Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn (1/10/1908 - 1/10/2008):

Hút hồn văn nghệ sĩ - Kỳ IV

Hút hồn văn nghệ sĩ - Kỳ IV
TP - Một bận lũ chúng tôi rẽ qua Nga Sơn thăm thi sĩ Hữu Loan. Cả bọn gặp may bởi bữa đó Hữu Loan hình như khỏe hơn mọi ngày hay cơn cớ chi đó chả biết nên ông khá mặn chuyện chứ không ừ hữ như vài bận trước.

>> Trập trùng huyền thoại - Kỳ III

Hút hồn văn nghệ sĩ - Kỳ IV ảnh 1
Giáo sư Đinh Xuân Lâm tại Lế kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nguyễn Sơn. Ảnh: Xuân Ba

Hên nhất là bữa đó, ông và cô cháu nội đang học lớp 9, hai ông cháu cùng đồng thanh đọc bài thơ Hoa Lúa từng in trong sách giáo khoa trung học. Lựa lúc ông đang vui, tôi nài ông đọc bài Đèo Cả cho đám truyền hình ghi.

Cao hứng lên ông làm một lèo bài thơ viết về đám tang tướng Nguyễn Sơn Khi đọc báo Nhân Dân/ Thấy cáo phó Nguyễn Sơn/ Và ngày 20 tháng 10 trên khắp nẻo đường Thủ đô/ một đám tang đã diễu hành/ một đám tang cờ đỏ liệm quan tài/nấc lên màu huyết/một đám tang đi/ không bao giờ tới huyệt ...

Tôi gặng thêm cái ý, hình như nhà văn Vũ Bằng có viết một lần ở Thanh Hóa, tướng Nguyễn Sơn mời vài anh em văn nghệ sĩ đến nhà uống cà phê. Đến nơi Hữu Loan thấy cửa số nhà Nguyễn Sơn chăng cái riđô màu hoa cà nóng mắt văng ngay là đồ tiểu tư sản rồi bỏ về.

Thi sĩ Hữu Loan đang đánh cái quần cộc tay cứ vê vê lên cái gấu, nghe vậy chả nói năng chi mắt nheo nheo ra khoảng đồng lúa xanh rì. Tôi lại gặng người ta bảo tướng Nguyễn Sơn lấy bà Hằng Huân là do Hữu Loan làm mối?

Ông ừ hữ chẳng ra phản đối chẳng ra đồng ý mà thủng thẳng: “Các cậu là còn lâu mới hiểu được Nguyễn Sơn nhá! Người ấy nằm xuống mới 49 nhưng biết bao người phải gọi bằng ông trong khi đó bao kẻ bảy tám mươi còn sống nhăn mà người ta vẫn gọi bằng thằng.

Mà chả riêng các cậu, thời nay người ta không hiểu mấy Nguyễn Sơn nên kiểu và dạng như Nguyễn Sơn là thưa vắng lắm”.

Hầu chuyện ông lão thi sĩ này quả khó chịu thật. Nhưng biết làm sao? Lấy được tiếng khen của Hữu Loan quá bằng đánh đố! Chuyện ông chửi Nguyễn Sơn chẳng rõ thực hư ra sao nhưng việc ông phát khóc lên, nấc lên bằng thơ khi Nguyễn Sơn mất là điều có thực.

Nên nhớ, năm 1937, Hồng Thủy - Nguyễn Sơn đã có 10 tuổi Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã từng nhận nhiệm vụ tại Cục Chính trị Bát Lộ quân từng đi xây dựng căn cứ chống Nhật ở Ngũ đài Sơn một vùng trắng khó khăn. Nguyễn Sơn đã thành công khi dùng hình thức tuyên truyền dân dã là nói vè, tấu ứng tác theo kiểu kịch cương ngay tại chỗ mà dân vùng đó rất khoái nghe.

Trước đó Nguyễn Sơn đã từng thành lập đoàn kịch Công Nông sắm vai chính trong vở kịch Ngọn lửa Thượng Hải trình diễn tại khu căn cứ Thuỵ Kim được Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai và nhân dân khen ngợi nhiệt liệt. Nên nhớ thêm Nguyễn Sơn là một người Việt Nam, người Hà Nội chính hiệu sinh ở phố Yên Ninh, phường Quán Thánh là một người ngoại quốc. Nếu nói về bằng cấp có thể kể ra ông từng học khóa 4 Trường Quân sự Hoàng Phố.

Nhưng có lẽ chả nên cơm cháo gì khi từ bao năm bắt đầu từ năm 16 tuổi sau khi thành công với màn kịch giả mâu thuẫn với ông bố vợ để dễ bề thoát ly, Nguyễn Sơn đã âm thầm xây dựng cho mình một nền tảng văn hóa dầy dặn. Văn hóa trong ông không phải là thứ trang sức là vũ khí tự vệ mà là thứ máu thịt như một thành tố cấu thành nên một Nguyễn Sơn.

Ông không chỉ thạo các làn điệu dân ca hò vè vùng cao Trung Hoa mà còn làu thông Kiều, Chinh phụ ngâm. Không phải kiểu thuộc một cách máy móc mà qua những bình phẩm phân tích những nhà nghiên cứu có mặt ở Khu Tư lúc đó như Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Trương Tửu..  phải tâm phục.

Ông từng thành lập ở Khu Tư một trường Thiếu sinh quân Liên khu IV, và có lẽ đây là trường Thiếu sinh quân của quân đội ta.  Trường có tên là Thiếu sinh quân nhưng chương trình lại coi trọng về văn hóa về đạo đức về trách nhiệm của một công dân mới.

Chính vì thế năm 1948, ông mới có buổi bình Kiều, giảng Kiều độc đáo với các giáo sư và học sinh lớp chuyên khoa Trường Thiếu sinh quân kéo dài cả ngày người nghe đông nghìn nghịt nhưng tịnh không có ai bỏ về. 

Hơn nửa thế kỷ nhưng người ta vẫn râm ran đến tận giờ, các cụ Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng lẽ dĩ nhiên thời điểm đó không có mặt ở trường rồi nhưng các văn nghệ sĩ, các nhà phê bình danh tiếng như Trương Tửu, Hoài Thanh, Đào Duy Anh... từng can dự vào việc phê bình nghiên cứu Kiều có mặt khi đó đã vô cùng sửng sốt khi tướng Nguyễn Sơn tiếp cận các nhân vật trong Kiều với phương pháp hoàn toàn mới.

Rằng không thể lấy quan điểm chính trị hay duy mỹ này khác để áp đặt cho Kiều! Dẫn ra thì dài nhưng các vị học giả bữa đó, tái mặt thì có, đồng tình với diễn giả tất cả thì không  nhưng có phần nào đồng cảm vì nếu có tranh biện thì cũng là tiếp tục cái mạch văn hóa mà cả hai bên cùng làm nền tảng.

Có người nói Nguyễn Sơn có tài thôi miên. Ấy là một kiểu nói khác, một biến tướng của tài năng, của văn hóa đã tìm được cái kênh dẫn- phương pháp nói chuyện truyền thụ độc đáo mà chỉ riêng Nguyễn Sơn có.

Uy quyền của chức danh Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến miền Nam kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Trung Bộ, Tham mưu trưởng, Khu Trưởng chiến khu Bốn vv...  có thể khiến một tỷ lệ nào đó khiếp phục nhưng để thu phục nhân tâm nhất là đông đảo giới văn nghệ sĩ thì có lẽ khó. Chính Nguyễn Sơn bằng cái kênh văn hóa đã làm cái việc nối mạng được nhân tâm nhân nó lên thành sức mạnh cho kháng chiến. 

Những người lính Vệ quốc đoàn xuất thân từ nông dân và cả các văn nghệ sĩ khi đó hình như đều có mẫu số chung ấy là sự liên tài. Tài năng của người diễn thuyết như Nguyễn Sơn chả hạn hơn thế lại là một thủ lĩnh. Nông dân thích thủ lĩnh mà trí thức thì tìm thấy sự đồng điệu, thiên hạ kêu bằng tri âm.

Lại nữa, tri thức văn nghệ sĩ na ná như thế cũng thích được thủ lĩnh khêu gợi, gọi cái tài của mình ra để mà trân trọng, cao hơn thế để mà sử dụng? Người con rể của Thượng thư Bộ Lại Phạm Quỳnh đồng thời cũng là con nuôi của Toàn quyền Đông Dương bản thân đã từng giữ chức Phủ Doãn Thừa Thiên Nguyễn Tiến Lãng chỉ qua mấy buổi trò chuyện với tướng Nguyễn Sơn mà đã dứt bỏ mọi thứ để đi theo cách mạng.

Dữ quân nhất dạ thoại. Thắng độc thập niên thư (một đêm trò chuyện với anh còn hơn mười năm đọc sách). Cuộc đời của Nguyễn Tiến Lãng dẫu có rẽ sang một nhánh một phận khác nhưng cái câu mà ông từng dẫn ra của người xưa hẳn khi đó Nguyễn Tiến Lãng đã chịu ảnh hưởng đã bị Nguyễn Sơn hút hồn chả phải ít!

Rồi ông Quản Liên, sau ngày Toàn quốc kháng chiến, đội nhạc binh tan tác mỗi người một nơi. Ông Quản Liên may mắn gặp được tướng Nguyễn Sơn và nhờ tài tổ chức của Nguyễn Sơn đội nhạc binh khôi phục lại được.

Về sau trong hồi ký của mình, thiếu tá chỉ huy đội quân nhạc Việt Nam Đinh Ngọc Liên đã viết trong hồi ký: Trong cuộc đời quân nhạc của tôi có hai lần rất đặc biệt xúc động đau thương. Đó là khi đưa tang tướng Nguyễn Sơn và Lễ truy điệu Bác Hồ. Tôi vừa chỉ huy đội quân nhạc vừa khóc...

Một lần tiệm vẽ tư của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh tiếp một người đến đặt vẽ một bức truyền thần mặc quân phục cấp tướng. Nguyễn Phan Chánh không biết quân phục cấp tướng thời hiện đại ra sao bèn đưa ra hai hình vẽ  bộ võ phục thời cổ và kiểu Napoleon cho khách chọn, nếu ưng thì hoạ sĩ sẽ lắp cái đầu của khách vào. Ông khách xem xong phá ra cười.

Cuộc sơ kiến giữa tướng Nguyễn Sơn và họa sĩ chuyên về lụa của Việt Nam nổi tiếng diễn ra như thế và sau này Nguyễn Phan Chánh dẹp tiệm truyền thần theo Nguyễn Sơn về Khu Bốn tham gia Hội Liên hiệp văn nghệ. Có một người về sau trở thành Phó cục trưởng Cục quản lý xe máy của QĐND Việt Nam trước đó ông là lái xe riêng cho Bảo Đại cũng do được tướng Nguyễn Sơn thuyết phục. Chuyện nghe đã lâu, ai biết xin làm ơn mách hộ cho tác giả bài viết này.

Có một chi tiết trong cuốn hồi ký của phu nhân Trần Kiếm Qua là từ Trung Quốc ôm trọng bệnh về đến Lạng Sơn tướng Nguyễn Sơn đã gọi một bát phở, thức mà bình sinh ông rất thích nhưng ở Trung Quốc không có.

Nhìn bát phở vừa bưng ra bốc hơi ngào ngạt nghi ngút, Nguyễn Sơn đã hỏi anh cán bộ từ Hà Nội lên đón: “Đồng chí có biết phở là gì không?”. Thấy vẻ mặt ngơ ngác của người cán bộ, Nguyễn Sơn phá lên cười: “Phở là Tổ quốc!”.

Chắc ở thế giới bên kia hẳn nhà văn Nguyễn Tuân đồng cảm với tướng Nguyễn Sơn lắm lắm? Nghe nói khi nghe tướng Nguyễn Sơn mất, Nguyễn Tuân đã ngậm ngùi vận lại cái ý đã dùng trong đám tang của Vũ Trọng Phụng, rằng những người tài nên chết trẻ, bởi con tằm nhả được tơ óng mãi hay sao?

Người xưa nói ngàn quân dễ kiếm một tướng khó tìm. Tôi lờ mờ tạm hiểu cái ý của nhà thơ Hữu Loan dẫn ra ở đầu bài, đại khái rằng, những tướng tài những nhà văn hóa đấng bậc như tướng Nguyễn Sơn lại càng hiếm và khó kiếm  lắm thay!

Kỳ cuối: Chuyện ông tướng dịch văn

MỚI - NÓNG