Hồ sơ mật của CIA: Giờ phút định mệnh - Kỳ VIII

Hồ sơ mật của CIA: Giờ phút định mệnh - Kỳ VIII
TP - Cuối tháng 1/1972, Polgar được CIA cử sang Sài Gòn thay Ted Shackley làm trưởng văn phòng CIA Sài Gòn.

>> Kỳ VII: Câu trả lời từ Tây Ninh

Cặp bài trùng Martin-Polgar

Tham gia CIA từ khi cơ quan tình báo này thành lập (1947), sinh ra và lớn lên ở Hungary nên, ngoài tiếng mẹ đẻ, Polgar giỏi tiếng Đức và tiếng Anh. Do vậy ông ta hoạt động cho CIA chủ yếu ở Đức và Đông Âu.

Hồ sơ mật của CIA: Giờ phút định mệnh - Kỳ VIII ảnh 1
Đại sứ Mỹ Graham Martin (phải)

Cuộc gặp gỡ gượng gạo

Lần đầu tiên hoạt động tại Nam Việt Nam, Polgar kế thừa mạng lưới mà Shackley dày công thiết kế trước khi được tổng hành dinh  CIA cất nhắc lên chức Trưởng phân ban Đông Á, trở thành sếp trực tiếp của Polgar. Nhờ khả năng và kinh nghiệm, Polgar  dần trở thành nhân vật quan trọng thứ hai trong tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, chỉ sau Bunker. 

Tháng 4/1973, Đại sứ Bunker cùng Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu bay sang Mỹ trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của người đứng đầu chính quyền VNCH. Polgar tháp tùng Bunker  đến San Clemente (bang California), nơi Tổng thống Mỹ Nixon tiếp Thiệu tại biệt thự riêng bên bờ biển.

Tại đây, Polgar được Ngoại trưởng Kissinger mời bữa ăn sáng thân mật. Không rõ nội dung bàn luận giữa hai người trong bữa ăn sáng ấy nhưng, ngay buổi chiều, Martin người vừa được Nixon quyết định bổ nhiệm làm Đại sứ Mỹ tại Nam Việt Nam thay thế Bunker (nhưng chưa chính thức nhậm chức) đột ngột gõ cửa phòng Polgar.

Martin xa gần muốn biết nội dung trao đổi của Kissinger với Polgar. Cuộc trao đổi ngắn nhưng Polgar trực tiếp cảm nhận  phong cách "lôi cuốn và mưu lược" vẫn được đồn thổi của Martin. Polgar đảm bảo với Martin rằng, với tư cách là Trưởng văn phòng CIA ở Sài Gòn, sẽ làm việc hết mình cho ngài tân Đại sứ.

Dù cuộc gặp đầu tiên giữa hai người rất gượng gạo nhưng, sau đó, mối quan hệ giữa họ trở nên tốt đẹp hơn nhiều ở Sài Gòn và như một cặp bài trùng mãi cho đến những ngày cuối cùng trước khi Sài Gòn sụp đổ mới  nảy sinh bất đồng. 

Trở lại Sài Gòn, Polgar tình cờ gặp tướng  Szuecs (thành viên trong Ủy ban Liên hiệp Quân sự Quốc tế Giám sát Hiệp định Paris) tại sân bay Tân Sơn Nhất, khi  đang được một bác sỹ quân y người Hungary  thăm khám.

Biết rõ CIA đang điều hành một bệnh viện tại Sài Gòn, vị bác sĩ này lại đang loay hoay kiếm biệt dược  trị  sốt rét cho các thành viên phái đoàn Hungary trong Trại Davis. Viên thư ký thứ nhất của đoàn Hungary đến và, qua giới thiệu, họ nhận nhau là đồng nghiệp vì đều là tình báo.

Sau đó, gần gũi hơn qua một cuộc nhậu, nhưng Polgar tạm không sử dụng "mối quan hệ Hungary" này mãi cho đến khi lâm vào tình huống cấp bách giữa tháng 4/1975.  Như vậy, vô tình, đại diện phe cộng sản trong Ủy ban Liên hiệp Quân sự Quốc tế đem đến  cho CIA Sài Gòn cơ hội tuyển mộ một nguồn tin quan trọng mà sau này Polgar coi đó "là sự tuyển mộ giật gân nhất của CIA tại Nam Việt Nam".

Ông Đại sứ Cà phê

Hồ sơ mật của CIA: Giờ phút định mệnh - Kỳ VIII ảnh 2

Tổng thống Nixon và Thiệu tại San Clemente, tháng 4/1973.Ảnh do Polgar chụp

Tháng 7/1973, thời điểm mà sau này Polgar gọi là "khoảng lặng trước cơn bão",  Graham Martin đến Sài Gòn chính thức nhậm chức Đại sứ Mỹ tại VNCH. Lúc đầu Thiệu rất dè dặt vì, với bản tính đa nghi, biết Martin từng chống việc Mỹ mang quân vào Việt Nam (năm 1965), rồi sau đó lại chống việc Mỹ đem không quân vào Thái Lan hồi còn làm Đại sứ ở Thái Lan, Thiệu lo ngại ông ta sẽ là một Cabot Lodge thứ hai (Đại sứ Cabot Lodge là người đứng sau cuộc đảo chính Diệm năm 1963).

Năm 1967, Martin bị Ngoại trưởng Dan Rusk cho về Mỹ ngồi chơi xơi nước vì quá bướng bỉnh chống việc Mỹ mang không quân vào Thái Lan. Nhưng là bạn của Tổng thống Nixon, Martin được Nixon phục chức, bổ làm Đại sứ Mỹ tại Italia một năm sau khi Nixon thắng cử.

Tuy nhiên, sau đó Thiệu nhận ra rằng Martin là một người ủng hộ Nam Việt Nam. Lý do chính là Martin muốn bảo vệ uy tín của Mỹ trong cuộc chiến ở Nam Việt Nam. Ông  là con một mục sư đạo Tin lành dòng Baptist khá nghiêm ngặt ở Mars Hill thuộc bang Bắc Carolina.

Martin có một cháu trai tên là Glenn (phi công trực thăng quân đội Mỹ) tử trận tại cao nguyên Nam Việt Nam. Martin nghiện thuốc lá nặng và làm việc rất khuya, lúc nào  cũng trầm lặng, kín đáo. Ông rất ít giao thiệp với các vị đại sứ khác, trừ Đại sứ Pháp Merillon vì hai tòa đại sứ nằm sát nhau.

Nhân viên sứ quán thấy Martin khó gần và cho rằng ông còn lạnh lùng hơn cả Bunker có biệt danh là "Đại sứ tủ lạnh". Tổng thống Thiệu gọi Martin là "ông Cà phê" vì hồi ấy Sài Gòn có cà phê Pháp nhãn hiệu Martin nổi tiếng.

Martin dường như không thay đổi gì cách tiếp cận của Phái bộ Mỹ đối với quyền lợi cơ bản của Mỹ ở Nam Việt Nam. Tiếp tục công việc và bằng tính toán của riêng mình, Polgar trở thành người "gần cận và tâm phúc nhất của Đại sứ Martin".

Mối quan hệ của hai  người  ngày càng tốt đẹp mặc dù  Polgar quan hệ thân thiết với các nhà báo Mỹ, điều mà Martin vốn không thích (vì ông từng làm báo địa phương ở Mỹ). Vai trò của Polgar lúc đó mở rộng sang việc giúp đỡ Martin trong việc lựa chọn một cấp phó mới, và sau cùng là cân nhắc hộ Martin kế hoạch di tản những quan chức cao cấp của Sứ quán.

Martin cũng sử dụng CIA Sài Gòn vừa là kênh thông tin vừa là công cụ gây ảnh hưởng lên giới tướng lĩnh chính quyền Sài Gòn, y hệt cách mà ông Bunker - người tiền nhiệm của Martin - đã làm. Như những gì LaGueux - cấp phó của Polgar- chứng kiến, một trong những lý do là CIA Sài Gòn biết giữ kín những tính toán bí mật của Đại sứ Martin ngay cả trong các quyết định riêng theo thẩm quyền của văn phòng này.

CIA Sài Gòn dùng các mối quan hệ của mình để giám sát và phần nào kiềm chế Tổng thống Thiệu. Các kênh đặc biệt này là Thủ tướng Trần Thiện Khiêm và cố vấn an ninh cho Thiệu là Tướng Đặng Văn Quang. Thỉnh thoảng CIA cũng sử dụng Tướng Nguyễn Khắc Bình, Tư lệnh  Cảnh sát kiêm Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia của chính quyền Thiệu. Vai trò của CIA Sài Gòn sau  Hiệp định Paris chỉ là tranh thủ tìm một hướng mới khả dĩ cho người Mỹ rút khỏi Nam Việt Nam trong danh dự.

Nước cờ di tản mới của Polgar

Sau khi mất Biên Hòa, trực giác dẫn dắt Polgar lao vào một cuộc thương lượng cho ngày đầu hàng của VNCH. Trong bản báo cáo đầy thất vọng ngày 10/4, Polgar tiên  đoán người Mỹ sẽ thất bại trong việc gây áp lực với Hà Nội.

Thiệu đã mất  hết tín nhiệm, còn Thủ tướng Khiêm thì không có may mắn trong việc tập hợp một chính phủ liên hiệp với ý định  thuyết phục Hà Nội chấp thuận việc đầu hàng muộn hơn của VNCH. Chủ tịch Hạ viện Nguyễn Bá Cẩn chẳng  may mắn hơn Khiêm khi ông ta được đề nghị thay Khiêm làm Thủ tướng.

"Thế là cuộc chiến đã kết thúc"-Polgar buồn rầu nghĩ, khác hẳn với nhận thức hồi cuối tháng 2/1975 khi chính ông ta cho rằng "một viễn cảnh khá cho một kết cục tương đối thuận lợi" vì cho phép người Mỹ rút khỏi cuộc chiến Việt Nam trong danh dự.  Nhưng các biến cố trong tháng 3/1975 làm thay đổi tất cả.

Polgar đề ra bốn việc phải làm ngay là tăng tốc cuộc di tản người Mỹ nhưng phải tránh gây hoảng loạn; phát đi thông điệp mạnh mẽ tới Liên Xô và Pháp để dàn xếp việc Bắc Việt ngừng tấn công; chủ động  thay thế Thiệu bằng một chính phủ liên hiệp; và thu xếp một cuộc di tản trong trật tự cho quan chức, sĩ quan VNCH và gia đình họ.

Theo Polgar, bốn việc này mà thành công thì ít nhất người Mỹ cũng đã gia ơn cho VNCH, đồng thời khiến Hà Nội hoàn thành việc loại bỏ Thiệu  và sự có mặt của  Mỹ tại Nam Việt Nam mà không cần phải đưa xe tăng vào Sài Gòn.

Tổng thống Ford đã có tờ trình về cuộc di tản của người Mỹ và người Việt trong chính quyền VNCH nên, Trưởng phân ban Đông Á của CIA Shackley muốn Polgar hiểu  rằng Washington rất quan tâm đến việc di tản của nhân viên CIA và mạng lưới chân rết người Việt ở Nam Việt Nam.

Polgar đảm bảo với Shackley rằng cho đến ngày 11/4 thì mọi chuyện vẫn trong vòng kiểm soát. Nhưng kịch bản bi quan của cuộc di tản do Phó văn phòng CIA Sài Gòn LaGueux thảo ra đến tay tổng hành dinh CIA vào ngày  12/4, trong đó nhận định cuộc di tản trong trật tự cho tất cả người Mỹ và người Việt làm việc cho Mỹ sẽ khó mà thực hiện được nếu không có sự can thiệp của quân đội Mỹ, bởi vì bản thân cuộc di tản sẽ gây ra cú sốc về tâm lý và chính trị cực kỳ lớn. 

CIA Sài Gòn cho rằng, nước Mỹ rõ ràng phải có trách nhiệm di tản ít nhất 250 ngàn người, chưa kể hàng ngàn sĩ quan quân đội VNCH và công chức chính quyền Sài Gòn cùng gia đình họ. Nhưng không có cơ sở khẳng định chắc chắn rằng Bắc Việt sẽ để yên cho Mỹ thực hiện cuộc di tản đại quy mô này diễn ra.

Trong bất kỳ trường hợp nào, sự sụp đổ của VNCH  đều làm cho Sài Gòn náo loạn vì binh lính VNCH thất trận và sự hoảng sợ của dân chúng sẽ không cho phép thực hiện được cuộc di tản quy mô lớn một cách trật tự  chỉ trong vòng hai đến ba ngày. 

Polgar lường trước rằng, sự hoảng loạn là hậu quả lập tức của bất kỳ cố gắng nào để thu xếp một cuộc di tản quy mô lớn cho hơn một triệu người miền Nam Việt Nam, trong đó  hơn một nửa phải thỉnh cầu để được di tản.

Polgar có bằng chứng rằng một bộ phận quân đội VNCH đang phải  giữ các nhân viên dân sự người Mỹ ở Nam Việt Nam như là một điều kiện giúp  đảm bảo cho sự an toàn và chắc chắn được di tản của chính họ.   Sự lo ngại  này khiến cho tổng hành dinh CIA và CIA Sài Gòn bắt đầu theo đuổi một chiến lược khác, mà sau này mới biết là không thích hợp.

 Ngày 17/4/1975, Kissinger gửi mật điện thúc giục Đại sứ Martin: "Hãy ra đi cho mau, và ngay lập tức", nhưng Martin cố tình câu giờ vì sợ chính quân đội VNCH sẽ quay súng bắn vào người Mỹ, nếu người Mỹ di tản quá sớm bỏ rơi Nam Việt Nam. Ông ta sốt ruột phái người ra Hà Nội rồi khẩn thiết yêu cầu Kissinger đàm phán với Hà Nội để cố gắng có được 2 tuần thu xếp một cuộc di tản trong trật tự. Trong lúc nước sôi lửa bỏng ấy, Polgar không điều hành được các nhân viên CIA mà chỉ lo đôn đáo gặp ký giả Browne của tờ Time và nguồn tin người Hungary trong Trại Davis, khiến ông Martin nổi đóa dọa "thiến" Polgar.

Còn nữa

Tô Nam lược dịch

MỚI - NÓNG