Khóc với đàn nai ngơ ngác ở Cư Êbur

Nai ăn đơn giản cỏ và lá cây
Nai ăn đơn giản cỏ và lá cây
TP - Vấn đề tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp luôn là bài toán khó, với điệp khúc nông sản hễ cứ được mùa thì lại rớt giá. “Bài ca muôn thuở” ấy đang làm khổ nghề nuôi nai ở xã Cư Êbur, ngoại thành Buôn Ma Thuột. Giá nhung và con giống hươu nai bỗng tụt dốc không phanh khiến cuộc sống của người dân Cư Êbur rơi vào khốn khó.

Cười, khóc với nghề

Nai vốn là loài động vật hoang dã, có sức đề kháng cao nên rất dễ chăm sóc và nuôi dưỡng. Những năm trước, nhung nai có thị trường lớn, thịt bán với giá cao. Nhung nai không chỉ có giá trị kinh tế cao mà còn là một trong 4 loại thuốc quý “Sâm, nhung, quế, phụ” chữa nhiều bệnh.

Nghề nuôi nai ở Nghệ An, Hà Tĩnh đã phát triển từ những năm 20 của thế kỷ trước, được ca ngợi như mô hình xóa đói giảm nghèo hiệu quả, hàng nghìn hộ dân theo nhau nuôi nai. Cứ thế, nghề nuôi nai lấy nhung lan ra nhiều tỉnh từ Bắc đến Nam, theo các hộ dân đi kinh tế mới vào Tây Nguyên lập nghiệp. Nhung nai trở thành mặt hàng xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế cao, không ít địa phương có làng nuôi nai, câu lạc bộ nuôi nai.

“Chỉ có cách liên kết với doanh nghiệp tổ chức bài bản, khoa học từ chọn giống, kỹ thuật nuôi cho đến thu hoạch, bảo quản và chế biến sản phẩm theo hướng phân cấp, đa dạng… hợp với nhu cầu phong phú của người tiêu dùng thì mới giải quyết được vấn đề cho đàn nai lấy nhung ở Cư Êbur”.

Ông Đinh Văn Lương, Bí thư Đảng ủy xã Cư Êbur

Ở xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột ban đầu chỉ có vài gia đình quê Nghệ An, Hà Tĩnh đưa nai vào chơi cảnh, thấy có lợi họ bắt đầu nhân đàn kinh doanh. Hơn 10 năm trước, nghề nuôi nai ở Cư Êbur phát triển mạnh. Nuôi nai nhàn mà lãi cao hơn cà phê, lại cho nguồn phân chuồng lớn bón cây trồng. Hàng trăm gia đình ở Cư Êbur chuyển hướng nuôi nai. Thương hiệu nhung nai Cư Êbur nức tiếng. Các tỉnh lân cận tìm đến Cư Êbur mua nhung và nai giống về nuôi, không ít nông dân thành triệu phú nhờ nuôi nai. Không giàu sao được, khi mỗi kilôgam nhung nai bán giá hơn chục triệu, một con nai giống năm bảy chục triệu mà thức ăn thì chỉ có cỏ và lá cây.

Mỗi năm một con nai đực cho 2 lần nhung, trung bình khoảng 5 - 7kg/con/năm, nai cái sinh mỗi năm 1 con. Nai con dễ nuôi ít bệnh, chỉ nuôi 6 tháng bán giá vài chục triệu đồng, nai khoảng hơn 1 năm đã cho cắt nhung lứa đầu. Khách khắp nơi đến đặt hàng, thương lái mua nhung số lượng lớn đưa ra các tỉnh ngoài Bắc, lắm khi không có nhung mà bán.

Nhưng hơn 1 năm nay, đầu ra sản phẩm gặp khó, nai giống bão hòa, nhung nai rớt giá, người nuôi như ngồi trên đống lửa. Giá nhung nai rớt thảm từ hơn 10 triệu đồng/kg xuống còn 4 triệu đồng/kg, nai giống từ năm bảy chục triệu đồng nay còn đôi ba chục triệu. Nhung nai rớt giá, thương lái gom nhung cũng mất dạng. Nai giống không có người mua, giá nai thương phẩm ngang bò thịt. Người nuôi nai khóc dở, mếu dở vì vẫn cứ phải giữ đàn nai chờ cơ hội.

Không bán được, xẻ nhung ngâm rượu uống chơi

Chúng tôi tìm đến “làng nai” Cư Êbur vào mùa cắt nhung nai cuối năm. Đi vòng từ đầu thôn này vòng lên xóm khác, đâu đâu cũng thấy biển treo “Tại đây có bán nhung nai”.

Khóc với đàn nai ngơ ngác ở Cư Êbur ảnh 1 Nhung đến tuổi cắt mà chưa có khách mua
Ông Trần Trọng Khánh, trưởng thôn 2 buồn rầu nói: “Những năm trước, vào mùa nai ở đây nhộn nhịp lắm, kẻ mua người bán sôi động. Còn năm nay, không khí trầm lắng lạ thường, các hộ đã cắt lứa nhung cuối năm nhưng không có người mua, có lẽ cung đã vượt cầu quá mức”. Mang ra cặp nhung nai bám đầy tuyết vì nằm tủ lạnh quá lâu, ông Khánh nói tuần trước, gia đình cũng vừa cắt một cặp nhung khoảng gần 2kg, không có người mua, đành để tủ đá chờ con gái về mang xuống TPHCM bán.   

Hiện tại, giá nhung chỉ còn hơn 4 triệu đồng/kg mà vẫn khó bán. Nhiều gia đình không có mối bán nhung đành thái ra ngâm rượu uống hoặc mang đi biếu người thân, bạn bè. Nhung mất giá, nai giống cũng chẳng khá hơn, mấy năm trước giá một con từ 6 - 7 tháng tuổi bán 18 - 20 triệu đồng, nay chỉ 7 - 8 triệu đồng.

Thôn 2 có gần 600 hộ thì đến hơn 70% hộ nuôi nai. Nhà nuôi ít thì 2 - 3 con, nhiều thì 8 - 9 con. Trước đây, nai giúp bà con nông dân thôn 2 cải thiện kinh tế, thoát nghèo. Nuôi nai vừa làm giàu, vừa chơi cảnh và còn cho nguồn phân chăm bón cây trồng. Những năm trước, nhung đắt khách đông, mối lấy hàng số lượng lớn đều đặn, không có đủ nhung mà bán.

Ông Trần Toàn 56 tuổi (ở thôn 3), là một trong những người nuôi nai kỳ cựu với hơn 20 năm kinh nghiệm. Hiện tại, trong chuồng nhà ông còn 9 con, cả nai lấy nhung, sinh sản và nai con. Ông Toàn mở tủ lạnh lấy ra cho chúng tôi xem cặp nhung của chú nai mới trưởng thành, vừa cắt đang phải bỏ tủ đá chờ khách, rồi vào phòng trong mang ra mấy hũ rượu nhung nai thái lát ngâm với sâm và vài bịch nhung đã phơi khô. “Mỗi năm gia đình tôi thu hơn 100 triệu từ nhung nai, năm nay nhung ế phải nhờ “cò” dẫn mối bán giá rẻ mà cũng không có người mua. Tôi phải thái ra ngâm rượu, phơi khô mới để được lâu nếu may mắn gặp khách bán đi cũng vớt vát được đôi chút”, ông Toàn nói.

Ông Toàn đang giới thiệu sản phẩm với chúng tôi thì một người hàng xóm dắt khách đến mua nhung để gửi ra nước ngoài làm quà cho con. Vị khách yêu cầu nhung còn trên đầu con nai, nhưng vì nhung đến tuổi ông phải cắt trước bỏ tủ nên khách từ chối.

Giữ giống làm… của hồi môn

Ông Đinh Văn Lương - Bí thư Đảng ủy xã Cư Êbur chia sẻ: Nghề nuôi nai lấy nhung chưa tìm được lối thoát, thị trường tiêu thụ ngày càng thu hẹp và mất dần. Thời gian trước, doanh nghiệp Hoàng Quyến thu mua nhung nai chế biến sấy khô, ngâm rượu bán cho khách du lịch, đổ mối xuống TPHCM, đưa ra các tỉnh phía Bắc làm nguyên liệu thuốc, xây dựng thương hiệu nai Cư Êbur, nhờ vậy người nuôi nai không phải lo lắng về chuyện đầu ra cho sản phẩm. 

Nhưng gần 2 năm nay, thương lái buôn bán không có lời do nhu cầu thị trường giảm. Đặc biệt từ khi đầu mối xuất sang thị trường Trung Quốc bị cắt, doanh nghiệp không cầm cự nổi đành đóng cửa, ngừng thu mua, bà con nuôi nai lâm vào cảnh bí đầu ra. Đàn nai giảm dần, đầu năm 2014 đàn nai gần 2.500 con nay chỉ còn khoảng 2.000 con.

Khóc với đàn nai ngơ ngác ở Cư Êbur ảnh 2 Rượu nhung nai, nhung nai sấy khô
Theo ông Lương, chỉ có cách liên kết với doanh nghiệp tổ chức bài bản, khoa học từ chọn giống, kỹ thuật nuôi cho đến thu hoạch, bảo quản và chế biến sản phẩm theo hướng phân cấp, đa dạng… hợp với nhu cầu của người tiêu dùng thì mới giải quyết được vấn đề cho đàn nai lấy nhung ở Cư Êbur.   

Gia đình ông Phạm Nguyên (ở thôn 3), nuôi nai được 2 năm, mới cắt nhung lứa đầu thì gặp phải thời nhung nai rớt giá. Từ khi giá nhung giảm, nai giống cũng giảm một nửa, một con nai giống chỉ bằng một con bò. Thời gian gần đây, người dân còn bán cả nai thịt. “Vì nhung giảm giá, nai giống mất giá nhiều, người nuôi đành bán cả thịt nai. Tuần trước, tôi gặp một gia đình giao cho thương lái con nai 1,5 tạ còn nguyên nhung, họ cưa đầu nai ngay tại nơi”, ông Nguyên kể. Hiện tại, chính quyền xã đang nỗ lực vận động, khuyến khích người nuôi nai cố gắng duy trì đàn hiện có để chờ cơ hội.

Từ lâu con nai được coi là tài sản có giá trị tiêu biểu, đặc trưng cho cuộc sống của người dân làng nai Cư Êbur. Khi dựng vợ, gả chồng cho con cái, con nai là của hồi môn không thể thiếu. Vì vậy, người dân nơi này đang tha thiết mong có sự hỗ trợ, giúp đỡ từ nhiều phía để thương hiệu “Nhung nai Cư Êbur” tìm được chỗ đứng trên thị trường, giữ được nghề truyền thống cha ông để lại.

MỚI - NÓNG