Khu phố nghèo giữa quốc đảo sư tử

Đánh cờ mỗi ngày. Ảnh: Trần Nguyễn Anh
Đánh cờ mỗi ngày. Ảnh: Trần Nguyễn Anh
TP - Nói tới quốc đảo Singapore người ta nghĩ ngay tới những tòa nhà tỷ đô, những siêu thị đắt đỏ tầm cỡ thế giới… nhưng, đằng sau những tòa nhà cao tầng vẫn còn góc chợ cũ kỹ như được lưu giữ lại từ một thời đại khác.

Dấu vết lịch sử

Phía sau những tòa nhà chọc trời của Singapore vẫn còn một cái chợ nhỏ chất đầy những hàng hóa rẻ tiền, những vải vóc, thuốc thang thơm mùi thảo dược như thể một góc phố người Hoa (Chinatown) của những năm 1950 vậy. Người lái taxi già cho biết, trước kia toàn bộ vùng này đều là phố Tàu hết, nhưng giờ đây nhà cửa cao tầng mọc lên làm thay đổi tất cả và chỉ còn một góc nhỏ phố phường được giữ lại như xưa. Ông chỉ cho tôi một cái chợ của người Hoa có gắn tấm biển: “Chinatown Complex”.

Chợ có đình hai tầng, nằm cạnh những chung cư nghèo. Những người Hoa quanh chợ, người chạy taxi thường ngồi ở những quán vỉa hè và thay vì uống những ly cà phê hàng chục đô la, họ uống thứ cà phê xoàng xĩnh trong ly giấy mỗi ngày với giá chỉ hơn một đô la Singapore. Một cụ già đã nghỉ hưu nói: “Tôi sinh ra lớn lên ở đây, từ một cậu nhóc cho đến giờ. Dù cuộc sống thay đổi, tôi vẫn yêu thích nơi đây”.

Hoàng, một người học về văn hóa học và tìm hiểu nhiều về Singapore nói: “Trước kia, nơi đây là một cái chợ nghèo xung quanh lại nhiều mồ mả, ít ai lai vãng. Người dân bảo rằng nhờ trước chợ có xây một ngôi chùa lớn, vùng đất này đã khởi sắc và nhiều người tìm tới sinh sống hơn xưa”. 

Khi chén rượu, khi cuộc cờ

Du khách châu Á khi tới Singapore thường được đưa tới sòng bài cực lớn chẳng khác gì một sân bóng đá, nơi người ta chơi bài theo những công nghệ tinh vi và các công trình vui chơi giải trí đồ sộ với các cửa hiệu bán món hàng tiền tỉ. Ở chợ Chinatown thì khác, ngày ngày, những người già lão vẫn cặm cụi bên những bàn cờ. Họ đi bộ, đi xe đạp, quây quần dưới gốc cây, người chơi cờ, người thì ngủ gật. Vài khách du lịch sà vào bàn cờ, họ được người dân địa phương tiếp đón niềm nở.

Những người đàn ông chơi cờ với khuôn mặt trầm mặc. Thật ra ở thành phố chật chội, tìm được bóng mát dưới một gốc cây để chơi cờ chẳng phải chuyện dễ. Trong các chung cư, người ta thường dành tầng trệt làm nơi sinh hoạt cộng đồng, ma chay, lễ lạt. Đôi khi người ta cũng đánh cờ ăn tiền. Ông Lý chơi một ván cờ và chừng mươi phút, ông đã giành chiến thắng. Ông vui mừng cất 20 đô la vào túi và không chơi nữa, đi ra ngoài cho người khác vào chơi. Ông Lý nói: “Chúng tôi đa số về hưu, rảnh ghé chơi, một người đánh, chục người xem”.

Cách đó không xa, một cửa hàng bán sách báo cũ với vô số những tờ báo, tranh ảnh từ những năm 1960-1970. Nhiều cuốn sách đã sờn gáy và cửa hàng sách cũ như đưa người ta lạc vào không gian của gần một thế kỷ. Màu sắc tranh ảnh đã tàn phai và những trang giấy ố vàng. Cộng đồng người Hoa chiếm hơn 60% dân số Singapore, họ sử dụng nhiều sách báo, ấn phẩm bằng tiếng Hoa giữa đất nước sử dụng cả tiếng Malay và tiếng Anh... Người bán sách đứng tuổi chỉ cho khách xem những đĩa phim của Lý Tiểu Long và nhiều băng nhạc của các ngôi sao Hoa ngữ. Tất cả chúng, dù được bọc cẩn thận trong giấy bóng, đều phai màu thời gian.

Lưu dấu văn hóa

Quốc đảo Singapore là một quốc gia đa văn hóa pha trộn giữa văn hóa Trung Quốc, Malay, Ấn Độ, Anh. Nơi đây, các bến cảng tấp nập giao lưu văn hóa nhộn nhịp hàng thế kỷ. Những chương trình truyền hình được chạy phụ đề bằng tiếng Anh giúp cho người ta dễ xem và dễ học tiếng Anh. Trong bối cảnh như vậy, cộng đồng người Hoa có ý thức bảo vệ bản sắc của mình. Chinatown Complex là một nơi như vậy. Cái chợ hai tầng, buôn bán đủ mặt hàng của người Hoa có đề một tấm biển di sản văn hóa “Heritage of our centres: Chinatown Market”.

Tấm biển khá khiêm tốn ấy nằm ngay cạnh xe rác, cách đó không xa là nhà vệ sinh công cộng. Rất nhiều hàng hóa vốn được bày bán chiếm dụng lòng lề đường trước đây đã được đưa vào trong chợ. Nhiều nhất là quần áo, những chiếc áo sườn xám đặc trưng của người Hoa và cả những chiếc áo dài cách tân của người Việt không rõ được sản xuất từ đâu.

Tiệm bán thiếp cưới đỏ rực, những hàng bán gậy chống cho người già, nhiều hàng bán đồ cũ, đồ cổ. Ngôi chợ di sản này được ban quản lý giới thiệu bắt đầu được khai trương từ năm 1983 tập hợp những người bán hàng rong trên phố từ những năm 1950. Những món đồ dùng hàng ngày của người phụ nữ Hoa xưa làm bằng tre nứa, những đôi hài và những cửa hàng trang sức bán vòng ngọc, dây đeo cho đàn bà con gái lấp lánh. Nhiều vật dụng cổ xưa ở đây là hàng thật chứ không phải đồ giả cổ. Chúng là vật dụng của các gia đình người Hoa thời kỳ đầu đặt chân tới hòn đảo.

Có nhiều người so sánh Chinatown Market với chợ Bến Thành và chợ Đồng Xuân, nhưng cô Lan, du khách đến từ Nghệ An nhận xét: “Chợ của người Hoa không nói thách, từng mặt hàng đều ghi giá cả hợp lý và không mặc cả”. Cách “kích cầu” của người Hoa đó là càng mua số lượng nhiều giá càng giảm.

Chinatown Market, chợ của người Hoa không hẳn chỉ là nơi kinh doanh thu lợi nhuận. Tôi nhìn thấy cả những cửa hàng bán đồ cũ, thậm chí một gian hàng chỉ bày bán những cái khoan tay và mấy cái điện thoại màn hình đen trắng cũ mèm, doanh số mỗi ngày chẳng đáng kể gì. Khách vắng vẻ, ông già bán đồ cũ ngồi ngủ say sưa.

Điểm tựa của giới trẻ

Ở Singapore, có lẽ chẳng nơi nào nghèo hơn là khu chợ Chinatown, nơi phần nhiều là người buôn thúng bán bưng. Một đĩa cơm gà ăn ở cửa hiệu ngay mặt phố cũng chỉ 3,5 đô la, rẻ bằng một nửa nơi khác. Những ly cà phê không đá. Những cái hố xí tồi tàn tới mức du khách Việt đi vào rồi hớt hải chạy ra: “Dơ quá” – họ nói với tôi. Những cửa sổ chung cư cắm sào dài mấy mét, phơi quần áo rợp trời.

Nhưng, cái chợ phố Tàu có một thứ giá trị vô hình nào đó đối với người Hoa ở Singapore. Ông Trần, người năm nay 85 tuổi và cả đời chạy taxi ngồi uống cà phê với tôi ở cổng chợ, bảo: “Những ngày Tết, những ngày lễ chúng tôi lại quây quần về đây, vui chơi buôn bán suốt ngày đêm”.

Trên tầng hai của đình chợ dành riêng cho ẩm thực, các món ăn của người Hoa rất ngon và rẻ bắt mắt các bạn trẻ. Dù chỉ có dăm người vào ăn, thực khách cũng đứng xếp hàng tuần tự. Từng đôi nam nữ tìm đến với các món ăn có từ thủa xa xưa và giá của chúng cũng phù hợp với túi tiền những người trẻ. Mùi chiên rán thơm ngậy.

Có đôi bạn trẻ đến chợ phố Tàu để chụp ảnh cưới, họ đều khá gầy và đẹp đôi. Thay vì chọn những tòa cao ốc chọc trời với những bể bơi vô cực thì họ lại chọn cái chợ cũ có giá cả rẻ mạt nhất xứ sở này.

Đôi bạn trẻ chụp ảnh khi những người buôn bán trong chợ đi qua và hỏi han những câu vui vẻ. Bộ ảnh cưới của họ sẽ trở nên độc đáo và con cháu sau này khi nhìn vào tấm hình cưới của tổ tiên sẽ như nhìn thấy một quá khứ lịch sử của tộc người Hoa từ Trung Hoa lục địa ra đảo xa lập nghiệp góp phần xây dựng nên quốc gia Singapore. Những người đánh cờ và những người bán hàng đều chúc phúc cho đôi bạn trẻ và tất cả họ cùng xuất hiện trong bộ ảnh cưới của đôi bạn trẻ cùng với cái chợ Chinatown bộn bề quần áo, đồ ăn, trang sức rực rỡ.

Khu phố nghèo giữa quốc đảo sư tử ảnh 1 Cửa hàng đồ trang sức
Khu phố nghèo giữa quốc đảo sư tử ảnh 2 Chụp ảnh cưới ở chợ

“Chợ Chinatown bán rất nhiều hàng hóa dành cho người châu Á, thái độ phục vụ rất nhiệt tình thân thiện, giá rẻ. Điều cô ngạc nhiên nhất là trong chợ có bán nhiều hàng hóa Made in Việt Nam. Cô mua 5 bộ quần áo trẻ em sản xuất tại Việt Nam với giá 2.700.000 đồng”. Cô Xuyến, một du khách đến từ Việt Nam nhận xét

MỚI - NÓNG