Kho cổ vật giữa đại ngàn Trường Sơn

Kho cổ vật giữa đại ngàn Trường Sơn
TP - Nằm cách huyện lỵ Đông Giang (Quảng Nam) gần 10 cây số đường rừng, con đường dẫn đến Ađiu mới được mở cách đây 4 năm, còn gập ghềnh. Thế nhưng, cái thôn nhỏ nằm ở cuối con đường ấy lại có cả một kho cổ vật mà ít ai biết đến.

Biết tôi có ý định vào Ađiu, anh bạn làm ở Chi nhánh Điện lực huyện Đông Giang bảo: Mấy hôm nay trời nắng, đường ráo còn đi được, chứ trời mưa thì chịu. Con đường đất gập ghềnh, có đoạn dốc đứng phải cài số đẩy bộ xe mới qua được. Càng vào sâu càng thấm nỗi truân chuyên của người dân.

Ađiu có 58 hộ, với 249 nhân  khẩu. Những căn nhà vách nứa mới được dựng lại sau đợt sạt lở đất, hậu quả của cơn bão số 9. Hầu như chỉ có người già và trẻ em ở nhà. Người lớn đều lên nương, rẫy.

Trưởng thôn Hôih Mor dẫn tôi vào căn nhà xây duy nhất của Ađiu, nhà anh Arich Blươi. Đập vào mắt chúng tôi là một bảo tàng với những chum, ché, chiêng, nồi, mâm đồng... Anh Blươi hồ hởi: “Xây được cái nhà ni cũng là tiền bán ché đó. Mua tivi, đầu máy, máy xay xát cũng nhờ tiền bán ché hết”.

Chúng tôi chưa hết ngạc nhiên, trưởng thôn Mor bảo: “Ở thôn này, nhà nào cũng có ít nhất bốn đến năm cái ché như thế. Nhà khá giả thì có đến hơn hai mươi cái kia đấy. Còn nồi đồng, mâm đồng nhà nào cũng có”.

Quả vậy, đi khắp thôn Ađiu vào nhà nào cũng thấy cơ man nào ché, nào chiêng, nào nồi đồng, mâm đồng. Gia đình già Arich Bung, già Arất Lía có đến khoảng hơn 20 ché to nhỏ các loại. Ngay cả căn nhà xập xệ mới được dựng lại của già Arich Ablôô, cũng có bốn cái ché xưa, ba cái chiêng và vài cái mâm đồng, nồi đồng.

“Rứa là ít lắm rồi, chứ cách đây khoảng chục năm, chiêng ché, nồi đồng... còn gấp ba, gấp bốn lần bây chừ đó”. Phần lớn những cổ vật này được người Cơtu ở Ađiu truyền từ đời này sang đời khác. Thế nên, ngoài một số ché mới được người dân mua về, đa số cổ vật nơi đây có ít nhất trên trăm năm tuổi.

Chảy máu

Thực tế đáng buồn là cổ vật ở Ađiu đang âm thầm ra đi. Anh Blươi kể, năm vợ anh sinh đứa con trai đầu lòng, có hai người dưới xuôi lên ngỏ lời mua ché xưa với giá 30 triệu đồng một cái.

Lúc ấy Ađiu vẫn chưa có đường cái vào thôn; ra huyện lỵ có khi phải mất cả nửa ngày đường rừng. Cuộc sống ở Ađiu chủ yếu là tự cung tự cấp, sau mùa rẫy lại đói. “Có nhiều tiền, không bị đói, bị khổ nữa nên nhà Blươi bán luôn bốn cái, nhờ rứa mới có tiền làm nhà, mua tivi, máy xát đó”.

Thấy có tiền, người trong làng cũng đua nhau bán ché, rồi sau bán cả chiêng, cả mâm đồng, nồi đồng... Anh Hôih Chót, chỉ vào ba cái chiêng nơi góc nhà, kể: “Cách đây mấy hôm có người dưới xuôi lên mua hai cái rồi, mình bán được sáu triệu”. Rồi cũng có gia đình đem ché xưa đi đổi ché mới. “Một cái ché xưa đổi được 20-30 cái ché mới mà” - anh Chót kể.

Ché cổ, chiêng cổ... lần lượt ra đi theo những người buôn đồ cổ về xuôi. Thỉnh thoảng vẫn có người lên hỏi mua ché, mua chiêng. Ché xưa được hỏi mua với giá từ 10- 40 triệu đồng/chiếc. Chiêng, nồi đồng, mâm đồng thì từ ba đến bảy triệu đồng. Cá biệt, có chiếc ché như ché nhà anh Blươi được hỏi mua với giá 120 triệu đồng. Nhưng anh Blươi nhất quyết không bán.

Thế mà từ trước đến nay không biết đã có bao nhiêu chiêng, ché cổ... biến mất cùng với những vụ mua bán qua tay. Rồi những đợt mưa bão làm đổ, vỡ một ít. Chiêng ché cổ ở Ađiu nay may ra chỉ còn phần ba, phần tư so với mười năm trước.

Khi được hỏi về công tác phát hiện, bảo tồn và bảo vệ cổ vật ở Ađiu, anh Hôih Đức, Phó Chủ tịch xã Arooi cho biết : “Từ trước đến giờ chưa có đoàn nghiên cứu nào đến khảo sát về số cổ vật ở Ađiu. Huyện, tỉnh cũng chưa hề có công văn chỉ đạo về việc bảo tồn, gìn giữ cổ vật. Chỉ có những già làng, người lớn tuổi khuyên con cháu không nên bán nữa mà gìn giữ cho con cháu đời sau, lưu truyền giá trị truyền thống của mình”.

Ai biết được cùng với những khắc nghiệt của thời gian, ma lực của đồng tiền, kho cổ vật này có còn tồn tại được bao lâu?  

MỚI - NÓNG