Khi voi rừng nổi giận

Đàn voi rừng ở Đắk Lắk. Ảnh: TTO
Đàn voi rừng ở Đắk Lắk. Ảnh: TTO
TP - Gần tháng nay, cư dân khu vực giáp ranh huyện Chư Pưh, Chư Prông (Gia Lai) với huyện Ea Sup và Ea H’Leo (Đắk Lắk) ăn ngủ không yên vì voi rừng xuất hiện tàn phá chòi rẫy, hoa màu, cây trồng. Chiều ngày 13-3, voi rừng giẫm chết một người. Tại xã Ea H’Leo, huyện Ea H’Leo, không khí đau buồn và lo ngại vẫn bao trùm xóm nhỏ. Vì đâu voi rừng nổi giận?
Người dân Đắk Lắk dùng lửa và tù và đuổi voi ngày càng kém hiệu quả
Người dân Đắk Lắk dùng lửa và tù và đuổi voi ngày càng kém hiệu quả.

Thoát chết trước vòi voi

Trung tuần tháng 3, Tây Nguyên nắng gắt, hạn hán. Không khí hoang mang, lo sợ voi dữ bao trùm. Từ lúc nghe tin anh Tư bị nạn, hàng loạt người dân đang làm rẫy trồng chuối, hoa màu, vườn điều và công nhân nông trường cao su xung quanh khu vực xảy ra sự việc đau lòng trên đã kéo chạy về nhà.

Chúng tôi ngược hướng cửa rừng 105 (xã Ea H’Leo), rẽ vào con đường đất đầy bụi tìm đến nhà nạn nhân Trần Văn Tư (SN 1974). Anh Hà Như Thuật, sinh năm 1974 quê Thanh Sơn, Nghi Sơn, Thanh Hoá, trú ở thôn 2B xã Ea H’Leo, huyện Ea H’Leo đi cùng anh Tư, may mắn thoát chết, kể lại:

“Khoảng 17 giờ ngày 13-3, tôi cùng anh Tư ở chòi rẫy khu vực Đá Bàn (giáp ranh xã Ia Mơ, huyện Chư Prông) cầm dao rựa, đi bộ về nhà. Đi chừng được vài chục mét thì bất ngờ gặp ngay “ông” (voi rừng) khổng lồ, với cặp ngà nhọn vút, cày xuống đường hung dữ tiến lại, cách chúng tôi chỉ vài mét.

Khi đó anh Tư đi trước tôi vài bước. Hoảng loạn, chúng tôi quay lưng bỏ chạy. Lúc đó tôi quẹo qua một khúc cua, cắm đầu chạy được vài chục mét thì nghe anh Tư kêu to một tiếng, rồi voi rú lên. Bụi tung mịt mù”.

Anh Thuật kể tiếp: Khi tôi quay ngược lại thì thấy anh Tư nằm ngang đường mòn, con dao nằm trước tay anh, đầu bị giẫm nát một bên, tắt thở. Tôi vội gọi điện về nhờ vợ đến báo tin cho người nhà Tư. Một lúc sau, em và vợ anh Tư đi chung xe máy trên đường vào chỗ anh Tư bị nạn thì tiếp tục gặp phải con voi rừng có hình dạng như tôi gặp, nhưng họ đã kịp quay xe chạy thoát thân.

Anh Thuật cho biết thêm, năm trước anh cũng gặp chính con voi rừng này nhưng lúc đó phát hiện “ông” từ xa nên kịp thoát.

Anh Đinh Thế Đạt trú thôn 2, xã Ea H’Leo nói: Mấy năm trước, cứ vào tháng ba, vào chiều tối là voi rừng tràn ra vườn rẫy vây kín xung quanh, ăn hết mì, chuối, điều. “Ông” đi đến đâu, giẫm nát cây cối đến đó, thậm chí dùng vòi nhổ cả lùm cây le, cây gỗ căm xe đường kính 20-30cm cũng bị quật gãy.

Mấy hôm nay, dù voi rừng đã xuất hiện nhưng đang mùa thu hoạch điều nên nhiều người vẫn vào rẫy. Đêm đến họ cho nổ máy inh ỏi để xua các “ông”. Chỉ khi nghe tin anh Tư gặp nạn, tất cả mới tháo chạy về nhà.

Anh Văn Ngọc Sơn sinh 1970, trú thôn 2a, Ea H’Leo, có vườn điều cách QL14 hơn 5 cây số kể thêm: Mỗi năm cứ khoảng thời gian này, voi rừng đi thành đàn trên dưới 10 con kéo ra rẫy của chúng tôi giẫm nát hoa màu, phá tan hoang chòi rẫy, ăn chuối, ăn điều, muối… Có điều đáng sợ là voi rừng ngày càng hung hãn, các “ông” không còn sợ lửa hay tiếng khua xoong nồi nữa, thậm chí bây giờ thấy lửa, các “ông” càng điên cuồng phá phách, quật cả lửa chứ không bỏ đi.

Trước kia các “ông” chỉ tổ chức thành một đàn, nhưng nay lại chia thành nhiều đàn ra vườn ăn, uống nước. Trước đây, mấy “ông” đi rất mạnh mẽ, rung chuyển mặt đất nên người dân dễ dàng phát hiện để đối phó, song gần đây người dân không nghe được tiếng di chuyển của voi rừng, mà các “ông” cứ xuất hiện bất thình lình. Rẫy tôi có 3 ha nhưng đến bây giờ bị voi rừng phá hoại chỉ còn 1 ha, với khoảng 100 gốc điều.

Voi rừng xuất hiện và phá phách Ea H’Leo kể từ ngày đàn vòi dữ ở rừng Tánh Linh (Ninh Thuận) được di dời lên khu vực rừng “Dốc Đôn”- Ea Sup. Voi rừng ngày càng hung hãn và khôn ngoan. Đặc biệt trong số đó có con voi lớn với cặp ngà dài chỉ đi ăn lẻ một mình, không theo bầy đàn và rất hung dữ. Khoảng thời gian này năm ngoái, “ông” đã xuất hiện dưới cầu 110 (khu dân cư sát quốc lộ 14).
Anh Trần Văn Tư gia cảnh rất khó khăn, khi bị tử nạn để lại vợ và một con nhỏ 4 tuổi.

Anh Hà Như Thuật (bên phải) may mắn thoát chết khi voi rừng tấn công
Anh Hà Như Thuật (bên phải) may mắn thoát chết
khi voi rừng tấn công.

Khắp nơi náo động

Dọc tuyến biên giới hàng trăm cây số từ Buôn Đôn về phía Bắc là Ea Súp, Ea H’Leo( Đắk Lắk), Chư Prông (Gia Lai), từ Buôn Đôn về phía Nam là Chư Jút, Đắk Min (Đắk Nông) vài năm trở lại đây cứ đến mùa khô voi rừng liên tục trở về quấy phá hoa màu của người dân.

Mùa Noel năm 2010 tại buôn Đắk Me, xã Đắk N’rót huyện Đăk Min, Đăk Nông trên cánh đồng của buôn thường xuyên xuất hiện ba con voi rừng về ăn và phá hại hoa màu. Chòi, lều của dân ở canh giữ rẫy cũng bị đàn voi phá hỏng. Khu vực này lần đầu tiên voi rừng xuất hiện trong vòng mấy chục năm qua. Đàn voi phá hư hại hoàn toàn gần 5 ha bắp, mía, chuối... của chín hộ dân trong buôn.

Trung tuần tháng 11-2010, tại xã Ia RVê, huyện Ea Súp, Đắk Lắk xuất hiện đàn voi rừng khoảng 20 con phá hoại hoa màu của người dân. Đàn voi này đã quần nát khoảng 50 ha bắp, lúa, mì, đậu... Người dân tìm mọi cách để đuổi, nhưng chúng bỏ đi trong chốc lát rồi quay lại tiếp tục phá hoại hoa màu. Trước đó, đàn voi đã phá phách, gầm rú tại khu vực trồng cao su của Công ty Đức Tâm ở Tiểu khu 222, xã Ya Tmốt, huyện Ea Súp.

Tháng 7-2010 tại xã Ia J’lơi, huyện Ea Súp hơn 20 ha hoa màu tại các thôn 3, 5, 6 và buôn Ba Na bị voi rừng kéo về xéo nát, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Tháng 7-2010, xã Ia Piơr, huyện Chư Prông huyện Chư Prông tỉnh Gia Lai một đàn voi rừng gần 10 con vừa xuất hiện ở những cánh rừng thuộc địa bàn xã.

Nhiều đêm liền, người dân trong xã nghe tiếng gầm của đàn voi rất gần. Đàn voi quần đảo trên một vùng rừng rộng, liền kề khu chòi rẫy, có khoảng 3 ha chuối và bắp của người dân bị đàn voi phá hoại. UBND xã Ia Piơr yêu cầu người dân tuyệt đối không được có những hành động xâm hại đàn voi rừng, chỉ đốt lửa, đánh phèng la… để đuổi voi.

Đàn voi rừng ở Đắk Lắk. Ảnh: TTO
Đàn voi rừng ở Đắk Lắk. Ảnh: TTO.

Mất rừng làm ông nổi giận

Theo PGS.TS Nguyễn Bảo Huy -Trưởng bộ môn Quản lý tài nguyên rừng và môi trường, Đại học Tây Nguyên, cường độ xuất hiện và không ngại gặp người dân của voi rừng thể hiện sự mâu thuẫn ngày càng gay gắt giữa chuyển đổi rừng lấy đất canh tác với việc mất dần nơi sinh sống của voi rừng.

Những cánh rừng đặc dụng và phòng hộ ít ỏi này đang dần bị thay thế bởi cây công nghiệp như: cao su, điều, keo lai…

Nguyên nhân đó làm cho voi rừng bị cô lập trong vùng, thiếu nước, muối khoáng và thức ăn trong mùa khô hạn, nên chúng tìm đến khu vực canh tác của những người dân mới đến khai hoang để tìm thức ăn, phá hoại mùa màng. 

Khu vực phân bố voi rừng Đắk Lắk tập trung chủ yếu ở các khu rừng khộp của huyện Ea Súp, Buôn Đôn và Ea H’Leo.

Trong những năm gần đây, nhiều diện tích rừng khộp bị thu hẹp do chuyển đổi sang trồng các loại cây công nghiệp hoặc bị người dân di cư tự do phá rừng lấy đất làm rẫy.

Tất cả các hoạt động đó làm diện tích sinh sống của voi rừng bị thu hẹp, chia cắt và làm mất hành lang di chuyển theo mùa để tìm kiếm thức ăn, giao phối.

Đối với voi rừng, diện tích rừng đủ lớn để sinh sống, di chuyển tìm kiếm thức ăn rất quan trọng. Nhưng trong số 309.812ha đất lâm nghiệp của huyện Ea Súp, Buôn Đôn và Ea H’Leo, chỉ có 159.814ha rừng đặc dụng và rừng phòng hộ là tương đối an toàn cho đàn voi.

Vậy mà, những cánh rừng đặc dụng và phòng hộ ít ỏi này đang dần bị thay thế bởi cây công nghiệp như: cao su, điều, keo lai... Nguyên nhân đó làm cho voi rừng bị cô lập trong vùng, thiếu nước, muối khoáng và thức ăn trong mùa khô hạn, nên chúng tìm đến khu vực canh tác của những người dân mới đến khai hoang để tìm thức ăn, phá hoại mùa màng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG