Kỳ 2: Cuộc họp Nội các và Chiến lược “Nhẹ đầu nặng đuôi” của Tổng thống Thiệu

Kỳ 2: Cuộc họp Nội các và Chiến lược “Nhẹ đầu nặng đuôi” của Tổng thống Thiệu
Tổng thống Chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu là một nhà quân sự, đã từng đọc “Chiến tranh nhân dân” và trải qua chỉ huy chiến đấu ngoài mặt trận.

Khi thiếu tướng Phạm Văn Phú rút khỏi Ban Mê Thuột, với sự nhạy cảm của một nhà binh nghiệp, Tổng thống Thiệu hiểu rằng các trận tấn công của đối phương rải rác khắp nơi cuối cùng rồi cũng chỉ nhằm mục đích làm cô lập Sài Gòn và buộc quân đội Việt Nam Cộng hòa phải dàn trải, căng ra để đối phó. Lúc này phía Việt Nam Cộng hòa chỉ có 3 sư đoàn được triển khai để bảo vệ Sài Gòn. Trong 3 sư này có 2 sư  mới được thành lập. Ngoài ra các lữ đoàn thủy quân lục chiến, không vận và biệt kích được giao nhiệm vụ bảo vệ Sài Gòn và dự bị thì lại chưa được thử thách qua chiến đấu.

Trong khi đó, quân đội Bắc Việt đã triển khai được một lực lượng tương đương 6 sư đoàn tại các khu vực quanh Sài Gòn. Như vậy, lực lượng của quân đội Sài Gòn là quá nhỏ so với đối phương. Để tăng cường phòng vệ Sài Gòn, ngày 12/3/1975 Tổng thống Thiệu đã gửi một bức điện khẩn cho tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh quân khu 1 ở Đà Nẵng. Bức điện yêu cầu tướng Ngô Quang Trưởng phải chỉnh sửa lại kế hoạch quân sự của mình để điều sư đoàn không vận về bảo vệ Sài Gòn ngay lập tức.

Sáng hôm sau, Tổng thống Thiệu triệu tập cuộc họp của Hội đồng an ninh quốc gia để công bố một quyết định đầy kịch tính. Sau nhiều tháng tranh cãi trong nội bộ, cuối cùng Tổng thống Thiệu đã phải chấp nhận và thực hiện cái điều mà thuộc cấp của ông ta đã thúc giục từ lâu. Đó là hãy từ bỏ một số vùng đất kém hiệu quả thuộc quân khu 1 và quân khu 2 rộng lớn để tập trung lực lượng về bảo vệ Sài Gòn. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu gọi đây là một khái niệm chiến lược mới “Nhẹ đầu nặng đuôi” (Light at the Top, Heavy at Bottom”.

Thực ra thì trước đó 2 tuần, Thủ tướng Chính quyền Sài Gòn Trần Thiện Khiêm và một nhóm chuyên gia đã nghiên cứu kế hoạch này. Lúc đầu, việc nghiên cứu chỉ nhằm mục đích lập  kế hoạch dự phòng để phục vụ cho các sự lựa chọn lâu dài chứ không vì một mục đích cụ thể nào. Chính Tổng thống Thiệu cũng thấy cần thiết phải có một kế hoạch dự phòng như vậy. Nhưng ông ta lại hoàn toàn không muốn để cho các tướng lĩnh dưới quyền mình có cảm giác rằng Tổng thống đang tính đến một một kế hoạch rút lui đáng xấu hổ khỏi một số khu vực xung yếu.

Thủ tướng Khiêm và nhóm chuyên gia chuẩn bị kế hoạch cố ý không đi vào chi tiết hoặc tuyệt đối tránh tham khảo ý kiến của các thành viên khác để giữ bí mật. Việc yêu cầu tướng Ngô Quang Trưởng chuẩn bị rút khỏi một số vùng thuộc quân khu 1 cũng chỉ là yêu cầu chung chung chứ cụ thể quân đội Sài Gòn sẽ rút khỏi vùng đất nào và bao giờ thì chưa được tính đến.

Vài ngày trước khi Ban Mê Thuột bị thất thủ, Bộ trưởng Kinh tế của Chính quyền Thiệu đã đến gặp tham tán phụ trách kinh tế Đại sứ Quán Mỹ Dan Ellerman đánh tiếng về một vài ý tưởng trong kế hoạch dự phòng vốn đang được cân nhắc nói trên. Liệu chiến lược “Nhẹ đầu nặng đuôi” có bị Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn Graham Martin cắt bỏ hay không? Chiến lược mới này có được đưa ra thảo luận ở Washington hay không? Ngày 11/3, chỉ vài giờ trước khi Ban Mê Thuột hoàn toàn lọt vào tay quân đội Bắc Việt, Ellerman mới gửi công văn trả lời Tổng thống Thiệu. Công văn của Đại sứ Quán Mỹ nói rằng việc có nên từ bỏ hay không vùng đất nào là thuộc về  quyết định của phía Chính quyền Sài Gòn. Vì “Bất cứ điều gì các bạn làm nếu thực hiện thành công thì thế giới đều tôn trọng”.

Đối với Tổng thống Thiệu, công văn này chẳng khác gì việc đẩy quả bóng sang phía sân của Chính quyền Sài Gòn. Công văn không hề cam kết điều gì và cách phúc đáp như thế là một sự khiếm nhã. Tổng thống Thiệu cho rằng nếu người Mỹ tiếp cận vấn đề quan trọng như thế với một thái độ hời hợt như vậy thì sau này bất cứ vấn đề gì mà Chính quyền Sài Gòn làm họ không có quyền gây ảnh hưởng.  Nguyễn Văn Thiệu quyết định sửa đổi toàn bộ chiến lược, cho áp dụng ngay chiến lược “Nhẹ đầu nặng đuôi” mà không ai có thể ngăn cản được Tổng thống. Do quyết định nhanh chóng, Tổng thống Thiệu không có thời gian suy nghĩ kỹ lưỡng tính thực tiễn của chiến lược.

Từng được quân đội Pháp đào tạo, Tổng thống Thiệu hiểu rất rõ tầm quan trọng của Ban Mê Thuột đối với Tây Nguyên. Thời Pháp thuộc, quân đội Pháp thường coi Ban Mê Thuột là căn cứ chính để từ đó tổ chức các cuộc hành quân ra toàn vùng Tây Nguyên. Nguyễn Văn Thiệu đánh giá cao cách nhìn của người Pháp, cho rằng ai kiểm soát được Ban Mê Thuột, người đó kiểm soát được toàn bộ cửa ngõ phía Tây Sài Gòn. Tại một cuộc họp Nội các khẩn cấp, ngồi chống tay lên cằm Tổng thống Thiệu đưa mắt nhìn khắp lượt các khuôn mặt quanh bàn để tìm người muốn phát biểu. Chẳng ai nói gì. Tất cả họ đều sẵn sàng làm theo ý kiến của Tổng thống. Nguyễn Văn Thiệu bỗng hắng giọng rồi nói rằng ông đã quyết định một bước ngoặt trong lịch sử chiến tranh. Đó là từ bỏ Kontum và Pleiku. Sự rút lui chiến lược “Nhẹ đầu nặng đuôi” sẽ bắt đầu từ đây.

Cả phòng họp Nội các im lặng. Tổng thống nói tiếp: Một sự rút lui như vậy là cần thiết và hợp logic. Điều này sẽ cho phép điều quân từ Kontum và Pleiku về Ban Mê Thuột vì đây là căn cứ then chốt mà cách đây 20 năm người Pháp đã chứng minh điều đó. Dường như các thành viên Nội các quá bất ngờ về quyết định của Tổng thống hoặc cũng thể do họ quá sợ Tổng thống mà không ai dám phản đối. Chẳng ai góp thêm được ý kiến nào. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bèn tuyên bố kết thúc cuộc họp sau khi đã ra lệnh cho mọi người tham dự phải giữ kín. Ông nói kế hoạch này không được nói lộ ra ngoài kể cả với người Mỹ vì người Mỹ từng có cơ hội để giúp đỡ Chính quyền Sài Gòn nhưng họ đã không làm.

Sau cuộc họp Nội các, Tổng thống Thiệu gặp riêng Trung tướng Ngô Quang Trưởng vừa từ Đà Nẵng bay vào Sài Gòn. Nguyễn Văn Thiệu chào tướng Trưởng một cách lạnh lùng. Ông ta biết chắc viên tư lệnh quân khu 1 này thế nào cũng đề nghị đổi lại quyết định về việc điều sư đoàn không vận về Sài Gòn. Lúc này không còn cơ hội nào để làm điều đó nữa. Chiến lược mới là “Nhẹ đầu nặng đuôi” không cho phép thay đổi. Sư đoàn không vận dứt khoát phải được điều về bảo vệ Sài Gòn ngay lập tức.

Tư lệnh quân khu 1 Ngô Quang Trưởng giẫy nảy người khi nghe Tổng thống ra lệnh. Ông ta tha thiết đề nghị Tổng thống rút lại quyết định vì nếu điều sư đoàn không vận về Sài Gòn trong lúc chưa kịp điều chỉnh kế hoạch quân sự sẽ tạo ra những lỗ hổng phòng thủ. Như vậy căn cứ Quảng Trị từng giao tranh đẫm máu hồi năm 1968 rơi vào tay đối phương sau đó giành lại được năm 1972 sắp tới cũng sẽ phải chịu để mất vì sư đoàn lính thủy đánh bộ bị điều vào Huế và Đà Nẵng lấp chỗ trống của sư đoàn không vận. Tổng thống Thiệu nhìn tướng Ngô Quang Trưởng rồi khẽ gật đầu bày tỏ sự thông cảm.

Sau đó Nguyễn Văn Thiệu đồng ý một sự nhượng bộ nhỏ với viên tư lệnh quân khu 1. Ông ta chấp nhận cho sư đoàn không vận được rút dần. Lữ đoàn đầu tiên của sư đoàn này sẽ được rút khỏi Đà Nẵng ngày 17/3, các đơn vị còn lại phải rút hết trong 8 ngày tiếp theo, giữ lại một lữ đoàn cho đến cuối tháng 3 sẽ rút nốt. Mục đích là để cho tướng Trưởng có thời gian điều chỉnh lại kế hoạch bảo vệ quân khu 1. Ngoài ra, một số đơn vị lính thủy đánh bộ chưa được thử thách từ ngoại ô Sài Gòn sẽ được điều ra quân khu 1 để lấp vào chỗ trống phòng thủ.

(Còn nữa)

Lược dịch từ “Decent Interval”

Kỳ sau: Huế, Đà Nẵng thất thủ không thể cưỡng nổi

MỚI - NÓNG