Kể chuyện Hoàng Sa

Kể chuyện Hoàng Sa
TP - Những người từng chiến đấu và làm việc ở Hoàng Sa kể rằng, những hòn đảo giữa trùng khơi nước Việt này có nhiều chim sinh sống, vì thế nên mới gọi là bãi phân chim.

>> Kỳ 1 : Hoàng Sa thời yên ả

Kỳ 2 : Từ đảo chim đến Bầu Trắng giữa trời biển Việt

Đó là ký ức. Còn giờ đây, ngư dân thường gọi đảo Phú Lâm là cái bầu trắng phiêu dạt. Vì sao vậy? Hoàng Sa được zoom cận cảnh qua những lời kể của những nhân chứng...

Kể chuyện Hoàng Sa ảnh 1
Đã về tới Lý Sơn, nhưng Hoàng Sa vẫn in đậm trong tâm trí anh Lưu. 
Ảnh: Nam Cường

Binh khí từ Hoàng Sa

Đáng lẽ tôi phải gọi cây chĩa sắt của ông Nguyễn Tấn Phát (75 tuổi) đúng tên gọi là cây chĩa sắt chứ chẳng phải binh khí gì gì, nhưng ông Phát cứ khăng khăng: Với tôi, đây chính là binh khí, giúp tôi trụ vững ở Hoàng Sa, giúp tôi cải thiện cuộc sống, chống chọi với những điều bất thường.

Ông Nguyễn Tấn Phát là một trong 4 người từng sống, làm việc và chiến đấu ở Hoàng Sa trong giai đoạn 1950 – 1974 hiếm hoi hiện còn sống ở Đà Nẵng. Với ông, Hoàng Sa vẫn gần lắm, đẹp tuyệt trần.

Ông Phát kể : Năm 1958, Nha khí tượng Sài Gòn phân công ông ra quần đảo Hoàng Sa với thời gian 3 tháng. Năm đó, ông vừa tròn 25 tuổi, đang hừng hực lửa cống hiến và máu phiêu du nên mau chóng đáp xe lửa từ Sài Gòn đi Đà Nẵng.

“Ngày đó, tôi vừa tốt nghiệp khoá đào tạo kỹ thuật về công tác quan trắc, đo đạc khí tượng, nghe được ra Hoàng Sa là sướng rân, hồ hởi muốn đi ngay” – ông Phát hào hứng.

Rồi ra đến Hoàng Sa, được phân lên đảo, thấy xung quanh là biển xanh vời vợi, còn Hoàng Sa như một bãi cát vàng lóng lánh giữa trùng khơi. Ông Phát đã không kìm lòng được, điện đàm vào Nha khí tượng Sài Gòn, xin ở thêm 3 tháng ở đảo Hoàng Sa, bởi theo ông “3 tháng đầu ở Hoàng Sa như một giấc mộng đẹp, có điều ngắn ngủi quá”.

Dẫu thế nào, rồi câu chuyện của ông Phát cũng quay về với cây ba chĩa. Ông kể: “Bước chân xuống tàu ra Hoàng Sa, tui tần ngần chẳng biết mua thứ gì khi đi qua chợ. Thấy thứ chĩa sắt này hay hay nên mua đại. Ai ngờ đó lại là cái hữu dụng nhất cho cuộc sống trên đảo. Nó giúp tôi tự vệ trước các loài rắn biển, cá mập, giúp tôi xiên cá, đào ốc cải thiện bữa ăn. Bởi thế, cây ba chĩa này theo tôi cho đến tận bây giờ. Tôi xem nó là binh khí”.

“Ngoài giờ làm việc, trong những ngày rảnh rỗi, tôi thường lấy xuồng du ngoạn đến các đảo nhỏ xung quanh. Có lần choáng ngợp ở “đảo chim”. Đấy là một dải cát vàng, không bóng cây ngọn cỏ, nhưng đầy trứng và chim non. Chỉ cần đứng một chỗ là có thể hốt cả giỏ bộn trứng chim, vích (rùa biển). Không biết bây giờ thế nào, chứ Hoàng Sa hồi đó còn nguyên sơ và thơ mộng lắm.

Ai đó nói rằng Hoàng Sa là đảo chim, hay là bãi chim ỉa cũng đúng. Nơi đó đầy rẫy chim. Chỗ chúng tôi làm việc là một căn nhà chơ vơ trên đảo. Cách đó không xa là tiền đồn đóng quân của 20 lính hải quân Sài Gòn”.

Chỉ với 6 tháng thôi, nhưng dường như với ông Nguyễn Tấn Phát, Hoàng Sa mãi mãi là ký ức tươi đẹp trong trí nhớ. Ông Phát mơ màng: Giá như có một lần sớm đặt chân lên lại Hoàng Sa...

Kể chuyện Hoàng Sa ảnh 2
Người Việt Nam, đảo Việt Nam. Đào giếng nước ngọt trên đảo Hoàng Sa năm 1938. Ảnh: TL

Đảo công trường

Hôm nọ, khi tôi đem thắc mắc về Hoàng Sa bây giờ hỏi thuyền trưởng tàu QNg 66478 Mai Phụng Lưu (thôn Đông – An Hải, Lý Sơn), người từng 3 lần bị bắt giữ ở Hoàng Sa, lần mới nhất vừa được thả về hôm 28-4 vừa rồi, anh nói ngay: Làm chi còn cảnh thơ mộng lãng mạn như vậy nữa. Đảo Phú Lâm giờ đây như một công trường xây dựng.

Giữa cái nắng trưa Lý Sơn hầm hập, không chỉ riêng tôi mà vợ và con gái anh Lưu cùng mải mê nghe kể chuyện Hoàng Sa. Có lẽ, nếu tôi không hỏi, dù có là người trong nhà, e rằng chị Đợi và em Mai Thị Bích Huệ chẳng bao giờ được thấy chồng, cha mình tả cảnh Hoàng Sa cận kề, tỉ mỉ như thế.

“Khi mới đặt chân lên cầu cảng, họ bắt chúng tôi cởi áo bịt mặt, nhưng tôi vẫn kịp thời chứng kiến toàn bộ cuộc sống và hình thù trên đảo. Sau này, những lần họ gọi lên, không bị bịt mặt nữa thì tôi mới thấy, họ đã xây dựng đảo Phú Lâm vội vã, ngổn ngang thế nào” – anh Lưu kể.

Ngư dân Bùi Văn Hải, chồng chưa cưới của cô gái Mai Thị Bích Huệ, cũng vừa được thả về cùng đợt, tiếp lời: “Họ không trực tiếp bịt mặt chúng tôi, anh em dùng áo quấn ngang mắt sơ sài nên vẫn thấy được.

Ngay từ cầu cảng đã thấy khủng khiếp thế nào rồi. Xung quanh cầu cảng, đậu san sát vào nhau toàn tàu sắt, cái  nào cũng to lớn lừng lững, nhìn là biết tàu chiến. Trên tàu lính tráng nhộn nhịp, người nào cũng cao to bặm trợn, súng kè kè bên vai”.

Còn ngư dân Đinh Văn Phú (thôn Đông, xã An Hải), một trong những ngư dân đầu tiên của đảo Lý Sơn đánh cá ở Hoàng Sa, bồi hồi nhớ lại: “Lần đầu tiên tàu chúng tôi bị bắt và lai dắt vào gần đảo Phú Lâm cũng cách đây 15 năm rồi.

Kể chuyện Hoàng Sa ảnh 3
Ông Nguyễn Tấn Phát với “binh khí từ Hoàng Sa”. 
Ảnh: Nam Cường


Hồi đó, khi tàu chúng tôi cách đảo Phú Lâm khoảng 20 hải lý, nhìn từ đằng xa chỉ thấy như một cái bầu trắng khổng lồ trôi dập dềnh giữa đại dương. Khi tới gần mới biết đó là hệ thống ra đa của Trung Quốc, họ đặt trên một ngôi nhà cao tầng.

Cái bầu trắng to lắm, không thể tưởng tượng nổi. Từ đó, ngư dân Lý Sơn đặt hòn đảo Phú Lâm là đảo Bầu Trắng, nghe thì rất hay, nhưng mỗi lần bị lai dắt vào Bầu Trắng là một lần ngư dân trắng tay uất ức”.

Kể chuyện Hoàng Sa ảnh 4Ngày 26-4, tức là một ngày trước khi họ thả chúng tôi về, đang nằm trong nhà thì nghe họ đốt pháo ầm ầm. Ngó ra thấy dường như họ đang động thổ một công trình gì đó lớn lắm, có lẽ họ xây cầu cảng mới. Tôi thấy mấy ngày trước họ tập trung vật liệu, xi măng sắt thép chất từng đống lớn, họ làm hì hục thâu đêm. Điện đèn sáng quắc cả một vùng trời.Kể chuyện Hoàng Sa ảnh 5 - Anh Mai Phụng Lưu kể 

Anh Mai Phụng Lưu vẫn còn nhớ như in những lần anh được đưa ra khỏi nhà giam để lên khai báo, anh kịp lưu trong bộ nhớ những cảnh vật trên đảo: “Họ xây dựng đồ sộ lắm, nhà cửa toàn 4 – 5 tầng san sát, có những nhà xây đến gần 20 tầng, cao lừng lững, ốp kính xanh trông như khách sạn. Giờ đây họ cũng đang tiếp tục xây dựng, ầm ào cả ngày đêm. Công nhân tấp nập, đường sá rộng thênh, có cả ngã ba, ngã tư, rồi có đèn đỏ đèn xanh giao thông. Nói chung là không khác chi một thành phố thu nhỏ cả”.

Anh Lưu kể rằng xe đưa ngư dân từ cầu cảng lên tận phòng giam là loại xe 12 chỗ ngồi. “Theo quan sát của tôi, loại xe này trên đảo cũng vài chục chiếc, còn xe hơi 4 chỗ thì nhiều vô kể. Máy bay họ có 2 – 3 chiếc trực thăng và một chiếc lớn lắm, giống như loại chở khách của ta”.

Nửa tháng ngồi phòng giam trên đảo, thêm 3 lần được dẫn lên tra hỏi mà không bịt mặt, anh Lưu giờ có nhắm mắt, cũng tưởng tượng đúng những con đường, cây cối, nhà cửa ở Phú Lâm.

“Họ xây nhà lạ lắm, 4 – 5 tầng mà có hình thù như chiếc tàu chiến, toàn bộ nhà sơn màu xám. Nhà họ quy hoạch từng dãy xung quanh đảo từ thấp đến cao, nên trông đằng xa đảo Phú Lâm như một chiếc tàu chiến khổng lồ, in đậm giữa biển khơi”.

Chừng như nhớ đến lần bị đánh bởi ba người lính nồng nặc men rượu, anh Lưu kể: Trên đảo quán nhậu san sát, gà vịt quay nhiều vô kể. Tôi thấy bia rượu họ uống thả dàn.

Cũng ấn tượng về một đảo Bầu Trắng như anh Mai Phụng Lưu, nhưng ông Tiêu Viết Là lại thường nhắc đến những người thường trên đảo, những người không đánh đập, tra khảo ông, đôi khi còn tỏ ra thương hại.

“Mấy ngày đầu chúng tôi chỉ ăn cơm không với đu đủ, sau có người đàn bà nấu cơm ở công trường thỉnh thoảng cho chúng tôi ít đầu cá nhỏ kho mặn. Thế cũng là sung sướng lắm rồi”.

Tiêu Viết Linh – con trai ông Là kể, có lần, người con trai bà nấu ăn còn cho anh hẳn 5 điếu thuốc, tất nhiên là cho giấu diếm, và đó thực sự là món quà quý cho hơn 20 ngư dân đang bị giam, bởi với những đứa con của biển, thuốc lá là một thứ không thể thiếu trong hành trang đi biển.

“Đời tôi quen với sóng dập bão dồn và sự tự do phóng túng của biển. Vậy mà bị giam trong phòng kín đến 2 tháng trời, sống sót trở về là may mắn lắm” - Anh Hưởng kể lại

Xem tiếp trên số 135, ra ngày mai, 14 - 5 và trên Tiền Phong Online.

MỚI - NÓNG