Hồ sơ mật của CIA: Giờ phút định mệnh - Kỳ VI

Hồ sơ mật của CIA: Giờ phút định mệnh - Kỳ VI
TP - Ngày 28/3/1975, Đại tướng Fred Weyand, Tham mưu trưởng Lục quân Hoa Kỳ đến Sài Gòn để thị sát  tình hình VNCH theo yêu cầu của Tổng thống Mỹ Ford. 

>> Kỳ trước

Mật trình của tướng Weyand

Trở về Mỹ, ông làm một bản phúc trình đặc biệt lên Tổng thống Ford về tình hình thực tế của VNCH  kèm theo những đề nghị khẩn cấp để cứu nguy cho chính quyền Sài Gòn.

Hồ sơ mật của CIA: Giờ phút định mệnh - Kỳ VI ảnh 1
Trong một bản phúc trình của tướng Weyand lên Tổng thống Ford

Sau khi thị sát chiến trường Nam Việt Nam và họp với chính quyền VNCH, tướng Weyand soạn một bản báo cáo dài 14 trang để phúc trình cho Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Schlesinger.

Ngày 5/4/1975 (tức ngày 6/4 giờ Sài Gòn), đang trên đường  bay về Washington, tướng Weyand được lệnh đổi hướng bay thẳng về Palm Springs (bang Nevada) để phúc trình ngay về tình hình VNCH cho Tổng thống Ford và Ngoại trưởng Kissinger đang đợi tại đó.

Nghe thuyết trình của Weyand xong, Kissinger đi họp báo. Trên đường tới Trung tâm báo chí, Kissinger buột miệng: “Sao chúng không chết phứt cho rồi? Điều tệ hại nhất có thể xảy ra là chúng cứ sống dai dẳng”! (nguyên văn  tiếng Anh: Why don’t these people die fast? The worst thing that could happen would be for them to linger on”).

Trong tóm lược của bản phúc trình về tình hình  Nam Việt Nam và đề nghị những biện pháp hỗ trợ khẩn cấp của Nhà Trắng cho chính quyền Thiệu, tướng Weyand viết:

Tướng Weyand từng có mặt ở chiến trường Nam Việt Nam với nhiều chức vụ khác nhau: Tư lệnh sư đoàn 25 Mỹ, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Tiền phương Lực lượng Đặc nhiệm, Tư lệnh phó Bộ Tư lệnh Quân Viễn chinh Mỹ tại VNCH và, sau cùng, là Tư lệnh  Bộ Chỉ huy Yểm trợ Mỹ (MACV) tại Việt Nam trước khi về Mỹ sau khi Hiệp định Paris được ký kết (27/1/1973). Tướng Weyand thăm và tìm hiểu tình hình VNCH từ ngày 28/3 đến 4/4/1975. 

“Tình hình quân sự hiện nay đang nguy ngập… Chính phủ VNCH đang cận kề một thất bại quân sự hoàn toàn. Tuy nhiên, VNCH đang lên kế hoạch tiếp tục chống giữ với những nguồn lực còn lại của họ và, nếu có được một thời gian để lấy lại sức, họ sẽ xây dựng lại được khả năng của họ tương xứng với sự hỗ trợ vật chất của Mỹ. Tôi tin rằng chúng ta thiếu họ món nợ hỗ trợ đó… Chúng ta đã giơ tay ra cho Nam Việt Nam và họ đã nắm lấy. Giờ đây, họ đang cần đến bàn tay giúp đỡ ấy nhiều hơn bao giờ hết…

“Uy tín của Mỹ, trên cương vị là một nước đồng minh của VNCH, đang bị thử thách tại Nam Việt Nam. Để giữ được uy tín đó, ta phải làm một nỗ lực tối đa để hỗ trợ cho miền Nam Việt Nam trong lúc này. (Bản phân tích chi tiết hơn được trình bày trong phúc trình đính kèm). Kính trình. Fred C. Weyand”.

Mỹ bỏ rơi Thiệu?

Mở đầu bản phúc trình chi tiết, tướng Weyand viết: “Tôi đã hoàn tất công việc,  đã phân tích những dự tính của chính quyền VNCH để có thể phản công  Bắc Việt, đã cam kết với Tổng thống Thiệu về sự hậu thuẫn kiên trì của Tổng thống trong cơn khủng hoảng này, và đã  xem xét cân nhắc các lựa chọn và các cách thức hành động mà Mỹ có thể thực hiện để trợ giúp VNCH.

Tình hình quân sự của VNCH đang lâm vào tình trạng nguy ngập, và sự tồn tại của Nam Việt Nam là rất mong manh. Chính quyền VNCH đang bên bờ vực của một thất bại quân sự hoàn toàn. Tuy nhiên, VNCH dự tính tiếp tục chống cự với phương tiện có trong tay và,  nếu có thời gian lấy lại sức, có thể tái tạo khả năng chiến đấu tùy thuộc vào sự viện trợ khẩn cấp về trang bị vũ khí, khí tài của  phía Mỹ. Tôi cam đoan  là chúng ta có bổn phận phải cống hiến sự hỗ trợ này cho họ”.

Và tướng Weyand đề xuất, “mức độ hỗ trợ hiện tại của Mỹ chắc chắn dẫn đến  sự thất bại của chính quyền VNCH. Nếu muốn đạt một cơ hội thành công, cần có thêm ngay lập tức 722 triệu dollar để giúp VNCH có được thế phòng thủ tối thiểu chống lại sự tấn công của quân đội Bắc Việt. Sự viện trợ bổ sung này của Mỹ là phù hợp với tinh thần của Hiệp định Paris.

Việc sử dụng hỏa lực của không quân Mỹ để tăng cường khả năng cho Nam Việt Nam chống lại cuộc tấn công của Bắc Việt sẽ đem lại sự hỗ trợ trên cả hai bình diện quân sự và tâm lý đối với VNCH, đồng thời sẽ mang lại một thế hòa hoãn cần thiết trên chiến trường”.

Đặc biệt, về các lựa chọn hành động của Mỹ,  tướng Weyand phân tích: “Điều mà Mỹ làm hoặc  có thể không làm trong những ngày tới đều sẽ  định đoạt những biến cố sẽ xảy ra trong vài tuần tới.  Một mình Mỹ không thể cứu vãn được Nam Việt Nam nhưng Mỹ cũng có thể, cho dù có vô tình, đẩy VNCH xuống hố chôn”.

Weyand đề nghị cụ thể với Nhà Trắng hai loại hành động. Những hành động ngắn hạn- một phần về mặt vật chất nhưng chủ yếu là về mặt tâm lý - cần thiết để nâng tinh thần Nam Việt Nam và,  nếu có thể, ép được Bắc Việt tạm ngừng tấn công.

Điều này chỉ mua được thời giờ, nhưng, trong tình thế hiện tại, thời giờ là điều tối cần. Những hành động dài hạn - về mặt vật chất nhưng lại có khía cạnh tâm lý mạnh mẽ- nếu muốn VNCH có hy vọng tồn tại hoặc thương thảo một hiệp ước khác thay vì đầu hàng.

Điều kiện tiên quyết và cấp bách theo tướng Weyand là Nam Việt Nam phải cảm thấy được Mỹ ủng hộ. “Cảm giác này rất quan trọng về mọi mặt. Cảm giác người Mỹ giảm thiểu ủng hộ hay nói cách khác, bỏ rơi Nam Việt Nam, sẽ khuyến khích Bắc Việt tiếp tục tấn công. Chính cảm giác này khiến quân đội VNCH bắt đầu triệt thoái một cách lộ liễu tại các tỉnh phía bắc.

Cảm giác này là do, ngay sau khi ký kết Hiệp định Paris, 1,6 tỷ dollar được đệ trình Quốc hội về viện trợ  cho Nam Việt Nam cho năm tài khóa 1974 chỉ được giải ngân có 1 tỷ 126 triệu dollar (bằng 70 phần trăm yêu cầu);  500 triệu dollar còn lại bị Quốc hội khước từ.

Đối với tài khóa năm 1975 này, khoản viện trợ 1,6 tỷ dollar được đề nghị để duy trì khả năng tự vệ của quân đội VNCH, nhưng cũng chỉ có 700 triệu dollar được chấp thuận (chỉ bằng 44 phần trăm yêu cầu). Những hành động này đã làm phát sinh khủng hoảng lòng tin vào Mỹ của VNCH”-Weyand viết.

Ý định mang B-52 vào lại Nam Việt Nam

Hồ sơ mật của CIA: Giờ phút định mệnh - Kỳ VI ảnh 2
Tướng Weyand - Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ

Tướng Weyand kết luận, điều then chốt cho sự tồn tại sống còn của VNCH nằm trong khả năng của chính quyền Thiệu có ổn định được tình thế, và đem các nguồn lực quân sự chống lại sức tấn công của Bắc Việt hay không.

Song khả năng này  lại tùy thuộc  phần lớn  vào khả năng thuyết phục giới quân sự và dân sự là chưa đến nỗi mất tất cả, và còn có thể chặn đứng được Bắc Việt.

“Tuy đó là trách nhiệm  chính của chính phủ VNCH, các hành động của Mỹ lại mang tính quyết định trong việc lấy lại niềm tin. Hành động mà Mỹ có thể làm để gây nên ấn tượng tức khắc cho cuộc chiến Việt Nam là sử dụng không quân Mỹ để chặn đứng thế tấn công hiện tại của Bắc Việt.

Cho dù chỉ giới hạn trên phần đất Nam Việt Nam và chỉ thực hiện trong một thời gian giới hạn, sự tấn công này sẽ gây tổn thất lớn cho quân đội Bắc Việt và sẽ tạo một chấn động về mặt tâm lý đối với họ. Cuộc không kích này cũng sẽ khiến Hà Nội phải suy nghĩ lại.

Tướng lĩnh quân đội VNCH  mọi cấp bậc đều lặp đi lặp lại mức độ quan trọng của việc Mỹ cho sử dụng pháo đài bay B-52 phản công chống lại quân đội Bắc Việt,  và quan điểm này hợp lý về mặt quân sự. Tôi ý thức được các khó khăn về mặt pháp lý và chính trị gây nên bởi việc thi hành biện pháp không kích này”-Tướng Weyand đề xuất với Tổng thống Ford.

Về kế hoạch di tản, tướng Weyand đề nghị, do có những  biến chuyển cực kỳ nhanh chóng từ các biến cố ở Nam Việt Nam, Tổng thống cần phải quan tâm tới một vấn đề khác. Dựa trên các lý do thận trọng, Mỹ phải lập tức có ngay một kế hoạch di tản đại qui mô cho 6.000 người Mỹ đang có mặt ở Nam Việt Nam và hàng vạn người Việt trong chính quyền Thiệu mà chúng ta có bổn phận phải bảo vệ.

“Bài học tại Đà Nẵng cho thấy việc di tản này đòi hỏi tối thiểu một sư đoàn lính Mỹ được  yểm trợ bởi không quân tác chiến để đập tan pháo binh và hỏa lực phòng không của Bắc Việt.

Khi tình thế đòi hỏi, một lời xác định công khai về chính sách này phải được công bố và Bắc Việt phải được cảnh cáo một cách rõ ràng  về ý định của Mỹ sẽ dùng tới vũ lực để đảm bảo tính mạng cho số người (cả Mỹ và Việt) được di tản.

Nhà Trắng  phải được Quốc hội Mỹ cho toàn quyền sử dụng các hình phạt quân sự chống lại Bắc Việt nếu họ cản trở công việc di tản. Thế giới vẫn  đánh giá sự trung tín của Mỹ với  tư cách là đồng minh của VNCH.  Nhưng để duy trì sự tin tưởng đó, chúng ta phải thực hiện một nỗ lực tối đa trong việc hỗ trợ cho Nam Việt Nam ngay” - Tướng Weyand viết.

Nhưng ở thời điểm đó, ông Ford khó mà làm được những điều tướng Weyand đề xuất, ngoại trừ kế hoạch di tản. Ông ta đang phải sửa soạn một chiến dịch để ra tranh cử chức tổng thống vào năm 1976, và  các cố vấn của ông Ford tại Nhà Trắng đều khuyên ông: “Hãy đưa nước Mỹ ra khỏi cuộc chiến Việt Nam”.

Ông Ford chắc phải nghe cố vấn vì có lẽ ông ta mặc cảm là chưa hề được dân chúng Mỹ bầu lên vị trí người đứng đầu cơ quan hành pháp Mỹ - chức Tổng thống.

Từ một Hạ nghị sĩ, ông Ford được Nixon cất nhắc lên làm Phó Tổng thống tháng 12/1973, sau khi Phó Tổng thống Agnew từ chức.Sau đó, ông nhảy vọt lên chức Tổng thống khi Nixon phải ra đi do vụ scandal Watergate vào tháng 9/1974.

----------------

(Còn nữa)

Tô Nam
lược dịch

MỚI - NÓNG