Tiếng gọi cù lao miền sông nước. Bài 1:

Khắc khoải ở xứ cồn

Người dân cồn Nhàn đang cuốc giồng trồng khoai lang.
Người dân cồn Nhàn đang cuốc giồng trồng khoai lang.
TP - Cồn Nhàn ở xã Ðông Hải (Duyên Hải, Trà Vinh)  nổi tiếng với giồng cát kỳ vĩ trải dài mênh mông cùng rừng phi lao xanh ngát. Tuy nhiên, qua vài năm bị sóng biển tấn công, hàng phi lao ấy còn sót lại mấy cụm xác xơ, gãy vụn trên bãi biển, người dân từng ngày khắc khoải lo âu.

Sinh kế bị đe dọa

Giữa trưa nắng, bà Trương Thị Viên cùng gần chục nhân công đang lom khom, người cuốc giồng người trồng khoai lang cạnh mé biển. Bà Viên dừng tay làm, nói: “Tôi vừa đi chữa bệnh mắt ở TPHCM về được hai hôm, bệnh chưa hết nhưng phải đi làm chứ ở nhà không biết lấy gì ăn”. Nói xong, bà buồn bã thốt lên: “Tháng 10 năm rồi, nước biển tràn vào ruộng làm 0,5 ha dưa hấu trong lúc đang mang trái căng tròn chết tức tưởi, lỗ gần 50 triệu đồng, còn nợ tiền phân bón đến giờ chưa trả nổi”.

Bà là con liệt sỹ (cha hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ), chồng mất gần chục năm, người con trai duy nhất chưa học chưa hết cấp 2 cũng phải bỏ lên Bình Dương làm thuê gửi tiền về giúp bà trả nợ vì ở đây sống không nổi. “Dân ở đây chủ yếu sống bằng trồng hoa màu nhưng giờ sống khắc khoải vì làm ra không đủ tiền trả nợ nhưng bỏ đất thì phí”, bà Viên ngẩng đầu lên trời với giọng khắc khổ.

Cùng cảnh ngộ, gia đình ông Nguyễn Văn Tiến có hơn 0,2 ha dưa hấu chuẩn bị thu hoạch cũng bị nước biển tràn vào làm hư hết, lỗ gần chục triệu vào cuối năm ngoái. Bà Trương Thị Dừa (vợ ông Tiến) là dân kỳ cựu ở xứ trồng dưa hấu nổi tiếng vùng này cũng thở dài: “Mang danh là cồn Nhàn chứ thật ra có giờ phút nào được an nhàn đâu mà suốt ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời còn không đủ ăn nữa”.

Theo bà Dừa, trước đây khi chưa cắt đê kênh Quan Chánh Bố vào sông Hậu thì thương lái vào tận nhà mua đồ rẫy của nông dân với giá cao và con cháu đi học dễ dàng. Giờ bị chia cắt, phải đi đường vòng, qua phà mất thời gian nên muốn bán được hàng hóa cũng trở nên khó khăn và bị thương lái ép giá.

Tương lai mù mịt

Ở cồn Nhàn, ngoài trồng hoa màu, người dân còn làm nghề biển, nếu không phải đi làm thuê nhưng tương lai cũng trở nên mịt mờ. Ðiển hình như gia đình ông Danh Văn Cành. Gặp ông giữa trưa nắng một ngày đầu tháng 7, ông Cành cùng với người hàng xóm vừa đi đặt lú ngoài biển về, cầm trên tay xô đựng chưa đầy 3 kg cá, ốc lộn xộn, ông nói: “Hôm nay biển động, ngoài đó sóng gió nguy hiểm nhưng vẫn phải ra biển. Giờ về cơm nước, đợi chút biển yên đi tiếp đến chiều về mong kiếm vài trăm nghìn”. Theo lời ông, khoảng chục năm trước, vùng này cá, tôm nhiều vô số kể, tuy giá thấp nhưng sống khỏe, còn bây giờ nhiều người khai thác, hơn nữa có nhà máy nhiệt điện cá tôm ven bờ giảm nhiều, ngày kiếm vài trăm ngàn, tuy nhiên cũng có hôm đi về tay không.

 Khắc khoải ở xứ cồn ảnh 1

Ông Võ Văn Trường cầm mớ cá vừa từ biển mang về. Ảnh: Hoa Hội.

Ông Cành sống bằng nghề biển hơn hai chục năm nay, còn vợ ở nhà làm rẫy nuôi 3 con. Bà Nguyễn Thị Cẩm Tiên (vợ ông Cành) cho biết, căn nhà lá với cột gỗ chôn thẳng vào bãi cát của gia đình đã bị sóng biển cuốn sập nằm ẹp sát mé biển sau cơn triều cường vào tháng 10 năm ngoái. “Sóng đánh tan hoang đê biển khiến hàng cây phi lao hơn 20 tuổi đổ sụp, bật gốc nằm ngả nghiêng, trải dài hàng cây số. Chưa kể trận triều cường còn đẩy nước biển tràn vào sâu trong đất liền khiến ruộng dưa hấu của tôi và nhiều hộ dân khác đang cho trái phải chết rũ, lỗ hàng chục triệu”, bà Tiên nói.

Nhà gia đình bà Tiên trước đây vốn xa biển cả trăm mét nhưng bờ biển lở dần đến cuối năm ngoái thì lấn sát mé nhà. Căn nhà vợ chồng bà đang ở được chị em chồng làm công nhân ở TPHCM tích góp gửi tiền về giúp cất lại, dời sâu vào bên trong hơn 200m và mới làm xong vài tháng. Cơn sóng vào cuối năm ngoái không chỉ làm sập nhà ông Cành mà căn nhà của anh trai ông cũng bị cuốn phăng ra biển. Vì thế, vợ chồng anh trai ông phải thuê nhà trọ ở, cách nhà gần chục km, cả hai làm công nhân.

 Cháu Danh Gia Khang, con trai giữa của vợ chồng ông Cành mới 5 tuổi hồn nhiên nói: “Con cố gắng học hết lớp 5 rồi nghỉ để đi biển đặt lú với cha”. Ngồi cạnh con, bà Tiên buồn bã: “Ở đây làm ngày nào ăn ngày nấy, chưa kể lúc bệnh hoạn, lo cho con học đến nơi đến chốn là điều quá xa vời”.

Cùng sống bằng nghề đặt lú, ông Võ Văn Trường có 4 người con nhưng không ai học hết cấp 2, đi làm thuê ở xa rồi có gia đình tự lập nghiệp. “Ở đây làm sống qua ngày là may rồi chứ không có điều kiện cho ăn học xa hơn”, ông Trường nói.

Ông Lữ Minh Tâm, Phó chủ tịch UBND xã Ðông Hải cho biết, trước đây có điểm lẻ trường học cấp 1 ở cồn nhưng ít học sinh học, cùng với điều kiện đi lại khó khăn nên không sử dụng. Cách nay 3 năm, địa phương xây mới 3 phòng học kiên cố để tạo điều kiện cho con em khu vực cồn Nhàn đến lớp. “Ở đây là 1 trong 4 xã đảo của huyện, điều kiện đi lại khó khăn, cách xa trung tâm, người dân sống chủ yếu bằng nghề biển ven bờ và trồng hoa màu nên cuộc sống còn nhiều khó khăn”, ông Tâm nói.

Theo ông Tâm, khu vực cồn Nhàn có 2,5 km bờ biển nhưng hằng năm bị xâm thực gây sạt lở nghiêm trọng. Hằng năm, địa phương đã đầu tư cả tỷ đồng để gia cố bảo vệ hoa màu nhưng cũng chỉ là biện pháp tạm thời.

“Khu vực cồn Nhàn có 196 hộ với gần 400 nhân khẩu, trẻ em cơ bản đúng độ tuổi đến lớp. Tuy nhiên, điều kiện khó khăn nên chưa có em nào học đến đại học mà cấp 2, 3 là nghỉ để phụ gia đình. Còn về đường xá, năm 2017 xã đã đầu tư gần 20 tỷ đồng để trải nhựa hơn 4 km từ trung tâm xã đến khu vực cồn Nhàn tạo điều kiện cho người dân đi lại dễ dàng”, ông Lữ Minh Tâm, Phó chủ tịch UBND xã Ðông Hải.
MỚI - NÓNG