Kể chuyện Hoàng Sa - Kỳ cuối

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa
TP - Lý Sơn, hòn đảo núi lửa tự bao đời nay vừa là tiền đồn cho Tổ quốc, cũng là hậu phương cho bao lớp hùng binh ra Hoàng Sa...

 >> Kể chuyện Hoàng Sa - Kỳ 3
>> Kể chuyện Hoàng Sa - Kỳ 2
>> Kể chuyện Hoàng Sa - Kỳ 1

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.

Tưởng vọng hùng binh

Tháng 3 âm lịch hằng năm là tháng mà người dân đảo Lý Sơn chọn ngày thắp hương khấn vái, làm Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, thả hoa đăng, thả thuyền cùng hình nhân thế mạng, khấn hương hồn những người đã ra đi vì Hoàng Sa, sớm siêu thoát về trời, sớm quay về với quê hương bản quán.

Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi - TS Nguyễn Đăng Vũ nói rằng, lễ khao lề năm nay quy mô nhất từ trước đến nay, vừa mang nghĩa tâm linh, cũng là những bước đệm cần thiết để sắp tới, Festival biển đảo lần đầu tiên được tổ chức bài bản.

Trải qua bao sóng gió thời gian, vật đổi sao giời, Lý Sơn còn đó, Hoàng Sa vẫn còn đó. Đến nay, ai tính được đã có bao nhiêu lính thú ngày xưa, bao nhiêu cai đội, đà công, bao nhiêu binh hùng đã lên thuyền ở bến An Vĩnh để giương buồm ra Hoàng Sa đất mẹ? Chịu! Đến cả cụ Võ Hiển Đạt hay nhà sử làng Phạm Thoại Truyền cũng không lý giải được.

Cụ Đạt nói rằng, ra với Hoàng Sa, tất nhiên trai tráng Lý Sơn là những cánh chim đầu đàn, nhưng rồi sau này, chẳng riêng gì họ, bởi sang thời vua Gia Long, lính thú khắp nơi, từ Quảng Bình vào tận Quảng Nam rồi Bình Thuận... cũng giương buồm vượt biển ra trông giữ đất đai của ông cha.

Lễ khao lề năm nay được rầm rộ tổ chức 3 ngày đêm, chẳng biết có phải sấp ngửa chẵn lẽ gì không, nhưng với những ngư dân - chiến binh đi Hoàng Sa, âu đó cũng là một lá bùa vô hình, tăng thêm lòng can trường cho mỗi chuyến hải trình.

Tôi theo thuyền ra tận xa để ngắm nhìn hoa đăng dập dềnh, lần đầu tiên thấy hoa đăng trên biển được thả trong một đại lễ cầu siêu, cầu cho vong linh những người đã vượt ngàn sóng gió giữ gìn Hoàng Sa. Đèn hoa đăng nối đuôi nhau, lập lòe, dập dềnh trên sóng nước. Những ánh đèn mang theo linh hồn chiến binh Hoàng Sa về trời.

Tượng đài đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải
Tượng đài đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải .

Chỉ có 9 bài vị được cụ Đạt ghi tên, là những Chánh đội trưởng Phạm Văn Nguyên, Phạm Hữu Nhật, cai đội Phạm Văn Ảnh, đà công Đặng Văn Siểm..., còn lại, hằng hà vô số anh hùng vô danh mãi mãi vùi thây dưới biển sâu cùng với thẻ bài. Có lẽ, linh hồn của họ sớm được thăng thiên, sau bao lần khao lề thế lính thành tâm của dân Lý Sơn.

Bám chắc Hoàng Sa

Cụ Võ Hiển Đạt nói với tôi, đại ý rằng, từ bao đời nay, đảo Lý Sơn như một tiền đồn oai phong, trấn cửa biển phía Đông nước Việt, đứng mũi chịu sào bao nhiêu sóng gió.

Tôi là kẻ hậu sinh, mạo muội thưa với cụ Đạt rằng chẳng những là tiền đồn, mà Lý Sơn còn phải là hậu phương cho bao lớp hùng binh vạch nước tiến ra biển lớn. Lúc đó thì Hoàng Sa mới chính là tiền đồn của chúng ta. Cụ Đạt gật đầu rồi thoáng buồn tư lự. Đương nhiên cụ hiểu, để Hoàng Sa là tiền đồn cho chúng ta, không phải ngày một ngày hai mà có được. Dẫu rằng, lịch sử đứng về phía chúng ta.

Nhắc đến bằng chứng lịch sử, ông Đặng Lên, cháu 6 đời của đà công Đặng Văn Siểm khẳng định, cho đến bây giờ, những sắc chỉ vua ban mà gia tộc họ Đặng còn giữ lại là những bằng chứng xác thực nhất khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam.

“Tui còn nhớ như in đó là tháng 3-1979, một người tự xưng là cán bộ của đoàn khảo cổ Việt Nam, về Lý Sơn mà không làm việc qua với chính quyền địa phương, họ đến thu gom hết tất cả các sắc chỉ vua ban của 13 tộc họ trên đảo.

Đại ý họ nói rằng cái này rất quý, phải giao nộp cho nhà nước để làm chứng cứ gì đó. Hầu hết các tộc họ đều nộp, riêng tộc họ Đặng của tui thì không. Chẳng phải là tui không tin người nhà nước, nhưng do điều kiện lúc đó của tui chưa giao được”.

Theo trí nhớ của ông Lên, gia tộc họ Đặng có chiếc hộp được khoá cẩn thận, giao cho trưởng tộc cất giữ. Khi trưởng tộc mất đi, thường có câu dặn dò đến tộc trưởng kế tiếp rằng, những giấy tờ trong chiếc hộp này rất quý, muốn khui ra phải có đông đủ họ tộc.

“Năm 1939, ông nội tui là trưởng tộc, tên Đặng Văn Ngạc mất, có đông đủ con cháu bèn khui ra. Lời dặn cuối cùng của ông tui là cái này sắc chỉ vua ban cho một cụ tổ họ Đặng, liên quan đến vận mệnh của Hoàng Sa, phải 20 - 30 năm sau mới được khui.

Sắc chỉ vua Minh Mạng mà gia tộc họ Đặng còn lưu giữ là một bằng chứng Hoàng Sa là của Việt Nam
Sắc chỉ vua Minh Mạng mà gia tộc họ Đặng còn lưu giữ là một bằng chứng Hoàng Sa là của Việt Nam.

Đến năm 1959, tui triệu tập cả tộc họ, khui ra để làm chứng cho con cháu thấy, mọi giấy tờ vẫn còn nguyên. Từ đó, cứ 10 năm gia tộc họ Đặng lại tập trung con cháu mở chiếc hộp một lần, vào đúng ngày 16-3 âm lịch, là ngày đại kỵ trên đảo Lý Sơn.

Đến năm 1999, cả tộc họ Đặng mở chiếc hộp, rồi nhờ cụ Dương Quỳnh - một ông giáo uyên thâm chữ Hán dịch giùm. Cả họ mới hay rằng, đó là sắc chỉ vua Minh Mạng sắc phong cho cụ Đặng Văn Siểm làm đà công (lái thuyền) cùng một số lính thú ra Hoàng Sa vào năm 1834, đúng thời Minh Mạng thứ 15”.

Anh Đặng Tấn Toàn - tộc trưởng hiện thời họ Đặng, bùi ngùi: “Tui còn trẻ, lớp con cháu hậu sinh chẳng hiểu nhiều về chuyện ông cha ngày xưa, nhưng về đây, được thấy gia tộc mình góp chút ít công sức vào việc giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ là thấy sung sướng lắm rồi”.

Anh Toàn công tác tận Tây Nguyên, nhưng tháng 3 vừa rồi, theo lệnh của tộc họ phải về để thay mặt nhận Bằng khen của Bộ Ngoại giao và Bộ VH-TT&DL.

Ngày gia đình anh Mai Phụng Lưu quây quần mừng anh trở về, tôi hỏi chị Phạm Thị Đợi hiện gia cảnh thế nào, chị Đợi buồn tủi: “Chú tính, cứ sắm thuyền ra Hoàng Sa là bị bắt, bây giờ gia đình gạo cũng chẳng có mà ăn chứ nói gì đến ra khơi”.

Anh Lưu chừng như đã hết mệt, ngồi kế bên oang oang: “Phải ra chứ, tui đang chuẩn bị chạy thuyền vô Sa Kỳ sơn tút lại, ước chừng 20 triệu. Xong về vay mượn bà con, chủ nậu rồi gọi bạn thuyền ra lại Hoàng Sa. Họ bắt cứ bắt, mình ra cứ ra, sợ gì !”.

Anh Lưu được dân Lý Sơn mệnh danh là sói biển thực thụ, với nguyên lý đánh cá ai cũng lè lưỡi lắc đầu: “Chỗ nào chưa ai đến thì mình đến”. Trước năm 2000, anh Lưu là một thợ lặn hải sâm nổi tiếng ở Trường Sa. Anh kể: Hồi trước lặn hải sâm phát tài lắm, nhưng khi có lưng vốn, tui đóng tàu đi đánh cá ở Hoàng Sa, vì nghĩ rằng mảnh đất đó là của cha ông mình, vùng biển đó là của Việt Nam mình nên không sợ.


Anh Lưu kể rằng, đúng tối 28-4 tàu anh được thả về cập cảng Lý Sơn, đằng xa đã thấy hoa đăng dập dềnh, bất chợt ớn lạnh sống lưng, thấy hoa đăng như từng đốm mắt lập lòe, tế chính linh hồn anh vậy.

Đôi lúc cấn cá nghĩ đến gia đình, vợ con tội nghiệp ở nhà, muốn bỏ quách ngư trường Hoàng Sa về làm ăn ven bờ, ít tiền mà khỏe, không sợ bắt bớ. Nhưng ở đảo Lý Sơn này, trai tráng là phải ra khơi xa, vừa bám biển đánh cá cũng vừa giữ gìn chủ quyền của mình nữa chớ. Bây giờ không lo bám Hoàng Sa thì đời con cháu sau này không có cái mà ăn”.

Anh Lưu dùng thúng chở tôi ra con tàu đã bị quật tả tơi, giờ chỉ còn cái xác, nhẩm đếm: “Vôi ve bôi trét lại, rồi mua phi mua máy, sắm lưới mua dầu đèn thuốc nước bò húc, nước yến, gạo, ga... vị chi gần 150 triệu nữa mới nổ máy được”.

Chị Đợi lúc đầu có vẻ e dè với tôi, nhưng lây cái sôi nổi của chồng, được thể khẳng định: “Nói là nói vậy thôi, chứ rồi cũng phải vay mượn để mấy ông đi chứ. Tui biết mà, mấy ông cứ về được dăm hôm là nhớ biển, có ở nhà mãi được đâu”. Ánh mắt chị Đợi nhìn chồng, yêu thương và cam chịu.

Kế bên, đôi uyên ương sắp cưới Bùi Văn Hải và Mai Thị Bích Huệ đang líu ríu cười đùa. Chuyến đi vừa rồi Hải dự định kiếm tiền cưới Huệ nhưng không thành. Hải lại phải đi một chuyến nữa, ngày cưới phải hoãn lại. Huệ vẫn vui vẻ chấp nhận. Đàn bà trên đảo Lý Sơn là thế. Yêu thương cam chịu trước bão tố, bởi cứ mỗi lần chồng con ra đi, họ lại nuốt nước mắt vào trong.

Tôi đã nhiều lần ra Lý Sơn, phần lớn đúng dịp ngư dân gặp họa bị bắt. Lần nào cũng bị những ánh mắt buồn nhưng quật cường của người phụ nữ Lý Sơn ám ảnh mãi. Những đôi mắt ấy, đó chính là hậu phương vững chắc cho đàn ông ra biển xa, ra tận Hoàng Sa, bởi ở đó mới đích thực là tiền đồn giữa trùng khơi của chúng ta.

Câu chuyện về Hoàng Sa vẫn chưa có đoạn kết là vậy.

MỚI - NÓNG