Khách sạn tình duyên

Khách sạn tình duyên
TP - Đó là khách sạn Bình Dương, nằm cuối con hẻm 34 đường Nguyễn Tri Phương, TP Huế. Người ta gọi nó là khách sạn tình duyên Việt - Nhật bởi ở đó luôn có hơn 80% khách là người Nhật. Và trong số du khách đó, không ít người đã ở lại làm dâu, làm rể của chính chủ nhân khách sạn Bình Dương.
Khách sạn tình duyên ảnh 1

Đôi vợ chồng Hoàng Ngọc Trường Sơn và Takahashi Aki hạnh phúc bên hai đứa con trai kháu khỉnh sau 7 năm chung sống - Ảnh: Phong Trần

Thậm chí, dù đi xa đến bất cứ vùng nào trên đất nước hình chữ S, người Nhật vẫn cứ muốn tìm đến Bình Dương và sẽ quay về đó như quay về nhà mình. Người dân xứ Huế nói rằng: “Muốn tìm người Nhật thì đến Bình Dương. Muốn tìm Bình Dương thì đi theo khách Nhật”.

Ngôi nhà nghĩa tình…

Một sáng cuối năm, ông chủ trẻ Hoàng Ngọc Trường Sơn đang loay hoay cùng mấy nhân viên chuẩn bị đồ ăn sáng cho khách. Trong đĩa thức ăn có thêm một vỉ thuốc cảm decolgen.

Cô lễ tân mới mỉm cười giải thích: “Là cho cô Ayumi ở tầng 2. Tối qua về nghe cô ấy bảo hơi nhức đầu nên lúc sáng đi làm tiện đường em ghé vô mua thuốc”.

Rồi cô gái nhoẻn miệng cười đi về phía phòng của cô gái Nhật. Chuông điện thoại reo. Đầu dây bên kia là một người đàn ông nói tiếng Nhật xin gặp ông chủ. Vừa đặt tai vào ống nghe, Sơn đã rối rít.

Trong thoáng chốc cả gian phòng vốn rộn ràng như nín lặng rồi sau đó như vỡ òa trong niềm vui khi nghe nhắc tên Takahashi Hide…

Trên chuyến xe từ Hà Nội vào Huế cuối năm 2004, một du khách Nhật không may bị kẻ gian cho uống nước có pha thuốc mê rồi lột sạch tư trang. Đến Huế, vị khách mới tỉnh và choáng váng khi biết trong tay không còn thứ gì.

Đi không được, ở không xong, muốn về cũng mất hết giấy tờ lẫn tiền bạc. Trên xe không một ai biết thêm điều gì về vị khách lạ ngoài việc đó là một người Nhật.

Đang lúc bí thì người phụ xe reo lên: “Hay là gọi cho khách sạn Bình Dương đi. Nghe nói ở đó là nhà của người Nhật ở Huế. Có thể sẽ có người đến giúp”.

Vừa nhận tin báo về vị khách không may, anh Sơn giục hai nhân viên chạy đi đón người khách đưa về khách sạn. Đón về rồi, người khách lạ được chăm sóc như người thân.

Khoảng một tuần sau, ông chủ khách sạn còn lo tất cả chi phí và đưa luôn “người lạ” ra tận đại sứ quán Nhật tại Hà Nội làm lại hộ chiếu để mua vé máy bay về Nhật.

Quá cảm động trước sự quan tâm nhiệt tình của những người chưa từng quen biết tại Bình Dương, ngày chia tay, “người khách lạ” chỉ biết nắm tay Sơn nghẹn ngào trước khi rời sân bay Nội Bài. Người không may đó chính là Takahashi Hide. Ông trở thành bạn tri kỷ của những người ở Bình Dương từ đó.

Sơn kể, đây không phải là lần đầu tiên Hide tìm lại những người đã giúp đỡ mình ngày nào ở Bình Dương.

Một sáng mùa đông năm 2007, khi những nhân viên đầu tiên thức dậy, thì một người đàn ông dáng thấp đậm xuất hiện với khăn che kín mặt. Mở khăn ra, hai người ôm chầm lấy nhau sung sướng.

Hôm đó, dù cái rét của Huế có khắc nghiệt thêm bởi những đợt gió mùa, nhưng trong khách sạn Bình Dương, lòng ai cũng thấy ấm áp. Bởi cuộc tái ngộ quá bất ngờ với một người tri kỷ. Takahashi Hide đã trở lại thăm Bình Dương như thế.

Đêm ở Bình Dương cũng khác những nơi khác. Vừa đi dạo phố đêm về thì Tairo Hashashi, một giáo viên trung học ở Nhật là khách của Bình Dương khóa vội cửa ngoài phòng mình thuê, rồi vô tư xuống chỗ chiếc giường xếp dành cho lễ tân trực đêm ngủ ở dưới chân cầu thang tầng 1 và lăn ra ngủ ngon lành như người nhà.

Việt, lễ tân trực đêm ở đây cho biết khi khách có chuyện buồn, họ xuống ngủ với lễ tân để có người tâm sự. Có đêm, trong cái góc tối dưới chân cầu thang đó, một khách, một chủ tỉ tê tâm sự đến hơn 2 giờ sáng mới đi ngủ.

Nối nhịp cầu duyên…

Không khí ở khách sạn Bình Dương luôn như một gia đình. Du khách Nhật luôn tỏ ra thích thú với cái cảm giác ấm cúng nghĩa tình đó. Sơn coi đó là những mối thâm tình của anh với người Nhật.Và đỉnh cao của mối thâm tình đó là những đám cưới Việt - Nhật.

Những buổi tối ở khách sạn Bình Dương ấm áp như một gia đình. Trong gian phòng tiếp tân chật hẹp chỉ có một bộ bàn ghế. Trên bàn là một ấm trà hoa sen đặc trưng xứ Huế bốc khói nghi ngút.

Bao quanh, cả khách và chủ đang chụm đầu vào nhau cười nói vui vẻ như những người thân quen từ lâu.

Câu chuyện bắt đầu từ năm 2000. Khi đó, ông chủ Trường Sơn sau 3 năm gây dựng cũng chỉ được hai phòng trọ. Dịp hè năm đó, cô sinh viên trẻ tên Kimiko đang theo học ngành kế toán tại Nhật nhân dịp nghỉ hè qua du lịch ở Huế, đến trọ tại Bình Dương và gặp ông chủ trẻ Trường Sơn. Và hai người trẻ tuổi đã bắt đầu tình yêu như thế.

Nhiều người đã không ủng hộ tình yêu này vì khoảng cách cũng như sự khác biệt văn hóa. Nhưng tình yêu đã thắng. Một năm sau thì họ cưới nhau.

Ngày cưới của ông chủ trẻ người Việt với cô gái xinh đẹp Nhật Bản ngập tràn hoa anh đào. Thế rồi Kimiko buộc phải quay về Nhật. Còn Sơn, do là con trai cả phải chăm lo chuyện gia đình nên hai người đành chia tay.

Mối duyên đầu đứt gánh giữa đường. Chính Sơn cũng tưởng như duyên phận Việt - Nhật đã dứt. Ngờ đâu, đó chỉ mới là sự bắt đầu. Một thời gian sau anh yêu và kết hôn với một cô gái Nhật khác. Cô gái này cũng là khách của Bình Dương.

Bây giờ, Takahashi Aki - cô gái Nhật ngày nào đã có 7 năm làm dâu xứ Huế. Và hai con trai kháu khỉnh đã trở thành sợi dây nối dài hạnh phúc của hai người.

Như một định mệnh, lần lượt mấy năm sau, ba cô em gái của Sơn cũng bén duyên luôn với ba chàng rể người Nhật. Điều bất ngờ nhất là cả ba chàng này cũng từng là… khách của khách sạn Bình Dương.

Người em kế Thu Thủy lấy Ono Kenichi, Kim Anh lấy Kentaro và Ngọc Bích lấy Nayoya.

Kentaro đang là giáo viên dạy tiếng Nhật cho một trung tâm giới thiệu việc làm ở TPHCM, nên quyết định ở rể tại Việt Nam. Còn hai cô em đang làm dâu xứ Anh đào và theo nghề kinh doanh cùng chồng.

Từ Nhật, cô em Thu Thủy kể qua điện thoại: “Khi mới qua thấy gì cũng lạ, tưởng không thích nghi được. Bây giờ thì thành dâu Nhật thật sự rồi”.

Thủy kể, khó nhất là việc thích nghi với văn hóa trọng lễ nghi của người Nhật. Trước mỗi bữa ăn người Nhật thường nói “Itadakimasu” để xin mời. Nó mang ý nghĩa sự biết ơn của người ăn với người cất công chuẩn bị bữa ăn. Khi ăn xong, họ lại nói “gochiso sama deshita”, có nghĩa cảm ơn vì bữa ăn ngon...        

Những đám cưới đã thắt chặt thêm cái thâm tình Việt - Nhật ở Bình Dương. Hiện tại ở Bình Dương, chàng lễ tân trẻ Nguyễn Quốc Trung cũng đang ươm mầm tình yêu với một cô sinh viên người Nhật. Mối tình này cũng có nhiều điểm chung với những câu chuyện tình trước. Chỉ khác, đôi bạn trẻ này mới gặp nhau được hai lần.

“Cô ấy đang ở Nhật để đi học. Mình ở Việt Nam. Cũng khá xa nhưng với tình yêu thì không quan trọng”, Trung nói.

Cầu nối văn hóa

Khách sạn tình duyên ảnh 2
Bác Chiba Kenichi đang say sưa giới thiệu về Trà đạo Nhật Bản với Quốc Trung, lễ tân Bình Dương

Chàng lễ tân tên Việt giới thiệu với khách Nhật phong tục cưới hỏi của người Việt Nam. Rằng nhà trai phải đặt lễ trầu cau cho nhà gái trước khi cưới.

Nashiki, một sinh viên Nhật băn khoăn: “Sao phải có trầu cau?”. “Vì trầu cau tượng trưng cho sự chung thủy sắt son của người Việt Nam”.

Việt cho biết, nhiều đêm khách Nhật còn không đi chơi phố đêm để được ở nhà quây quần trò chuyện với lễ tân, tìm hiểu phong tục Việt. Rồi sau đó, họ lại kể  chuyện về xứ mặt trời mọc cho các bạn Việt Nam nghe.

Việt cho biết, những bạn Nhật thích nhất là tìm hiểu về lễ hội và ẩm thực của Việt Nam. Họ nói văn hóa Việt có nhiều điểm tương đồng với văn hóa Nhật vì đều mang bản sắc phương Đông.

“Trước Tết Nguyên đán năm vừa rồi, đang nói chuyện nấu món bánh chưng trong Tết của Việt Nam, Nakanishi Kazuhito, một khách Nhật cứ đòi thử bằng được vì nghe hấp dẫn quá. Mình phải nhờ người qua phố bánh chưng Nhật Lệ tìm mua về”, Việt kể.

Đợi Việt kể xong chuyện đám cưới ở Việt Nam, bác Chiba Kenichi, 61 tuổi, là một kỹ sư đã nghỉ hưu bắt đầu cẩn thận thực hiện động tác chọn trà, rồi hãm trà, miệng say sưa giới thiệu về Trà đạo.

Bác nói đó là cách để người Nhật giới thiệu văn hóa nước mình với bạn bè các nước, như một cách trao đổi văn hóa với các nước khác.       

MỚI - NÓNG