Huyệt đạo thiêng trên đỉnh Ngàn Nưa

Huyệt đạo thiêng trên đỉnh Ngàn Nưa
TP - Gần đây người tứ xứ đã nườm nượp kéo về Nông Cống leo lên Ngàn Nưa trèo lên đỉnh núi Nưa để chiêm bái, để thắp lên nén hương thơm nơi Bà Triệu dấy binh năm nào.

Và tất thảy những khách hành hương ấy, không có ai là không tới một khoảng đất bằng phẳng cách ngôi đền Bà Triệu trên đỉnh Nưa không xa, thành kính như khi dâng hương ở Đền Bà, họ đứng lặng kính cẩn ngước lên thinh không vòi vọi rồi thư thả áp tay xuống lòng đất.

Bởi tất thảy mọi người đang tin rằng mình đang hiện diện ở một huyệt đạo quan trọng của nước Nam, nơi Trời với Đất giao hòa, nơi đất Giao Chỉ xửa xưa Cao Biền không sao trấn yểm nổỉ?!

Có phải vì những lời đồn cùng rậm rịch những bước hành hương ấy không mà hình như có dạo thưa hẳn bài vè (không rõ của người xứ Thanh tự trào hay người xứ khác giễu cho vui) rằng Khu Bốn đẩy ra khu Ba đẩy vào... Lận đận quay về lập quốc gia riêng . Thủ đô thiêng liêng là miền Nông Cống. Quốc ca chính thống dô tá dô tà...

Anh tê đi mô? Tần ngần trước cây luồng chắn ngang con đường mới mở lên đỉnh núi Nưa, tôi giật mình vì tiếng quát khá đanh phát ra từ ngôi lều bên đường. Hơi bực vì đường đang thông thống thế này lại có cái cây luồng làm barie nhưng vẻ mặt hiền hậu của một lão nông trong chòi làm tôi dịu ngay cơn bực.

Câu chuyện vội bên cái điếu cày làm tôi hơi ngạc nhiên. Chủ cái barie kia tên là Lê Bật Huỳnh. Ông Huỳnh ngay xã Tân Ninh dưới chân núi. Từ dạo có nhiều khách hành hương lên đỉnh Nưa lễ đền và chiêm bái nơi huyệt đạo quốc gia ấy,  gia đình ông đã bỏ ra hơn 4 tỷ đồng để làm con đường vắt chon von dẫn lên đỉnh núi như bây giờ.

Mặc dù chưa được cán lu hay rải nhựa, hẵng còn trúc trắc gập ghềnh, nhưng xe máy xe ô tô chỉ mất non nửa giờ leo thẳng lên đỉnh chứ chẳng phải nhọc công cuốc bộ mấy giờ đồng hồ! Một hình thức xã hội hóa du lịch? Vậy nên chúng tôi cũng bớt xót khi xùy ra 50 ngàn đồng tiền mãi lộ. Gập ghềnh xe lên đỉnh núi Nưa, trời trong, trên độ cao hơn 500 mét, Nông Cống, Triệu Sơn thoắt mờ ảo sương khói dưới chân.

Nông Cống là  cái tên có ngót ngàn năm tuổi đâu như từ thời Lê sơ. Một bậc túc nho xứ Thanh từng giải cho tôi rằng nông là nông tang canh cửi với trồng lúa. Cống là nộp thuế nặng. Cái tên tức tưởi ấy có thể có từ thuở ngàn năm Bắc thuộc cơ đấy.

Huyệt đạo thiêng trên đỉnh Ngàn Nưa ảnh 1
Ngàn Nưa nhìn từ xa

Vì Nông Cống là nơi Bà Triệu dấy binh đánh giặc nên khi bình định được nước mình trong  đằng dặc  những đêm đen Bắc thuộc ấy có lẽ chúng thù tức miền đất có căn cứ địa kháng chiến chống ngoại xâm nên đặt ra cái lệ bắt dân vùng căn cứ địa phải cống nạp thật lực cho kỳ xơ xác rạc dài ra thì mới bõ mối thù tức!?

Nghe mà tôi không dám cười bởi cũng có cái lý của nó chứ chả chơi! Xứ Thanh thiếu chi những vùng trù phú thượng đẳng điền mà lại  cứ nhăm nhăm vạc sưu thuế vào một vùng đất khô khẳng khó làm ăn này? Cái nghèo cái khó ấy cứ như một sự truyền kiếp.

Những giai thoại, những câu vè tức tưởi cứ thay nhau xuất hiện Được mùa Nông Cống sống mọi nơi/ Mất mùa Nông Cống tả tơi mọi vùng. Vùng Nông Cống, Triệu Sơn hai huyện, về địa lý giáp nhau. Về đời sống thì cứ thay nhau mà nghèo mà khó nhất xứ Thanh xưa kia ấy bây giờ đã giảm nhiều lắm tỷ lệ nghèo. Hộ đói đâu như chỉ lác đác. Ngay từ những năm 60 nhà thơ Tố Hữu đã cảm nhận thế này rồi: 

Sương thu xanh ngắt Ngàn Nưa/ về thăm Nông Cống đường xưa ngỡ ngàng/ Đồng chiêm mùa lúa chín vàng/ Xóm lều rơm hóa phố làng ngói xây/ Bãi đồi xanh mướt màu cây/ Ước chi Bà Triệu ngày nay lại về.

Đỉnh Ngàn Nưa rời rợi gió. Thứ nắng trên Ngàn Nưa cũng sánh vàng bớt gay gắt. Anh Tuấn - một đệ tử của Ngàn Nưa đi cùng kính cẩn dẫn chúng tôi vào thắp hương Đền Bà. Khi biết tôi muốn leo Ngàn Nưa, anh bạn đồng nghiệp Cao Ngọ PV Báo Thanh Niên thường trú ở Thanh giới thiệu ngay Phạm Văn Tuấn, người mà Cao Ngọ coi là thổ công của Ngàn Nưa. Tuấn là một doanh nhân, từng hằng tâm hằng sản với Ngàn Nưa như nhiều người khác để có đỉnh Nưa thông thoáng bắt mắt du khách như bây giờ.

Anh Tuấn cho biết, ngót 10 năm trước, lên Ngàn Nưa không dễ. Lau lách cây dại giăng giăng. Đường là một lối mòn hun hút. Có lắm lắm  giống rắn lục xanh lét nhưng lạ chưa cắn ai bao giờ. Mà giống lục xà này đớp cái nguy như hổ mang cắn. Tuấn giọng kính cẩn nói là âm binh của Bà hộ vệ!? Tuấn còn ngân nga câu: Na Sơn nắng quyện mây trời/ Dấu xưa Bà triệu còn ngời sử xanh và khẳng định đó là ca dao ở vùng này.

Đền Bà Triệu trên đỉnh Nưa không hoành tráng như tôi tưởng nhưng thanh tịnh sạch sẽ. Chắc mới xây chưa lâu? Đôi độc bình mà Tuấn tiến cúng nổi trội gian giữa của Đền. Bên Đền còn có chùa và nơi thờ Bà Chúa Thượng Ngàn nghe nói cũng là thờ Bà. Sinh vi tưởng tử vi thần, khi mất, Bà đã hóa thân thành Chúa Thượng Ngàn. Từ một nhân vật lịch sử, Bà Triệu của chúng ta thoát trở nên lung linh trong tâm thức dân gian và trở thành vị trí xứng đáng trong hệ thống thờ Mẫu của người Việt! 

Huyệt đạo thiêng trên đỉnh Ngàn Nưa ảnh 2
Giếng Tiên trên Ngàn Nưa

Chưa hết, trên đỉnh còn Am Tiên. Am Tiên đã bị phá không còn dấu tích nay chỉ có một tấm biển xi măng ghi là di tích lịch sử văn hóa. Tuấn cho biết mai kia sẽ xây mới. Dân Nông Cống Triệu Sơn lập am từ thuở lẩu lâu. Dân cứ thấy một người đẹp như... tiên cứ đêm trăng thanh vắng hay trưa nắng là xuất hiện. Ấy là Bà về. 

 Vào am khấn cầu, mọi việc đều linh ứng... Cũng phải thôi, ngay cả ông vua thi sĩ Lê Thánh Tông từng kính cẩn trước anh linh Bà trong đôi câu đối còn lưu ở Đền Bà tại Hậu Lộc (Ngoài đền bà đây, Bà Triệu còn được thờ ở Phủ Na (Như Thanh) và Phủ Nưa (Triệu Sơn) nơi bà tuẫn tiết: Thiên thượng tinh anh vạn nhẫn thanh sơn hiển thánh. 

Nữ trung hào kiệt, thiên thu bạch tượng truyền thần  (Tinh anh ở trên trời, vạn bậc non xanh hiển thánh/ Hào kiệt trong nữ giới, nghìn thu voi trắng truyền thần). Nói đâu xa ngay cả chính sử của phương Bắc tuy tức tối, hằn học nhưng cũng phảng phất sự sợ hãi kính cẩn  trong núi ở quận Cửu Chân có người con gái họ Triệu vú dài 3 thước, không lấy chồng họp đảng cướp bóc các huyện trong quận, thường mặc áo ngắn sắc vàng, đi guốc gỗ, ngồi đầu voi đánh nhau, sau chết làm thần (sách Giao chỉ dẫn).

Sải bước chầm chậm trên đỉnh Ngàn Nưa, tôi chợt nhớ đến xứ Bái Trang vùng Yên Định cách Ngàn Nưa hơn bảy chục cây số. Có thể gọi là linh địa được lắm. Ấy là  mấy cái làng gần Ngã Ba Bông nơi hợp lưu của sông Mã sông Cầu Chày.  Trước nhất là làng Quan Yên.

Về sau này dưới chế độ mới có tên mới là Định Công từng là điển hình tiên tiến về mô hình HTX nông nghiệp.  Ngô Quyền quê ở Đường Lâm xứ Đoài nhưng từ nhỏ đã được thân phụ đưa về Quan Yên làm con nuôi của Dương Đình Nghệ. Được Dương Đình Nghệ nuôi ăn học dạy võ nghệ và gả con gái cho.

Bên làng Quan Yên có một làng tên cũ là chi không rõ nhưng tên mới bây giờ là Định Thành thời Bắc thuộc từng góp cho triều đình phương Bắc một vị tể tướng ấy là Khương Công Phụ. Từ  làng Quan Yên nhảo chỉ ít bước chân là chạm với rệ tre của một làng, tên cũ cũng chưa rõ nhưng tên mới là Định Hòa từng góp cho triều Lê Trung Hưng của Đại Việt một người con gái.

Chắc phải thuộc cỡ hoa hậu á hậu chi đó thì mới được tuyển vào cung làm vợ vua về sau là thân mẫu của vua Lê Thánh Tông.  Nhưng vùng  địa linh Bái Trang, danh nhân phát về đường âm vẫn nổi trội một người sinh ra ở làng Quan Yên: Triệu Thị Trinh hay là Triệu Trinh Nương. Nàng bỏ mình vì việc nước khi mới đôi mươi nhưng hậu thế nước Nam xưa nay đều nhất tề tôn là Bà. Bà Triệu!

Tôi cứ gẫm mãi câu trong sách Việt sử lược : “Năm Mậu Thìn ( 248 ), vì quan lại nhà Ngô tàn ác, dân gian khổ sở. Triệu Quốc Đạt mới khởi binh đánh quận Cửu chân. Bà ấy  (Bà Triệu) đem quân ra đánh giúp anh, quân sỹ của Triệu Quốc Đạt thấy bà làm tướng có can đảm bèn tôn lên làm chủ”. Nhận định ấy là chí lý lắm bởi sau này có không ít học giả cho rằng  bởi thời mẫu hệ nên mới có sự đổi thay minh chủ thế!? Chao ôi nếu không có tài thao lược quân sự lẫn việc cầm quân thì dễ bề tan tác trước sự bạo tàn của giặc Ngô. 

Từ ngôi làng Quan Yên đến Ngàn Nưa là cả một quá trình chiến lược chiến thuật của anh em nhà Bà Triệu. Theo chân anh Tuấn, chúng tôi nhảo sang vị trí quân của Bà đóng đồn, nơi luyện tập võ nghệ, nơi cất giấu lương thực. Anh Tuấn lưu ý thêm cho chúng tôi thế đắc điạ lẫn hiểm địa của Ngàn Nưa. Trên đỉnh Nưa, núi cao mà chợt có đất bằng.

Sơn cao mà chợt thủy tụ! Nơi có nước ấy là cái Giếng Tiên chốc nữa chúng tôi sẽ được quan chiêm. Việc Bà Triệu chọn Ngàn Nưa làm căn cứ, bàn đạp cho cuộc khởi nghĩa có lẽ là đắc sách về mặt quân sự? Chả phải bỗng dưng mà có câu  lưu danh về uy thế của người nữ anh hùng: “Na Sơn nhất phiến, nhất hộ thiên hạ biến” (một tiếng hô ở núi Nưa chuyển cả thiên hạ).

Rời đền Bà, qua một khoảng cây rừng bít bùng, một khoảng trống thoáng đãng bỗng òa ra trước mặt... Vẻ kính cẩn sợ sệt khi anh Tuấn chỉ  cho chúng tôi khoảng đất bằng lỳ cao ráo và cho biết đây là điểm cao nhất của Ngàn Nưa, là đại bản doanh, sở chỉ huy của anh em nhà Bà Triệu.

Trên khoảng bằng phẳng độ hơn hai trăm mét vuông là những gốc lộc vừng đa si sanh thứ mới trồng hoặc trồng đã hơn năm vây bọc lấy một cây hương đứng sừng sững. Bát hương đặt trên cây hương chi chít những chân hương tàn chưa lâu. Bên một gốc đa mới trồng, có một phiến đá trắng hình lá đề khắc hàng chữ cầu cho quốc thái dân an. Trên cái nền phẳng lỳ kia có một tốp du khách, trên tay mỗi người một nén hương đang cháy. Họ thành kính ngước lên thinh không vòi vọi mây trắng ngổn ngang bộn bề khấn khứa chi đó.

Huyệt đạo thiêng trên đỉnh Ngàn Nưa ảnh 3
Tam quan lối vào Ngàn Nưa

Đoạn họ cắm hương vào chỗ cây hương rồi áp lòng tay xuống đất. Nghi thức hành lễ hơi lạ lùng ấy được anh Tuấn nói qua, đây chính là huyệt đạo quan trọng của nước Nam, nơi Trời chọn để mà giao hòa mà thông điệp với Đất. Đây là huyệt đạo mà nghe nói Cao Biền không thể trấn yểm nổi!?

Tôi chợt nhớ có lần đã nghe ở đâu những  nắc nỏm của giới phong thủy về đại địa mạch quốc gia, những là trên hệ thống đại địa mạch ấy có những huyệt đạo hội tụ linh khí trời đất cùng những đắc địa gì gì nữa  không biết.

Huyệt đạo? Tôi nghe vậy và cũng chỉ biết vậy nhưng sở chỉ huy cuộc khởi nghĩa chống quân Ngô của Bà Triệu (vô tình hay hữu ý đây) đã từng trụ từng đặt ở nơi này. Thứ mây nõn đang giăng trên đầu cùng gió Ngàn Nưa lồng lộng kia, hơn 17 thế kỷ trước chắc cũng lồng lộng và hào phóng như bữa nay? Tầm mắt tôi bao quát bức tranh thủy mạc của những mạch núi chồm chầu về đỉnh Nưa cùng  xóm làng thôn ổ ruộng đồng của đất Nông Cống của Triệu Sơn đang giăng dưới chân kia...

Chả mấy năm nữa, khí lành của huyệt đạo linh thiêng này sẽ sum xuê cây cối bắt mắt lẫn mời gọi du khách về chiêm bái Ngàn Nưa, một thế mạnh về du lịch không riêng hai huyện nghèo mà còn cả một vùng mênh mông phía Nam của xứ Thanh!

Có phải có chút chi mách bảo của cao xanh không mà những cây đa, cây bồ đề của một số yếu nhân nước Việt, của tỉnh Thanh như cụ Lê Khả Phiêu, cụ Trần Đức Lương, bà Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, ông chủ tịch tỉnh Mai Văn Ninh, ông chủ tịch thành phố Thanh Hóa... đã bén xanh cùng có tán ngay tại đền Bà ngay tại huyệt đạo thiêng của nước Nam này? Việc trồng cây của các yếu nhân này chắc sẽ khởi đầu cho phong trào trồng cây tại đỉnh Ngàn Nưa?

Câu chuyện trong trưa vắng trên đỉnh Ngàn Nưa với bà cụ thủ từ có lẽ khó mà dứt ra được.  Cụ  thủ  từ, tạm  gọi  thế  vì  cụ  bà Hồ Thị Trông năm nay đã 77 tuổi từng lo việc nhang khói ở đền lâu nay. Cụ Trông người huyện Hoàng Hóa, về làm dâu đất Tân Ninh này lâu rồi.

Người manh mảnh, giọng nói khẽ khàng... Vào một năm khốn khó, mà nào có xa xôi gì,  trên đỉnh Ngàn Nưa này hẵng còn một cái chùa tranh tre thờ Bà Triệu. Ngôi chùa tranh ấy là công sức của bố con cụ Lê Bật Ong và Lê Bật Quy người xã Tân Ninh, cụ Ong là cha chồng bà Hồ Thị Trông. Cụ Ong muốn trên đỉnh thiêng này phải có một ngôi Đền hương khói cho Bà bởi chùa và am gạch đã bị phá từ khi nào không rõ! Cụ Ong già yếu, người con cụ là Lê Bật Quy cùng vợ thay nhau coi sóc hương khói.

Rất nhiều người dân Tân Ninh ngày sóc vọng đều cất công lên đỉnh Nưa thắp hương khấn vái. Việc hương khói khi ấy, như cụ Trông cho hay, không được khuyến khích thậm chí người ta còn cấm cản rằng việc hương khói ở đền là tuyên truyền mê tín dị đoan!? Rồi cấm hẳn, cấm ngặt nữa nhưng cụ Trông vẫn lén làm.

Vẫn làm vì cụ đinh ninh lúc sinh thời, ông bố chồng vẫn luôn năm hương khói cho đền nói với con trai cùng con dâu rằng để đền trơ lạnh là có tội với Bà, có tội với người có công với nước. Mình làm việc phúc thì đừng có ngại...

Rồi việc đến đã đến như cụ thở dài, trong câu chuyện, cụ hay nhắc đến câu thời ấy nó thế. Đúng ngày Mồng 8 Tháng Tư Âm lịch mà bà con coi là ngày Bụt sinh Bụt đẻ, xóm làng bỗng dậy lên tiếng kẻng rền vang lại đì đùng tiếng súng của dân quân. Các ngả trong làng được canh gác cẩn mật. Trên đỉnh Ngàn Nưa, người ta hốt được một mẻ những nguời cầm đầu tuyên truyền mê tín dị đoan của làng trong đó có ông Lê Bật Quy đang thắp hương khấn vái tại đền Bà.

Tất cả những người bị bắt đều được nhốt vào cái nhà kho bít bùng. Đám dân quân trẻ măng táo tợn còn nghĩ ra cái trò dùng hương tịch thu được đốt từng nắm lớn. Gian kho bít bùng kín bưng ngột ngạt khói. Tiếng kêu khóc dậy lên. Mãi rồi người ta cũng thả sau khi cảnh cáo thật lực cái đám người mê tín dị đoan nọ... Rồi người ta ra tay phóng hỏa đốt trụi ngôi đền. Cái ngày đốt phá ngôi đền thiêng ấy, làng Tân Ninh đã có bao nhiều người khóc thầm, trong đó có ông bà Lê Bật Quy!

Thời ấy nó thế... Cụ Trông lại chẹp miệng thở dài nối tiếp câu chuyện... Chừ thì khác rồi giọng cụ Trông đã xởi lởi ông nhà tôi có nằm  ở thế giới bên kia cũng thỏa vong linh...

Đền bà Triệu trên đỉnh Ngàn Nưa được xây mới. Lại cả chùa cả đền Mẫu. Địa phương hỗ trợ cho một phần, phần thì công quả của bà con xa gần. Không hiểu có căn quả chi đó, khi cụ ông mất, cụ bà lại được tin tưởng lên Ngàn Nưa để lo hương khói.

Con trai cụ là Lê Bật Sơn giúp sức với mẹ trong việc quản lý coi sóc khu di tích lịch sử kiêm du lịch này. Tôi cũng được nghe câu chuyện ly kỳ thoát khỏi căn bệnh hiểm nghèo về gan của Lê Bật Sơn con trai cụ...

Tôi dừng lâu hơn chỗ tấm biển ghi bên đền. Lòng thành đốt một nén nhang/ Khói lan thơm ngát mười phương Phật Trời. Nhà chùa kính cáo. Điều I. Không mê tín dị đoan.  Điều II. Không bói toán phán truyền. Không buôn thần bán thánh. Chủ chùa Lê Bật Sơn.

Điểm cuối trước lúc rời Ngàn Nưa là Giếng Tiên. Sơn cao mà thủy lại tụ. Cũng lạ trên độ cao  538 mét và sâu hoắm trong văn vắt một giếng nước mà vã lên mặt buốt lạnh.

Cứ như anh Phạm Văn Tuấn thì giếng Tiên trước đây cũng chỉ ri rỉ thôi nhưng từ khi xây xong Đền và nhất là  thời điểm khai quang huyệt đạo trên đỉnh Nưa thì Giếng Tiên bỗng tuôn đầy không bao giờ vơi cả. Đất có tuần nhân còn có vận nữa là một xứ Thanh một nước Việt? Một vận hội tốt lành chi đó chăng?

Núi Nưa nằm trên địa phận các huyện Triệu Sơn Nông Cống và Như Thanh của Thanh Hóa bây giờ. Núi có độ cao 538 mét dài 17 km soải dài trên diện tích 55 km2 nên còn được gọi là Ngàn Nưa. Đây là dãy núi cao và lớn nhất vùng đồng bằng phía Nam tỉnh Thanh Hóa. Sách Đại Nam thống nhất chí (thời Nguyễn) chép Núi Nưa tức Na Sơn ở huyện Nông Cống. Mạch núi từ Phủ Thọ Xuân kéo đến chạy dài vài ba mươi dặm. Đến địa phận Tổng Cổ Định thì nối vọi lên nhiều ngọn, ngọn cao nhất là núi Nưa...

Vậy mà đã chẵn 1760 năm, biết bao dâu bể tao loạn tính từ thời điểm năm 248, người con gái xứ Thanh Triệu Trinh Nương dựa vào địa thế hiểm yếu của Ngàn Nưa để dấy binh khởi nghĩa chống lại nền thống trị đô hộ hà khắc của nhà Hán thời Bắc thuộc, Ngàn Nưa vẫn nguyên vẹn cái thế hiểm yếu của nước Nam. Ngàn Nưa vẫn thăm thẳm vẫn bí hiểm và phong kín bao huyền thoại về vị thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa năm xưa.

Mùa Vu Lan năm Sửu
Xuân Ba

MỚI - NÓNG