Hội trường Ba Đình, mùa tháo dỡ - Kỳ 3

Hội trường Ba Đình, mùa tháo dỡ - Kỳ 3
TP - Bây giờ một mình đứng trong gian hội trường tối bưng đã bóc hết các hàng ghế, gẫm lại lời của KTS Nguyễn Trực Luyện thú thực tôi hơi bị hoang mang khi nghĩ đến công việc của cô Toàn. Chỉ có 6 người trong bộ phận được coi là tiền Bảo tàng Quốc hội.

>> Hội trường Ba Đình, mùa tháo dỡ - Kỳ 2
>> Hội trường Ba Đình, mùa tháo dỡ...

Hội trường Ba Đình, mùa tháo dỡ - Kỳ 3 ảnh 1
Hội trường Ba Đình đã tháo dỡ ghế

Họ sẽ xoay xỏa ra sao với khối lượng công việc lại thêm lời góp ý của KTS là không nên xây dựng mô hình? Nhưng có lẽ cũng được ngay cái việc là trong một báo cáo mới nhất về tiến độ để có thể tiến tới chứng nhận di tích và xây dựng dự án hiện vật về Hội trường Ba Đình (HTBĐ) của một bộ phận trong cơ quan của Quốc hội (QH), tôi thấy xuất hiện một cụm từ mà tra mãi trong cuốn từ điển tiếng Việt khổ lớn 1890 trang mà vẫn không thấy có.

Đó là từ đạc họa! Mà cụm từ ấy xuất hiện không dưới 3 lần trong báo cáo với những câu đại loại bổ sung khảo sát đạc họa toàn bộ các phòng chức năng của HTBĐ.

Tôi dám chắc cụm từ nên sử dụng các phương tiện ghi hình cùng với các kỹ xảo hiện đại kết hợp với hệ thống các bản vẽ kiến trúc của KTS Nguyễn Trực Luyện được người ta tóm tắt cùng nâng cấp lẫn sáng tạo ra là đạc họa!? Đạc họa? Có thể hiểu là đo đạc và vẽ chụp? Bây giờ ta có nhiều từ mới và lạ quá?

Tỷ như cụm từ xã hội hóa (ngành Y tế, giáo dục) một anh bạn tôi làu làu hai ba ngoại ngữ mà mỗi lúc dịch cho người ngoại quốc cứ ngắc ngứ khi chuyển ngữ cụm từ ấy! Thôi cũng vui, mai kia bên có được một cái  nhà QH mới, ta lại cho thêm một cụm từ mới ( hay là mấy cụm) chuyên dùng cho ngành kiến trúc lẫn bảo tồn bảo tàng?

Có một thứ hiện vật mà có lẽ không bao giờ được đưa vào bảo tàng QH. Đó là gian phòng ở tầng hầm HTBĐ mé bên tay trái Hội trường nếu tính từ cửa chính. Tại đây suốt từ năm 1963 đến nay bộ phận dưới tầng hầm này đã lo chu đáo an toàn tuyệt đối hệ thống âm thanh ánh sáng của tất tật các cuộc họp trọng!

Không tiện kê ra đây các thông số những là bao nhiêu kilooat điện chi dùng cho mỗi kỳ họp, hệ thống điều hòa nhiệt độ lẫn âm thanh sử dụng trên HTBĐ v.v... Mà những thông số đó tôi không quan tâm. Nhưng có một thứ tôi lưu ý đến nhưng không phổ biến cho mọi người có chung thứ thói quen xấu như mình ấy là hút thuốc lào!

Chẵn 20 năm được phân công bám các kỳ họp của QH, không biết đến kỳ thứ bao nhiêu tôi đã bắt quen được với anh Uông người phụ trách tầng hầm này. Anh Uông nghe nói năm nay đã đến tuổi nghỉ. Mới trông anh, ngó nghiêm nhưng rất lành...

Ở một góc kín đáo an toàn của tầng hầm, anh Uông kê một cái bàn nước và có cái điếu rõ chi là kêu. Kêu thế chứ kêu nữa, người ngồi cách không xa lắm cũng khó nghe thấy vì dưới tầng hầm độ ồn khá lớn. Thế mà đội hình phục vụ của anh em phải bám trụ có dạo cả ngày cả đêm dưới hầm để lo công việc.

Tôi cũng không tường lắm chế độ độc hại mà anh em tầng hầm được bồi hoàn ra sao? Mà cũng chả đận nào ngồi lâu lâu được với nhau. Mắt trước mắt sau, qua mấy hơi điếu cày thì đã tàn giờ giải lao của QH...

Đã trưa trật, tôi ra đằng trước ngó lại mặt tiền HTBĐ lần cuối. Cứ như KTS Nguyễn Trực Luyện thì cái mảng ốp đá mà có một bầy sẻ đang lích chích kia là ngày trước, thuở cụ Nguyễn Cao Luyện chỉ quét vôi. Rồi đâu như năm 1976, trước ĐH IV được trát bằng đá rửa. Rồi sau này nữa dùng granito mài. Và bây giờ là ốp đá khang trang.

Như vậy, nội chỉ cái mặt tiền kia thôi mà hình như dường như đã hội đủ và thể hiện các kiểu mốt lẫn phong thái của kiến trúc Việt những thuở những thời? Và mặt tiền mai kia của nhà QH mới không biết người ta sẽ dùng thứ chất liệu chi trong số 137 chủng loại VLXD mà hiện ở phố Cát Linh đang có bán?

Tha thẩn qua khuôn viên, sải những bước chầm chậm bên những hàng cây khoang lẫn đánh số trắng như một nghĩa cử tiễn biệt lần cuối, tôi chợt nhớ đến cái tặc lưỡi xuýt xoa của KTS Nguyễn Trực Luyện rằng, ở các nước, bên cạnh những khu di tích như Hoàng Thành Thăng Long mà có một khoảng cây đệm như thế này là lý tưởng nhất.

Bởi rất trớ trêu lẫn phiền toái cho khách tham quan là xuống xe uỵch cái đã chạm mặt, đã tụt ngay xuống khu khảo cổ xuống khu di tích thì còn đâu khoảng lặng hiếm hoi khi thả bước trong khu đệm ấy để mà tâm tư mà chiêm nghiệm lẫn nghĩ suy?

 Nghĩ đến di tích Hoàng thành lại chợt nhớ đến cái thở dài của nhà sử học Dương Trung Quốc. Trong tỷ lệ non 14% ĐBQH không tán thành phá dỡ nhà HTBĐ có ông. Nhưng điều băn khoăn thời điểm trước và sau khi ấn nút bây giờ đã nhường chỗ cho một mối lo lắng băn khoăn khác.

Mới đây ông có thở dài với cánh báo chí rằng, ở nước ngoài khi phát hiện thấy có di chỉ khảo cổ thì người ta cấm tiệt tất cả các phương tiện giao thông lưu hành gần đó mà phải đi vòng đi tránh. Tất nhiên với Hoàng thành Thăng Long ta chưa có điều kiện giữ gìn bảo quản kiểu ấy.

Thêm nữa những tầng nấc hiện vật lại mong manh thế kia ví như cái khay để bộ đồ sứ quý mà bên cạnh có nhiều chấn động luôn làm nó rung rinh chao đảo. (Nghe đến đây tôi chợt nhớ đến việc không biết vì lý do gì mà hầu như tất tật các nhà máy sứ ở Trung Hoa, người ta đều bố trí nhà máy cách rất xa các trục đường giao thông?).

Mai kia việc xử lý hố móng của nhà QH mới và việc tập trung mật độ lớn các thiết bị thi công liệu có làm tổn thương những cái khay đựng đồ khảo cổ kia? Tôi không biết chia sẻ với nhà sử học ra sao nhưng cứ nghĩ các nhà khoa học ta là hay lo xa lắm lắm! Hãy yên tâm đi nhà sử học.

Ngành xây dựng của ta hiện nay rất thiện chiến từng trúng cả thầu quốc tế. Họ có rất nhiều phương án thi công tiên tiến, nhất là ở một công trình tầm cỡ quốc gia và nhạy cảm ngay bên cạnh Hoàng thành như nhà QH. Có lẽ các nhà sử học nên dành tâm sức với bộ phận Bảo tàng của HTBĐ như chỗ chị Toàn chả hạn, ngõ hầu nên giữ lại cái chi cần giữ nên bỏ những gì cần bỏ?

Để tạm kết thúc bài viết đã dài này, xin gửi thêm một lời nhắn. Thời điểm ĐBQH biểu quyết phá HTBĐ để xây nhà QH mới, tôi có viết bài Bâng khuâng Ba Đình. Trong bài cũng chỉ buông một câu hú họa ...Tôi cứ lẩn thẩn nghĩ rằng, bây giờ người ta bỏ ra một tí công để thử làm cái việc sưu tập lại vị nào thiết kế ra cái nhà họp lớn nhất nước khi ấy?

Lại tìm cho ra nhóm thợ xây của Sở Kiến trúc Hà Nội đã đổ mẻ móng bê tông đầu tiên cho nhà họp? Viết vậy nhưng lòng cũng biết chỉ là bóng chim tăm cá! Nhưng bây chừ đã thấy, đã tìm ra người thiết kế!

Rồi cũng bất ngờ, một buổi có người gọi điện đến cho tôi, rằng ông có biết một người tham gia đổ mẻ bê tông đầu tiên xuống cái móng HTBĐ năm 1960 ấy, nay người đó vẫn còn sống. Tôi nhớ lúc ấy có hối hả rằng, xin mách cho địa chỉ người ấy. Người gọi điện thoại nói sẽ gọi lại... Nhưng rồi đã sáu, bảy tháng bặt tin.

Tìm đâu những địa chỉ, địa danh tử tế ấy?

Hà thành tiết lập Đông năm Hợi

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.