Kết nghĩa với người dưới mộ

Kết nghĩa với người dưới mộ
TP - Chứng kiến những đồng tiền nhỏ lẻ trong đợt quyên góp đầu tiên của Hội Cựu TNXP và Hội Cựu binh Đường Trường Sơn để dựng tấm bia ghi dấu tích 156 TNXP hy sinh ngày 13-1-1973 tại thôn Quyết Thắng xã Thanh Trạch, Bố Trạch (Quảng Bình) tôi đã gặp một người...

> Mong ước một công trình tưởng niệm
> Khúc bi tráng bên dòng Gianh trước ngày ngừng bắn

Ông mê sông Gianh theo cách của mình. Với ông, sông Gianh không hẳn đẹp thơ mộng mà dữ dằn như... kỷ niệm. Tại đây mùa hè năm 1966, người chị gái ruột Nguyễn Thị Minh Hoa khi đó đang trong đội hình đảm bảo giao thông cho một đơn vị tên lửa lần đầu vượt sông Gianh vào chiến trường. Những đợt bom dã man của kẻ thù không chặt đứt được con đường mà đốn ngã cô gái tuổi 19 ấy!

Và chỉ ít bữa nữa miền Bắc sẽ thanh bình sau thời điểm ký Hiệp định Paris, ông và người dân quê nhà Thanh Trạch lại chứng kiến những loạt bom cuối cùng của chiến tranh. Hàng chục máy bay Mỹ thay nhau bổ nhào xuống Cảng Gianh, nơi hàng trăm TNXP đang hối hả vận chuyển hàng hóa và vũ khí.

Nhiều đợt bom phá bom tấn cùng rốc két đã xối xả vào những cô TNXP không một tấc sắt trong tay. 156 người phần đông là nữ chết trong tư thế không toàn thây. Khi mai táng, dân làng Thanh Trạch đã nhặt nhạnh những phần thi thể trẻ trung ấy chia ra cho đủ số các ngôi mộ của những người đã hy sinh!

Có thể do sự cẩn trọng tâm linh chả thể râu ông nọ cắm bà kia? Cũng có thể sơ suất của công tác thương binh tử sĩ, nên gần như toàn bộ nghĩa trang liệt sĩ TNXP trong trận bom thảm sát Cảng Gianh chót cuộc chiến, khi ấy đã không có tấm bia nào trên các mộ phần! Mãi sau này mới có bia và ghi là vô danh!

 Thơ ông có cả máu, nước mắt một thời đạn bom cùng nỗi đau hậu chiến chả dễ nguôi ngoai.

Trở lại với người mê đắm dòng sông Gianh. Tốt nghiệp Trường Sư phạm 10 cộng 3, thầy giáo Nguyễn Tiến Chung, cũng như niềm say mê lên lớp cho trò thầy cũng say mê làm... thơ và lấy bút danh là Cảnh Giang. Nghe cũng oách đấy nhưng dung dị như cái tên Cảng Gianh nói lái theo cách của người Khu Tư. Đến nay Cảnh Giang đã xuất bản 5 tập thơ và hàng trăm bài thơ in rải rác trên các báo Quảng Bình và trung ương.

Ông là Hội viên Hội VHNT của Quảng Bình. Thơ ông đằm thắm dung dị về con người cảnh vật Quảng Bình, đặc biệt tần suất dòng sông Gianh xuất hiện hơi dày. Thơ ông có cả máu, nước mắt một thời đạn bom cùng nỗi đau hậu chiến chả dễ nguôi ngoai.

Trước đền thờ các liệt sỹ đường 20 Quyết Thắng. Ảnh: XB

Ông Cảnh Giang trước hang Tám Cô.

Thời gian là hiệu trưởng trường PTCS xã Hạ Trạch từ 2003, thầy Cảnh Giang đã khởi đầu và quyết liệt làm được 2 việc. Hạ Trạch gần Cao Lao Hạ, quê hương của thi sĩ Lưu Trọng Lư. Ông đã đề nghị dai dẳng để ngôi trường do ông phụ trách được mang tên thi sĩ nổi tiếng.

Đến Bố Trạch ( Quảng Bình) bây giờ hỏi trường PTCS Hạ Trạch có khi ít người rành nhưng hỏi Trường PTCS Lưu Trọng Lư thì lắm người biết! Hai là ông đôn đáo thành lập Quỹ học bổng Lưu Trọng Lư nhằm khuyến khích những học sinh nghèo vượt khó học giỏi.

Dạo vừa nghỉ hưu, địa phương trân trọng mời ông viết sử cho làng Thanh Trạch. Trực tiếp bươn bả tìm những phần thi thể của anh chị em TNXP ngày ấy nên thầy giáo kiêm thi sĩ Cảnh Giang say mê bập ngay vào việc. Tìm hiểu qua nhiều nguồn sách vở tư liệu, nhân chứng ông biết thêm thiệt hại nặng nhất về người trong trận thảm sát ngày 13/1/1973 ấy là đơn vị 283 TNXP của Hải Hưng.

Cảnh Giang choáng người khi được tiếp xúc với một nhân chứng. Có một ngôi mộ không vô danh!

Đơn vị TNXP tỉnh Hải Hưng đầu năm 1972 vào làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông ở tuyến lửa Quảng Bình trong đó có trọng điểm Phà Gianh và Cảng Gianh hầu hết ở nhờ sơ tán vào dân. Nhà ông Nguyễn Chương ở Thanh Trạch là nơi O Chốc, Bí thư chi bộ Đại đội trưởng TNXP thuộc Đoàn 283 của Hải Hưng đóng quân.

Khi O Chốc đến ở thì ông Chương đã đi bộ đội. Vợ ông Chương khi đó là O Xuân ở với bọ mạ chồng. Hòa bình trở về quê, ông Chương choáng người thấy một nghĩa trang cạnh làng bát ngát những mộ LSTNXP vô danh.

Ông Chương được bọ mạ và vợ kể cho nghe cuộc thảm sát năm ấy. Những câu chuyện dừng lâu hơn ở O Chốc, người Bí thư chi bộ, Đại đội trưởng TNXP hiền lành ít nói, bọ mạ ông Chương rất thương. Nhiều lần tâm sự với O Chốc nên O Xuân vợ ông Chương nhớ là nhà O Chốc ngoài Hải Hưng. Trước khi đi, O còn dặn mẹ, con sống về được là may còn rủi có bề nào thì ở nhà cứ lấy ngày con đi là ngày giỗ!

Trước đền thờ các liệt sỹ đường 20 Quyết Thắng. Ảnh: XB.
Trước đền thờ các liệt sỹ đường 20 Quyết Thắng. Ảnh: XB.

Ngày thảm sát ấy, do quen người nên hai cha con, ông Chương và O Xuân trong lúc tham gia chôn cất các LS đã nhận ra trong đống thi thể khi đem chia để mai táng ấy có O Chốc. O Chốc bị mất một chân. Vết thương vẹt một bên đầu nhưng may thi thể không biến dạng để không nhận ra được.

Không có bia đá, nhưng người cha ông Chương đã cẩn thận đánh dấu. Nên ngôi mộ ấy đã không lẫn. Thời gian di dời những ngôi mộ liệt sĩ TNXP ấy sang Nghĩa trang liệt sĩ Nam Gianh, gia đình ông Chương cũng cẩn thận sang cát vào tiểu sành, có bia mộ hẳn hoi nhưng chỉ vắn tắt LS Đặng Thị Chốc quê Hải Hưng hy sinh ngày 13/1/1973.

Hải Hưng! Nhưng quê O Chốc ở mô? Hải Dương hay là Hưng Yên? Hai tỉnh mới tách ấy cũng mênh mông lắm... Vậy thì O Chốc ở huyện, xã làng thôn nào vậy? Thi sĩ Cảnh Giang bây giờ là nhà viết sử cố nén cảm xúc đang bời bời cặm cụi tra tìm danh sách TNXP Hải Hưng ngày ấy.

Danh sách đó không sẵn trong tay mà ở các cơ quan lưu trữ của Quảng Bình của Hải Dương lẫn Hưng Yên! Công sức đã không phụ tấm lòng nghĩa hiệp. Cuối cùng ông đã tìm thấy tên liệt sĩ Đặng Thị Chốc cùng quê quán...

Dịp Tiết Vu Lan xã tội vong nhân năm 2009, ông sắm hai bộ quần áo vàng mã tìm đến nghĩa trang Nam Gianh. Một bộ ông cúng và hóa cho người chị ruột mình. Bộ còn lại ông đem đến mộ O Chốc...

Ngay đêm đó ông ngồi một mạch tới sáng. Trước ông là bài thơ viết đêm qua

Kết nghĩa với người dưới mộ

(Thương tặng Liệt sĩ Đặng Thị Chốc, Bí thư Chi bộ, Đại đội trưởng TNXP Đoàn 283 Hải Hưng)

Em bây giờ là em gái của anh/ Dầu muộn màng nhưng phần đời còn lại/ Một chút sẻ chia những gì mãi mãi/ Gửi ân tình đỡ lạnh chốn âm cung/ Mới biết em cô gái Hải Hưng/ Tạm biệt quê hương lên đường cứu nước/ Em nằm lại với quê anh 30 năm trước/ Cùng trăm mộ vô danh/ Ôi bạo tàn ngọn lửa chiến tranh/ Thiêu cháy tuổi xuân cuộc đời con gái/ Em hẹn mẹ không ngày trở lại/ Ngày giỗ con là ngày con ra đi/ Em hóa thân vào Đất nước khắc ghi/ Em hóa thân cho mùa xuân mãi mãi/ Cho quê anh ngọt ngào hoa trái/ Rì rào sông Gianh ru em ngủ ngon lành/ Không còn người thân em đã có anh/ Có Tổ quốc và trời xanh trên nấm mộ/ Anh thay mẹ lo em ngày giỗ/ Có hương hoa và nỗi nhớ vô cùng/ Và từ nay giữa nghĩa trang chung/ Trong tình yêu cho muôn vàn ngôi mộ/ Ấm lòng hơn anh trai mình đến đó/ Nặng nghĩa tình cùng sông núi GHI ƠN

Rồi dịp tháng 10 năm 2010, nhà thơ Cảnh Giang đã nhận được hồi âm từ thôn Cổ Dũng Kim Thành Hải Dương, quê O Chốc...

Rồi cũng nhanh chóng, người thân của O Chốc đã tìm về Thanh Trạch, Bố Trạch gặp Cảnh Giang.

Có một chi tiết mà nhà thơ Cảnh Giang nói cần phải đính chính trong bài thơ Kết nghĩa với người dưới mộ. Số là có lẽ nghe lầm nên cha con ông Chương đã nói lại với nhà thơ Cảnh Giang là nhà chỉ có hai mẹ con là mẹ và O Chốc! Sự thật O Chốc còn người anh và chị ruột. Khi O đi TNXP thì anh cô đi bộ đội, nhà chỉ còn hai mẹ con!

...Ông Chương ngày ấy nay lại là một ông thầy ... cúng chuyên lo việc tâm linh việc nghĩa cho làng. Bữa gia đình O Chốc vào xin phép đưa mộ về quê Cổ Dũng, ông Chương khấn rồi nghiêm trang O đã nằm lại đất Quảng Bình 37 năm rồi. Chừ O muốn ở đây hay về? Quẻ gieo O Chốc muốn về.

Điều khấn thứ hai O về có người anh trai kết nghĩa là Cảnh Giang cùng O Xuân là vợ tui chắc O rành đi cùng. O thấy răng?

Khi gieo quẻ ngay tức thì một đồng tiền sấp một ngửa!

Trời gió. Nhưng làn khói hương trước mộ thẳng vút!

Khởi hành gần 4 giờ chiều, 4 giờ sáng thì O Chốc cùng cả đoàn về đến Cổ Dũng. Ông anh O Chốc yếu ốm tật bệnh nhưng mọi việc đã có con cái của mình lo cho cô em. Em gái ông tức tưởi em ơi, mẹ không đợi được em về. Nhưng đã có bà con anh em nhà ta trong Quảng Bình...

Lại nói nhỏ chút, bà xã Cảnh Giang mất vì bạo bệnh năm 35 tuổi. Ông tục huyền với một cô giáo cùng trường mà bà xã ông từng giới thiệu vào Đảng năm nào. Con chung riêng bây giờ là 5. Cháu nội ngoại đủ cả. Đồng nghiệp ông Giang nói vui là ông ấy luôn đau đáu với hương hồn Liệt sĩ nên được phù hộ chở che!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.