Khát vọng lên bờ

Khát vọng lên bờ
TP - Nghèo đói, thất học, bán máu lấy tiền sinh sống, bị người dân trên bờ khinh miệt đó là chuyện thường ngày của người dân xóm chài Lê Lợi (xã Phù Vân, thị xã Phủ Lý, Hà Nam).
Khát vọng lên bờ ảnh 1
Làng chài Lê Lợi

Nhưng giờ đây nó không còn là chuyện thường ngày nữa mà là chuyện của rất nhiều thế hệ người dân làng chài. Cả làng có hơn 70 hộ gia đình sinh sống chủ yếu bằng nghề chài lưới, trồng rau muống trên sông. Người dân làng chài luôn sống trong nỗi lo và luôn khao khát được lên bờ.

Nhọc nhằn tính cuộc mưu sinh

Dọc theo quốc lộ 1A, thị xã Phủ Lý nằm soi mình như cô thiếu nữ buông mái tóc dài xuống ngã ba sông (nơi ba con sông lớn của khu vực đổ về đó là sông Đáy- sông Nhuệ - sông Châu) ngày ngày cuồn cuộn lên sự ô nhiễm.

Phía sau công sở của Tỉnh ủy, UBND, Nhà văn hóa tỉnh là một làng chài lênh đênh sông nước, với hơn 70 hộ, trên 300 nhân khẩu chủ yếu sống bằng nghề chài lưới, đánh bắt thủ công, trồng rau muống.

Sông nước là bạn, con thuyền vừa là “công sở” vừa là ngôi nhà che mưa che nắng. Người dân nơi đây rất nghèo và hầu như là bị thất học, bất đắc dĩ lắm họ mới lên bờ.

Chúng tôi tới xóm chài Lê Lợi vào một buổi sáng Chủ nhật. Bình minh đã lên, nhưng làng chài vẫn chìm trong làn sương mờ ảo.Thấp thoáng những nhà thuyền trên sông, từ trên cầu Phù Vân nhìn xuống, làng chài Lê Lợi như một xóm đảo chìm trong sương khói mông lung trên ngã ba sông “rực nắng hồng”.

Thấy chúng tôi giơ chiếc máy ảnh lên chụp, lũ trẻ trai đang tha thẩn chơi bi, chạy lại và xúm xít đứng trước ống kính. Xa xa từ dưới dòng sông, một  phụ nữ chừng 40 tuổi đang chèo thuyền quát vọng lên “Báo với chí cái đếch gì, ngày nào cũng đến chẳng giải quyết được việc gì?!”.

Một người đàn ông có vẻ thiện chí hơn ngó đầu ra khỏi khoang thuyền nói: “Người ta có hỏi cô đâu mà xía vào”. Đó là ông Thăng. Chúng tôi đến thuyền nhà ông Thăng, được biết đây là gia đình có thâm niên gắn bó với con sông này.

Tiếp chúng tôi trên con thuyền chỉ vừa đủ chỗ cho sáu nhân khẩu chui ra rúc vào, nước da đen bóng, nụ cười hiền hậu nhưng vẫn không giấu nổi những nét khắc khổ của “ông cụ” 60 tuổi này.

Ông cho biết đã theo nghiệp của bố mẹ để lại, đến nay đã được sáu mươi năm gắn bó với dòng sông, có nghĩa là vừa bằng tuổi đời của ông. Ông có tất cả 5 người con nhưng không ai học hết lớp 5 cả

“Nghèo quá nên cũng đành để con thất học chứ làm cha làm mẹ, ai mà chẳng muốn con mình được học hành đến nơi đến chốn. Ở đây đứa nào học cao nhất là lớp 9 rồi lại về kéo lưới, mò hến, bắt cua ốc kiếm sống”.

Hàng ngày ông cùng các con thả lưới, kéo vó, đánh lờ cả đêm nhưng cũng chỉ đủ cơm rau. Tôi trộm đưa mắt liếc nhìn lên bức tường được làm bằng phên liếp, tấm vách ngăn duy nhất giữa bếp và phòng khách đồng thời cũng là phòng ngủ, vài bộ quần áo cũ nhàu đã te tua rách được treo hững hờ, gió rít lên từng đợt bay phất phơ, xuyên qua phên liếp đã rách, chỗ mà những đứa cháu nội của ông thường ngày chui qua rúc lại, vài chiếc nồi cũ được vứt chỏng chơ, mấy chiếc bát sứt mẻ nằm lăn lóc. Có lẽ đó cũng là đồ chơi cho 4 đứa cháu nội của ông.

Khi hỏi về tương lai của con, cháu mình ánh mắt ươn ướt, ông nhìn ra dòng sông im lặng… Các con ông đều theo nghề của cha mình truyền lại, gọi là nghề cho oai chứ thực ra chẳng kiếm được là bao.

“Nhiều khi cơm cũng chẳng có mà ăn bởi từ năm 1999 đến nay nguồn nước sông bị ô nhiễm nặng do chất thải từ Hà Nội và các khu công nghiệp xả ra, có những hôm cá chết trắng cả một khúc sông, nhiều khi bí quá buộc phải vớt cá tôm lên chợ Phủ Lý để bán lấy tiền đong gạo. Chúng tôi biết là ô nhiễm nhưng vì miếng cơm manh áo nên đành phải vậy”. Vợ ông mất đã lâu chỉ vì không có tiền chữa bệnh nên đành buông xuôi.

Đến gia đình nhà anh Mạnh chị Lan, tuy mới chỉ 36 tuổi nhưng cái đói, cái khổ đã khiến cho chị già hơn rất nhiều so với tuổi của chị. Tuổi còn trẻ nhưng anh chị đã có tới năm con mà toàn là gái cả, suốt ngày bươn chải trên sông mà vẫn không lo nổi cho các con hai bữa cơm.

Cũng giống như bao gia đình khác, anh chị cũng chỉ biết trông chờ vào từng con tôm, con cá và bè rau muống thả nổi của dòng sông này. Khi chúng tôi hỏi anh chị có ý định sinh nữa không.

Anh Mạnh nhìn chúng tôi với ánh mắt thèm muốn: “Có chứ, nhất định phải sinh bằng được một thằng cu để nó còn phụ giúp tôi khi tuổi già và nối nghiệp…”!

Còn chị Lan đưa ánh mắt nhìn xuống dòng sông, nơi những cánh bèo vẫn lững lờ trôi và từng con sóng vẫn vỗ vào mạn thuyền ì oạp. Đứa lớn nhà anh chị mới 16 tuổi, nhưng đã lấy chồng ở thuyền bên, cái tuổi chưa phải lo nghĩ gì vậy mà trên gương mặt nó đã hằn những nét khắc khổ của cơm áo, gạo tiền. So với cái tuổi của em, các bạn vẫn hồn nhiên cắp sách tới trường. Vậy mà…

Nhìn chị chúng tôi hiểu được nỗi đau của người mẹ khi nghĩ đến tương lai của các con mình “Chẳng biết đời chúng rồi có sung sướng hơn chúng tôi không?”.

Có lần con ốm, không có tiền, chị Lan lặng lẽ lên bờ vào viện II Hà Nam bán máu để lấy tiền thuốc thang cho con. Đó cũng chỉ là giải pháp tình thế, nhìn vào khuôn mặt xanh xao tái nhợt của người đàn bà lam lũ lòng tôi sắt lại.

Không hơn gì hai gia đình trên, anh Thành còn có hoàn cảnh khó khăn hơn nhiều. Bố mẹ bị mất cách đây không lâu do chiếc tàu hút cát đâm phải. “Gia tài bố mẹ để lại chỉ có con thuyền ọp ẹp, cũ kỹ và… bốn đứa em nhỏ, một mình phải bươn bả để nuôi các em, khó khăn chẳng biết bấu víu vào ai. Nhiều khi chỉ muốn đi thật xa khỏi cái làng chài nổi nênh nghèo khó này. Nhưng nghĩ đến các em nó còn quá nhỏ nên đành ngậm ngùi ở lại”.

Chiếc thuyền của anh Thành cứ tròng trành như muốn hất chúng tôi xuống dòng sông đen ngòm mỗi khi có chiếc thuyền máy chạy qua. Hàng ngày anh cùng những đứa em đi thuyền dọc sông đánh cá kiếm sống tối mịt mới về “gặp ngày trời nắng không sao, hôm nào trời mưa thì khổ lắm, phải ngâm mình trong nước liên tục, vậy mà cuộc sống vẫn lao đao” -Anh Thành kể.

Tương lai mờ mịt

Khát vọng lên bờ ảnh 2
Bao giờ được lên bờ là câu hỏi chưa có lời giải của người dân làng chài

Dọc theo làng chài với san sát thuyền nan, thuyền bê tông đã ngả màu thời gian, thiếu ăn, thiếu mặc, nguồn nước thì ô nhiễm khiến chúng tôi không khỏi giật mình.

Nước ăn của họ lấy từ bể nước công cộng được hút lên từ một cái giếng khoan do họ tự góp tiền làm chung, cách mặt nước của con sông mùa cạn khoảng 2,5m và cách khu bãi rác thải của chợ Phù Vân khoảng 3m.

Khi bước chân tới gần bể nước, tôi phải chun mũi lại vì mùi xú uế của rác thải, của vỏ hến, vỏ ốc… Các sinh hoạt khác đều lấy từ nước của con sông.

Bệnh tật hoành hành, tiền mua thuốc không có, số phận những người dân nơi đây rồi sẽ ra sao? Có lẽ tất cả những người dân làng chài chưa bao giờ được khám chữa bệnh định kỳ.

Chính vì vậy nhiều khi chỉ là bệnh thông thường mà có người vẫn không qua nổi, vì khi biết ra thì bệnh đã quá nặng, cộng với ý nghĩ đã ăn sâu vào tiềm thức của họ “chỉ khi nào nằm liệt giường thì mới được coi là bệnh” mới vào viện để khám.

Vật chất thiếu thốn nên hầu như mọi sinh hoạt về tinh thần là không có, gia đình nào khá giả mới có nổi một chiếc ti vi màu 14 inch cũ rích mua của những gia đình trên bờ không sử dụng.

Người dân làng chài nghèo khó là vậy nhưng cả hơn 70 hộ gia đình đều không có đất thổ canh, thổ cư. Nhiều chính sách ưu đãi cho người dân vay vốn của chính quyền địa phương chưa đến được với các hộ dân làng chài do không có tài sản thế chấp, không có người bảo lãnh…

Làng chài Lê Lợi vốn nghèo khổ nay lại càng thêm bế tắc. Nghèo, kinh tế khó khăn nên chuyện các gia đình đầu tư cho con cái học hành là chuyện hiếm thấy ở đây.

Hầu hết trẻ em trong làng chỉ học hết lớp 2, lớp 3. Số học sinh học hết lớp 4, lớp 5 chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn các lớp cao hơn thì cả làng chỉ có 2 người.

“Cũng muốn cho con cái biết cái chữ để thoát khỏi cái nghề sông nước bèo bọt. Khổ nỗi gia đình nghèo quá, chạy ăn từng bữa lấy tiền đâu mà cho chúng đi học” - Ông Nam tâm sự.

Không được tới trường, chúng chỉ biết nô đùa trên những mui thuyền, bãi sông bẩn thỉu, bùn đất và chỉ cần một cú sẩy chân thì tính mạng của các em cũng gặp nguy hiểm.

Có thể nói rằng ước mơ được đi học và có một sân chơi an toàn sẽ không thể trở thành hiện thực khi mà cái đói, cái nghèo vẫn đeo đẳng làng chài.

Khát vọng

Nhọc nhằn, khổ cực lam lũ đã quen, nhiều thế hệ người đã chung sống và tồn tại trên làng chài Lê Lợi này. Nhưng giờ đây, người dân rất lo cho số phận các thế hệ tương lai của họ. Rồi những đứa con, đứa cháu họ sẽ phải sống bằng cái gì nếu một mai nguồn lợi thủy sản không còn do ô nhiễm nặng như hiện nay.

Câu hỏi ấy vẫn luôn đeo đẳng, là nỗi niềm trăn trở bấy lâu nay của người dân. Họ luôn mong muốn và thực sự mong muốn địa phương tạo điều kiện thuận lợi để người dân làng chài có thể định cư trên bờ.

Không phải chịu đựng mãi cái cảnh mưa nắng trên sông. “Đời cha, đời ông đã khổ cực nhiều rồi, giờ đây chỉ mong con cháu được sống trên bờ” - Cụ Giang 90 tuổi, người già nhất làng tâm sự:

Lên bờ! Đó là một khát vọng có thực mà người dân làng chài Phù Vân mong muốn. Mấy năm về trước đã có hàng chục hộ gia đình tự nguyện di dời lên bờ. Nhưng sau một thời gian họ lại phải xuống thuyền vì không có việc làm.

Về phía chính quyền xã, chúng tôi đã có chính sách khuyến khích để họ lên bờ đó là bán đất giảm giá 30% so với thị trường. Địa điểm tại khu vực thôn 4 và thôn 5 của xã nhưng cũng chẳng có ai mua, họ viện lý do là không có tiền”- Ông Phạm Quốc Hưng - cán bộ văn phòng UBND xã cho biết.

Vâng, đó là điệp khúc muôn thủa của người dân làng chài nói riêng và của những người trên bờ nói chung mà không có việc làm, không nghề nghiệp, không tấc đất cắm dùi.

Rời làng chài Lê Lợi khi buổi chiều đã xuống loang lổ. Phía trước những ánh đèn cao áp của thị xã Phủ Lý đã được thắp lên. Nhìn lại làng chài những ngọn đèn dầu đang leo lét cháy hắt xuống dòng sông Đáy nhạt nhòa.

MỚI - NÓNG