Khi các cô tú cậu tú điên

Khi các cô tú cậu tú điên
TP - Bác sĩ Nguyễn Thị Sáu - Trưởng khoa khám bệnh, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương rất lo ngại về tình trạng học sinh, sinh viên bị stress, trầm cảm và những biểu hiện tâm thần khác đang gia tăng đến mức báo động.

>> Khi trí thức mắc chứng tâm thần
>> Nước mắt của cô trinh nữ có… hai con

Khi các cô tú cậu tú điên ảnh 1
Các bác sĩ ở Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương đang tập huấn cho gia đình người bệnh

Thực trạng ấy càng trở nên trầm trọng hơn khi mùa thi sắp đến. “Mùa” stress, trầm cảm lặng lẽ đến cùng mùa thi và để lại biết bao nhiêu hệ lụy...

Mùa thi, mùa trầm cảm, mùa tự tử

Chẳng biết phải vì áp lực học hành quá căng thẳng hay không mà Nguyễn Thành Đức (*) học sinh của một truờng chuyên có tiếng ở Hà Nội đang sắp sửa thi đại học bỗng sinh ra bệnh vĩ cuồng. Đức cho rằng mình là thiên tài cỡ Einstein hay Newton và một ngày nào đó sẽ có những phát minh vĩ đại.

Nhiều hôm Đức nghỉ học vì cho rằng cả thầy giáo lẫn chương trình học đều “không” xứng cho “thiên tài” cỡ như cậu ta đến lớp nghe giảng. Ở nhà Đức mày mò nghiên cứu một loại máy có thể làm... lệch cả quỹ đạo của Trái đất và đưa Việt Nam vào vùng khí hậu ôn đới.

Đức rất “tâm huyết” với ý tưởng đó vì cho rằng những nước ở trong vùng khí hậu ôn đới sẽ giàu hơn vùng khí hậu nhiệt đới. Ý tưởng chưa thành thì Đức bị đuổi học vì không đủ điểm.

Nhưng Đức cứ nghĩ mình là “thiên tài bị vùi dập” nên lại càng cắm đầu vào nghiên cứu loại máy nhằm “lệch quỹ đạo trái đất” để bạn bè “sáng mắt ra”.

Quỹ đạo Trái đất thì vẫn vậy trong khi chàng trai này thì bị lệch ra khỏi quỹ đạo của đời sống bình thường và trở thành “người điên” trong mắt của bạn bè.

Nhiều học sinh đã nhập viện tâm thần ban ngày trong trạng thái “cuồng chữ” “ngộ chữ”. Đầu óc các em luôn bị những bài tập ám ảnh, đè nặng. Ngay cả trong giấc ngủ, các bài tập đó cũng nhảy múa và nhiều em đã hoảng loạn càng hoảng loạn hơn khi mơ thấy... thi hỏng.

Có học sinh học nhiều đến mức phát ốm và mê sảng khi sức khoẻ hồi phục bỗng dưng mắc chứng sợ sách vở, sợ học. Cứ nhìn thấy sách vở là cô bé  9X ấy la hét như thể gặp ma.

Sau mùa thi, khi mà kết quả trượt tốt nghiệp hay đại học không phải trong mơ nữa mà đã thành sự thật, một số học sinh căng thẳng, tuyệt vọng đã tự tử.

Có học sinh đã tự tử chỉ vì sợ trượt đại học, đó là trường hợp của em Trần Duy Hùng, sinh năm 1987 học sinh lớp 12 chuyên toán trường THPT Lê  Hồng Phong - Nam Định.

Hùng đăng ký thi vào trường Đại học Kinh tế Quốc dân, khi xem điểm thi qua mạng Hùng đã sốc khi thấy điểm của mình thấp hơn phương án điểm chuẩn của trường. Dù đây chỉ mới là phương án điểm chuẩn, đang chờ Bộ Giáo dục & Đào tạo phê duyệt và có quyết định chính thức sau ngày  15/8/2005, nhưng trong cơn tuyệt vọng, Hùng đã thắt cổ tự tử.

Cũng vì thi trượt tốt nghiệp THPT, em Nguyễn Thị Thuần ở thị trấn Cao Thượng huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang đã nhảy xuống giếng để tìm cái chết.

Cứ sau mỗi mùa thi, tin tức đau lòng về những học sinh tự tử vì thi trượt lại xuất hiện thường xuyên trên báo chí.

Những con số “giật mình” 

"Xã hội vẫn quan niệm bệnh tâm thần là một cái gì đó rất đáng sợ, dị thường kiểu như khỏa thân ngoài đường và nhặt rác ăn. Thực ra bất cứ ai ở một thời điểm nào đó đều có những biểu hiện của tâm thần" - Tiến sỹ Ngô Thanh Hồi nói.

Nhưng những thông tin về hiện trạng stress, trầm cảm trong học sinh chỉ là “phần nổi của tảng băng trôi”.

Thực tế nghiêm trọng hơn người ta tưởng. Năm 2005, trong tổng số gần 5.000 người có biểu hiện “không bình thường” đến khám và tư vấn ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương thì 30% là học sinh sinh viên.

Bệnh viện Tâm thần ban ngày Hà Nội đã có cuộc nghiên cứu khảo sát về sức khỏe tâm thần của học sinh trên địa bàn Hà Nội và đã đưa ra con số giật mình: Gần 20% học sinh có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Theo đó, 15,94% em có rối nhiễu về tâm lý, hiện tượng lạm dụng chất gây nghiện đang tăng nhanh chóng…

Vì sao hiện tượng học sinh có vấn đề về sức khỏe tâm thần lại tăng đến mức báo động như vậy?

Bác sĩ Nguyễn Thị Sáu trả lời câu hỏi của tôi với nét mặt buồn: “Cứ 10 trường hợp thanh thiếu niên bị tâm thần đến đây thì cả 10 em gia đình đều có vấn đề. Có em phải sống trong hoản cảnh bố thường xuyên say xỉn, thường xuyên chửi bới, đánh đập con cái theo kiểu “già đòn non lí sự”.

Mẹ thì ghi số đề, không hề quan tâm đến những tâm sự của con. Anh trai thì đang ở tù. Không thể chịu nổi, em sinh ra trầm cảm nặng. Em đã tâm sự rất thật: “Thà em vào “khách sạn” (nhà tù) còn hơn ở nhà”.

Có em lại được bố mẹ quá nuông chiều, con gái học lớp 12 mà không biết luộc trứng, tất cả phó mặc cho bà giúp việc. Bố mẹ đi suốt ngày, tối về thường mang theo sự mệt mỏi.

Cô bé cô đơn trong chính ngôi nhà của mình, đến khi phát hiện thấy con gái bị trầm cảm và có những biểu hiện nổi loạn thì bố mẹ lại quản lý theo kiểu “thiết quân luật”. Đêm, con đang ngủ, bố thỉnh thoảng lại hé cửa nhìn vào, thấy con đang thò chân hay thò đầu trên giường mới yên tâm…”.

Thời gian gần đây, số học sinh, sinh viên tự tử vì những xung đột với gia đình và nhà trường có xu hướng gia tăng. Cách đây chưa lâu, dư luận đã bàng hoàng khi 5 em học sinh lớp 7 trường PTCS Cổ Nhuế, Hà Nội rủ nhau uống thuốc ngủ tự tử, vì những lý do rất đáng quan tâm những đối với nhiều người lớn thì cho là “lãng xẹt”.

Có em muốn tìm đến cái chết do buồn vì bố mẹ sinh em bé nên nghĩ rằng mình bị bỏ rơi; Có em không thiết sống vì học kém, phải lưu ban. Nhưng ít ai biết kết quả học tập của em yếu vì mắt kém, không nhìn được chữ cô giáo viết trên bảng.

Một học sinh nam lớp 12A9, trường THPT Đống Đa, Hà Nội đã cắt gân tay tự tử, sau khi bị nhà trường bắt cắt mái tóc dài...

Mới đây, ngày 5/3/2008, em Nguyễn Bình Triệu, lớp 6D trường THCS Tịnh Giang, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi  đã uống thuốc diệt cỏ tự tử. Em Triệu đã chết chỉ vì sợ bố mẹ mắng do trong giờ học ngồi nói chuyện riêng bị cô giáo viết giấy mời phụ huynh lên gặp.

Không chỉ trong trong giới học sinh, mà cả sinh viên - những người trưởng thành hơn về mặt tâm lý nhưng cơn trầm cảm nặng cũng có thể xô đẩy họ tìm tới cái chết.

Khi tôi đang ngồi viết những dòng này thì lại nhận được tin Nguyễn Thị Hồng - sinh viên ngành âm nhạc của trường Văn hoá nghệ thuật tỉnh TT-Huế đã cầm một chai xăng vào phòng Đào tạo nhà trường, rồi bất ngờ tưới xăng lên người mình và bật hộp quẹt châm lửa đốt.

Hồng được cấp cứu kịp thời nên chỉ bị bỏng nhẹ ở độ 2. Nhưng trước đó, Hồng đã có một số biểu hiện bất bình thường như bày tỏ sự chán nản, nhiều lần uống rượu say và tự cắt tay mình chảy máu rồi chạy vào phòng đào tạo...

Bác sĩ Nguyễn Thị Sáu cho rằng những ca tự tử trên đấy hoàn toàn có thể tránh được nếu như các em được điều trị kịp thời bằng các liệu pháp tâm lý. Nhưng các em thường chỉ được đưa đến bệnh viện tâm thần sau khi đã được cứu sống ở khoa cấp cứu!

Vì sao cánh cửa bệnh viện tâm thần lại quá xa như vậy?

Đường về cho các bệnh nhân tâm thần ?

Tiến sỹ Ngô Thanh Hồi – Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương bức xúc: “Xã hội vẫn thường quan niệm bệnh tâm thần là một cái gì đó hết sức đáng sợ, dị thường kiểu như khoả thân ngoài đường và nhặt rác ăn.

Thực ra bất cứ ai ở một thời điểm nào đó đều có những dấu hiệu của bệnh tâm thần. Nhưng người thường tìm đến với bệnh viện tâm thần khi đã qua các bệnh viện khác mà không khỏi bệnh. Y tế chăm sóc sức khoẻ tâm thần lại ở quá xa với thanh thiếu niên, xa với dân.

Đáng lẽ khoa tâm thần phải nằm trong bệnh viện đa khoa, nhưng lại chia tách ra, khiến bệnh nhân tâm thần khó tiếp cận với việc khám chữa bệnh. Tôi đã nói với các đồng nghiệp rằng một người bị mất ngủ ba đêm tìm đến với chúng tôi thì đó là cái phúc của họ và là cái phận của mình. Rất có thể  người bị mất ngủ ba đêm ấy sẽ cắt lưỡi tự tử nếu không được điều trị kịp thời…”.

Những chứng bệnh liên quan đến tâm thần đang ngày một gia tăng đến mức báo động, và sự huỷ hoại là “triệt để”  vì ở mức độ nặng nhất nó làm cho con người không còn là chính mình, không còn là người nữa.

Tôi đã cảm thấy được sự hủy hoại đó khi gặp một chàng sinh viên khôi ngô nhưng đôi mắt lờ đờ mệt mỏi đang đứng trước cửa Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương. Chàng sinh viên lắc đầu bảo: “Em mắt bệnh rối loạn trí nhớ không gian, đi đâu cũng không nhớ đường về, kể cả ra ngoài ngõ cũng khó tìm đường về nhà”. 

Trưa, trong âm thanh hỗn tạp từ quan bia hơi sát đường Hồng Mai, tôi bỗng nghe vang lên giọng hát của những bệnh nhân tâm thần. Và tự nhiên giọng hát ấy gieo vào lòng tôi niềm hi vọng: những bệnh nhân ấy sẽ chống lại được cái  “án”: “người điên”, sẽ trở về. Hãy cho họ một lối về!

Học sinh bị trầm cảm nặng thường có một số biểu hiện sau đây: Hay thay đổi cảm xúc như buồn, vui, tự ti, mất quan tâm, thích thú trong các hoạt động hoặc giảm sút trong học tập, thay đổi thể chất như ăn kém, sụt cân, mất ngủ, ngủ nhiều, hoặc mắc các chứng đau không rõ ràng.

Đặc biệt các em có một số thay đổi trong suy nghĩ như mình là người xấu xa, có tội, không xứng đáng, chẳng làm gì đúng, cuộc sống vô giá trị. Các bậc phụ huynh và thầy cô cần đặc biệt chú ý đến các triệu chứng này vì nếu không chữa trị chúng có thể là nguyên nhân thúc đẩy hành vi tự sát ở thanh thiếu niên.

(Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương)

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.