Kin khẩu Xamaki...

Kin khẩu Xamaki...
TP - Cũng là cái duyên may, đêm 21-6 Ngày Nhà báo Việt Nam được cụng ly với Thủ tướng Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào Thoongsing Thamavong. Kin khẩu Xamaki, đành trân trọng bê nguyên cả cụm từ tiếng Lào (ăn cơm đoàn kết) cái không khí ấy vào bài viết này vậy...

> Chuyện nước Lào: Runi, ở đây, ở đây...(P1)

Thủ tướng Lào (bìa phải) vui múa lăm vông
Thủ tướng Lào (bìa phải) vui múa lăm vông .

Thỉnh thoảng ngó trên tivi, Thủ tướng nước CHDCND Lào Thoongsing Thamavong thường xuất hiện trong các sắc phục dạng hộp nên tối nay ông giản dị trong chiếc áo sơmi màu vàng nhạt thấy hơi là lạ. Nhưng thoắt trở nên thân gần khi ông thân mật, thong thả hỏi đồng chí nhà báo quê đâu ở Việt Nam?

Chất giọng ấy, tôi có cảm giác, chẳng thể lẫn và chuẩn thuận với phong cách từ tốn mà ta quen gọi là chậm và chắc như cố hữu của người đứng đầu Chính phủ Lào.

Chừng như động thái cụng ly kin lẩu chỉ là cái cớ cho câu chuyện khỏi đứt đoạn? Nhạc nổi lên, ông quay sang mấy bàn bên nói, các bạn Lào múa với các bạn Việt Nam nhé.

Bữa cơm tối nay có lẽ chả nên dùng cụm từ dạ tiệc vì nó ngoại giao lẫn khách khí? Bởi chỉ là bữa liên hoan nhân kỷ niệm 14 năm ngày thành lập Ngân hàng Liên doanh Lào Việt.

Thủ tướng và các yếu nhân của đất nước Triệu Voi một số Bộ trưởng, Ủy viên Trung ương cùng ngồi với anh em cán bộ Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) sang dự. Để ý suốt lượt trên các mâm kiểu bàn tròn thực đơn đều hệt nhau.

...Tôi thưa lại câu hỏi vừa nãy của Thủ tướng, ông cười và vẫn chất giọng chậm rãi thế ra huyện Viêng Thoong của tôi cùng biên giới tỉnh Thanh với đồng chí...

Huyện Viêng Thoong, một huyện xa của tỉnh Hủa Phăn, nơi cư trú dân tộc Lào Lùm (ông Thoongsing là người Lào Lùm) Cái huyện tôi từng có mặt cùng với các đơn vị làm đường của Liên Hiệp 8 năm 1982 gian khó ấy giờ vẫn còn đậm trong tâm trí.

Cậu bé Thoongsing Thamavong mới 7 tuổi đã phải rời bản lên Sầm Nưa đi học. Sầm Nưa là chiến khu, là căn cứ kháng chiến. Suốt từ 1952 đến 1958, Thoongsing lúc thì học ở Sầm Nưa, lúc thì phải chạy sang huyện Xòn của tỉnh Hủa Phăn để theo học trong điều kiện thiếu thốn gian nan.

Năm 1959, Thoongsing tham gia phục vụ chiến đấu tại khu vực biên giới huyện Xòn và đến năm 1965 làm giáo viên, Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông Sầm Nưa.

Đến năm 1966, Thoongsing giữ chức Hiệu trưởng Trường phổ thông và Trường Trung cấp Sư phạm của Trung ương tại Xốp Xai và Na Khao, Huyện Viêng Xay, Tỉnh Hủa Phăn.

Câu chuyện lúc đứt nối nên tôi chưa kịp hỏi Thủ tướng thời gian ông học ở Việt Nam, nhất là mấy năm ở tỉnh Bắc Giang? Rồi trước khi phụ trách công tác tổ chức của Bộ Giáo dục Quốc gia Lào, ông có dịp trở lại Việt Nam nữa không?

Có lẽ Thoongsing Thamavong thực sự tham chính sau khi lấy bằng ở Học viện Chính trị và Hành chính cao cấp, sau đó phụ trách cơ quan báo chí với chức danh Chủ nhiệm Ủy ban Thông tấn Báo chí & Phát thanh Quốc gia rồi Phó ban Tuyên huấn Trung ương năm 1983. Ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Văn hóa 5 năm liền cho đến năm 1988...

Nâng ly Kin khẩu Xamaki...
Nâng ly Kin khẩu Xamaki....

... Ông uống rất ít. Chừng như động thái cụng ly kin lẩu chỉ là cái cớ cho câu chuyện khỏi đứt đoạn? Nhạc nổi lên, ông quay sang mấy bàn bên nói, các bạn Lào múa với các bạn Việt Nam nhé.

Tôi chăm chú hướng lên sân khấu để chứng kiến ông cựu Bộ trưởng Bộ Văn hóa Lào đi những bước lăm vông. Rất thuần thục bài bản và không kém phần duyên dáng. Chợt nhớ câu chuyện hồi nãy, ông bộc bạch rằng tôi biết và quen nhà tôi trong một đêm hội lăm vông ở Sầm Nưa. Đó là năm 1965. Vợ tôi cùng tỉnh Hủa Phăn nhưng khác huyện...

Để ý những bước lăm vông của ông cựu Bộ trưởng Văn hóa, nay đương kim Thủ tướng nó khác lắm với kiểu quỳnh quàng nhiệt tình kiểu lấy được của không ít cán bộ nhà mình mỗi khi vui hội với bạn Lào? Và nữa, khi ông Thủ tướng nhập cuộc, vẻ đăm chiêu thường thấy trên tivi ở các cuộc tiếp kiến chính khách dường như có tan loãng đi nhiều lắm!

Những ly rượu tới tấp ùa

đến chúc mừng Thủ tướng sau cuộc múa lăm vông. Ông cười từ tốn rằng để tý nữa mình còn phát biểu...

Còn tôi, trong cuộc chúc tụng, chợt thấy mình không còn có cơ hội nào để gợi tiếp câu chuyện với Thủ tướng, nhất là khúc nhôi ông vào Bộ Chính trị (năm 2000) rồi đảm nhận Trưởng Ban Tổ chức T.Ư, Thường trực Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy kiêm Đô trưởng Viêng Chăn.

Và nữa, ông từng là Chủ tịch Quốc hội nước CHDCND Lào. Rồi ngày 23/12/2010, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội Lào khóa VI, ông được bầu làm Thủ tướng Chính phủ nước CHDCND Lào.

Phát biểu của Thủ tướng đêm nay trước sự kiện thành lập Ngân hàng Liên doanh Lào Việt và 5 năm thành lập Công ty Liên doanh Bảo hiểm Lào Việt dường như cụ thể thêm, sinh động thêm diễn văn nhậm chức Thủ tướng năm nào. Ông từng nói:

Hiện tại Lào-Việt Bank đứng thứ 2 về quy mô vốn điều lệ, đứng thứ 4 về thị phần tổng tài sản. Lại vừa thực hiện thành công dự án chuyển đổi hệ thống Corebanking (phần mềm tích hợp các ứng dụng tin học) trị giá 4,3 triệu USD (hệ thống được xếp tốp 3 thế giới). Rồi khi Lào gia nhập WTO năm 2013, Ngân hàng Lào - Việt Bank phải đặt trong thế cạnh tranh rất lớn nhưng đã tiếp tục gặt hái thành công Dự án chuyển đổi ngân hàng v.v...

Tôi sẽ tạo điều kiện cho ngành kinh doanh và người dân Lào đảm bảo cuộc sống... Có lẽ Chủ tịch BIDV kiêm Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt đầu tư vào Lào Trần Bắc Hà đã gặp may trước nghĩa cử thẳng thắn của Thủ tướng Lào.

Bên tôi thoảng câu tục ngữ Lào “Tóc không nhiều phải độn thêm tóc. Bà con không nhiều phải chọn thêm bạn tốt” của một chị ở Văn phòng Quốc hội. Chợt nhớ tại vùng Bắc Lào quê hương của Thủ tướng Thoongsing, Việt Nam hiện có 127 dự án đầu tư (bằng 31,8% tổng số dự án đầu tư) với số vốn đăng ký xấp xỉ 302 triệu USD, được đầu tư tại 8/9 tỉnh Bắc Lào. Rồi mới đây, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã tổ chức Lễ động thổ xây dựng sân bay quốc tế Nọng Khang tại tỉnh Hủa Phăn. Đây là dự án xây dựng sân bay thứ hai mà Hoàng Anh Gia Lai được Chính phủ Lào cấp phép xây dựng cùng với dự án sân bay Attapeu.

Công trình sân bay quốc tế Nọng Khang có tổng vốn đầu tư 80 triệu USD được xây dựng trên khu đất có tổng diện tích 183 hec ta, chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 dự kiến hoàn thành vào năm 2015 chủ yếu tiếp nhận các máy bay loại nhỏ như ATR 72, Fokker 70… Bước sang giai đoạn 2, sân bay sẽ được nâng cấp để máy bay cỡ lớn như Airbus A320, Airbus A32 hoạt động.

Chỉ gần 2 năm nữa, về quê Hủa Phăn của Thủ tướng có thể đi bằng máy bay.

... Tạm ngưng câu chuyện với Thủ tướng Thoongsing Thamavong nhưng tôi lại nối thêm một cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Thương mại Lào. Vị Thứ trưởng trẻ này là em trai Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Xaysomphone Phomvihan.

Chắc đến đây nhiều người đã đoán ra. Anh em nhà ấy đều là con trai của cựu Tổng Bí thư Lào

Cay Xỏn Phomvihan kính mến!

(Còn nữa)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.