Hướng dẫn viên du lịch… 75 tuổi

Hướng dẫn viên du lịch… 75 tuổi
TP - “Răng chú biết tên mệ là Ngảnh?” “Thì việc mệ Ngảnh ở cầu ngói Thanh Toàn làm hướng dẫn viên du lịch nổi tiếng khắp... thế giới ai mà không biết”.
Hướng dẫn viên du lịch… 75 tuổi ảnh 1
Mệ Ngảnh đang làm... hướng dẫn viên ở Bảo tàng Nông cụ

“Chú nói rứa tội mệ. Mệ có làm hướng dẫn viên dẫn viết chi mô. Thiệt đó. Chẳng qua mệ chỉ là người bán hàng lưu niệm và trông coi, quét dọn nhà nông cụ giúp chính quyền. Khách đến đây ai hỏi chi, mệ biết thì mệ trả lời. Mệ nói bằng lời họ không hiểu thì mệ nói...bằng tay. Rứa thôi...”.

Không chỉ có cầu ngói Thanh Toàn

Xã Thủy Thanh (Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế) là một điểm đến nổi tiếng nhiều năm nay của du khách trong, ngoài nước nhờ sự hữu tình của phong cảnh và điểm nhấn cầu ngói Thanh Toàn, một công trình kiến trúc độc đáo được xây dựng từ thế kỷ 17, theo lối kiến trúc “trên nhà, dưới cầu”, tương tự như chùa Cầu ở phố cổ Hội An.

Đó là niềm tự hào vô bờ bến đối với người dân xã Thủy Thanh và cũng là “nguồn lực” để đưa Thủy Thanh chiếm một vị trí trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Kể từ Festival Huế 2006, với việc xây dựng và đưa vào hoạt động Bảo tàng Nông cụ, sản phẩm du lịch của xã Thủy Thanh bây giờ không chỉ có cầu ngói Thanh Toàn, mà còn có thêm những câu chuyện kể về sinh hoạt đời thường của người dân quê Thủy Thanh nói riêng và TT-Huế nói chung thông qua hàng chục hiện vật nông - ngư cụ như: thuyền, lu, chơm cá, liềm gặt lúa, cối xay lúa...

Bảo tàng Nông cụ được du khách, đặc biệt là khách nước ngoài đón chào nồng nhiệt, bởi mỗi hiện vật là một câu chuyện, gắn liền với những sinh hoạt dung dị của người dân Việt Nam qua hàng ngàn năm lịch sử, là chuyện của một thời chưa xa nhưng hiện đang có nguy cơ biến mất vì cơn lốc đô thị hoá...

Nói... mỏi cả tay !

Hướng dẫn viên du lịch… 75 tuổi ảnh 2
Ông Phạm Văn Bút - Chồng mệ Ngảnh - đang làm các sản phẩm hàng nông cụ thu nhỏ để bán cho khách du lịch

Tuy nhiên, cũng như “Chợ quê ngày hội” của xã Thủy Thanh trong các kỳ festival Huế, Bảo tàng Nông cụ chỉ “xôn xao” trong những ngày Festival Huế 2006, rồi sau đó đóng cửa im ỉm chẳng khác nào nhà kho chứa nông cụ. “Lúc nớ, mệ thấy mấy chú cán bộ xã sáng mô cũng ra mở cửa nhà nông cụ ni một chặp rồi... đóng cửa đi về.

Những lúc nớ thật tội cho mấy o, mấy chú bên Tây. Họ lặn lội mấy ngàn cây số qua đây để thăm nhà nông cụ, nhưng tới nơi thì nhà nông cụ đóng cửa, nên họ chỉ đi loanh quanh ở cầu ngói rồi về.

Mệ thấy rứa là không được. Mệ vô xã nói với mấy chú cán bộ thôi để hàng ngày mệ ra đây trông coi, quét dọn miễn phí cho, tiện thể cho mệ đặt ở đó cái quầy để bán hàng lưu niệm. Họ đồng ý, rứa là mệ làm luôn cho tới chừ” - Mệ Lê Thị Ngảnh kể. 

Lúc đầu, công việc hàng ngày của mệ Ngảnh chỉ là mở cửa nhà nông cụ, quét dọn sạch sẽ để đón khách du lịch đến tham quan. Tuy nhiên ở nhà nông cụ, có những nông cụ như: nhủi, lừ...(để bắt cá) ngay cả hướng dẫn viên chuyên nghiệp cũng không biết đó là cái gì, và có biết thì không làm cách nào để giải thích cho khách hiểu về công năng của nó trong thực tế.

“Rứa là bất đắc dĩ, mệ phải dành việc của mấy o, mấy chú hướng dẫn viên để giải thích cho khách hiểu về xuất xứ và chức năng của từng vật dụng. Có khi nói mãi mà khách họ vẫn không hiểu, rứa là mệ phải nói... bằng tay.

Ví dụ nói đến cái cối xay lúa, mệ phải kể và diễn tả bằng hành động cho họ nghe, hiểu các công đoạn từ đi cắt lúa ngoài ruộng, rồi bỏ vào cối xay, sau đó sàng thành gạo, nấu thành cơm và ăn ra răng. Rồi đi bắt cá, mệ phải đeo oi, cầm chơm và diễn tả việc lội chân thấp chân cao dưới ruộng để chơm cá và bắt cá bỏ vô oi...

Ngày mô mệ cũng làm như rứa đến... mỏi cả tay, thời gian đầu đêm nằm nhức tay ngủ không được. Mà chú biết không, không biết mệ kể và làm ra răng mà ai cũng vỗ tay rào rào khen hay”.

Sau một hồi được hướng dẫn viên mệ Ngảnh giới thiệu và trình diễn chức năng của các hiện vật trưng bày trong nhà nông cụ, tôi thắc mắc không hiểu là khi gặp khách nước ngoài, đặc biệt là khách đi lẻ không có hướng dẫn viên thì làm sao mà họ hiểu được những gì mệ nói?

Mệ Ngảnh cười: “Đơn giản lắm. Còn khoẻ hơn cả người Việt bởi mệ không cần nói. Là như ri, tất cả các hiện vật trưng bày ở đây đều có bản ghi chú bằng tiếng Anh.

Mệ chỉ cần đứng quan sát, thấy hắn đi đến nhìn cái cối xay, là mệ tới cối xay làm động tác xay lúa; hắn đi đến bên cái cày, rứa là mệ mang áo, cầm roi biểu diễn động tác đang đi cày... Mệ mần chi bọn hắn cũng hiểu hết. Thậm chí có đứa còn biết nói tiếng Việt, khen là mệ “hướng dẫn” hay nữa chứ!”.

Tôi đã được kiểm chứng lời mệ Ngảnh khi “bám” theo một tour du lịch bằng xe máy về Thủy Thanh của một đoàn khách nước ngoài. Sau hơn một tiếng đồng hồ được mệ Ngảnh hướng dẫn, Jane - Sinh viên Mỹ trong đoàn rất dễ thương mà tôi vừa kịp làm quen nói rất chân thật và cảm động: “Đất nước của bạn luôn có những câu chuyện và con người tuyệt vời như bà đây”.

Hơn một năm nay, nhờ có mệ Ngảnh làm... hướng dẫn viên, nhờ mệ “thổi hồn” mà Bảo tàng Nông cụ với những hiện vật đến từ quá khứ của xã Thủy Thanh tràn đầy sức sống, thu hút hàng chục ngàn lượt khách trong, ngoài nước đến tham quan.

Hiện tại tất cả các hãng lữ hành ở Huế và nước ngoài khi đưa tour đến Huế đều có chương trình tham quan cầu ngói và Bảo tàng Nông cụ. Thanh - Hướng dẫn viên du lịch có thâm niên dẫn khách về Thủy Thanh - kính phục và thừa nhận: “Mệ Ngảnh là một hướng dẫn viên... xịn hơn rất nhiều hướng dẫn viên chuyên nghiệp ở TT-Huế”.

Và “qua mệ Ngảnh, hình ảnh du lịch Thủy Thanh với cầu ngói Thanh Toàn và Bảo tàng Nông cụ được cải thiện, hấp dẫn và thú vị hơn rất nhiều trong lòng du khách. Hay nói trắng ra, nếu không có mệ Ngảnh thì chẳng du khách nào vô đó làm gì...”. 

Của ông, công bà

Ngoài làm hướng dẫn viên miễn phí, mệ Ngảnh còn tranh thủ đặt ở dưới hiên nhà nông cụ một quầy bán hàng lưu niệm, là những sản phẩm bằng tre thu nhỏ mô phỏng các nông cụ được trưng bày trong nhà, do ông Phạm Văn Bút - 76 tuổi, chồng mệ - làm, để bán cho du khách.

“Đây mới là nguồn sống chủ yếu của hai vợ chồng tui. Ngày bán được, ngày không, nhưng trung bình mỗi ngày cũng kiếm được hai, ba chục ngàn - Mệ kể - Chuyện là hồi Festival Huế 2002, khi lần đầu tiên xã Thủy Thanh tổ chức “Chợ quê ngày hội” để phục vụ khách du lịch thấy chồng tui là người duy nhất của xã còn biết đan các loại nông cụ, mấy chú cán bộ xã vô nhà tui đặt vấn đề hay là ông thử làm một số cái theo dạng đồ chơi để có cái của quê hương đem trình diễn và bán cho du khách.

Mấy chú hứa là nếu bán không ai mua thì mấy chú trích ngân sách xã ra để mua. Rứa là chồng tui làm. Ai ngờ ngày đầu tiên mới dọn ra khách đã mua hết sạch. Lần nớ làm ít nên bán được có 800.000 đồng”.

Đến Festival Huế 2004, chồng mệ tiếp tục làm nông cụ để đem trình diễn và bán được 2,5 triệu đồng. Đến Festival Huế 2006, chồng mệ tiếp tục làm. Lần này thì làm nhiều và bán được cũng  nhiều, đến hơn 6 triệu đồng. Thấy làm cũng có tiền, vợ chồng mệ quyết định làm và bán luôn hàng ngày như bây giờ”.

Hiện ngày ngày, ông Bút ở nhà làm nông cụ, được cái nào, mệ Ngảnh đem ra trưng bày ở dưới hiên nhà nông cụ để chờ bán cho du khách. Điều đặc biệt là những sản phẩm nông cụ - hàng thủ công do bàn tay ông Bút làm ra rất đẹp, tinh xảo và có hồn, dù đây không phải là nghề gia truyền hay là công việc chính của đời ông.

“Ông nớ xấu trai, nhưng được cái thật thà, tốt bụng và… thông minh. Hồi nhỏ chỉ nhìn mấy người già trong làng làm thôi mà nhớ tới chừ” - Mệ Ngảnh nói về chồng mình như thuở mới… hai mươi. Năm nay đã 75 tuổi nhưng mệ Ngảnh vẫn còn rất khoẻ, rất yêu đời.

“Cũng may nhờ ngày mô mụ nớ cũng có việc để làm và… có đồng vô đồng ra từ tiền bán hàng” – Ông Bút cũng thật… đáo để khi nhận xét về người vợ của mình.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.