Huyền bí một tòa thành

Cổng Thành nhà Hồ Ảnh: Xuân Ba
Cổng Thành nhà Hồ Ảnh: Xuân Ba
TP - Nghe tin vui Thành Nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới (27-6-2011), lại nhớ sự kỳ vĩ của nó và bao câu hỏi, bao ẩn số cùng huyền tích còn phủ màn sương lên công trình đá từng là Kinh đô nước việt trong 7 năm này.

> Khám phá Di sản văn hóa thế giới - Thành nhà Hồ

Cổng Thành nhà Hồ Ảnh: Xuân Ba
Cổng Thành nhà Hồ. Ảnh: Xuân Ba.
 

Cũng chả trách các nhà tuyên huấn kiêm chép sử (uyên bác đến như Ngô Sĩ Liên) mà còn khư khư gọi triều đại nhà Hồ là ngụy. Phàm những việc thay đổi một triều đại lụ khụ ngáng trở lịch sử được coi là ngụy, thoán nghịch. Nguyễn Trãi thay mặt cho Lê Thái Tổ có vẻ bao dung hơn khi viết Đại cáo Bình Ngô chỉ trách nhẹ nhân họ Hồ chính sự phiền hà!

Như biện chứng của Dịch, một triều đại phong kiến thường là thịnh cực thịnh rồi suy và cực suy. Triều Trần với những chiến công hiển hách hằng bao năm đã trở nên xộc xệch hủ bại bằng ông vua lẫn cẫn Trần Nghệ Tông mà sử chép có lần bỏ Thăng Long dông tuốt sang Đông Ngàn để giặc Chiêm Thành vào kinh thành giết chóc cướp bóc hãm hiếp như vào chỗ không người!

Triết thuyết phương Đông vốn thường xuýt xoa, nắc nỏm đời vốn hơn nhau một chữ thời! Kiểu người như Hồ Quý Ly đã trở thành nhân vật đã trở thành anh hùng của thời loạn ấy bằng việc đoạt lấy ngôi và mở ra một thời kỳ mới của lịch sử dân tộc bằng triều đại nhà Hồ với quốc hiệu Đại Ngu.

Đến Thành Hồ, du khách thường thảng thốt theo cách riêng của mỗi người. Tòa thành đá kỳ vĩ mà Hồ Quý Ly là tác giả? Lại có một Hồ Quý Ly, ông vua của những cải cách và những học thuật trước tác cực kỳ độc đáo? Trong Toàn thư (Đại việt sử ký toàn thư) hai sử thần Phan Phù Tiên và Ngô Sĩ Liên đã tốn khá nhiều giấy mực lẫn lời lẽ để mạt sát lẫn giễu cợt triều Hồ.

Liệu có mâu thuẫn không khi hai sử gia đó đều nhất trí đánh giá về triều Trần khi đó là “xã tắc lung lay. Vua u mê nhu nhược không làm nổi một việc gì” nhưng dứt khoát không chấp nhận sự có mặt lẫn những cải cách của vương triều Hồ!

Có lẽ không cần dẫn ra ở đây những cải cách đổi mới về hạn điền, hạn nô những bỏ tiền đồng tiêu tiền giấy... mà các sử gia lẫn các nhà kinh tế hiện đại đã nhận xét và thẩm định là tiến bộ là đi trước thời đại. Quan điểm học thuật độc đáo như một thứ cách tân sáng tạo ấy đã khiến sử thần Ngô Sĩ Liên cáu bẳn lẫn hoang mang chăng?

Những khối đá lớn được chuyển về từ đâu vẫn là dấu hỏi Ảnh: Hoàng Lam
Những khối đá lớn được chuyển về từ đâu vẫn là dấu hỏi.
Ảnh: Hoàng Lam.
 

Tôi thơ thẩn dưới chân thành nhà Hồ, lần nào cảm giác thảng thốt cũng vẫn đeo bám. Trí lự bấy bớt từ những ngày cấp ba trường huyện ấy cho tới bây giờ bạc đầu vẫn cứ lồng lộng và lừng lững tầm vóc của một ngôi thành bằng đá xanh độc nhất vô nhị ở xứ Đông Nam Á!

Người ta đã tính đếm cẩn thận. Bốn mặt thành được vây bằng đá với tổng khối lượng 20 ngàn mét khối và hơn trăm ngàn mét khối đất được đào đắp. Lật đi lật lại mãi những trang quốc sử mà vẫn có điều chi thảng thốt Mùa xuân năm Đinh Sửu niên hiệu Quang Thái thứ 10 tức năm 1397, tháng Giêng, Hồ Quý Ly sai Lại bộ thượng thư kiêm thái sư lệnh Đỗ Tỉnh đi coi đất rồi đo đạc động An Tôn, Phủ Thanh Hoa đắp thành đào hào lập nhà tông miếu, dựng đàn xã tắc mở đường phố có ý muốn dời đô. Việc ba tháng thì xong…

Việc ba tháng thì xong? Cái cụm từ ấy cứ như là thách đố mai hậu vậy?! Ba tháng vừa thiết kế lẫn thi công một công trình đá một toà thành đá bốn cây số vuông, tường cao 10 m, bốn vòm cổng đồ sộ bằng những khối đá lớn. Cửa Nam thành: Rộng 38 m cao từ 7- 10 m. Chỉ một tấm đá ở Cửa Tây mà đã dài 5,1 m, rộng 1,59 m, cao 1,3 m. Độ nghiêng mặt thành và chân móng trơ trơ với tuế nguyệt 700 năm nay như thế mà chỉ có 1,5 độ!

Chưa kể hào sâu năm mét rộng 50 m bao quanh thành cắm chông! Đá xanh Granit cứng như thế với những thớt những khối vuông vức và hình múi cam ấy lấy ở đâu và vận chuyển lắp ráp như thế nào đến bây giờ vẫn là câu đố? Nếu nói lấy ở động An Tôn thì bên thành chỉ có mấy cụm núi đá be bé và chất đá tại đó chẳng thể giống với đá xây thành?

Có lấy thì khối lượng chả thể kịp và đủ với tiến độ cùng quy mô thành ốc? Người ta chỉ mang máng rằng có thể đá ấy được lấy ở núi Nhồi của huyện Đông Sơn gần với Thành phố Thanh Hóa với cự ly suýt soát 60 cây số rồi vận chuyển theo đường thủy hoặc đẩy xe lên?

Đã đành đá xanh núi Nhồi xứ Thanh qua những hiệp thợ đá tài khéo đã góp cho các triều đại phong kiến Việt Nam từ thời Lý với những đôi rồng chầu ở Điện Kính Thiên, những bậc những thềm đá dằng dặc ở kinh thành Thăng Long, những rồng, những tứ linh ở kinh đô Huế vv...

Nhưng cái cung chặng vận chuyển, cái cung cách xây lắp Thành nhà Hồ đặc thủ công thời ấy và nhất là tiến độ nó mới ám ảnh hậu thế biết nhường nào? Vậy nên vết hoá thạch lờ mờ tờ tợ như hình một đầu người đàn bà và hai bàn tay hiện còn lưu lại trên mặt thành đã bay bổng lên thành huyền thoại một nàng Bình Khương tức tưởi! Chồng nàng Bình Khương đi xây Thành Hồ bị đá kẹt chết. Tìm chồng chả thấy đâu, nàng khóc lóc vật vã đập đầu vào đá nên có hình ấy.

Rồi cả chuyện chưa kịp chép trong chính sử mà mỗi bận về Thành nhà Hồ, nghe mấy cụ cao niên kể lại đã nhiều lần mà lần nào nghe cũng hãi, cũng thích luôn như mới rằng mỗi bận sập chiều thuở xây thành, người ta nhặt được hàng thúng ngón tay đứt rơi ra từ những hiệp những kíp thợ hối hả quần quật làm đá trong ngày!

Một bận may, tôi được bám theo tổ công tác của ngài Kikuchi Seiichi- PGS.TS khảo cổ của Đại học Chiêu Hòa Nhật Bản về thành nhà Hồ. Họ bám trụ trong thành nhiều ngày đào nhiều hố thám sát. Không mấy quan tâm đến những hiện vật mẫu vật thu được, tôi thì cứ nhăm nhắm câu hỏi rằng 3 tháng xây thành và đá xây thành được chuyển về từ đâu? Nhưng TS Kikuchi cười lảng cho biết chưa có kết luận!

Huyền bí một tòa thành ảnh 3
 

Chúng tôi thư thả theo con đường lát đá mạn Nam thành nối gót mấy nhà học giả trường Chiêu Hòa về khu Đàn Nam Giao tại núi Đún cách Thành nhà Hồ mấy cây số. Thuở Hồ Quý Ly mới lên ngôi, chỉ sau có nửa năm, vào tháng sáu cái năm 1400 ấy, một trường ốc để các nhân tài Đại Việt kéo về Thành Tây Đô ứng thí đã được xây cất. Cái ngõ lát đá kia chắc những nhịp hài bước guốc của tân Thái Học sinh Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Vũ Mộng Nguyên... đã từng lẹt xẹt lóc cóc?

Đốn Sơn là tên chữ của núi Đún. Ngoài đàn tế Nam Giao, Đốn Sơn còn có di tích đền thờ Trần Khát Chân lưu lại một thời điểm bi hùng. Thượng tướng Trần Khát Chân, người chém bay đầu tướng giặc Chế Bồng Nga đã lập mưu ám sát Hồ Quý Ly. Cuộc chính biến được nhen nhóm trong một số tướng lĩnh vốn hoài nhớ nhà Trần trong đó có Thượng tướng Trần Khát Chân quê ở xã Vĩnh Ninh huyện Vĩnh Lộc đây mà ba đời cha con ông cháu làm thượng tướng.

Bàn định chu tất cả rồi là trong hội thề, Trần Khát Chân sẽ quẳng chén rượu thề làm hiệu… Nhưng việc bại lộ. 370 người gồm quan lại tướng lĩnh đã rơi đầu dưới lưỡi gươm của Hồ Quý Ly! Đền thờ Trần Khát Chân được dân lập sau này nổi tiếng linh ứng. Tình cờ hay trớ trêu là đền thờ vị thượng tướng tiết liệt ấy lại chiếu thẳng vào cửa Nam Thành nhà Hồ chỉ ngàn mét theo đường chim bay.

Cách đền thờ Trần Khát Chân một đoạn, mé đằng sau khu bệnh viện huyện cũ, năm 2004 đó phát lộ một khoảnh vuông vức hai mươi ngàn sáu trăm mét vuông Đàn tế trời của Hồ Quý Ly! Tháng 8 năm Nhâm Ngọ 1402, Hồ Hán Thương (Hồ Quý Ly nhường ngôi cho con trai để làm Thái thượng hoàng nhưng kỳ thực vẫn nắm quyền lãnh đạo tuyệt đối) cho đắp đàn Giao ở Đốn Sơn để làm lễ tế Giao.

Đại xá. Tế Giao là tế trời vào tiết Đông chí và tế đất vào tiết Hạ chí. Quan lại theo hầu rất đông. (Toàn thư Bản kỷ. Quyển VIII. Kỷ nhà Trần. Trg.203)

Tôi may mắn được về núi Đún bữa chứng kiến bốn hố khai quật và bốn hố thám sát tổng cộng 360 m2. Ba tầng của đàn tế hạ, trung, thượng vuông vức cứ lần lượt được phát lộ. Hàng trăm hiện vật đất nung, gạch ngói trang trí hoa văn chim thú, mũi tên đồng, tiền đồng... có niên đại thế kỷ XIII triều Hồ đã được phát hiện. Rồi lại may mắn được nhớm bước giữa một lối chen chúc tầng tầng gạch đá những lớp lang mà giới chuyên môn gọi là đường thần đạo của đàn tế vừa bóc tách.

Năm 2006 bắt đầu lập hồ sơ trình UNESCO. Bao nhiêu là những sự chung sức xúm tay vì việc tử tế. Khi được tin mừng, tôi điện chia vui với vài anh em quê nhà trong đó có mấy quan chức xứ Thanh...

Chất giọng bình thản của ông Tuấn, Chủ tịch huyện Vĩnh Lộc rằng vui và vinh dự thật nhưng cũng bời bời bao cái lo để xứng đáng với lòng tin cậy của bà con trong nước quốc tế. Giữ sao cho Thành nhà Hồ không xộc xệch vì những xây cất trái phép này khác, khỏi trầy vi tróc vẩy bị bọn xấu cạy phá. Giữ môi trường Thành nhà Hồ an ninh sạch sẽ trong con mắt khách tham quan…

Gần cuối cuộc trao đổi mới thấy nhô ra chút chất giọng phấn chấn của ông chủ tịch đại ý, UNESCO như vừa cấp cho huyện nghèo Vĩnh Lộc một công cụ để xóa đói giảm nghèo! Thành nhà Hồ mai kia tiếp tục là một điểm nhấn, một khâu trung chuyển quan trọng nối liền những địa danh du lịch nổi tiếng của Vĩnh Lộc, của Xứ Thanh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.