Hồi ký Từ chiến trường khốc liệt của nhà báo Mỹ Peter Arnett: Sài Gòn ngày 30/4/1975

Hồi ký Từ chiến trường khốc liệt của nhà báo Mỹ Peter Arnett: Sài Gòn ngày 30/4/1975
TP - Peter Arnett- phóng viên Mỹ gốc New Zealand- thuộc số ít nhà báo nước ngoài chứng kiến giờ phút sụp đổ của chế độ Dương Văn Minh ở Sài Gòn ngày 30/4/1975.

Làm việc cho các hãng tin Mỹ AP, CNN, Peter Arnett có mặt ở miền Nam Việt Nam từ năm 1962-1975, chứng kiến nhiều sự kiện bước ngoặt trong cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.

Nhiều bài tường thuật trực tiếp của ông từ Sài Gòn ngày 30/4/1975 đã đưa tên tuổi Peter Arnett vào hàng ngũ những phóng viên chiến trường xuất sắc nhất thời đại.

Nhân kỷ niệm lần thứ 34 ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam (30/4/1975-30/4/2009), Tiền Phong xin giới thiệu một số đoạn trong cuốn hồi ký Từ chiến trường khốc liệt (Live from the Battlefield) của Peter Arnett do Nhà xuất bản Thông tấn ấn hành, Phạm Hải Chung dịch, sắp ra mắt bạn đọc.

Kỳ 1:  “Đã kết thúc rồi”

Hồi ký Từ chiến trường khốc liệt của nhà báo Mỹ Peter Arnett: Sài Gòn ngày 30/4/1975 ảnh 1
Peter Arnett tại miền Nam Việt Nam trước 1975  Ảnh: AP

Trưa thứ Hai, 27/4/1975, tướng Dương Văn Minh gọi điện thoại cho tôi với lời mời tới thăm nhà ông ở gần Dinh Tổng thống.

Chúng tôi uống trà Trung Quốc nóng và ông ta giải thích sự kết thúc đã tới gần. Ông cho biết lực lượng cộng sản đã tới gần Biên Hòa ở hướng đông và Củ Chi ở hướng tây, chuẩn bị tấn công vào Sài Gòn theo hình compa...

Sáng sớm ngày 28/4, lúc bốn giờ sáng, khi những viên đạn đầu tiên chạm đất, tôi nhảy ra khỏi giường khách sạn Caravelle, chạy lên sân thượng tòa khách sạn nơi có vài đồng nghiệp tập trung.

Tôi điện thoại cho Esper từ quầy bar khách sạn Caravelle. Chúng tôi đồng ý rằng trận bắn phá có thể kết thúc việc di tản ở sân bay và thực hiện phương án bốn, cuộc rút lui cuối cùng.

Brian Ellis của hãng CBS gọi cho văn phòng AP lúc 11 giờ. Đại sứ quán Mỹ nói với anh ta việc rút lui toàn bộ bắt đầu. Matt Franjola và tôi cùng Ed White gặp nhau tại điểm đón xe bus gần văn phòng chúng tôi- nơi hẹn các đồng nghiệp đang trên đường tới.

Franjola và tôi leo lên chiếc xe jeep bám theo những xe bus tới nhà Đại sứ Mỹ theo chỉ dẫn. Khi chúng tôi đỗ xe, một sĩ quan quân đội Cộng hòa mặc quân phục chạy tới và năn nỉ chúng tôi cho đi cùng ra sân bay.

Tôi nhận ra anh là nhân viên Bộ Thông tin. Tôi nói anh ta rằng sẽ không bao giờ qua được cửa sân bay vì những người gác sẽ đẩy lính trở lại. Anh ta thay quần áo trên đường, ném bộ đồ quân phục ra phía sau gốc cây và mặc chiếc quần thường phục cùng áo thể thao. Anh ta giới thiệu một đứa bé nhỏ là con trai mình và nói với tôi rằng chỉ có cha con anh sẽ rời đi, vợ anh ta cùng con gái sẽ ở lại.

Tôi nhìn vào Matt và chúng tôi hiểu phải làm gì. Những chiếc xe bus đang chạy xa dần. Tôi bảo hai cha con lên xe jeep của chúng tôi. Chúng tôi cho xe vượt lên phía trước một chiếc xe bus, gõ vào cửa xe bus cho đến khi người lái xe bus phải mở cửa ra quát: “Muốn gì?”.

Tôi đẩy tay sĩ quan Cộng hòa và con trai anh ta vào trong xe bus, nói rằng hãy ráng chịu đựng nếu người ta tìm cách đẩy cha con anh ra ngoài.

Matt và tôi lái xe qua những cổng sân bay được canh gác sau chiếc xe bus, đi qua hàng chục chiếc xe đậu dọc đường. Khi các đồng nghiệp biết Matt và tôi ở lại, họ chúc mừng vài câu rồi ném chìa khóa ô tô của họ cho chúng tôi và chỉ cho biết những xe ấy hiện đang đỗ ở đâu.

Vào những giờ phút cuối cùng của Chính quyền Sài Gòn, thời tiết ẩm ướt. Gió mùa mang đến một cơn mưa lớn. Từ tòa nhà Eden, tôi chứng kiến bóng của những chiếc trực thăng biến mất vào đêm. Phía dưới ánh đèn đường một số người đang nhìn lên bầu trời và ra hiệu với một số túi hành lý nhỏ trên tay.

Nhưng giờ đã quá muộn để bay đi. Buổi tối hôm đó trực thăng đã đi hết, tôi leo xuống văn phòng AP ở tầng bốn nơi người phiên dịch của chúng tôi, ông Hương, cùng gia đình đang nằm trên sàn nhà.

Ngày 30/4, sau khi dùng bữa sáng, Franjola và tôi xuống đường thấy những chiếc xe jeep chở lính Cộng hòa bồng súng giơ lên chạy như điên trong thành phố.

Không có âm thanh của trận chiến. Bây giờ họ không phải sợ ai nữa, sĩ quan cấp trên của họ đã rời đi hết. Chúng tôi đi qua ba trạm xăng góc phố nơi những cột bơm xăng đã bị nhổ lên và những người lái xe hút xăng bằng xi phông trực tiếp vào ô tô của họ.

Chúng tôi lái xe tới Đại sứ quán Mỹ. Con đường phía trước trải đầy giấy in, các tài liệu bị xé nát, sách và các tờ báo. Cổng các tòa nhà hành chính được mở rộng và một tay lính trẻ người Việt nhảy dựng lên trong hành lang the thé bằng tiếng Anh một cách chế nhạo: “Bây giờ nói là Đại sứ quán của chúng tao”.

Chúng tôi lên nóc tòa nhà Đại sứ quán thấy gần 100 người Việt vẫn ngồi ở đó, chờ đợi. Họ định ở đó tới khi những chiếc trực thăng quay lại đón. Tôi không nỡ lòng nào nói với họ rằng tất cả đã kết thúc rồi.

Chúng tôi trở lại văn phòng. Cầu thang kẹt đầy người Việt trốn sau những bức tường bê tông dày.  Esper đang điều khiển việc truyền tin radio từ Sài Gòn cùng ông Hương phiên dịch.

Bỗng người phiên dịch từ phòng vô tuyến thét lên: Tổng thống mới bổ nhiệm Dương Văn Minh (hay còn gọi là Minh Lớn) - người từng dẫn đầu cuộc đảo chính chống Tổng thống Diệm năm 1963- đã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.

Bây giờ ông ta đang chính thức giao đất nước cho cộng sản. Esper đánh máy bản tin và nhanh chóng đưa nó cho người đánh máy in telex. Tin này là bằng chứng cụ thể với thế giới rằng chiến tranh đã kết thúc. Phòng Ngoại sự New York nhanh chóng gửi cho chúng tôi bức điện nói rằng tin do chúng tôi gửi về được đăng trên trang nhất và AP đã phát sớm hơn hãng UPI năm phút.

George rời văn phòng để xuống đường xem chuyện gì đang xảy ra. Khi anh băng qua Quảng trường Lam Sơn, một đại tá cảnh sát người Việt trong quân phục trang trọng bắt chuyện với George và lắp bắp với vốn tiếng Anh lắp ráp: “Kết thúc rồi” .

Sau đó đại tá tiến lên khoảng mười bước, khuôn mặt lạnh lùng, nói lời tạm biệt bức tượng gần đó rồi rút khẩu súng lục 4.5 li bắn vào đầu mình. Khi viết tin về sự kiện này, đôi bàn tay George vẫn còn run sợ vì lúc chứng kiến điều đó trong khoảnh khắc George đã nghĩ viên đạn của đại tá dành cho anh.

---------------

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.