Internet không là ngáo ộp

Internet không là ngáo ộp
TP - Dù đang gây ra nhiều lo ngại, nhưng cần phải khẳng định rằng, internet chỉ là phương tiện truyền thông. Việc của xã hội loài người là phải tìm cách “chung sống hòa bình” với thế giới ảo.

Bài 1: Nơi chạy trốn hiện thực

Chúng ta đang sống trong thời đại bùng nổ về thông tin truyền thông. Những phương tiện truyền thông đa dạng, đặc biệt là internet, với trình độ công nghệ tiên tiến và tiến bộ không ngừng đã làm cuộc sống xã hội thay đổi nhiều, và ở góc độ nào đó, “thế giới ảo” đã gây sốc cho xã hội. Theo PGS. TS Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý-giáo dục Đồng Nai, dư luận đang quan tâm và bàn luận với nhiều ý kiến, nhiều chiều hướng và có phần lo sợ về internet.

Thế giới ảo- một thành phố lớn

Các nhà tâm thần học, tâm lý học đang nêu ra hội chứng gọi là “nghiện internet”. Người ta cũng nghe nhà xã hội học, nhà giáo dục học cảnh báo rằng Internet đã và đang phá hủy những cá nhân và gia đình.

Tuy nhiên, ông Thọ cho rằng, internet cũng như một thành phố lớn, chúng ta có thể tìm kiếm các hoạt động lành mạnh, và ta cũng có thể tìm thấy những tiêu cực trên internet. Vậy các bậc cha mẹ sợ internet cũng không khác gì sợ thành phố lớn. “Sự nguy hiểm offline đời thực ở thành phố lớn cũng nguy hiểm chả kém gì trên mạng”, ông Nguyễn Văn Thọ nói.

Theo ông, thay vì cấm đoán, nên dạy trẻ cách sử dụng internet như từng dạy trẻ khi còn nhỏ biết cách đi như thế nào trong thành phố, dừng ở vỉa hè, cách qua đường như thế nào, không nói chuyện với người lạ ra sao và đến ngay với cha mẹ khi có vấn đề… Hãy dạy trẻ cách xét đoán tốt và tự chủ lựa chọn nội dung sử dụng, biết tự chịu trách nhiệm.

Ông cũng nhắc tới vai trò của nhà trường, nơi tiếp tục giáo dục và giúp đỡ học sinh hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách.Theo ông Thọ, vấn đề giúp đỡ các em sử dụng đúng mức internet cũng nằm trong giáo dục nhân cách chung. Tuy nhiên, TS Huỳnh Văn Thông, Chủ nhiệm khoa Báo chí truyền thông (ĐH KHXH&NV TPHCM) cho rằng chương trình tin học phổ thông hiện nay chú trọng dạy ứng dụng chứ chưa có những phần hướng đạo cách sử dụng internet. “Các thầy cô dạy học sinh cấp 2 những chương trình ứng dụng như word office, powerpoint, mở cái này, đóng cái kia, chuyển cái nọ, nhưng tôi không thấy dạy học sinh cách sử dụng internet lành mạnh, bổ ích”, ông Thông nói.

Đừng nhìn bằng con mắt ngoài cuộc

Theo TS Huỳnh Văn Thông, hệ quả xã hội đầu tiên của đa truyền thông (internet) là khả năng kết nối xã hội được mở rộng đến mức tạo ra một sự bùng nổ các mối quan hệ xã hội giữa cá nhân với cá nhân trên phạm vi toàn cầu. Và giới trẻ chính là giới có tỷ lệ tham gia vào xã hội này cao nhất. Báo cáo NetCitizens Việt Nam tại thời điểm tháng 3-2010 cho thấy lứa tuổi 15-24 chiếm tỷ lệ đến 38% tổng số người dùng Internet Việt Nam.

Hệ quả xã hội thứ hai của truyền thông đa phương tiện tạo ra là sự giải phóng khả năng sáng tạo cá nhân của con người trên môi trường truyền thông/giao tiếp. Hệ quả thứ ba là sự phát triển con người cá nhân trên môi trường ảo – môi trường được ẩn dụ như một “cuộc sống thứ hai” của con người. Cá nhân sẽ tìm thấy một lãnh địa đủ tự do để “thăng hoa” cái bản ngã vốn gặp quá nhiều bó buộc trong đời sống thực.

“Khi internet phát triển, có vẻ người lớn đang mất vai trò giám hộ đối với trẻ em, nhất là khi mà phần nhiều người lớn hiện nay bị lạc hậu, đứng ngoài “cuộc chơi” đa truyền thông. Thậm chí không ít trường hợp người lớn còn trở thành đối tượng bị giám sát ngược khi mà giới trẻ biết cách sử dụng các công cụ đa truyền thông để làm việc đó. Chuyện clip cô giáo chửi học trò bị tung lên mạng là nằm trong logic đó” - ông Thông nói.

Do vậy, phần lớn cách đặt vấn đề về quan điểm giáo dục của xã hội người lớn đối với giới trẻ về đa truyền thông hiện nay mang đậm màu sắc của “người ngoài cuộc”. Nhà trường và gia đình xem internet là một thực tế “bên ngoài” đầy nguy hiểm và tìm cách ngăn chặn, hạn chế, cấm đoán giới trẻ truy cập và sử dụng internet càng nhiều càng tốt. Nhiều phụ huynh sẵn sàng bỏ tiền trang bị cho con cái mình những điều kiện tiếp cận internet và các thiết bị, dịch vụ truyền thông bằng mọi giá nhưng lại hoàn toàn “mù” về những thứ đó sẽ là một kịch bản đầy rủi ro về giáo dục. Ở chiều hướng ngược lại là “cấm tiệt” cũng không thích hợp. Theo TS Thông, người lớn không thể nói với trẻ em là “đừng va chạm với cuộc sống”, mà phải nói “hãy sẵn sàng và tự tin để va chạm với nó”.

Chủ nhiệm khoa Báo chí- Truyền thông ĐHKHXH&NV TPHCM cho rằng, đã đến lúc phải nghĩ đến một chương trình giáo dục kỹ năng truyền thông căn bản và lâu dài trong nhà trường, được thực hiện trong chính khoá lẫn ngoại khoá, chú trọng cả việc phối hợp với gia đình, để hướng dẫn học sinh khai thác đa truyền thông hiệu quả hơn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG