Kỳ 10 : Hy vọng trong tuyệt vọng

Kỳ 10 : Hy vọng trong tuyệt vọng
Sau khi nhận được tin Tổng thống Chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu đã từ chức, Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger gửi ngay cho Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn Graham Martin một bức điện khẩn chỉ thị tiếp tục “tôn trọng” Thiệu.

Kissinger hứa sẽ giúp đỡ Thiệu rời khỏi Việt Nam, nhấn mạnh rằng Mỹ không tham gia bất cứ kế hoạch nào của Pháp trong việc lật đổ Thiệu.

Giới chính trị Sài Gòn phản ứng trước việc Thiệu từ chức rất khác nhau, mức độ tùy thuộc vào động cơ của mỗi người. Một số nhân vật chủ chốt trong Chính quyền Sài Gòn bày tỏ vui mừng vì Thiệu từ chức là một cú đánh vào Mỹ.

Một số người khác, phần lớn là những sĩ quan trẻ tuổi tỏ ra bối rối vì theo họ Thiệu nên phải chịu trách nhiệm về những sai lầm của mình. Trong khi đó, hầu như chẳng có ai tỏ ra hài lòng trước việc Trần Văn Hương lên thay Thiệu làm tổng thống.

Dư luận chung về Hương là “già quá, hết đát”. Tuy nhiên, giới chính trị Sài Gòn lúc đó không thống nhất được quan điểm về những bước đi tiếp theo sau khi Thiệu từ chức là gì. Một số người vẫn còn một chút hy vọng ở một giải pháp thương lượng với Hà Nội.

Trong cuộc trò chuyện với các cộng sự hôm 22/4, Dương Văn Minh bày tỏ hy vọng có thể thương lượng được với phía bên kia. Tại Paris, người phát ngôn của Minh đã công khai kêu gọi ngừng bắn, nối lại cuộc đàm phán hòa bình tại Paris, và cả việc thành lập một chính phủ “đại diện chân chính”.

Trong sự tuyệt vọng, cựu Thủ tướng Trần Thiện Khiêm cũng nói với một người bạn CIA rằng ông ta muốn lập ra một nội các mới trong đó bản thân Khiêm và tướng Cao Văn Viên sẽ là những người vận động chính, Minh sẽ là Tổng thống. Mục đích là nhằm ngăn chặn cuộc tiến công của Bắc Việt, câu thêm giờ cốt để củng cố lại tinh thần cho quân đội Sài Gòn.

Vấn đề ở đây là có ai trong số những nhân vật chính trị nói trên thực sự tin tưởng ở tính thực tiễn của các lựa chọn nói trên hay không? Có trời biết. Thủ đoạn đã trở thành một yếu tố chính trong giới chính trị Sài Gòn.

Trong khi một số người vẫn muốn theo đuổi giải pháp thương lượng, nhiều người chưa yên tâm về Tư lệnh không quân Nguyễn Cao Kỳ có chịu “ngồi yên” hay không? Chỉ huy trưởng CIA tại Sài Gòn Polgar liền cử tướng Timmes tới gặp Kỳ để thăm dò.

Cuộc gặp này của Timmes khác nào đổ dầu vào lửa. Lúc đầu thấy Timmes tới thăm mình, Kỳ đã mừng thầm vì nghĩ rằng CIA đến để bàn về khả năng Kỳ sẽ lên làm Tổng thống thay Trần Văn Hương. Nhưng khi nghe Timmes hỏi liệu có khả năng nào về một cuộc đảo chính chống lại Dương Văn Minh hay không thì viên tư lệnh không quân hiểu ngay rằng người Mỹ đã chọn Minh thay Hương chứ không phải là Kỳ.

Ông ta liền phàn nàn một cách cay độc về những sự không phù hợp của Dương Văn Minh vào chức vụ đó, đồng thời đề nghị dành vị trí mới đó cho mình.

Trong khi đó người Pháp đang tranh thủ từng giây từng phút để can thiệp, vận động. Tham tán chính trị của ĐSQ Pháp tại Sài Gòn Pierre Brochand liên tục gặp gỡ Dương Văn Minh để chỉ đạo, khích lệ Minh đồng thời gạt bỏ mọi đối thủ của Minh. Sáng 22/4, được tin Trần Văn Đôn đã có một vài thiết kế lờ mờ về người sẽ làm tổng thống thay Hương, Pierre Brochand liền tìm Đôn để cảnh báo ông ta rằng chỉ có Dương Văn Minh mới là người mà Hà Nội có thể chấp nhận được.

Cuối buổi chiều hôm đó, Đôn tới ĐSQ Mỹ để báo cho Đại sứ Martin về ý định nói trên của người Pháp. Martin lúc đó vẫn còn đang bối rối tìm cách duy trì mọi thay đổi nhân sự của chính quyền Sài Gòn được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật.

Do vậy Marin muốn giữ Trần Văn Hương ở vị trí Tổng thống trong một thời gian nhất định. Nếu trong trường hợp không thể giữ được như vậy thì người thay Hương phải là Chủ tịch Thượng viện Trần Văn Lắm chứ không phải là ai khác. Vì theo luật thì Chủ tịch thượng viện là người chỉ đứng sau Tổng thống. Đại sứ Pháp Jean Marie Merillon kiên quyết phản đối quan điểm này của Đại sứ Mỹ Martin, cho rằng việc cố giữ cho phù hợp luật pháp lúc này là sự tự sát.

Trong khi lập trường của Mỹ và Pháp còn đang lấp lửng thì phản ứng đầu tiên của Chính phủ Chính phủ Cách mạng Lâm thời (CMLT) Cộng hòa Miền Nam Việt Nam về việc Thiệu từ chức là rất rõ ràng. Phát ngôn viên của Chính phủ CMLT tại sân bay Tân Sơn Nhất đã khẳng định với các nhà báo rằng việc Thiệu ra đi chẳng cải thiện được tình hình.

Người phát ngôn này cũng bác bỏ lời kêu gọi của Trần Văn Hương về một cuộc ngừng bắn. Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam từ Hà Nội thì tố cáo Hương là “tên phản bội, phản cách mạng” đồng thời đòi Mỹ phải từ bỏ cả tập đoàn Nguyễn Văn Thiệu chứ không phải chỉ mỗi cá nhân Thiệu cùng với việc chấm dứt mọi sự can thiệp vào Việt Nam, kể cả viện trợ quân sự.

Trước sự phản ứng rõ ràng và mạnh mẽ từ phía Hà Nội, Đại sứ Martin, chỉ huy trưởng CIA Polgar ở Sài Gòn và Ngoại trưởng Kissinger ở Washington vẫn tiếp tục tin là còn chỗ cho một giải pháp thương lượng. Trong khi đó, trên chiến trường phía quân đội Bắc Việt đã giành thêm được những thắng lợi ngoạn mục. Phan Thiết là thành phố cuối cùng của quân khu 2 bị thất thủ, nhóm tàn quân từ Phan Thiết chạy về Hàm Tân đang bị đối phương truy kích sát gót.

Lúc này, quân đội Sài Gòn  đã hoàn toàn rút khỏi Xuân Lộc trong khi bộ đội Bắc Việt đang tiến quân như vũ bão về phía Biên Hòa và Vũng Tàu. Chính thành phố Biên Hòa cũng đang bị pháo kích dữ dội khiến chỉ vài giờ sau khi Thiệu từ chức, tướng Nguyễn Văn Toàn phải dời chỉ huy sở của mình từ Biên Hòa vào Sài Gòn.

Ngày 23/4, Ngoại trưởng Kissinger gửi cho Đại sứ Martin một bức điện khẩn nói rằng có hai sự lựa chọn. Một là cố giữ Chính phủ Trần Văn Hương như hiện tại hoặc là tìm cách gộp cả kế hoạch của Pháp vào để lập ra một chế độ mới sao cho Hà Nội có thể chấp nhận được. Martin chấp hành nghiêm chỉ thị của Kissinger và đề nghị các nhân viên dưới quyền ông ta phải tuân thủ điều đó.

Giữa lúc đó, chỉ huy trưởng CIA Polgar tới gặp Đại sứ Martin đề nghị cho phép dùng tiền để mua chuộc hoặc hối lộ các nghị sĩ trong Quốc hội Sài Gòn nhằm sớm đưa Dương Văn Minh lên thay Trần Văn Hương.

(Còn nữa)

Kỳ sau: Tổng thống Trần Văn Hương đón nhầm vận mệnh

MỚI - NÓNG