Chính quyền Sài Gòn những ngày hấp hối

Kỳ 14: Vị Tổng thống 3 ngày và những quyết định khó hiểu

Kỳ 14: Vị Tổng thống 3 ngày và những quyết định khó hiểu
Vài chục phút trước khi hai viện Quốc hội Chính quyền Sài Gòn bỏ phiếu bầu Dương Văn Minh làm Tổng thống thay Trần Văn Hương, Đại sứ Pháp Jean Marie Merillon tự mình thực hiện nỗ lực cuối cùng mặc dù tuyệt vọng về một giải pháp thương lượng hòa bình.
Kỳ 14: Vị Tổng thống 3 ngày và những quyết định khó hiểu ảnh 1
Tướng Dương Văn Minh

Merillon đã bí mật tới Trại Davis ở trong phi trườngTân Sơn Nhất để trực tiếp tham khảo ý kiến các đại diện Cộng sản trong phái đoàn quân sự hỗn hợp.

Thật ngạc nhiên, các quan chức đại diện quân sự Bắc Việt và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam chỉ nhắc lại lập trường cứng rắn mà Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát trước đó. Trong khi nói hòa bình chỉ trở lại khi có sự rút hoàn toàn quân đội Mỹ, các quan chức này không hề cam kết sẽ  thương lượng với Dương Văn Minh.  Thế là hy vọng cuối cùng của Đại sứ Merillon tan thành mây khói.

Trong khi đó, một nguồn tin Hungaria tại phái đoàn Uỷ ban Quốc tế về Kiểm soát và Giám sát (ICCS) nói với chỉ huy trưởng CIA Thomas Polgar rằng đã hết thời hạn cho mọi khả năng thương lượng. Polgar thực sự bị sốc và không thể tin ở tai mình nữa.

Tại sao thời hạn lại hết đúng vào thời điểm Dương Văn Minh được bầu làm Tổng thống thay Trần Văn Hương? Phải chăng phía Chính quyền Sài Gòn chưa làm hết sức mình để phía cộng sản tin rằng mọi đòi hỏi của họ sẽ được đáp ứng? Liệu đây có phải là quan điểm thực sự của Hà Nội hay không?

Tại Washington, mặc dù các cơ quan tình báo Mỹ chưa nắm bắt được đầy đủ tình hình trên chiến trường Việt Nam nhưng Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger vẫn gửi cho Đại sứ Mỹ Martin một bức điện yêu cầu chuẩn bị cho việc di tản lớn.

Tối ngày 27/4/1975, Dương Văn Minh chủ động đề nghị và được ĐSQ Mỹ chấp thuận có cuộc gặp khẩn cấp với Đại sứ Graham Martin. Tham tán Chính trị ĐSQ Mỹ Joe Bennett dàn xếp cuộc gặp này tại nhà riêng của Dương Văn Minh. Khi Đại sứ Martin vừa tới nơi, Dương Văn Minh đã nói thẳng với Martin rằng vì mục đích lấy lòng cộng sản, Minh muốn toàn bộ nhân viên Mỹ làm việc trong Phòng Tuỳ viên Quân sự ĐSQ Mỹ (DAO) phải rời khỏi Sài Gòn vào thời điểm Dương Văn Minh nhậm chức ngày 28/4/1975.

Quyết định khó hiểu này của Minh khiến Martin kịch liệt phản đối. Khi đó Martin đã nói với Minh rằng chính bản thân Martin đã thông qua Đại tá Summers và phái bộ Mỹ tại ủy ban Quốc tế về Kiểm soát và Giám sát thông báo với Hà Nội rằng DAO sẽ chính thức đóng cửa vào ngày 30/4/1975.

Theo cảm nhận của Martin thì phía Hà Nội cũng đồng ý điều này, Do vậy không cần thiết phải đóng cửa DAO sớm hơn. Nghe Đại sứ Martin nói vậy, Dương Văn Minh cuối cùng cũng đồng ý lùi thời hạn thêm 24 tiếng đồng hồ nữa để DAO bắt đầu rút các nhân viên Mỹ. Điều này phải được hoàn tất vào ngày 30/4.

Sau này, Dương Văn Minh thừa nhận là sự nhượng bộ để cho DAO lùi thời gian rút các nhân viên quân sự Mỹ là một sai lầm chính trị nghiêm trọng nhất trong cuộc đời ông. Vì nếu ngay sau đó, cộng sản quyết định kết thúc sớm chiến dịch và đòi toàn bộ cố vấn quân sự Mỹ phải lập tức rút khỏi Sài Gòn thì sự chậm trễ ra đi của DAO chỉ tổ chuốc lấy tai họa.

Trong khi Ngoại trưởng Kissinger và Dương Văn Minh còn chưa thống nhất được quan điểm với Đại sứ Martin về việc di tản, CIA đã quyết định thực hiện  vận chuyển ra nước ngoài những nhân vật chủ chốt. Tại Washington, CIA còn liên hệ với Bộ Quốc phòng Mỹ để xin dành riêng một chiếc máy bay cho CIA Sài Gòn sử dụng.

Tối ngày 27/4/1975, chỉ huy trưởng CIA Thomas Polgar và các cộng sự của ông đã tổ chức một chuyến bay hoàn toàn bí mật sang Philippines. Trong số những người rời Sài Gòn trong chuyến bay này có cả một số nhân vật cộm cán trong Chính quyền Sài Gòn như cựu Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn, tướng Nguyễn Khắc Bình, em họ cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu là Hoàng Đức Nhã…

Vào lúc đêm khuya cùng ngày, sĩ quan cao cấp CIA Frank Snepp nhận được điện thoại của sĩ quan trực ban yêu cầu đến ĐSQ Mỹ gấp để xử lý tin mới nhất về lập trường của Hà Nội công bố trên Đài Tiếng nói Việt Nam.

Nội dung bản tin này có thể đoán được là rất gay gắt, nói rằng sự cải tổ Chính quyền Sài Gòn bằng việc Tổng thống Trần Văn Hương bị phế truất, Dương Văn Minh lên thay thế là một âm mưu rất thâm độc. Việc thay thế đó chẳng qua là chỉ nhằm mục đích thay Thiệu và Hương bằng tay sai của chúng nhằm cứu vãn Chính quyền Sài Gòn.

Thế là đã rõ. Nếu chỉ huy trưởng CIA Thomas Polgar còn cần bằng chứng để chứng minh mọi cơ hội thương lượng đã hết và Dương Văn Minh cũng không được Hà Nội chấp nhận thì bản tin này chính là điều mà Polgar cần. Frank Snepp liền nhấc máy điện thoại cho Polgar về bản tin của Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, từ đầu dây bên kia Polgar gầm lên rồi cúp máy.

Trong khi đó, tại tư dinh của mình ở số 100 đường Hồng Thập Tự, Dương Văn Minh vẫn đang “đánh vật” với việc lựa chọn các ứng cử viên vào nội các mới. Tình hình Sài Gòn khi đó căng như mặt trống. Các lực lượng cộng sản đang tiến vào thành phố từ nhiều hướng.

Phát ngôn viên báo chí của Dương Văn Minh thúc giục ông ta hãy dừng việc thành lập nội các rồi tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Nhưng tướng Minh không đồng ý đầu hàng trong hoàn cảnh đó. Bản thân Minh vẫn còn cảm thấy quân đội chính quyền Sài Gòn còn có thể là thứ để mặc cả cho một giải pháp chính trị.

Minh ra lệnh cho Phó Tổng thống mới được bổ nhiệm Nguyễn Văn Huyền công bố kết quả cuộc gặp bí mật tối qua với Đại sứ Mỹ. Khoảng giữa trưa Huyền công bố rằng chính phủ mới của Dương Văn Minh sẽ “không phản đối” nếu các cố vấn quân sự Mỹ rút khỏi Việt Nam trong 24 giờ tới.

Suốt buổi sáng 28/4/1975, Dương Văn Minh vùi đầu vào việc nâng lên, đặt xuống các nhân vật thất sủng trên sân khấu chính trị Sài Gòn để tìm người vào nội các mới. Các ứng cử viên lũ lượt đến nhà riêng của Dương Văn Minh để xin một chân trong chính phủ. Minh chỉ bắt tay họ lạnh lùng, gật đầu mà không cam kết gì rồi  mời họ vào vườn phong lan sau nhà chờ.

Đối với Minh, tất cả những ứng viên này đều không đạt yêu cầu. Người thì quá diều hâu, kẻ lại quá hèn nhát. Cuối cùng Dương Văn Minh lại đưa ra quyết định khó hiểu rằng ông sẽ tuyên thệ nhậm chức chỉ với một chính phủ 3 người gồm Thủ tướng Vũ Văn Mẫu và Phó Tổng thống Nguyễn Văn Huyền. Liền đó, Minh tạm hoãn việc bổ nhiệm các bộ trưởng.

Kỳ cuối: Di tản hoảng loạn và sụp đổ

MỚI - NÓNG