Chính quyền Sài Gòn những ngày hấp hối

Kỳ 3: Huế, Đà Nẵng thất thủ không thể cưỡng nổi

Kỳ 3: Huế, Đà Nẵng thất thủ không thể cưỡng nổi
Sư đoàn 320 quân đội Bắc Việt chặn đánh đoàn xe của tướng Phạm Văn Phú rút lui từ Pleiku về Tuy Hòa, bắt sống được chuẩn tướng Phạm Duy Tất và chiếm được Cheo Reo.
Kỳ 3: Huế, Đà Nẵng thất thủ không thể cưỡng nổi ảnh 1
Lính Sài Gòn tại quân Khu 1 mang theo gia đình chạy trốn

Nhận tin này trung tướng Ngô Quang Trưởng tại quân khu 1 vô cùng bối rối vì chính ông ta cũng đang lún sâu vào khủng hoảng.

Theo lệnh của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, ngày 17/3 tướng Trưởng buộc phải điều đơn vị đầu tiên của sư đoàn không vận từ căn cứ Phú Bài vào Sài Gòn. Trong vòng 2 tuần, tướng Trưởng phải điều chỉnh kế hoạch quân sự hai lần.

Ưu tiên bảo vệ của ông ta giờ đây đã chuyển từ Huế vào Đà Nẵng vì không còn đủ lực lượng để bảo vệ cả Huế. Theo đó, lữ đoàn thủy quân lục chiến trước đây bảo vệ phía Bắc thành phố Huế nay phải di chuyển về giữ đèo Hải Vân và án ngữ quốc lộ 1 cửa ngõ Đà Nẵng.

Trong khi quân đội Sài Gòn từ bỏ Kontum và Pleiku đồng thời bố trí lại kế hoạch quân sự ở các quân khu 1 và 2 theo hướng bất lợi, Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn vẫn không được Chính quyền Thiệu thông báo. Đến chiều 17/3 nhờ một điệp viên CIA trong Nội các Nguyễn Văn Thiệu mới cung cấp cho phía Mỹ các thông tin mật đầu tiên về chiến lược “Nhẹ đầu nặng đuôi” của Thiệu.

Điệp viên này cho biết, chủ trương của Tổng thống Thiệu là tăng cường bảo vệ Sài Gòn bằng mọi giá. Do vậy, trong trường hợp đối phương tấn công mạnh, tướng Trưởng được phép rút khỏi Huế để giữ Đà Nẵng. Được tin này, tướng Homer Smith, tùy viên quân sự ĐSQ Mỹ tại Sài Gòn lập tức đến gặp tướng Cao Văn Viên để nói rằng việc rút quân khỏi Pleiku và Kon Tum là một sai lầm lớn có thể dẫn đến thảm họa.

Tướng Smith trách tướng Viên vì sao không thông báo điều này cho phía Mỹ trong cuộc gặp giữa hai ông trước đó một ngày để ít nhất phía Mỹ có thể giúp được về hậu cần. Nghe nói vậy, Tướng Viên cúi gằm mặt xuống nhẫn nhục chịu đựng. Cuối cùng ông ta nói đó là do ý muốn của Tổng thống Thiệu.

Trong khi đó, quân đội Bắc Việt tấn công chiếm hết mục tiêu khác. Sáng 19/3, Thủ tướng Trần Thiện Khiêm cùng vài thành viên Nội các Chính quyền Sài Gòn bay ra các quân khu 1 và 2 thị sát tình hình. Tướng Ngô Quang Trưởng báo cáo các dấu hiệu cho thấy trong thời gian rất gần Huế và Đà Nẵng có thể bị quân đội Bắc Việt đồng loạt tấn công.

Tướng Trưởng cho biết 3 sư đoàn quân đội Bắc Việt đã án ngữ các khu vực gần Huế và Đà Nẵng, có thể một sư đoàn nữa sẽ vượt Quảng Trị để tăng thêm sức ép. Nửa đêm hôm đó, Thủ tướng Khiêm trở về Sài Gòn gặp Tổng thống Thiệu để báo cáo.

Thủ tướng Khiêm đề nghị Thiệu cho rút lui khỏi Huế để tập trung lực lượng về bảo vệ Đà Nẵng. Đồng thời ông Khiêm đề nghị tìm người thay tướng Phạm Văn Phú. Thiệu không chấp nhận đề nghị của Thủ tướng Khiêm về việc thay tướng Phú  vì không tìm được người tương xứng, cũng không đồng ý rút quân khỏi Huế vì ông ta đã chỉ thị phải bảo vệ Huế bằng mọi giá.

Thủ tướng Khiêm bị sốc trước thái độ này của Thiệu. Vì trước đó vài ngày, chính Tổng thống đã nói với tướng Ngô Quang Trưởng rằng về mặt chiến lược Huế không quan trọng bằng Đà Nẵng và tư lệnh quân khu 1 đã làm theo lời ông ta điều chỉnh lại kế hoạch. Nay bất ngờ Tổng thống Thiệu thay đổi ngược lại khác nào quay ngược kim đồng hồ.

Khi đoàn xe tăng của quân đội Bắc Việt ào ạt vượt qua cầu Thạch Hãn ở Quảng Trị tiến về phía Huế, tướng Trưởng vội bay vào Sài Gòn gặp Tổng thống Thiệu báo cáo tình hình đang diễn biến ngày càng xấu. Thiệu lắng nghe một cách kiên nhẫn, cuối cùng thừa nhận đã đòi hỏi quá nhiều.

Việc bảo vệ Huế giờ đây không quan trọng bằng sự bảo toàn lực lượng sư đoàn 1. Thiệu cho phép tướng Trưởng giữ Huế được lâu chừng nào tốt chừng đó cốt để cho sư đoàn 1 đủ thời gian rút vào bảo vệ Đà Nẵng. Việc rút quân có thể bằng đường bộ hoặc đường biển. Tuỳ tướng Trưởng quyết định thời điểm nào thì chịu mất Huế.

Ngay đêm hôm gặp tướng Trưởng, Nguyễn Văn Thiệu lên truyền hình quốc gia đọc một bài diễn văn dài 4 phút, thừa nhận đã “mất” Ban Mê Thuột nhưng không đả động gì đến tình hình ở Huế và Đà Nẵng. Tổng thống Thiệu cho biết quân đội Bắc Việt mới điều thêm vào miền Nam 5 sư đoàn để bổ sung cho 13 sư đoàn của họ có sẵn.

Sáng hôm sau, Ngô Quang Trưởng từ Đà Nẵng điện thoại cho Thiệu đề nghị không cho truyền hình quốc gia phát vội băng video đã ghi sẵn lời tuyên bố của Trưởng thề thà chết để bảo vệ thành phố Huế. Tướng Trưởng đề nghị băng video đó chỉ được phát vào thời điểm mà ông ta điện về xác nhận là thích hợp.

Mặc dù đã đồng ý đề nghị này của Ngô Quang Trưởng 8 giờ tối hôm sau, Tổng thống thiệu vẫn cho phát băng video đó trên truyền hình quốc gia. Khán giả màn ảnh nhỏ thấy Trung tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh quân khu 1 thề rằng bản thân và đơn vị của ông ta sẽ bảo vệ Huế đến người cuối cùng. Trong khi đó, các đơn vị quân đội Bắc Việt tấn công tổng lực dồn dập vào thành phố Huế.

Sáng 24/3 toàn bộ sư đoàn 1 quân đội Sài Gòn vứt bỏ vũ khí, cùng gia đình ra bãi biển để lên tàu thuyền chạy vào Đà Nẵng. Sáng 25/3, Chính quyền Sài Gòn công bố Huế thất thủ. Vài giờ sau, Tổng thống Thiệu thay một loạt bộ trưởng, tướng lĩnh chỉ giữ lại những người tin cậy nhất của ông ta như Thủ tướng Trần Thiện Khiêm và Tướng Cao Văn Viên…

Làn sóng người di tản từ Huế chạy vào Đà Nẵng làm tình hình thêm rối trong lúc quân đội Bắc Việt ngày một tăng cường hỏa lực vào thành phố lớn nhất miền Trung này khiến cho Đà Nẵng không thể cưỡng nổi sự sụp đổ. Ngày Chủ nhật 30/3, Phó Thủ tướng Chính quyền Sài Gòn Phan Quang Dân chính thức thừa nhận tại cuộc họp báo buổi sáng rằng Đà Nẵng đã thất thủ. 

Lược dịch từ “Decent Interval”

MỚI - NÓNG