Hùm xám Trịnh Đông Sơn: Hành hiệp học võ

Võ sư Đông Nhất Tơ hoài niệm về người thầy đáng kính của mình. Ảnh: Văn Chương
Võ sư Đông Nhất Tơ hoài niệm về người thầy đáng kính của mình. Ảnh: Văn Chương
TP - Cứ đến ngày kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12, học trò của cố võ sư Trịnh Đông Sơn lại thắp nén hương trên bàn thờ và nhắc đến lời dạy trả nghĩa của thầy. Võ sư Trịnh Đông Sơn là người từng học võ ở nhiều sư phụ. Ngoài quyền, cước, binh khí, ông còn có những tuyệt chiêu phá vây, dùng đầu, vai, chiêu chước như các Ninja để đột nhập, khóa đối phương “lai vô ảnh, khứ vô hình”.

Làm thầy, làm cha

Quảng Ngãi năm 1980, ông Nguyễn Thừa, một cán bộ an ninh ở xã Nghĩa Phương (Nghĩa Hành) chở cậu con trai xuống thị xã Quảng Ngãi để tầm sư, học võ. Sau giải phóng 5 năm, không khí võ thuật ở Quảng Ngãi vẫn nóng sốt, giới võ sư, võ sĩ được cộng đồng nể trọng và không ngớt nhắc tên. Cậu con trai là Nguyễn Văn Tơ đang học phổ thông nhưng nằng nặc xin cha tìm thầy để theo nghề võ, nên người cha cũng đồng lòng.

Ông Thừa thập thò trước nhà của võ sư Tấn Hoành và ngại ngùng quay đi. “Mình thì nghèo, nhà nông, trong khi thấy họ hút thuốc lá thơm, nên thôi, không dám xin cho con”, ông Thừa hồi tưởng lại.

Hùm xám Trịnh Đông Sơn: Hành hiệp học võ ảnh 1 Võ sư Trịnh Đông Sơn năm 82 tuổi. Ảnh: Văn Chương

Sau khi đi hết lượt các võ sư, đến thăm cả nhà võ sư Bảo Truy Phong, ông Thừa gò lưng đạp xe 25 km, chở con trai lên tận xã Tịnh Giang, huyện Sơn Tịnh, vì nghe tiếng tăm của thầy Trịnh Đông Sơn, một võ sư từng là đặc công. Ông Thừa tận mắt nhìn 60 học trò đang luyện võ trong sân. Thấy ông, võ sư vê điếu thuốc rê khá to và bê cả nồi nước chè rót ra ca nên ông vui mừng xin cho con trai vào học, cùng với món tiền tương đương 2 cây vàng để trả tiền cơm, tiền công dạy. Võ sư Trịnh Đông Sơn trả lại tiền và nói “trả nghĩa cho thầy là học cho giỏi, mang võ thuật giúp đời là được”.

Năm 1980, đường đi lại còn khó khăn, phương tiện chủ yếu là xe đạp, vì vậy rất nhiều học trò ở xa đến học võ, lưu lại nhà thầy Trịnh Đông Sơn, nên ông dĩ nhiên xem chúng như con. Cậu Nguyễn Văn Tơ, giờ được thầy đặt tên là Đông Nhất Tơ vốn từng học ở thầy Lộc Bửu, giờ được cha đưa lên gởi thầy Trịnh Đông Sơn để mở mang võ thuật, tiến bộ rất nhanh. Chỉ dạy chừng 2 tuần lễ thì Trịnh Đông Sơn đã cho học trò thượng đài để gắn lý thuyết với thực tiễn, rèn tính chiến đấu của võ sĩ. Trận đầu, cậu học trò của ông đã thắng.

Tiếp đến trận thượng đài thứ hai, võ sư Trịnh Đông Sơn gọi ông Thừa lên để chứng kiến. Ông Thừa hồi tưởng lại: “Tôi sợ hết hồn, vì buổi chiều khắp thôn rao là võ sĩ Long Hổ đến từ Bình Định sẽ giáng bom tấn, hạ gục Đông Nhất Tơ; Long Hổ có cú đá chết trâu, thần sầu”.

Vì quá lo, ông Thừa chạy đi mua nửa lít rượu, cầm theo chiếc ca và ngồi vừa rót rượu, vừa xem con trai thi đấu cho đỡ run như người sốt rét. Ông cũng thủ sẵn một chiếc khăn trắng để lỡ con trai bị đánh áp đảo thì tung khăn xin đầu hàng. Sàn đài rung lên và chỉ 2 hiệp, võ sĩ Đông Nhất Tơ đã hạ đối thủ. Ông Thừa hò reo vui mừng.

Học lỏm võ

Trịnh Đông Sơn xuất thân từ một gia đình nông dân ở xã Tịnh Ấn, huyện Sơn Tịnh. Ông sinh năm 1923, thời còn sống, trong lần phỏng vấn, tôi chưa kịp hỏi họ, tên thật của ông là gì. Vì họ Trịnh là họ của người cha nuôi, chủ một gánh thuốc Sơn Đông mãi võ, vừa biểu diễn võ thuật, vừa bán các loại hoàn lục vị, bát vị; các loại cao trăn, hổ cốt… Năm 12 tuổi, chàng thiếu niên khởi sự việc học võ bằng cách xin làm công cho gánh thuốc Sơn Đông mãi võ của võ sư Trịnh Đông Hải ở thị xã Quảng Ngãi. Buổi sáng, nhiều người từ nông thôn đi guốc gỗ, chân trần, dép mo cau đến tiệm thuốc để mua thuốc, bắt mạch. Chiều tối thì tiệm đóng cửa để dạy võ. Thỉnh thoảng cậu Sơn rót nhầm nước trà ra bàn, vì mắt mải mê nhìn theo các võ sĩ đang được thầy Trịnh Đông Hải hướng dẫn để học lỏm.

“Giàu học võ, khó học văn, gia đình nào có tiền thì mới dám cho con đi học võ, nên mình chỉ học lỏm theo thôi” - thời còn sống, võ sư Trịnh Đông Sơn đã kể như vậy. Cứ học lỏm xong thì cậu Sơn lại chạy ra đám mía, hoặc mé sông gần bến Tam Thương để ôn luyện. Cậu dần dần trở thành người biết võ.

Trịnh Đông Hải biết chuyện và gọi cậu bé đi ở đến tỷ thí cùng với các học trò. Ông ngạc nhiên khi thấy cậu có bước tấn lướt nhanh như cắt, tiến thoái nhịp nhàng, cùng với những đòn liên hoàn. Đẹp nhất là bộ chỏ đánh cùng một lúc 6-8 đòn, thân pháp xoay đảo như ánh chớp. Từ là một cậu bé đi ở, cậu Sơn được ông Hải nhận làm con nuôi, mang họ của thầy võ là Trịnh Đông Sơn.

Thỉnh thoảng, Trịnh Đông Sơn theo cha đi qua Thành Quảng Ngãi. Trịnh Đông Hải chỉ cho cậu Tòa sứ của quan Pháp nằm gần cửa Nam, trại lính khố xanh gần nhà nghỉ của vua Bảo Đại. Trịnh Đông Hải chỉ cho Trịnh Đông Sơn xem các loại binh khí đặt tại nhà quan Tuần Vũ và Án Sát nằm gần trại tù, trong đó có cây đại đao lưỡi thép sáng bóng, nặng chừng 5 kg. Những câu chuyện của người cha nuôi tại Thành Quảng Ngãi. Sau này cũng ảnh hưởng đến sự nghiệp và con đường của Trịnh Đông Sơn, đó là ông tham gia vào lực lượng Việt Minh, khoác áo quân đội vào đúng ngày 19/8/1945, sau này, ông luôn rèn cho mình một thanh đao rất nặng.

Năm 1946, Trịnh Đông Sơn tham gia vào Trung đoàn 120 để đánh lên An Khê (tỉnh Gia Lai), tấn công đồn Tú Thủy, Cửu An, Eo Gió, Đầu Đèo. Trước khi vào Bình Định để lên Tây Nguyên, Trịnh Đông Hải nhắn con nuôi đánh trận xong thì quay về tìm thầy Diệp Thái Hồ và Sáu Tàu. Trịnh Đông Sơn thời còn sống đã từng chia sẻ về kỷ niệm học tại hai thầy võ ở Bình Định. Ngày bái thầy thì đặt mâm cúng 2 con gà, sư phụ thì cũng bỏ thời gian để ngắm tướng mạo học trò, xem người học võ là lành hay dữ rồi mới truyền dạy.

Tuyệt chiêu thầy Trịnh

Cậu thanh niên Đông Nhất Tơ, học trò của võ sư Trịnh Đông Sơn miệt mài ôn luyện võ ở nhà thầy tại xã Tịnh Giang, huyện Sơn Tịnh, cứ 20 ngày mới về thăm cha một lần. Hàng đêm, sau giờ học võ, Đông Nhất Tơ nằm trên chiếc giường tre gần giường của thầy nên nghe được những câu chuyện đời tư của sư phụ. Trịnh Đông Sơn nhập ngũ từ kháng chiến chống Pháp, đi khắp các mặt trận, sau đó ra miền Bắc, đóng quân tại các tỉnh Hải Phòng, Bắc Giang, Hà Nội, Thanh Hóa trước khi được cử sang Trung Quốc tu nghiệp thêm 5 năm võ thuật.

Sau này, Trịnh Đông Sơn cũng kể thêm về những uẩn khúc cuộc đời, dù đam mê võ, nhưng 33 năm quân ngũ thì ông cũng chỉ đeo lon Chuẩn úy, giữ chức vụ Đội trưởng đội sản xuất, nhận quyết định nghỉ hưu vào năm 1978 với mức lương 10 đồng 4 hào. Nhưng khi về hưu, ông bắt đầu khởi sự nghiệp võ trở lại...

Giữa đêm đen, bóng ông xoay đảo dưới ánh trăng và đánh những thế võ rất lạ mắt, thế võ hoàn toàn không dùng tay, chỉ dùng đầu, trán, kết hợp với chân. Người võ sĩ giống như một tù binh khổ sai và tấn công địch thủ theo kiểu đòn hy sinh. 

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG