Khóc cùng hai người đàn bà bên sông Đà

Khóc cùng hai người đàn bà bên sông Đà
Chúng tôi như hóa đá ngồi nghe Sỹ kể. Bé Hường ôm chặt lấy mẹ thút thít khóc. Nghiệp nằm bất động trên chiếc giường kế bên, thỉnh thoảng lại buông những tiếng thở dài.

Cuộc hành trình ngược Tây Bắc của chúng tôi bị khựng lại ở bản Phố thuộc huyện Bắc Yên (Sơn La). Làm khách trọ bất đắc dĩ trong ngôi nhà nhỏ xíu của hai chị em người Mường tên là Sỹ và Nghiệp. Một đêm nghỉ trọ bất ngờ đối với cả chủ lẫn khách là dịp chúng tôi được nghe câu chuyện của hai người đàn bà đẹp người nhưng phận mỏng. Ngôi nhà họ đang ở chính là nơi để  họ trốn tránh hai người chồng tàn bạo.

Cung đường dài hơn 10km tuyệt không một bóng người hay một ngôi nhà nào. Tứ bề toàn núi chất ngất mà chiếc xe máy dã chiến của chúng tôi lại tắc ngỏm bởi mưa lớn. Đúng lúc đó, một ngôi nhà nhỏ nằm lẻ loi ngay ven đường chạy dọc sông Đà hiện ra. Cánh cửa đóng kín bưng có tấm biển “cơm bình dân” bằng gỗ buộc chặt vào chiếc cọc tre. Chúng tôi được đón tiếp.

Mọi thứ trong nhà đều đơn giản nhưng gọn gàng ngăn nắp. Hai chiếc giường đôi, mấy chiếc bàn dành cho khách ăn cơm. Cả nhà chỉ có bốn người. Người chị cả kiêm chủ nhà tên Sỹ. Cô em tên là Nghiệp và hai đứa con của Sỹ. Tôi nhận ra ngay ngôi nhà còn thiếu vắng một điều gì đó, có lẽ là hơi ấm của đàn ông, trụ cột gia đình.

Mất khá nhiều thời gian để vòng vo Tam Quốc, cuối cùng cuộc trò chuyện giữa khách và chủ trở nên thân mật hơn, không còn những lo lắng viễn vông. Sỹ luôn miệng thanh minh: “Nhà em một bề các anh thông cảm”. Màn đêm bao phủ khắp núi rừng, trời vẫn tiếp tục mưa. Thằng bé Hưng ôm chặt dì Nghiệp hóng chuyện.

Chúng tôi như hóa đá ngồi nghe Sỹ kể. Bé Hường ôm chặt lấy mẹ thút thít khóc. Nghiệp nằm bất động trên chiếc giường kế bên, thỉnh thoảng lại buông những tiếng thở dài. Họ là hai chị em gái sinh ra và lớn lên ở bản Tân Giáo, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Cũng như bao cô gái Mường khác, hai chị em Sỹ và Nghiệp lấy chồng sớm. Sỹ bị cha mẹ gả cho người ta khi 15 tuổi. Nghiệp 14 tuổi lấy người đàn ông hơn mình gần hai con giáp. Giọng Sỹ thỉnh thoảng đứt đoạn: “Phận em xấu nên lấy phải thằng chồng tệ bạc, nghiện ngập, cờ bạc, rượu chè, đĩ điếm. Hắn đánh đập em suốt ngày. Không rượu, đánh. Không tiền mua thuốc hút, đánh. Đánh đến thâm tím mặt mày, đấm mỏi tay mới thôi. Anh ta còn đưa điếm về nhà, đuổi mẹ con em xuống ngủ dưới bếp.

Có lần anh ta bảo em vay tiền ngân hàng làm nhà. Tưởng anh ta tu chí với gia đình nên em làm đơn vay. Nào ngờ anh ta ôm tiền dông luôn theo ả cave kia. Mình em gánh chịu khoản nợ trong khi mẹ con em không có lấy một miếng ăn vào bụng. Hằng đêm em lần mò lên núi bới trộm sắn nghiền ra nấu cháo nuôi con. Quẫn bách quá em lên rừng ăn lá ngón. May có người bắt gặp đưa đi viện”.

Mắt Sỹ đỏ hoe: “Em đi viện về được một thời gian thì nợ ngân hàng đã đến hạn phải trả. Họ thường xuyên đến đòi. Một đồng không có, lấy đâu ra tiền triệu. Thế là em nhảy xuống sông Đà. Một lão thuyền chài tốt bụng lại cứu sống em”...

Tưởng chừng đến thế là tột cùng đau khổ. Nào ngờ sau khi phiêu bạt bốn phương, chồng Sỹ lại mò về và càng tợn hơn. Một lần đi uống rượu, chẳng biết duyên cớ thế nào, gã vác cả chiếc ghế băng đập vào đầu Sỹ rạn cả hộp sọ. Bé Hường lao vào ôm mẹ cũng bị chiếc ghế giáng vào đầu chảy máu nhoe nhoét.

Một đêm, Sỹ tìm lối thoát cho mình bằng cách ôm con chạy trốn. Mấy mẹ con chạy đến xã Mường Khoa, thuộc huyện Bắc Yên rồi trú vào túp lều tranh xiêu vẹo của công  nhân làm đường bỏ hoang từ lâu. Những ngày đầu lên núi đào củ sắn, củ mài ăn qua ngày. Thương tình, người cho cái này, người giúp cái khác. Có người tốt bụng cho vay vốn để mẹ con Sỹ mở quán lá bên Quốc lộ 13. Ông trời chẳng phụ người có công. Chăm chỉ làm ăn nên cuộc sống dần ổn định. Hai đứa con của Sỹ nay được học hành tử tế. Nợ ngân hàng cô cũng trả. Có điều mỗi khi trái gió trở trời, vết thương do bị đánh vào đầu của cô lại tái phát. Vài tháng mẹ con cô lại phải bắt xe xuống Hà Nội hoặc lên Sơn La để chữa trị...

Lúc mới gặp, tôi hỏi hai con của sỹ “Bố cháu đâu?”. Nó bảo chết lâu rồi. Tôi trách các cháu không ngoan. Sáng hôm sau, cái Hường mới vén mái tóc của nó lên cho tôi xem. Một khoảng trán bị hóp vào. Đấy là vết chiếc ghế băng bị bố cháu đánh...

Còn Nghiệp, em gái Sỹ, hẩm hiu không kém. Chồng cô thích dùng tay chân chứ không thích lời nói. Cô thành bị bông để chồng mặc sức đấm đá. Can ngăn hắn uống rượu, đánh. Uống say, đánh dã man hơn. Có lần hắn lột hết quần áo của cô ra đánh. Cả bản đến xem mà không ai dám vào cứu. Lúc nào hắn cũng lăm lăm khẩu súng kíp trong tay. Một lần đi xem đá bóng, đội Việt Nam thua Thái Lan, hắn trút nỗi bực dọc bằng cách lôi vợ ra đánh. Hắn đá cô từ góc nhà này sang góc nhà kia cho tới khi mệt mới chịu lăn ra ngủ.

Mới ngoài 20, mấy năm sống với chồng mà cô đã tự tử đến 5 lần. Nhưng chết đâu có dễ. Nghiệp trốn sang Bắc Yên ở cùng chị và các cháu. Cách quê cả trăm cây số mà lúc nào chị em cô cũng nơm nớp. Nghiệp hỏi tôi: “Nếu mình đòi ly dị thì có phải đi tù không? Hắn nói với em, nếu vợ bỏ chồng, vợ sẽ phải đi tù?”. Khi cưới nhau, họ không hề có đăng ký kết hôn.

Chia tay với chị em Sỹ vào buổi sáng đẹp trời, bé Hưng nắm chặt tay tôi: “Chú nhớ khi trở về vào nhà cháu chơi nhé. Cháu có việc này muốn nhờ chú”. Tôi gặng hỏi, Hưng kéo tôi ra xa rồi ghé vào tai tôi: “Cháu muốn nhờ chú đưa một bức thư về thăm ông bà ngoại”.

MỚI - NÓNG