Khi nhà phê bình lái ô tô

Khi nhà phê bình lái ô tô
TP - Tháp tùng nhà văn Thúy Toàn, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, đi nhận huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, anh rủ tôi đi Vinh (Nghệ An) với đoàn nhà văn Thụy Điển.
Khi nhà phê bình lái ô tô ảnh 1
Bên chiếc xe chết máy, vẫn cười tươi (từ trái qua phải Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Bắc Sơn, Lại Nguyên Ân)

Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây vừa tổ chức dịch cuốn thơ Thụy Điển sang tiếng Việt và tổ chức tuần văn học Thụy Điển tại VN, trong khuôn khổ kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1/11/1969 – 2009).

Hỏi nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên có đi không, “em không đi thì sao thành được”.

Từ cú hút chết

Lâu nay, thiên hạ đã biết Nguyên phê bình văn học, biết Nguyên, MC văn chương. Có lần tôi còn thấy anh tòn ten trên cổ  phù hiệu của ban tổ chức festival quốc tế Huế in mầu hẳn hoi: “Phạm Xuân Nguyên, nghệ sĩ múa bụng”.

Thì ra có một nghệ sĩ Thổ Nhĩ Kỳ biểu diễn múa bụng trên nền thơ đọc do Nguyên chọn và… trình diễn. Để xem hôm nay ông Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội cầm lái ôtô thế nào.

Trong bảy nhà văn Thụy Điển có một nàng thơ trẻ và đẹp từng centimet. Kệ, Nguyên không ngồi cùng xe du lịch sang trọng để tán chuyện, mặc dù anh có tham gia dịch cuốn thơ Thụy Điển, trong đó có thơ của nàng, có giới thiệu nàng trong cuộc họp báo mở đầu tuần văn học Thụy Điển ở VN tại TT VHNNĐT. Anh không thể dẻo mỏ với nàng được.

Đấy là nhược điểm của những gã thông minh, chỉ tự học mà dịch sách ngon lành cả ba thứ tiếng Anh, Nga, Pháp dưới bút danh Ngân Xuyên, nói lái Xuân Nguyên.

Nguyên mượn được chiếc Toyota V6, nghe đâu của một cán bộ có cỡ thải ra. Trò đời, tay nào mới giật được mảnh bằng lái chả máu. Nguyên bảo, chiếc xe con ấy sẽ có Đoàn Tử Huyến - Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, và tôi – Bí thư Chi bộ Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây. Còn một người nữa sẽ chọn sau.

Vậy mà lúc sau lại thấy ông dịch giả tiếng Nga tóc trắng kín mặt ấy lên xe du lịch. Vì cương vị trưởng đoàn phải ngồi cùng xe với khách hay vì lẽ gì, không biết. Chỉ biết có lần Huyến cùng với nhà văn Nguyên Ngọc và hai người nữa đi Mai Châu do Nguyên lái. Vậy là thiếu người.

Không biết Nguyên rủ, hay ông tóc trắng, Lại Nguyên Ân, giàu tính lãng mạn này thích anh rồi thích luôn cả việc ngồi xe anh lái mà vui vẻ lên xe. Một cô gái nữa - Hồ Khánh Vân, học trò của Nguyên, thạc sĩ lý luận văn học dạy khoa ngữ văn, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP Hồ Chí Minh. Anh ưu ái mời tôi ngồi hàng ghế trên.

Sau gần một giờ đi số 1, số đi khó nhất, len lỏi trên đường Trường Chinh (Hà Nội), anh đưa chúng tôi ra quốc lộ 1. Chiếc xe du lịch chọn đường khác, phóng đến tận đẩu tận đâu rồi.

Xe người ta dừng lại hay vọt lên, người ngủ gật không hay biết. Đằng này, chân đạp ga, đạp phanh của Nguyên mỗi lần nhấn xuống là một lần tôi, hoặc chúi đầu về phía trước, hoặc bật ngửa ra phía sau.

Tôi định đố xem người thông kim bác cổ này có biết ai là người lái xe đầu tiên ở Việt Nam được phong anh hùng không. Ai là người đầu tiên và chắc cũng là người lái xe khách cuối cùng được phong anh hùng không. Nhưng thôi, để anh tập trung vào tay lái. Có hỏi chắc anh phụ trách Ban Văn học So sánh ở Viện Văn học, cũng tịt.

Cái tên Lộc Văn Trọng, lái xe ở mặt trận Điện Biên được phong anh hùng và Nguyễn Văn Ngũ, lái xe khách được truy tặng anh hùng lao động vì xả thân cứu hàng chục hành khách khỏi bị chết cháy ở thị trấn Bần Yên Nhân (Hưng Yên) năm xưa chắc xa lạ với anh.

Đến Thanh Hóa, xe chạy trong mưa. Bên lái giở quẻ từ nãy, cứ gạt một cái lại kêu một tiếng như mèo hen. Đến lúc tự dưng không kêu nữa thì cái gạt nước chỉ còn nguệch ngoạc, dặt dẹo. Nếu dừng lại xiết lại cái ốc chắc được ngay. Nhưng trong tay Nguyên chỉ có mỗi chiếc chìa khóa xe. Đến cái tuốc nơ vít cũng chẳng biết để đâu. Cứ đi.

Được một con dao quăng nữa thì thanh gạt rụng hẳn. Chỉ còn chiếc cần cào vào mặt kính như xua tay, bảo đừng đi, đừng đi. Vào tay thạo lái thì dừng xe, tháo bên nọ lắp vào bên kia cũng xong. Đằng này Nguyên gan lì cứ chạy.

Tôi chỉ kịp kêu lên: “Kìa, Nguyên” chiếc xe máy với đống người đã lù lù, chỉ còn cách chừng một mét. Anh vội đánh tay lái sang trái. Sau cú hút chết ấy, anh vẫn bình thản phóng, chỉ thêm lời dặn tôi quan sát kỹ giúp mình

Vậy mà tối 21/5, trong buổi Giao lưu Nhịp cầu Văn học Hữu nghị ở trường Đại học Vinh chật cứng sinh viên ngữ văn, anh vẫn bảnh bao, tươi rói, duyên dáng và dí dỏm trong vai trò MC.

Ngày xưa là Đại học Sư phạm Vinh, nay đã là Đại học Vinh với gần 40.000 học sinh, sinh viên và nghiên cứu sinh với 18 khoa. Riêng khoa ngữ văn đã ngót 2.000. Tối nay, chỉ hơn 500 sinh viên tiêu biểu cùng các thầy lèn chặt trong hội trường hồ hởi chào đón sự kiện văn học đặc biệt lần đầu tiên.

Nguyên cùng cô Diệu Thủy, phiên dịch và cũng tham gia dịch cuốn thơ Thụy Điển sang tiếng Việt, lên xuống, ra vào, đưa đẩy, độc thoại, nói xa nói gần, mở rộng, so sánh… khiến các sinh viên (tuyệt đại đa số là nữ) cứ hét lên vì khoái.

Các nhà thơ Thụy Điển đọc thơ bằng tiếng Thụy Điển, các dịch giả đọc tiếng Việt.

Nhà thơ Bằng Việt theo yêu cầu, đọc cả Bếp lửa thời trai trẻ. Nguyên đề nghị anh đọc luôn cả Vợ thời @, rồi Uống rượu Nguyễn Cao Kỳ.

Chuyện về bài thơ này làm mọi người lặng đi ngẫm nghĩ. Ấy là bữa rượu ở nhà Thiếu tướng Phạm Chuyên, nguyên Giám đốc Công an TP Hà Nội. Nhiều người uống, nhưng có một người nhất định không cầm ly. Vì đấy là rượu của ông Nguyễn Cao Kỳ tặng.

Không thể trách người uống. Cũng không thể trách người không uống. Đấy chính là cuộc sống hôm nay.

Sáng sau, cổ khản đặc, Nguyên đánh thức tôi và anh Lại Nguyên Ân dậy sớm, phóng lên núi Quyết, thắp hương ở đền thờ Quang Trung và phóng mắt ngắm toàn cảnh TP Vinh  một bên và sông Lam một bên, rồi mới đi chữa xe.

PGS.TS Nguyễn Văn Hạnh, phó trưởng khoa ngữ văn, dẫn đến một xưởng quen, mãi gần trưa mới xong. Nhưng vừa là thổ công vừa là người cầm lái, Nguyên vẫn quyết định giông thẳng xe ra Cửa Lò tắm biển.

Cả bọn thay đồ xong lại phải mặc vào vì phát hiện thợ thay được cái gạt nước thì cửa kính lại kẹt, không lên được. Thế nghĩa là không gửi được xe. Đành kéo nhau ra một bãi tắm cách biệt hẳn khu dân cư, có thế mới đánh xe ra tận mép biển để trông được xe.

Đoàn vào thăm quê Bác. Nhân thể ghé thăm ngôi nhà cổ thờ họ của nhà văn Ông Văn Tùng, theo lời mời tha thiết của ông . Các nhà văn Thụy Điển không ngớt trầm trồ ngôi nhà gỗ cổ kiển trúc độc đáo, ngon lành ăn ngô non luộc và uống nước chè xanh chủ nhà mời.

Sau bữa ăn trưa do lãnh đạo huyện Nam Đàn mời, đoàn lên đường, cả nhà văn Ông Văn Tùng cũng theo ra Hà Nội. Tiện thể ông mang theo hai chiếc bình cổ gia bảo, mỗi chiếc giá trị bằng một chiếc ôtô Nhật loại sang.

Mới chạy được một thôi đường, do bất cẩn nên vỡ mất một cái. Cả tây ta đều xuýt xoa tiếc đứt ruột. Chủ nhân chiếc bình thì mặt méo như bị rách. Ông bảo, giờ gắn lại, giỏi ra chỉ được bốn năm ngàn đô thôi.

Muốn các bạn Thụy Điển biết thế nào là đường Hồ Chí Minh nên nhà văn Đoàn Tử Huyến quyết định bỏ quốc lộ 1 quặt vào phía núi. Nắng đổ lửa, gần hai chục người trên chiếc xe du lịch mát rượi nhìn chúng tôi đầy vẻ ái ngại. Nhưng lũ bốn tên – như Nguyên gọi (Vân đã trở lại với chúng tôi) vẫn phấn chấn lên đường. Máy điều hòa hỏng ngay từ lúc đi, chỉ còn quạt gió. Rồi đến quạt gió cũng tịt nốt, cửa kính thì không lên được.

Tôi vốn không rượu, bia, chè tầu, thuốc lá. Cà phê khoái khẩu cũng không nốt. Vậy mà sáng nay phải uống cà phê, chỉ với mục đích tỉnh táo làm thần hộ mệnh cho Nguyên.

Đường về, phía lái nắng táp vào hai anh em Ân, Nguyên. Không gì che chắn, không mũ mãng. Đường thẳng tắp, chẳng phải lái tí tẹo nào, Nguyên phóng gần 100 km/h.

Đến lượn tròn, lượn khéo

Rẽ vào thăm Lam Kinh. Ngẩng lên, có bốn đại tự mà nhà văn bản học Lại Nguyên Ân chỉ đọc được chữ đầu, tôi đọc được chữ cuối. Nhìn mãi, luận mãi vẫn không ra hai chữ giữa. Chỉ tại những đầu óc sùng Hán kỳ cục, viết chữ quốc ngữ theo kiểu chữ vuông bốn chữ Đại Thiên Hành Hóa.

Đến khu vực có hang cá thần ở Thanh Hóa, đường tách làm hai, cả tôi và Nguyên đều không thuộc đường, nhưng tôi vẫn nhắc anh rẽ vào nhánh bên phải, vì nhận ra vạch sơn vàng dù bị rơm phủ đầy đường, vẫn còn từng đoạn ngắn bằng cái đòn gánh.

Nguyên không nghe. Kết cục là phải quay lại. Anh tập trung vào tay lái nên im lặng. Để ý thấy ngáp mấy cái, tôi hỏi ngay, buồn ngủ à, hay nghỉ tí. Anh gan lì không trả lời.

Đang chạy số 4 ngon lành, cứ thấy chậm dần. Rồi số 3 cũng chẳng xong. Rồi số 2 cũng không chạy nổi. Rồi chết máy. Gầm gừ sống đi, chết lại. Được mươi cây lại chết.

Nguyên cố đề lại vừa nghe ngóng, gượng nhẹ như mơn trớn, dỗ dành con xe. Anh căng thẳng lắm. Chốc chốc lại lấy khăn tay lau mồ hôi. Nếu là xe mới thì đỡ khổ bao nhiêu. Nhưng anh có lập luận của mình, lái xe cà tàng thế này, thì chuyển sang xe mới ngon ơ. Tay nào chỉ quen đi xe mới dám chơi những chiếc xe thế này.

Bây giờ xe chỉ còn chạy được số 1. Rồi số 1 cũng chết luôn. Nguyên kiên nhẫn khởi động lại, vào số, nhưng chân ga đạp cứ bỗng đi. Hay tại két nước hết, máy nóng quá.

Tớ nhớ chuyện lính bộ binh phải gom cả nước uống ít ỏi trong bi đông cho lính xe tăng đổ vào két nước cơ mà. “Nhưng mà em không biết két nước ở đâu”. Thì cứ mở nắp máy ra, chả là két nước đây là gì.

Nguyên bảo xem nó ghi gì đã, rằng không được mở lúc nóng. Đợi nắp két nước nguội, nhưng cũng không biết mở thế nào. Phải nhờ anh công nhân trong nhóm bảo dưỡng đường bên rừng Cúc Phương mới xong. Cái thứ nước xanh đặc dụng làm mát máy vẫn đầy. Chịu chết.

Tôi nhìn anh, có ý phàn nàn, lái xe cái đếch gì mà chẳng biết tí gì máy móc là nghĩa làm sao.

Rồi cũng bò về đến Ba Đồi, gặp gara ô tô hẳn hoi. Một anh thợ quần áo lấm lem dầu mỡ đề thử. Máy nổ. Nghe một lúc, lập tức bò vào gầm xe, nằm ngửa vặn vặn tháo tháo.

Sau hơn một giờ chui xuống, ngóc lên, thử máy không biết bao nhiêu lần, chàng công nhân tuyên bố một câu xanh rờn, cháu chỉ quen chữa xe dầu, loại xe xăng này, có hộp đen, không lần ra được.

Nguyên lại cầm khóa điện nhẹ nhàng khởi động máy, lại mơn trớn, ve vuốt tay số, lại gài gại chân ga, miệng thầm thì dỗ dành, nổ đi em, kêu lên em, hét lên em cho anh phóng một phát về thẳng Hà Nội nào. Qua điện thoại, biết xe kia đã về từ bao giờ rồi.

Thốt nhiên, chiếc ô tô rẫy lên một cái, bùm bụp vài tiếng rồi từ từ trườn đi, với tốc độ 5 km/h. Không sao. Khắc đi, khắc đến. Chúng tôi cùng reo lên sung sướng. Với tốc độ này, sáng mai về đến Hà Nội cũng được. Nhưng rồi, nó lại ngất lịm. Đến lúc ấy anh mới đồng ý để tôi gọi xe cứu hộ.  Từ Hà Nội đến chỗ chúng tôi sau này mới biết khoảng 80km.

Cả bè lũ bốn tên đều coi chờ đợi là một nghệ thuật, nên chuyện càng nở như bắp rang bơ. Rôm rả. Sôi nổi. Hết chuyện nọ sang chuyện kia. Hết giai thoại này sang chuyện làng văn khác.

Sẽ nhớ mãi cái ngày đầu chưa quen, đường cày chưa thẳng ngay này của Nguyên. Trong hàng ngàn người cầm bút hôm nay chỉ có rất ít người sống được bằng nhuận bút, càng rất ít người mua được xe bằng nhuận bút. Mai ngày, Nguyên cũng sắm được xe thôi. Lúc ấy anh tha hồ lượn tròn lượn khéo...

Ngay lúc ấy, anh đã hẹn, chữa xong xe, cuối tuần này sẽ họp lại làm một chuyến đi khác.

Gần hai giờ sau, chiếc xe Jolie của Nguyễn Hồng Hải, giám đốc một trung tâm sửa chữa ô tô xuất hiện, như một cứu tinh. Lại gần bốn mươi phút sau, chiếc xe cứu hộ mới tới.

MỚI - NÓNG