Khát vọng lên bờ

Khát vọng lên bờ
TP - Nếu như 7, 8 năm trước dân trên bờ từ các nơi bỏ ruộng vườn chen nhau nhảy xuống vịnh Cái Bèo (thị trấn Cát Hải, huyện đảo Cát Bà, Hải Phòng) sống và nuôi cá bè thì bây giờ nhiều người lại khao khát được trở lên bờ.

Vịnh…  chết dần

Khát vọng lên bờ ảnh 1
Một bé gái bươn chải trên “vịnh chết dần”

Chen giữa những ốc đảo của vịnh Cái Bèo là những “khu phố” lô nhô mọc trên… mặt nước. “Đường phố” là những lạch nước nằm giữa hai dãy nhà quay mặt vào nhau. Quanh mỗi ngôi nhà có những bè cá, mỗi bè rộng chừng 10 m2.

 “Hồi trước khu này như “đất” hoang, ai có khả năng bao nhiêu thì chiếm bấy nhiêu”- Đinh Hữu Sơn- Trưởng “khu phố nổi” Cái Bèo nhớ lại. Phong trào nuôi cá lồng bè ở đây bắt đầu từ trước năm 2000 và rộ lên vào vài ba năm sau đó. Lúc ấy không ít người đã bán hết nhà cửa, ruộng vườn ở quê để đến Cái Bèo nhập hộ khẩu… trên mặt nước.

Nhiều người phất lên nhanh chóng nhờ nuôi cá, nhưng thời hoàng kim nhanh chóng qua đi.  “Từ 2001 về trước thì có ăn, còn những năm sau này thì thua rồi”- Chị Bùi Thị Diệp (sinh năm 1974), một cư dân ở “phố nổi” cho biết. Ôm đứa con vừa 2 tháng tuổi trong lòng, chị Diệp kể về những khó khăn trong chuyện nuôi cá bè.

 “Năm 2001, vợ chồng em cũng theo phong trào ra đây làm bè nuôi cá, nhưng từ đó đến nay chưa bao giờ được một mẻ cá đầy đặn và lời lãi đáng kể”- Chị Diệp xít xoa.

Lý do “thua” là vì nước ô nhiễm và mức độ ngày càng trầm trọng. Toàn bộ các chất thải sinh hoạt của người và chất thải chăn nuôi cá đều được đổ tại chỗ, trong khi vịnh như cái ao tù nên chất thải tích tụ ngày một nhiều thêm.

Cá nuôi trong vịnh thường bị dính bệnh rồi chết hàng loạt vì ô nhiễm, nếu cứu được thì cũng không lớn nổi. Vịnh Cái Bèo, một phần khu dự trữ sinh quyển (Vườn quốc gia Cát Bà) đang trở thành…“vịnh chết dần” theo cách nói của một số người nuôi cá. Không mấy khó khăn để nhận ra nước trong vịnh đã ngả từ màu xanh sang xám và bốc mùi tanh nồng.

Ở “vịnh chết dần”, cá không chỉ sống bằng thức ăn mà còn sống bằng… thuốc. “Thuốc dữ lắm mới cứu được cá, anh ạ!”- chị Diệp than thở qua kẽ răng. Nghe nói đến thuốc, Hà Văn Tiến (22 tuổi) người hàng xóm, đang ngồi chơi bỗng nhảy phắt một cái về bè nhà mình rồi cầm sang một bọc thuốc kháng sinh với nhiều loại và màu sắc khác nhau, trong đó có Rimpacin 300g và Cloramphenicol 250g dạng viên con nhộng; Methylen 1% dạng nước màu xanh đen...

Khát vọng lên bờ ảnh 2
Hà Văn Tiến với gói thuốc kháng sinh đặc trị cho cá

Vừa lật từng loại thuốc, Tiến vừa giải thích một cách rành rẽ: “Nếu cá bị đường ruột thì dùng các loại thuốc viên trộn vào thức ăn; khi cá bị “ghẻ” thì phải bắt từng con lên rồi dùng thuốc nước bôi vào chỗ lở loét. Việc này rất mất công nhưng vẫn phải làm nếu không muốn trắng tay”.

Mặc dù vậy, những người nuôi cá vẫn phải đóng tiền vệ sinh môi trường định kỳ. Theo giải thích của Trưởng “khu phố” Sơn, từ 2006 trở đi đưa vào quy hoạch nhằm “phát triển bền vững ngành thủy sản” ở vịnh Cái Bèo. Theo đó, huyện định kỳ cử cán bộ xuống hướng dẫn kỹ thuật cho người nuôi cá; đồng thời thành lập đội vệ sinh môi trường làm nhiệm vụ vớt rác trên vịnh.

Có điều, vớt rác thì chẳng khác nào “rửa mặt” cho vịnh, còn trong lòng vịnh nước vẫn tiếp tục ô nhiễm, cá tiếp tục dịch bệnh và đến hẹn lại lên, người nuôi cá lại tiếp tục… đóng phí môi trường.

Nhiều người không trụ nổi, muốn từ bỏ bè cá để lên bờ, về quê sinh sống nhưng không thể, vì “đã lỡ chôn xuống vịnh này một đống tiền, đành phải ráng” - chị Diệp chép miệng, rồi thở dài thườn thượt: “Khi quyết định xuống vịnh nuôi cá, vợ chồng em đánh liều vay ngân hàng 50 triệu đồng, cộng thêm 20 triệu dành dụm bấy lâu đầu tư làm bè, mua con giống. 

Cứ ngỡ chỉ sau vài vụ là có thể trả hết nợ, ai ngờ nước ngày càng bẩn nên thu hoạch thất bát, chẳng được là bao. Chắt bóp  mãi mới vừa trả xong nợ nhà nước, còn vốn của mình xem như mất trắng. Hai vợ chồng và 3 đứa con em vẫn phải đánh đu cùng mấy cái bè, đâm lao thì phải theo lao…”.

Chông chênh đời bè

Đinh Hữu Sơn năm nay 40 tuổi, quê ở Phả Lễ, Thủy Nguyên, Hải Phòng. Anh là một trong những người đầu tiên đến Cái Bèo làm bè nuôi cá  và sớm thành công. Nhờ vậy, anh tích lũy được vốn và đầu tư mở rộng “bờ cõi”.

Diện tích mặt nước nuôi cá của gia đình anh hiện là 700 m2, mỗi năm lãi khoảng 100 triệu đồng. Tuy nhiên, “số người thành công như gia đình tôi là rất ít”- Sơn cho biết, rồi nhẩm tính toàn “khu phố nổi” Cái Bèo hiện có 212 hộ dân với khoảng 500 nhân khẩu. Cuộc sống của phần lớn những người làm nghề nuôi cá ở “vịnh chết dần” cũng chông chênh như cái nhà bè của họ.

Đang ngồi ru cháu ngoài hành lang, thấy khách đến, người đàn bà có mái đầu “muối” nhiều hơn “tiêu” vội đưa tay vuốt ống quần đang cuộn tròn quá gối. “Tôi tên Khóa - Trần Thị Khóa, sáu mươi tuổi”- bà tự giới thiệu, rồi kể:  “Sáu năm trước thấy mọi người nuôi cá ngoài vịnh kiếm ăn được, vợ chồng tôi bàn nhau nhảy xuống vịnh làm bè nuôi cá. Do không có vốn nên chỉ làm được một cái nhà nổi nho nhỏ và 2 lồng cá. Cá mú là loại có giá trị cao nhưng chẳng nuôi được vì con giống rất đắt tiền, những ba mươi, ba nhăm nghìn đồng một con, thời gian nuôi lại lâu.

Tôi chỉ đủ sức nuôi cá sao sủ, bán không nhiều tiền nhưng được cái chúng ăn tạp, lớn nhanh nên dễ quay vòng vốn. Thu nhập chỉ đủ đắp đổi cho hai vợ chồng già và 2 đứa cháu ngoại bị cha mẹ bỏ rơi”.

Đoạn, bà Khóa chỉ tay về phía hai cậu bé tuổi chừng 10, 13 tóc vàng hoe vì cháy nắng đang quan sát khách một cách dò xét, rồi giới thiệu: “Thằng Bờm, thằng Ẩm, hai anh em, đứa đã 15, đứa 13 rồi mà người vẫn bé tẹo. Bố mẹ chúng nó ly dị, mỗi đứa một ngả, bỏ hai đứa nhỏ cho vợ chồng tôi nuôi từ bé. Nghèo quá nên chả đứa nào được đi học, mù chữ cả, rõ khổ. Bờm, Ẩm là tên tôi đặt để gọi chứ chả đứa nào có giấy khai sinh…”.

Bà Khóa bỏ dở câu chuyện, nhướng người hướng về phía chiếc thuyền nan đang bơi ngang qua nhà. Người phụ nữ trẻ trên thuyền và bà Khóa ý ới trao đổi với nhau chuyện làm ăn. Nói “làm ăn”, thực chất là rủ nhau đi… bắt hà, bắt sò quéo.

Nghe chuyện bắt hà, Bờm bật dậy từ chiếc võng, đứng chống tay vào hông nhìn theo bóng người trên thuyền. Ngày nào cũng vậy, lúc triều lui Bờm thường men theo chân núi để bắt sò quéo và hà bám trên vách đá  bán lấy tiền phụ ông bà ngoại đong gạo.

Bờm bảo: “Cháu đi bắt hà, bắt sò từ mấy năm nay rồi. Lúc đầu đi theo người lớn, sau tự đi một mình nếu thích. Hồi mới đi vì chưa có kinh nghiệm nên tay chân thường bị gai nhọn của hà đâm tứa máu. Giờ thì ổn rồi…”. Không riêng anh em Bờm, ở “khu phố nổi” này, không ít đứa trẻ cũng trong cảnh “ba không”: không khai sinh, không hộ khẩu, không học hành và ngày ngày cùng nhau đi mót sản vật của biển làm kế sinh nhai.

Khát vọng lên bờ ảnh 3
Phóng viên Tiền phong (đội mũ) và 4 cháu ngoại của bà Khóa: Bờm, Ẩm, Thùy Dương và cu Tí (từ phải sang)

Những đứa trẻ có cơ may được đi học thì hành trình đến trường cũng thật gian nan. Đinh Thị Thùy Dương - một cháu ngoại khác của bà Khóa, năm nay 13 tuổi nhưng cũng mới chỉ học lớp 5. “Cháu học muộn, vì bố mẹ cháu nghèo, phải đi làm ăn xa lâu lâu mới về, lúc thiếu tiền học thì lại phải tạm nghỉ”- bà Khóa giải thích.

Thùy Dương tâm sự: “Riêng đi lại mỗi ngày học hết 10 nghìn đồng; trong đó 4 nghìn tiền đò từ bè vào bến Bèo và ngược lại, 6 nghìn tiền xe ôm từ bến Bèo đến trường và ngược lại. Nhiều hôm cháu phải đi bộ vì không có tiền”. Lo ngại nhất của Thùy Dương và các bạn học có “hộ khẩu” trên mặt nước này là bị… rơi xuống nước trong lúc đến trường bằng con đò nhỏ tròng trành.

Để an toàn tính mạng, gần đây Bộ đội Biên phòng địa phương đã trang bị cho mỗi học sinh một áo phao. Nhưng điều đó không xua được nỗi ám ảnh của các cô cậu học trò, bởi “mỗi lần như thế, quần áo, sách vở ướt hết!”- Thùy Dương bẽn lẽn tâm sự, tay cô bé bấu chặt vào thành lồng cá đang dập dềnh vì sóng từ một con thuyền máy vừa lao qua. “Khát khao lớn nhất của cháu là được lên bờ!”- Thùy Dương thổ lộ, mặt hướng về phía bến Bèo.

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
TPO - TIN NÓNG ngày 19/4: Chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng của nhà đầu tư, hai lãnh đạo Công ty CP tập đoàn Tâm Lộc Phát bị bắt giữ; Cơ quan chức năng vào cuộc xác minh vụ thất thoát hơn 53 tỷ đồng quỹ di tích làng Đồng Kỵ; Biến tướng chiêu trò lừa đảo liên quan giải chạy marathon; Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố...