Hộ tống ‘chú Sửu’ đi chợ Ba Đồn...

Hộ tống ‘chú Sửu’ đi chợ Ba Đồn...
TP - Phóng khoáng vô cùng. Ngã giá bằng cái vỗ tay làm vui. Thỏa thuận bằng cái xiết tay làm tin. Khế ước hợp pháp chỉ bằng cái sợi dây thừng dắt mũi con vật.
Hộ tống ‘chú Sửu’ đi chợ Ba Đồn... ảnh 1
Ảnh: Minh Toản

Tôi có mặt ở nhà Huy - người bạn vong niên vùng bán sơn địa Quảng Trạch (Quảng Bình) vào đêm hôm trước của phiên chợ trâu Ba Đồn. Khi đã cùng uống cạn một xị rượu đế Quảng Long sủi tăm, Huy bảo, sáng mai phải đưa một con trâu và một con bò xuống chợ.

Huy nỗi niềm: Bán trong thời điểm này mất giá lắm. Rét, nên trâu bò ốm nhom. Nhưng không bán thì không biết lấy gì đầu tư cho vụ đông xuân.

Tầm bốn giờ sáng, trời đang tối đen và rét căm, Huy đập khẽ vào người tôi: Dậy thôi. Xuống chợ.

Từ nhà Huy xuống chợ Ba Đồn chừng 7 cây số, vừa đi bộ vừa dắt trâu bò thì đến chợ cũng vừa tầm chợ đông. Chợ phiên đông nghịt. Chợ trâu bò được bố trí ở một góc phía sau có tường bao quanh.

Theo Huy thì trâu bò tập trung về chợ này từ rất nhiều nguồn, từ các xã trong huyện, các huyện lân cận và cả các tỉnh cận kề. Thường mỗi phiên có chừng vài trăm trâu bò được đưa đến chào bán. Người đến tham gia phiên chợ này cũng đủ loại.

Người thực sự có nhu cầu mua trâu bò để cày kéo. Người mua trâu bò để vỗ béo vài phiên rồi bán lại. Người mua trâu bò đi các vùng bán lại cho lò mổ để kiếm lời. Và một lực lượng đông đảo ở chợ trâu bò này là “cò”.

“Cò” ở đây cũng đủ kiểu. Loại “cò” chỉ để tư vấn cho người mua. Có loại thay mặt người bán ra giá. Dù là “cò” cho đối tượng nào thì sau mỗi phi vụ giao dịch thành công họ cũng đều được bên mua, hay bên bán mở hầu bao bồi dưỡng vài chục ngàn đồng.

Thường xuyên ở chợ trâu bò này có 8 vị “cò” có thâm niên từ 15-20 năm. Những người có trâu bò mang đi bán, qua một vài phiên không bán được đành phải cậy nhờ đến đội ngũ “cò” chuyên nghiệp này...

Hộ tống ‘chú Sửu’ đi chợ Ba Đồn... ảnh 2
Xòe tay ngã giá

Chợ trâu bò đang vào lúc náo nhiệt. Những tiếng hô ra giá lúc trầm, lúc bổng. Những âm thanh bốp, bép của bàn tay vỗ vào nhau. Rồi tiếng vỗ tay rộ lên cùng tiếng hoan hô khi việc mua bán hoàn tất... Một cảnh tượng sinh động, dân dã, đậm chất văn hóa dân gian, cởi mở, khoáng đạt và phóng túng giữa kẻ mua, người bán.

Ồn ã mà thân thiện. Mua bán mà như không hề toan tính. Tất cả hồ hởi, yêu đời như đang diễn kịch trên sân khấu, bởi các tiết tấu ra giá, mặc cả, đập tay có lúc lên đến cao trào đầy kịch tính khi giá một con vật liên tục được “khớp lệnh” bán, mua...

Huy dùng cùi tay thúc nhẹ vào hông tôi. Có một người xăm xăm buớc về con trâu mà tôi đang giữ thừng. Tôi hỏi khẽ Huy: Khách mua hay là “cò”? Huy lắc đầu.

Người đàn ông chừng 40 tuổi đến xăm xoi con trâu. Ông xem kỹ từ mồm, răng, đến xoáy, mông, rồi vỗ đánh bép vào mông con trâu, cởi mở nhìn Huy hỏi: Bao nhiêu?

Huy xòe ngửa bàn tay to bè: Tám triệu. Người đàn ông cũng xòe bàn tay to không kém, giơ cao vỗ vào tay Huy đánh bốp: Sáu triệu. Huy rụt lại bàn tay, rồi lại xòe ngửa ra, hô: Bảy triệu tám.

Người đàn ông quay sang hỏi nguời đứng cạnh, rồi cười rổn rảng, xòe tay đưa lên cao hơn: Bốp! Sáu triệu rưỡi! Lại xòe tay: Bảy triệu rưỡi. Bốp! Sáu triệu tám... Những người chứng kiến đã quây thành vòng tròn xung quanh cổ vũ. Huy lại xòe tay: Bảy triệu. Lần này người đàn ông xòe bàn tay hết cỡ, đưa cao giáng xuống: Bốp! Sáu triệu chín.

Huy để yên bàn tay mình đỡ bàn tay người mặc cả. Mọi người xung quanh vỗ tay rào rào. Bàn tay Huy xiết chặt bàn tay người đàn ông kia. Ngã giá thành công. Người đàn ông đếm tiền trao cho Huy. Huy đưa sợi thừng dắt mũi trâu cho người đàn ông. Cuộc mua bán hoàn thành. Huy vỗ nhè nhẹ vào mông con trâu tiễn biệt. Nghi thức cuối cùng này cả người mua và người bán không được bỏ qua...

Mở bi đông rượu tợp một ngụm to, rồi Huy đưa ra mời người mua được trâu và những người xung quanh chứng kiến. Hỉ hả, chúc mừng lẫn nhau. Ai cũng cảm thấy “được” trong cuộc mua bán này...

Đám đông lại vây quanh một cuộc mặc cả đang vào hồi hào hứng khác. Trên tay Huy, vẫn còn đó sợi thừng dắt con bò hai năm tuổi. Chợ vãn dần, nhưng Huy không lấy thế làm sốt ruột. Một phiên chợ bán được một con trâu là may mắn lắm rồi. Con bò kia, chờ phiên chợ sau.

Chợ 400 năm

Hộ tống ‘chú Sửu’ đi chợ Ba Đồn... ảnh 3
Vỗ tay ngã giá

Chợ phiên Ba Đồn (Quảng Trạch, Quảng Bình) có ngót nghét cách đây 400 năm từ cái thời Trịnh - Nguyễn phân tranh. Ba đồn bốt của chúa Trịnh án ngữ phía Bắc sông Gianh, hội quân, hội lính đã biến vùng đất này trở thành một trung tâm giao thương buôn bán giữa dân và quân đội.

Thuở manh nha, người ta lấy ngày âm lịch để ấn định phiên chợ. Một tháng có ba phiên vào ngày mùng 1, 11 và 21. Dân gian vùng này vẫn truyền nhau một câu: Ba Đồn là chợ xưa nay/ Tụ nhân tụ hóa mười ngày một phiên...

Sau này, khi nhu cầu trao đổi tăng lên, người ta tăng phiên chợ lên thành 6 vào các ngày mùng 1, mùng 6, 11,16, 21 và 26. Ngày thường, chợ vẫn họp, vẫn đông. Nhưng chỉ ngày phiên mới hình thành thêm chợ trâu, chợ bò, chợ đồ cũ.

Ở những phiên chợ này người ta có thể mua được bất cứ thứ gì mình cần. Từ những chiếc xe đạp,  radio, áo đại cán, mũ cối... của những năm 60 thế kỷ trước, nhưng chợ trâu bò vẫn là nơi thu hút đông người quan tâm nhất bởi tính độc đáo của nó.

Theo lời ông Nguyễn Hữu Trường, được coi là nhà “Ba Đồn học”, cách thức mua bán trâu bò ở chợ phiên này 400 năm nay vẫn thế. Nguyên vẹn, sinh động, đậm bản sắc, “độc nhất vô nhị” của một vùng đất văn hóa. Người ta buôn bán gia súc giữa chợ mà như cái cách của người du mục trên thảo nguyên bao la.

Phóng khoáng vô cùng. Ngã giá bằng cái vỗ tay làm vui. Thỏa thuận bằng cái xiết tay làm tin. Khế ước hợp pháp chỉ bằng cái sợi dây thừng dắt mũi con vật. Thật khó tìm được một chợ thứ hai như thế...

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.