với Quảng Bình.

Ông Nguyễn Văn Long - Giám đốc Sở GT-VT nói với tôi rằng, đã 25 năm rồi, có biết bao biến động. Cty đó đã giải thể, phiên hiệu cũng bị xóa. Giờ Sở cũng không hề có trong tay hồ sơ về con tàu cũng như những người trên con tàu đó.

Rồi ông Long củng cố niềm tin cho tôi, khi nói: “Theo tôi được biết, những năm đầu thập kỉ 80 của thế kỷ trước, làn sóng vượt biên từ vĩ tuyến 17 trở vào rất phức tạp. Nhưng trường hợp là đảng viên được tôi luyện trong trận mạc và sinh ra trên đất Quảng Bình “Hai giỏi” mà vượt biên thì tôi chưa bao giờ gặp.

Thêm nữa, ngày đó cứ ra biển mà không trở về là người ta nghĩ ngay đến vượt biên. Các phương tiện cứu nạn, cứu hộ thời đó rất hạn chế. Chủ yếu các thuyền trưởng cùng các thuyền viên tự cứu mình khi gặp bão hay gặp cướp biển”...

Những lời nói đó của ông Long khiến tôi thấy ấm lòng vì có thêm được một người đồng tình chia sẻ.

Dò hỏi mãi rồi tôi cũng lần tìm ra được ông Lê Đình Hòa và ông Đinh Huy Tịnh. Thời điểm mà tàu BTT-07 mất tích, ông Lê Đình Hòa đang giữ chức Trưởng phòng tổ chức của Cty Vận tải Thủy Bình Trị Thiên. Còn ông Đinh Huy Tịnh đang là Phó chủ tịch công đoàn của Cty.

Khi nghe tôi bày tỏ ý định tìm hiểu về nhân thân của những người trên tàu BTT-07, ông Hòa với vẻ mặt đăm chiêu và đầy trắc ẩn. 25 năm trôi qua, tâm trí ông vẫn không lúc nào là không nghĩ về họ, về số phận của con tàu xấu số và bảy thành viên trên con tàu từng là đồng chí, đồng nghiệp của ông.

Ông Hòa bảo, họ nhận lệnh của Cty bất ngờ và họ tuân lệnh. Giả dụ, nếu họ vượt biên thì phải chuẩn bị và toan tính trước. Đằng này, họ đang chuẩn bị nghỉ tết cơ mà. Có lệnh là họ lên đường thôi.

Ông Hòa còn cung cấp thêm chi tiết, chiếc tàu BTT-07 là tàu VS (vỏ sắt) tải trọng chỉ 50 tấn thôi. Chiếc tàu này là thế hệ tàu đầu tiên của Cty, nên già cũ và hay hỏng hóc. Nhiều lần sửa tại Hải Phòng. Hành trình trên quãng đường dài đó rất dễ trục trặc. Và ông Hòa nhớ như in khi tàu rời cảng thì có một đợt gió mùa rất mạnh.

Hành trình giải oan cho 7 người vượt biên-Mò kim đáy bể ảnh 3Ngày đó, CA đã kết luận thì không ai dám nói ngược lại. Riêng tôi không tin họ là những nguời phản bội tổ quốc. Họ từng vào sống ra chết. Có người từng được truy điệu sống ba lần. Họ không dễ bị cám dỗHành trình giải oan cho 7 người vượt biên-Mò kim đáy bể ảnh 4 - Ông Lê Đình Hòa, nguyên Trưởng phòng tổ chức Cty Vận tải Thủy Bình Trị Thiên 

Cũng theo ông Hòa, khi tàu mất tích một thời gian, Cty đã cố công tìm kiếm nhưng vô vọng. Phía công an (CA) sang làm việc với Cty nhiều lần, nhưng ông Hòa không thể biết được, dựa trên căn cứ nào, họ kết luận là thuyền trưởng và các thuyền viên đã lợi dụng tàu của nhà nước để vượt biên.

“Ngày đó, CA đã kết luận thì không ai dám nói ngược. Riêng tôi không tin họ là những nguời phản bội tổ quốc. Họ từng vào sống ra chết. Có người từng được truy điệu sống ba lần. Họ không dễ bị cám dỗ” - Ông Hòa nói.

Ông Tịnh cũng đồng ý với ý kiến của ông Hòa. Ông Tịnh thêm: “Ai sống vào thời kì đó đều rõ sự mất đoàn kết gay gắt giữa ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên. Bảy người trên tàu này đều là người Quảng Bình cả. Người ra kết luận lại là người Thừa Thiên. Liệu có một kết luận chủ quan và đầy định kiến nào đó chăng?”.

Cũng từ thông tin ông Hòa và ông Tịnh cung cấp, tôi có trong tay văn bản của ông Nguyễn Khắc Tuynh - Bí thư Đảng ủy Cty và Phan Sơn Hùng, Trưởng phòng điều độ của Cty xác nhận bảy thành viên trên tàu nhận lệnh của Cty đi làm nhiệm vụ mất tích không cập cảng Quy Nhơn là sự thực. Còn việc họ có vượt biên, phản bội tổ quốc hay không thì chưa có chứng cứ rõ ràng và thuyết phục.

Tôi vẫn chưa lấy làm yên tâm khi những thông tin trên đều từ phía người của Cty. Vẫn có một điều gì đó chưa thật ổn và có vẻ như đang ở một phía. Tôi tự hỏi, ai là người ngày đó trực tiếp điều tra vụ án này từ phía CA.

Tranh thủ các mối quan hệ, lần dò mấy tháng trời, rồi tôi cũng tìm được người tôi cần gặp. Ông là Nguyễn Văn Đằng, nguyên là đội trưởng đội trinh sát PC17.

Hành trình giải oan cho 7 người vượt biên-Mò kim đáy bể ảnh 5
Ông Đằng - người trực tiếp điều tra vụ án “vượt biên”

Ông rời Huế từ ngày chia tỉnh và về nghỉ hưu từ năm 1991 với cấp bậc đại úy, ông đang sống ở Hàm Ninh (Quảng Ninh-Quảng Bình). Khi nghe tôi đặt vấn đề tìm hiểu về nghi án vượt biên của tàu BTT - 07, ông Đằng tỏ ra thận trọng: “Vụ việc đã lâu quá rồi nên tôi không còn nhớ trong báo cáo gửi lên cấp trên có khẳng định họ vượt biên hay không nữa. Nhưng điều này thì tôi nhớ rất rõ. Đó là toàn bộ tài liệu và căn cứ để điều tra viên bám vào, và coi như mấu chốt của vấn đề là một thông tin được coi là mật.

Nó vỏn vẹn thế này: Người của ta (ngoại tuyến), bằng ống nhòm phát hiện một chiếc tàu vỏ sắt loại nhỏ, không rõ biển số. Trên có dây phơi áo quần màu bộ đội, đang neo tại cảng Xanh (Hồng Kông)”.

Chỉ thế. Thông tin đó dẫn đến kết luận tàu BTT - 07 vượt biên?

Ông Đằng cam đoan rằng, cho đến khi ông nghỉ hưu năm 1991, hồ sơ của vụ này không có bổ sung gì thêm ngoài mẩu thông tin đó...

Hành trình giải oan cho 7 người vượt biên-Mò kim đáy bể ảnh 6Chỉ một thông tin rất mù mờ đó thật khó để đủ cơ sở đi đến kết luận tàu BTT - 07 vượt biên. Một kết luận liên quan đến sinh mệnh chính trị của nhiều người lúc đó thật ấu trĩ và hồ đồ. Nếu lúc đó trong báo cáo tôi có kết luận như thế thì bây giờ, tôi phải cầu thị, dũng cảm đứng ra sửa sai. Cơ hội đó cho tôi giờ không còn...Hành trình giải oan cho 7 người vượt biên-Mò kim đáy bể ảnh 7 - Ông Nguyễn Văn Đằng, nguyên là đội trưởng đội trinh sát PC17

Rồi ông Đằng băn khoăn: “Chỉ một thông tin rất mù mờ đó thật khó để đủ cơ sở đi đến kết luận tàu BTT - 07 vượt biên. Một kết luận liên quan đến sinh mệnh chính trị của nhiều người lúc đó thật ấu trĩ và hồ đồ. Nếu lúc đó, trong báo cáo, tôi có kết luận như thế thì, bây giờ, tôi phải cầu thị, dũng cảm đứng ra sửa sai. Cơ hội đó cho tôi giờ không còn”...

Rồi qua một nguồn tin của bạn đọc, tôi khăn gói lên đường vào Đông Hà (Quảng Trị) tìm gặp ông Trần Văn Tính. Ông Tính vốn là một hạ sỹ quan của chế độ cũ. Bây giờ, ông đang là chủ tour DMZ (du lịch cho khách nước ngoài vùng giới tuyến phi quân sự).

Trong những năm 1980 - 1985, ông Tính được coi là trùm buôn lậu hàng Lào, Thái Lan đi Trung Quốc. Ông Tính cung cấp cho tôi một loạt cứ liệu để khẳng định rằng, tàu BTT - 07 không thể vượt biên.

Ông Tính nhiều lần tiếp cận, móc nối với các thành viên trên tàu này để toan tính đưa người vượt biên nhưng không thành, vì: “Họ kiên định và vững vàng lắm. Thêm nữa, vượt biên thời đó là do đói kém và lí lịch có vấn đề. Các thành viên trên tàu BTT- 07, lí lịch sáng choang và đời sống khá giả so với đời sống trung bình ngày ấy. Thế thì họ vượt biên làm gì” - Ông Tính nói.

Ông đưa cho tôi địa chỉ của bạn thân bên Hồng Kông và nói rằng, người bạn này nắm đầy đủ danh sách tất cả các tàu và các thành viên trên tàu vượt biên đến Hông Kông ngày đó. Nhưng tịnh không hề tìm thấy tên ai trên tàu BTT - 07.

...Tôi vào Huế gặp người kí công văn 342/PA 17, ông Nguyễn Đình Bảy, Giám đốc CA Bình Trị Thiên ngày đó. Tôi không kỳ vọng nhiều vào chuyến đi này, bởi lẽ, ông Nguyễn Đình Bảy đã ngoài 90 tuổi. Trí nhớ chắc cũng hạn chế và, ở cương vị ông ngày đó, mỗi ngày phải xử lý hàng chục vụ việc, thì chuyện một chiếc tàu vượt biên liệu có điều chi đặc biệt để hằn đậm trong tâm trí ông?

Nhà ông ở phường Vĩ Dạ, trên đường Nguyễn Sinh Cung. Hiện, ông sống với con trai là Trưởng CA Huyện Phú Vang. Khi tôi hỏi ông có còn nhớ đến vụ tàu BTT - 07 mà ông đã ký công văn khẳng định là họ đã vuợt biên không, ông nhìn tôi và lắc đầu.

Kỳ ba: 27 năm chờ đợi phút này

MỚI - NÓNG