Ngược dòng Nậm Nơn - Kỳ cuối

Heo hút bản làng sót lại

Heo hút bản làng sót lại
TP - Đôi bờ Nậm Nơn sầm uất ngày nào đang dần trở nên tan tác, khi gần ba nghìn hộ dân đồng bào các dân tộc Thái, Ơ Đu, Khơ Mú phải di dời ra khỏi lòng hồ. Số ít ở lại heo hút với rừng sâu nước thẳm.

>> Nhộn nhịp buôn nhà sàn, thú hoang, ma túy
>>'Sông ma'

Không bao lâu nữa, công trình thủy điện Bản Vẽ, Tương Dương, Nghệ An sẽ hoàn thành, dòng Nậm Nơn trở  thành biển hồ nước mênh mông.

Heo hút bản làng sót lại ảnh 1
Cổng làng bản văn hóa Piêng Mựn

Đêm ngủ thăm Piêng Mựn

Núi rừng tối om! Kèm theo cơn mưa xối xả, ngồi trên chiếc thuyền nhỏ cưỡi sóng ròng rã ngày trời mới dừng lại bên bến sông. Gần hai mươi phút làm thủ tục với trạm biên phòng Khe Bén (thuộc Đồn Biên phòng 523) xong, men theo đường mòn của núi rừng mười lăm phút nữa mới tới bản Piêng Mựn.

Thấp thoáng từ xa, từng dãy nhà sàn đơn sơ bắt đầu hiện ra dưới chân dãy lèn Phà Vẻn, thuộc xã Mai Sơn. Đây không những là xã cách xa trung tâm thị trấn Hòa Bình, mà còn là xã nghèo nhất huyện miền núi Tương Dương.

Anh Lương Thanh Liên, đội trưởng đội phụ trách xã, Công an huyện Tương Dương, dẫn chúng tôi vào trú tại nhà ông Kha Văn Nguyên, xã đội trưởng xã Mai Sơn. Nghe tin đoàn cán bộ miền xuôi lên, già làng bản Piêng Mựn - Kha Văn Hường gọi bà con tập trung lại nhà trưởng bản Kha Xốn Phon mổ thịt lợn từ chiều.

Heo hút bản làng sót lại ảnh 2
Trẻ em Mai Sơn lần đầu tiên nhìn thấy máy ảnh

Bữa cơm tối tại nhà trưởng bản có cơm nếp, thịt lợn luộc chấm muối và rượu nút lá chuối. Lâu lắm rồi mới có bữa cơm cả bản làng cùng ăn, chung vui với khách như thế này - Trưởng bản Phon nói.

Sau bữa cơm, trưởng bản Piêng Mựn - Kha Xốn Phon lôi ra chum rượu cần to bự để giao lưu với đoàn cán bộ. Ông Kha Văn Nguyên rỉ vào tai tôi “chum rượu kia được ủ mấy năm trời. Có khách quý trưởng bản mới mang ra để đãi khách đấy”.

Trong men nồng của rượu cần, tranh thủ hỏi chuyện với già làng Kha Văn Hường, được biết, bản này một trăm phần trăm đồng bào dân tộc Thái, là bản văn hóa đầu tiên của xã Mai Sơn, có 19 hộ dân nằm trong diện di dân, nhưng chỉ di vén tại chỗ để phục vụ xây dựng công trình thủy điện Bản Vẽ.

Piêng Mựn là bản văn hóa đầu tiên nhưng lại rất nghèo, chín mươi phần trăm là hộ nghèo. Từ bao đời, nay làng mới có một trường hợp được nằm trong diện cử tuyển, địa phương cử đi học khoa Địa lý của Trường Đại học Vinh. Anh Lô Văn Dương (SN 1986) theo học chưa đầy hai năm phải xin bảo lưu kết quả về lại với bản làng vì hoàn cảnh khó khăn.

Thấy tôi mải mê ngồi hỏi chuyện cùng vị già làng, đám thanh niên của bản kéo lại quây vào chum rượu cần phạt một lúc hai sừng. Ngụm cho được hai sừng rượu, đầu tôi bắt đầu choáng váng, nhưng trai gái vẫn không tha, bắt đứng dậy nhảy múa lăm vông.

Trong lúc đang vui như hội, già làng Kha Văn Hường tuyên bố, tối nay giao cho đám thanh niên trai của Piêng Mựn đưa khách đi chọc sàn (hay còn gọi là ngủ thăm). Nhiều nơi không còn tục này nữa, nhưng bản Piêng Mựn vẫn còn giữ.

Heo hút bản làng sót lại ảnh 3
Một góc trung tâm xã Mai Sơn

Để ngủ thăm, con trai có thể đi cả đoàn, tới nhà con gái (tuổi từ mười tám đến hai mươi) chơi. Khuya đến mấy, người nhà cô gái cũng tiếp đón tử tế. Tiếp chuyện một lúc, nếu cô gái thích chàng trai nào trong nhóm thì mời ở lại, khi đó số còn lại biết ý ra về.

Sau đó, cô gái mời vào phòng riêng nằm ngủ nghiêm túc để tâm sự. Trong khi ngủ, chàng trai không được đụng chân tơ, kẽ tóc của cô gái. Nếu không sẽ bị gia chủ phạt vạ rất nặng.

Kể đến đây, vị già làng của bản Piêng Mựn kêu lên: “Lũ con trai đâu rồi? Đưa khách quý đi ngủ thăm cho biết nhé”. Lập tức, một thanh niên trong bản chạy lại kính cẩn: “Trong bản hiện chỉ còn hai cô chưa quá tuổi đôi mươi”. Đoàn cán bộ vào đây những tám người. Già làng tu thêm hơi rượu cần rồi ra hiệu cho thanh niên kia đi.

Thế là cả đám khách bước xuống nhà sàn chia làm hai tốp đến nhà hai sơn nữ của bản. Tốp của tôi được dẫn tới nhà Lô Thị Mây, hoa khôi của bản Piêng Mựn. Sơn nữ này công tác ở UBND xã Mai Sơn, gặp trời mưa to không về được.

Heo hút xã bốn không

Lâu nay dòng Nậm Nơn chính là con đường độc đạo cho bà con đi lại. Ngày 20/10 năm nay, công trình thủy điện Bản Vẽ sẽ được ngăn dòng. Mai Sơn vốn là địa bàn heo hút, giờ còn trở thành xã nằm trong biển hồ nước mênh mông và càng cách biệt bên ngoài.

Sau một đêm mưa như trút, đường bản Piêng Mựn xơ xác, đất đá lởm chởm. Đường đi trở thành khe nước róc rách. Từ Piêng Mựn phải đi bộ non tiếng đồng hồ mới vào đến trung tâm xã Mai Sơn, đóng tại bản Huồi Xá.

Ông Lô Đình Duyên, Bí thư Đảng ủy xã than thở: “Mai Sơn là xã heo hút, một trong hai xã nằm trong lòng hồ thủy điện Bản Vẽ không phải di dời ra vùng tái định cư”.

Từ trung tâm xã Mai Sơn, đi bộ không xa là đến địa phận đất bạn Lào. Xã có ba thành phần dân tộc gồm Thái, Mông và Khơ Mú. Mai Sơn có nhiều cái không, không đường, không điện, không chợ và không phủ sóng. Xã có mười bản làng nhưng không bản nào có sóng để xem ti vi chứ chưa nói đến sóng điện thoại di động.

Để có điện, một số hộ có điều kiện mới có tiền mua tua bin về để lợi dụng sức nước của khe suối cho máy chạy phát điện. Sau một trận lũ nhẹ, bao nhiêu máy móc của bà con trôi theo dòng nước ra thẳng sông Nậm Nơn.

Không chợ búa, bà con chủ yếu tự cung tự cấp, các bản làng chỉ có nghề làm nương rẫy. Thức ăn là những cua, ốc, cá, tôm mò bắt dưới sông Nậm Nơn và hai con khe Huồi Tố và Huồi Xá. Một số thực phẩm khác, bà con Mai Sơn muốn có phải gửi các lái thuyền mỗi lần xuôi dòng Nậm Nơn vài ngày sau mới đưa lên. Gặp mùa mưa lũ có khi một tuần sau thực phẩm mới về đến bản.

Mùa hè, bản làng Mai Sơn nóng như thiêu. Mùa đông thì lạnh thấu xương, bà con đốt lửa thâu ngày thâu đêm. Đợt lạnh hồi năm ngoái, nhiều học sinh của Mai Sơn phải bỏ học, hàng trăm con trâu bò của bản chết rét.

Mai Sơn còn luôn phải đối mặt với trật tự trị an phức tạp. Ông Lô Thanh Nghệ, trưởng công an xã Mai Sơn than thở: “Vừa qua người Mông thuộc bản Phà Đánh của nước bạn Lào ồ ạt tràn sang lãnh địa của bản Piêng Coọc trồng hơn ba hécta cây thuốc phiện.

Sau khi phát hiện, số diện tích cây thuốc phiện trên nhanh chóng được lực lượng bộ đội biên phòng và bà con trong xã tổ chức đi nhổ.

Xóa cây thuốc phiện vừa xong, bản làng của xã Mai Sơn lại phải đau đầu vì nạn di cư trái phép của một số hộ người Mông ở bản Piêng Coọc và bản Phả Kháo sang Lào, nay đồng loạt trở về”. 

Thời gian gần đây bản làng Mai Sơn còn phải đối mặt với nạn buôn bán, vận chuyển và tàng trữ chất ma túy trái phép. Mai Sơn có 48 con nghiện. Bản làng cũng có một số người ra đi vì AIDS, không ít người đi tù vì buôn bán ma túy.

MỚI - NÓNG