"Hậu phương” của đoàn nạn nhân chất độc da cam ở Mỹ

"Hậu phương” của đoàn nạn nhân chất độc da cam ở Mỹ
TP- Gương mặt phúc hậu, mái tóc đã ngả màu bạc nhưng ánh mắt như “có lửa” mỗi lần nói về cuộc đấu tranh vì công lý cho các nạn nhân chất độc da cam (CĐDC). Đó là bà Trần Khánh Tuyết - Thạc sỹ khoa công tác xã hội trường ĐH Bervery (Bắc California - Hoa Kỳ).

Người phụ nữ này là “hậu phương” vững chắc của đoàn nạn nhân CĐDC của Việt Nam tại Mỹ, khi ngôi nhà nhỏ của bà ở con phố Belvelery (thành phố Berkeley - California) là nơi đoàn nghỉ ngơi trong những ngày căng thẳng trên đất Mỹ.

Một mình xuyên Việt kêu gọi ủng hộ nạn nhân CĐDC

Trong những ngày trung tuần tháng 2 này, bà Trần Khánh Tuyết đang ở miền Trung. Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế là hai tỉnh thành bà ghé lại để gặp gỡ những nạn nhân CĐDC, đồng thời kêu gọi mọi người cùng đồng sức, đồng lòng trong cuộc đấu tranh vì công lý.

Chúng tôi gặp bà cũng rất tình cờ, tại văn phòng Hội Nạn nhân CĐDC TP Đà Nẵng. Khi biết tôi là phóng viên, một thoáng e dè, rồi bà nhẹ nhàng: “Tôi nói chuyện, trao đổi với anh như hai người cùng bộc lộ quan điểm về vụ kiện, về những đau khổ, mất mát mà những nạn nhân chất độc da cam/điôxin ở Việt Nam và trên toàn thế giới.

Anh là nhà báo Việt Nam đầu tiên tôi không từ chối tìm hiểu”. Nụ cười nhẹ nhàng trên khuôn mặt người phụ nữ 68 tuổi – người Việt kiều Mỹ 40 năm đấu tranh vì công lý, không chỉ cho những nạn nhân CĐDC.

Chuyến đi xuyên Việt của bà Trần Khánh Tuyết qua các tỉnh thành Việt Nam gồm Hải Phòng, Hà Nội, Thái Bình, Bắc Giang, TT - Huế, Đà Nẵng, Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh diễn ra trong lặng lẽ.

Bà không nói về mình, bởi mục đích của chuyến đi thực tế là tìm sự đồng cảm, ghi lại những nỗi đau, những mất mát và bất hạnh của nạn nhân đi ô xin ở khắp nơi.

"Hậu phương” của đoàn nạn nhân chất độc da cam ở Mỹ ảnh 1

Máy ảnh, túi xách trên vai, bà như một ký giả đường xa thực thụ. Bà kể: “Trong tháng 7 năm ngoái, có 2 email làm tôi rất đau lòng, đó là 2 tin thông báo anh Nguyễn Văn Quý và chị Nguyễn Thị Hồng là 2 thành viên trong đoàn đã mất. Rất tiếc, vì đang bận việc nên mãi đến tận hôm nay, tôi mới có dịp thực hiện chuyến đi này”.

Năm 1964, sau một năm nhập học khoa Công tác xã hội, bà Tuyết quyết định bỏ ngang ĐH Đà Lạt để đi thực tế.

Hồi đó, bà luôn có mặt ở những hang cùng ngõ hẻm, những xóm nghèo hay các bưng biền khốc liệt để hoạt động từ thiện.

Năm 1968, bà được đi du học ở Mỹ (ĐH Bervery) và gặp lại ông Christ Jenkins – người từng dạy bà ở ĐH Đà Lạt. 2 người kết hôn và sinh sống ở Bắc California.

Ông Jenkins đã mất nên mối liên hệ ruột thịt duy nhất ở Mỹ là cô con gái Christ Mê Linh. Bà nói: “Tôi vẫn ở Mỹ, và điều quan trọng nhất, tôi vẫn luôn sát cánh trong cuộc đấu tranh vì công lý này.

Đó cũng là mong muốn của tôi đối với hàng ngàn người Việt ở Mỹ. Tôi không phải là hậu phương của đoàn ở Mỹ như anh nói.

Hậu phương của đoàn là những nạn nhân bị chất độc da cam trên toàn thế giới”.

Theo dự định của bà Trần Khánh Tuyết, chuyến đi xuyên Việt của bà sẽ kéo dài trong một tháng, từ ngày 13/2 đến 13/3/2008.

Trong những ngày vừa qua, bà đã đi qua các tỉnh phía Bắc, đến thăm, tặng quà những gia đình nạn nhân CĐDC và làm việc với Trung ương hội cũng như Hội nạn nhân CĐDC các tỉnh thành.

Đặc biệt, lần ghé thăm nhà ông Nguyễn Văn Quý ở quận Lê Chân (Hải Phòng) bà xúc động mãnh liệt khi chứng kiến cảnh 2 đứa con tật nguyền và bà vợ người đàn ông có trái tim dũng cảm.

Bà rơm rớm: “Tôi đã xem anh Quý như một người thân trong gia đình, vì thế, khi tận mắt nhìn thấy những đứa con của anh, tôi không cầm được nước mắt”. Suốt cả buổi sáng với những đứa trẻ là nạn nhân CĐDC ở Đà Nẵng, nhìn bà cùng vui đùa, ca hát với các em ai cũng xúc động.

Ngày thứ 3 (26/2), bà Tuyết lại một mình vượt núi lên huyện A Lưới (TT -  Huế) để thăm anh Nguyễn Văn Mười – một trong 2 nạn nhân trong đoàn CĐDC đi Mỹ.

“Tôi sẽ đưa những tư liệu, những hình ảnh trong chuyến đi để cung cấp cho những Việt kiều ở California để họ hiểu hơn về cuộc đấu tranh vì công lý. Đại bộ phận Việt kiều ở quận Cam chưa hiểu và cũng rất mù mờ về thông tin này” – bà Tuyết sôi nổi.

Những chuyện cảm động ở Mỹ

Nhắc đến những thành viên trong đoàn nạn nhân CĐDC, bà Tuyết luôn bộc lộ một tình cảm thân thiết và chân thành.

Trong 2 cuộc hành trình qua nhiều thành phố ở Mỹ thì những thành phố ở bang California được đoàn lưu lại dài ngày nhất bởi một lý do quan trọng là ở thành phố New York – nơi diễn ra phiên điều trần giữa 2 bên ở Toà án Liên bang Hoa Kỳ.

Từ 9/6 – 12/6/2007 tại căn nhà nhỏ của bà Tuyết ở phố Belvedere, đoàn đã được bà tận tình chăm sóc, lo lắng từ bữa cơm đến giấc ngủ.

Bà Tuyết cảm động kể: “Tôi khâm phục ý chí và lòng quả cảm của anh Quý và chị Hồng. Họ là những người đã tiếp thêm cho tôi rất nhiều sức mạnh về niềm tin vào công lý. Theo tôi, họ chính là hình ảnh, là biểu tượng cho những nạn nhân chiến tranh trên toàn thế giới”.

Cho đến tận bây giờ, dù cả thế giới đều biết được kết quả ban đầu của cuộc đấu tranh được xem là không cân sức, khi Toà án liên bang Hoa Kỳ tại New York vừa bác đơn kiện của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, nhưng với riêng những thành viên trong đoàn, họ đã có một chiến thắng không kém phần quan trọng - đó là tình cảm, là sự ủng hộ mà kiều bào Việt ở Mỹ dành cho họ.

Bà Tuyết kể: “Vì sức khoẻ kém, nên việc đi lại, ăn uống của anh Quý và chị Hồng rất khó khăn. Vì thế, đích thân tôi phải ngày ngày nấu những món ăn Việt cho đoàn”.

Theo bà, 2 món phở và cháo gà rất hiếm ở phố Belvedere, nên bà thường phải đi mất 1 tiếng đồng hồ để mua cho được bánh phở. “Những ngày ở Mỹ, đoàn phải đi lại rất nhiều, gồm những cuộc họp báo, gặp gỡ và kêu gọi sự ủng hộ của kiều bào cũng như dân chúng nước Mỹ, vì thế hầu như chẳng có thời gian tham quan.

Vậy mà khi về nước được mấy ngày, lần lượt cả 2 người tôi yêu thương, cảm phục nhất là anh Quý và chị Hồng đã ra đi” – bà Tuyết thở dài.

Theo lời kể của bà thì hiện nay, di ảnh của ông Nguyễn Văn Quý và bà Nguyễn Thị Hồng được bà đặt trang trọng trên bàn thờ trong nhà bà ở Mỹ. “Với những người Việt Nam, đặc biệt là các anh em trong đoàn nạn nhân CĐDC, nhà tôi sẽ mãi mãi là chỗ ấm áp, thân tình. Mãi mãi như thế”- bà nói.

Trong toà án lương tri của nhân loại, chúng ta là người chiến thắng

“Tôi rất buồn nhưng không lấy làm ngạc nhiên với kết quả mà Toà án liên bang Hoa Kỳ tại New York vừa phán quyết.

Tôi đã lường trước điều này từ lâu rồi” – bà Tuyết buồn rầu khi tôi hướng câu chuyện đến phán quyết hôm 22/2 cho vụ kiện của các nạn nhân CĐDC Việt Nam đối với các Cty hoá chất Mỹ.

Tuy nhiên, theo bà Tuyết thì: “Trên một phương diện nào đó, chúng ta đã là người chiến thắng. Chiến thắng trong phiên toà lương tri của nhân loại. Theo tôi, trong vụ kiện này, chúng ta đã đại diện cho những nạn nhân trên toàn thế giới.

Vì thế, nhân loại ủng hộ chúng ra. Đó cũng là lý do, mục đích chuyến đi của tôi. Chuyến đi kêu gọi tất cả hãy cùng chung tay vì nạn nân CĐDC”.

Những lý luận hùng hồn của bà Tuyết khiến tôi sực nhớ, bà là Thạc sĩ của ĐH Bervery (khoa Công tác xã hội). Một người sang Mỹ tròn 40 năm nhưng luôn hướng về Tổ quốc, luôn canh cánh vì các nạn nhân CĐDC.

MỚI - NÓNG