Hồ sơ mật của CIA: Giờ phút định mệnh - Kỳ VII

Hồ sơ mật của CIA: Giờ phút định mệnh - Kỳ VII
TP - Ngày 2/4/1975, Tổng thống Thiệu miêu tả kế hoạch của mình với Trưởng phân ban Đông Á của CIA Shackley và  trùm CIA Sài Gòn Polgar về những nỗ lực tử thủ và ổn định tình thế cho VNCH, song nó đã bị "nhốt vào rọ" và bị trì hoãn thực hiện bởi các chính trị gia đầy đố kỵ của Nam Việt Nam.

>> Mật trình của tướng Weyand

Kỳ VII: Câu trả lời từ Tây Ninh

Hồ sơ mật của CIA: Giờ phút định mệnh - Kỳ VII ảnh 1
Bản đồ của CIA về hướng tấn công của quân giải phóng quanh Sài Gòn, tháng 4/1975

CIA không ủng hộ đảo chính

Thiệu lập bộ tư lệnh hành quân lưu động nằm trong Bộ Tổng tham mưu của tướng Cao Văn Viên. Nhưng các tướng lĩnh thất trận ở cao nguyên và Huế như Phạm Văn Phú, Lâm Quang Thi, Hồ Văn Kỳ Thoại, Nguyễn Văn Khánh… lại bị phạt giam lỏng tại đây để viết kiểm điểm.

Còn các chính trị gia lại khẩn trương xúc tiến thiết lập một chính phủ Nam Việt Nam gồm nhiều thành phần có đủ sức nặng và cùng chung mối quan tâm đến việc đàm phán với Bắc Việt về chuyện ngừng bắn.

Hôm sau,  Polgar báo cáo về tổng hành dinh CIA rằng tướng không quân Nguyễn Cao Kỳ liên kết với  Chủ tịch Thượng viện VNCH Trần Văn Lắm tập hợp một danh sách nhân sự dự kiến cho chính phủ như vậy.

Đúng lúc Thiệu có thể đàn áp ý định  này (tướng Đặng Văn Quang và tướng Nguyễn Khắc Bình - Tư lệnh cảnh sát quốc gia, thậm chí cho Polgar biết kế hoạch chi tiết đàn áp các phần tử đối lập), thì Dân biểu ở Thượng viện VNCH lại nhất trí yêu cầu phải có một nhà lãnh đạo mới  thay thế Thiệu. 

Đề cập bóng gió về chủ đề này với Đại sứ Martin, Polgar  cho rằng Thiệu thiếu khôn ngoan và  linh hoạt để xử lý những thành phần bất đồng trong chính phủ VNCH. Hơn nữa, nếu Tổng thống Thiệu tiếp tục tại vị, Bắc Việt sẽ đi đến một chiến thắng quân sự.  Giám đốc CIA Colby tỏ ra nóng nảy, chỉ thị Polgar không được can dự vào bất kỳ hoạt động nào nhằm lật đổ Thiệu.

Lúc này, tướng Charles Timmes được CIA giao cho vai trò liên lạc viên giữa CIA và nhóm tướng lĩnh trẻ của quân đội VNCH, mà ông Timmes đã kết làm bạn trong những ngày tháng ông là trưởng phái đoàn cố vấn Mỹ chiến trường (năm 1962-1964, tướng Timmes  được chọn làm người đứng đầu phái đoàn cố vấn Mỹ ở VNCH).

Khi biết tướng không quân Nguyễn Cao Kỳ đang tìm cách đảo chính Thiệu, tướng Timmes chở Đại sứ Martin trên chiếc Volkswagen của ông tới gặp tướng Kỳ tại nhà (trong sân bay Tân Sơn Nhất), và hai người cố làm cho tướng Kỳ tin rằng họ sẽ ủng hộ ông ta làm tổng thống tương lai nếu ông biết kiên nhẫn chờ đợi và đừng chống lại Thiệu. Nhưng có nhiều dấu hiệu khác cho thấy một cuộc đảo chính có thể nổ ra bất cứ lúc nào. Và Đại sứ Martin lẫn CIA không ủng hộ tướng Kỳ làm đảo chính.

Sáng 8/4, một máy bay A-37 của viên phi công VNCH đảo ngũ theo Bắc Việt đánh bom Dinh Độc lập. May mắn là bom chỉ làm sập văn phòng của tướng Quang, cố vấn an ninh của Thiệu. Trước việc quân đội Bắc Việt tiếp tục khai thác lợi thế của họ trên chiến trường, phản ứng yếu ớt của VNCH cũng như Phái bộ Mỹ y như là "một chú hươu ngơ ngác chôn chân khi ngọn đèn pha sáng chói rọi vào mắt".

Cùng ngày 8/4, bộ phận CIA ở Tây Ninh báo cáo rằng Bắc Việt đã quyết định một chiến dịch tấn công thần tốc để giải phóng miền Nam cho dù chính quyền Thiệu sụp đổ hay là được Mỹ tăng viện. Tức là sẽ không có việc đàm phán cũng chẳng có chuyện thành lập một chính phủ liên hiệp, mà "quân đội Bắc Việt sẽ tấn công Sài Gòn trong thời gian thích hợp".

Ngày định đoạt

Trong lúc ấy, Polgar nhận thấy Phái bộ Mỹ vẫn giống như một "con tàu không bánh lái" mặc dù Đại sứ Martin đã trở lại Sài Gòn điều hành. Ngày 9/4, Polgar  than phiền về việc  quá lãng phí thời gian để tranh cãi về tính hợp lệ của những tin xấu đổ  về từ các nguồn tin tình báo của mình, và lưu ý rằng, gia đình những người Việt làm cho Mỹ và công chức chính quyền VNCH ùn ùn mang theo đồ đạc dồn ứ ở cảng Sài Gòn, trong khi hai tàu Mỹ  rời cảng lại rỗng không vì Tòa Đại sứ Mỹ không cho lệnh chuyên chở. 

Đại sứ Martin một mặt vẫn cố gắng lái Washington vào việc viện trợ quân sự và kinh tế cho VNCH, mặt khác, tìm cách duy trì cảm giác mọi hoạt động  vẫn bình thường ở Sài Gòn dù trên thực tế tình hình mỗi ngày một tồi tệ.

Cùng trong báo cáo này, Polgar nhận định, quân đội Bắc Việt sẽ tấn công nhằm vào các tỉnh lỵ gần Sài Gòn để tạo đòn quyết định đánh chiếm Sài Gòn trước tháng sáu.  Polgar cũng lưu ý, trong vòng hai tuần gần nhất, nội các Thiệu chẳng có hoạt động điều hành gì cả, thậm chí, suốt một tuần liền, Đại sứ Martin không trông thấy mặt Thiệu. 

Đại sứ Martin đồng ý với nhận định, ông Thiệu đang ngồi ở vị trí quá sức của ông ta nhưng không thể đẩy ông ta đi khi chưa tìm được một "giải pháp thay thế sống còn". Polgar kết luận sẽ không có chuyện "tránh được một cuộc đổ máu vô ích chỉ bằng việc Thiệu từ chức và một chính phủ liên hiệp đủ tin cậy đề nghị thực thi điều khoản Hiệp định Paris về sự đầu hàng trong trật tự" sau khi Mỹ rút đi. 

Đúng lúc ấy, mật lệnh của Giám đốc CIA Colby được đánh sang Sài Gòn: Những người Việt làm cho CIA đều phải rời khỏi Nam Việt Nam ngay; nếu thiếu phương tiện tại chỗ, Colby sẽ điều thêm máy bay thương mại sang Sài Gòn. Nhưng chính Polgar lại  vẫn hoài nghi về tính khẩn cấp của mệnh lệnh này.

Tại bữa tiệc tối ở văn phòng CIA Sài Gòn, Chip Schofield nhân viên Phái bộ Mỹ hỏi Polgar rằng "trong hoàn cảnh nào thì yêu cầu di tản Phái bộ Mỹ?".  Lúc đó (ngày 9/4)  quân đội Bắc Việt bắt đầu tấn công Xuân Lộc (nay thuộc tỉnh Đồng Nai). Polgar  thừa nhận việc mất Biên Hòa và con đường cao tốc duy nhất từ Sài Gòn xuống Vũng Tàu đã bị chặn. Kế hoạch di tản trong một kết cục như thế là phi thực tế.

Ông ta còn lo ngại, bất cứ một thông báo nào về cuộc di tản tổng thể đưa ra lúc này đều sẽ gây hoảng loạn cho Phái bộ Mỹ. Vì thế, trong mọi  trường hợp Polgar phải ngăn cản một chính phủ liên hiệp dù chỉ để che đậy một cách mong manh kết cục phải đầu hàng sắp ập đến với Nam Việt Nam, có vậy mới ngăn ngừa được những rắc rối xảy đến cho cuộc di tản khẩn cấp của người Mỹ.

Quan điểm này trái ngược với báo cáo của Polgar ngày 9/4 gửi cho tổng hành dinh dự báo về một cuộc tấn công mang tính quyết định của quân đội Bắc Việt. Sau đó, Polgar nhanh chóng được chỉ định bắt đầu với vai trò trọng yếu chính thức trong nỗ lực đàm phán để có một giải pháp  cho phép người Mỹ và quân đội VNCH triệt thoái  trong trật tự, và có lẽ  chỉ cần duy trì một bộ phận nhỏ của Phái bộ Mỹ.

Một lý do gây tâm lý bi quan về sự thành công của kế hoạch di tản là áp lực của quân đội. Phó văn phòng CIA Sài Gòn  LaGueux -người chứng kiến từ trên máy bay cảnh tháo chạy thê thảm khỏi Cao nguyên và Đà Nẵng của quân đội VNCH- thực sự hoảng sợ cho cuộc di tản khẩn cấp của người Mỹ nếu diễn ra trong một tình trạng hỗn loạn như vậy.

Polgar đồng ý với sự nhìn nhận này của LaGueux rằng cuộc di tản khỏi Sài Gòn trong trật tự của tất cả người Mỹ và, mọi thỏa hiệp, dàn xếp của Nam Việt Nam không chắc thành công trong hoàn cảnh đang hỗn loạn tương tự như vậy. Bởi thế Polgar ủy quyền cho LaGueux chuẩn bị  một kịch bản di tản trong trường hợp xấu nhất gửi về  Washington. 

Ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị T.Ư Đảng quyết định: Thực hiện Tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng 4, không để chậm. Với phương châm "thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng".  Từ thời khắc này, số phận của chế độ Sài Gòn đã được định đoạt.

Ngày 8/4/1975, tại Sở Chỉ huy Miền, ông Lê Đức Thọ công bố quyết định ngày 6/4 của Bộ Chính trị thành lập Bộ chỉ huy chiến dịch Sài Gòn - Gia Định. Đại tướng Văn Tiến Dũng là Tư lệnh; ông Phạm Hùng (Bí thư T.Ư Cục miền Nam) là Chính ủy.

Các ông Trần Văn Trà, Lê Đức Anh, Lê Trọng Tấn, Đinh Đức Thiện là  Phó Tư lệnh; ông Lê Quang Hòa là  Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị; ông Lê Ngọc Hiền là quyền Tham mưu trưởng.

Ông Lê Đức Thọ tham gia T.Ư Cục và Đảng ủy mặt trận. T.Ư Cục phân công ông Nguyễn Văn Linh, Phó Bí thư T.Ư Cục, đặc trách phong trào nổi dậy của quần chúng, nhất là ở Sài Gòn; ông Võ Văn Kiệt, Ủy viên Thường vụ T.Ư Cục, chỉ đạo việc tiếp quản thành phố.

(Nguồn: Tổng Hành dinh trong mùa xuân đại thắng của
Đại tướng Võ Nguyên Giáp)

--------------

Còn nữa

Tô Nam
Lược dịch

MỚI - NÓNG
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
TPO - Dù đang trên đà giảm, giá vàng thế giới có mức tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 24/4. Khi tình hình chính trị ở Trung Đông chưa có thêm căng thẳng thì dữ liệu kinh tế Mỹ, lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ lại tác động giá vàng.