Khi mặc cảm lùi xa

Khi mặc cảm lùi xa
TP - Tiếng hát, tiếng cười ngày ngày theo các chị lên rẫy. Ám ảnh khiếm khuyết thân thể như phai mờ trong tâm trí Hồ Thị Bình (1978), Hồ Thị Loan (1991), Hồ Thị Lành (1987) và Hồ Thị Nhung (1988) – bốn nữ vận động viên khuyết tật tiêu biểu người Vân Kiều, Pa Kô, tỉnh Quảng Trị.
Khi mặc cảm lùi xa ảnh 1
Hồ Thị Lành và Hồ Thị Nhung

Chuyện cũ qua hơn 10 mùa rẫy, nhắc đến, Bình vẫn rơm rớm: “Năm 1995, mình đi cày ruộng, không may dẫm phải mìn. Nhờ bà con thôn bản giúp đỡ, mình mới sống….”.

Ký ức về đôi chân tàn tật chỉ mờ nhạt trong Loan. Bà Pí Khâng - mẹ Loan kể lại, lúc còn bé, Loan bị một chiếc ô tô đâm phải. Thế là…

Sinh ra cũng khỏe mạnh như Loan, nhưng trận sốt rét ác tính đã cướp đi đôi chân của Lành và Nhung. Pả Hòa – bố Nhung buồn buồn chia sẻ: “Sau trận sốt rét, cái chân nó quắt lại. Đến 3-4  tuổi, nó vẫn chưa biết đi. Mình đùm cơm, đùm sắn đem con ra bệnh viện huyện. Bác sĩ bảo nó bị liệt rồi...”.

Hình hài lành lặn không còn, nỗi buồn nối tháng, nối ngày nhân lên trong các chị. Mỗi người chọn một cách đương đầu cuộc sống. Bình, Nhung khép mình. Niềm vui ít ỏi là sự quan tâm của gia đình.

Lành vốn là cô gái mạnh mẽ. Hễ ai đụng chạm vào nỗi đau khiếm khuyết, mặt chị đanh lại, lạnh lùng. Chẳng ai biết, đêm nào, Lành cũng rấm rứt khóc.

Còn Loan, cơ hội đến trường suýt nữa bị đánh mất. Ngày ngày thấy lũ bạn chòm xòm í ới gọi nhau đi học, khát khao đến trường cuồn cuộn trong Loan. Mặc cảm bủa vây khiến Loan chẳng dám tâm tình. Nhờ bố mẹ hiểu, khát khao ấy mới thành hiện thực.

Cuộc sống người Vân Kiều, Pa Kô xưa nay bám nương rẫy. Cái đói, cái no từ những giọt mồ hôi mà ra. Ngày ngày các chị vẫn tập tễnh bước chân băng rừng, lên rẫy. Chỉ vào chiếc a chói nằm ở góc nhà, Lành giải thích: “Ngày nào, mình cũng gùi a chói lên rẫy cùng mẹ. Vất vả lắm, nhưng phải cố”.

Lành cũng vậy. Con gái trong bản làm việc gì, Lành cố làm việc ấy. Nhìn dáng chị cuốc xới mảnh đất cằn cỗi, khó ai tin Lành là người khuyết tật. “Dẫu cái bụng có buồn, nhưng cái tay, cái chân vẫn phải làm việc”.

Mặc cảm cộng vất vả cuộc sống khiến cái bóng tật nguyền thêm đậm sâu. Bình chia sẻ: “Trước đây, mình vẫn nghĩ chỉ có mình là người khuyết tật…”.

Thắp lửa nụ cười

Khi mặc cảm lùi xa ảnh 2
Hồ Thị Loan

Ngọn lửa yêu cuộc sống vẫn âm ỉ cháy trong đám tro tàn mặc cảm. Ngọn lửa ấy bùng lên từ ngày Loan, Bình, Lành, Nhung tham gia chi hội thể thao người khuyết tật tại địa phương.

Nhớ lại ngày ấy, Bình tâm sự: “Lúc đầu, mình không muốn đi đâu. Mình khuyết tật thế này thì làm được việc gì. Nhung lại khác, chị xung phong vào chi hội thể thao người khuyết tật huyện Hướng Hóa ngay sau Lành. Nhung lý giải bình dị: “Em muốn mình lúc nào cũng vui vẻ, khỏe mạnh như chị Lành”.

Thời gian đầu tập luyện thể dục, thể thao với các chị khó hơn việc cuốc cày. Loan sợ nhất bài tập kéo dây, ép vai: “Tập xong, lúc nào người cũng nhức”. Đưa đôi bàn tay bong rần ra, Nhung thành thật: “Thời gian đầu tập xe lăn, xe lắc có lúc tay em bong ra, chảy máu”.

Giờ thì ngày nào không tập luyện, ngày ấy các chị cồn cào chẳng yên. Nghỉ phép về nhà, Loan vẫn mang theo dụng cụ tập luyện “kẻo sợ quên bài  mất”…

Đến giờ, bộ sưu tập huy chương của Bình đã kha khá. Ngoài huy chương ở các giải tỉnh, những tấm huy chương quốc gia cũng thuộc về chị. Bình hồ hởi kể: “Ra Hà Nội thi đấu, mình đoạt huy chương bạc môn chạy. Vào thành phố Hồ Chí Minh mình đoạt hai huy chương bạc môn nhảy cao và nhảy xa. Vừa rồi, vào Huế thi, mình có thêm hai huy chương bạc nữa”.

Thi đấu tại các giải thể thao người khuyết tật tỉnh Quảng Trị và toàn quốc hàng năm, Nhung đều ẵm 2 - 3 chiếc huy chương. Giải thể thao người khuyết tật tỉnh Quảng Trị mở rộng và Hội thi thể thao trẻ khuyết tật vừa qua, chị mang về ba tấm huy chương đồng (100m xe lắc), bạc (200m xe lắc), và vàng (800m xe lăn). “Thành tích của mình chỉ bằng một nửa chị Lành thôi. Mình còn phải cố gắng”.

Tham gia các giải đấu thể thao người khuyết tật từ 2005 đến 2007, năm nào Lành cũng đoạt ba huy chương vàng toàn tỉnh Quảng Trị (ở ba môn lao, đĩa, đẩy tạ). Ba năm liên tiếp so tài với các vận động viên toàn quốc (2005 – 2007), mỗi năm Lành đều đoạt ba huy chương vàng. Đó là lý do vì sao các huấn luyện viên, vận động viên âu yếm gọi chị là Cô Sáu Vàng.

Từ lớp 1 đến giờ, Loan đều nhận danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến. Ngay giải đấu đầu tiên, Loan đoạt hai huy chương vàng, đồng thời lập hai kỷ lục toàn quốc môn bơi bướm: 50m với thành tích 53 giây, 100m với thành tích 2 phút 16 giây.

Với hai kỷ lục này, chị vinh dự góp mặt trong danh sách đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự Asean Paragames 4 tổ chức tại Thái Lan. Kết quả Loan đoạt một huy chương bạc cự li 100m bơi tự do, hai huy chương vàng môn bơi bướm ở cự li 50m và 100m.

Ở cự li 50m, chị phá kỷ lục Asean Paragames với thành tích 46 giây 11. Cự li 100m, Loan lập kỉ lục với 1 phút 42 giây. Chị cười rạng rỡ: “Đứng trên bục nhận huy chương, thấy lá cờ Việt Nam bay lên, hạnh phúc lắm!”.

Giờ đây, bốn nữ vận động viên khuyết tật tiêu biểu của Quảng Trị không còn suy nghĩ lệch lạc: “Chỉ có mình là người khuyết tật” nữa. Lành thấy mình may mắn hơn nhiều người và nụ cười lại tỏa rạng. Nhung và Lành trở thành chỗ dựa cho nhau và cùng quyết tâm lập những kỷ lục mới, cố gắng góp mặt tại Asean Paragames 5.

Lành cũng không đanh mặt sau những lời trêu chọc nữa, mà cảm thấy “tự hào vì mình là người khuyết tật nhưng không sống vô nghĩa”.

Loan vẫn nỗ lực thực hiện ước mơ tiếp tục đem vinh quang về cho đất nước và trở thành cô giáo cõng cái chữ về bản.

MỚI - NÓNG