Chính quyền Sài Gòn những ngày hấp hối

Kỳ 4: Đại sứ Mỹ Graham Martin và kế hoạch di tản

Kỳ 4: Đại sứ Mỹ Graham Martin và kế hoạch di tản
Ngày 24/6/1973, gần 5 tháng sau khi Hiệp định Paris ký kết, ông Graham Martin tuyên thệ nhậm chức Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn.
Kỳ 4: Đại sứ Mỹ Graham Martin và kế hoạch di tản ảnh 1
Từ trái qua phải: Đại sứ Mỹ G.Martin, tướng Wayane, Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, Tổng thống G.Ford

Với chức vụ này, Graham Martin chính thức thay cho ông Bunker quyền Trưởng phái bộ Mỹ tại miền Nam Việt Nam đã về nước trước đó vài tuần.

Martin sinh ra trong một gia đình cha làm nghề thầy tu rửa tội tại các nhà thờ Cơ đốc giáo ở bang North Carolina, được nuôi dạy theo truyền thống nghiêm khắc của gia đình. Năm 1932, G.Martin tốt nghiệp  trường cao đẳng Wake Forest, trở thành phóng viên viết cho một số tờ báo nhỏ địa phương. Năm1933, G.Martin bỏ nghề báo để làm trợ lý cho ông Averell Harriman,Phó Chủ tịch tổ chức bình phục quốc gia. Năm 1947, nhờ ông Harriman giới thiệu, G.Martin được tuyển vào ngành ngoại giao, được bổ nhiệm ngay chức tham tán hành chính trong Đại sứ Quán Mỹ ở Paris cho đến năm 1955. Thời kỳ làm việc tại Paris, G.Martin có điều kiện hiểu về tình hình nước Pháp và Việt Nam, đặc biệt là sau Hiệp định Geneva 1954. Sau nhiệm kỳ ở Pháp, G.Martin trở về Washington D.C, được cử đi học trường Cao đẳng Chiến tranh không quân (Air war College), sau đó làm cố vấn cho phái bộ Mỹ tại Liên Hợp Quốc.

Năm 1963, ông ta được bổ nhiệm làm Đại sứ Mỹ tại Thái Lan. Đây chính là thời kỳ Mỹ bắt đầu lún sâu vào cuộc khủng hoảng chiến tranh Việt Nam. Nhiệm kỳ đại sứ ở Bangkok, G.Martin gặp rất nhiều khó khăn vì phải đấu tranh gay gắt với một phái quân sự trong Đại sứ quán, những người muốn biến Thái Lan thành Việt Nam thứ 2. Nhóm quân sự này muốn Mỹ đưa nhiều quân nhân sang Thái Lan như đã từng làm ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo G.Martin đây là thời gian may mắn nhất trong cuộc đời của ông. Khi đó, ứng cử viên tổng thống Mỹ Richard Nixon trong chuyến công cán châu á ghé thăm Bangkok. Đại sứ G.Martin đã trải thảm đỏ đón Richard Nixon, đối xử với ông ta như một công dân đặc biệt khiến Nixon vô cùng ấn tượng và cảm kích. Nhờ chuyện này mà sau khi trở thành Tổng thống Mỹ, Richard Nixon đã “chơi đẹp” trả ơn G.Martin rất hậu hĩnh.

Năm 1966- năm  thứ 3 trong nhiệm kỳ Đại sứ Mỹ ở Bangkok, G.Martin mất một người con trai nuôi tên Glen tại chiến trường miền Nam Việt Nam. Glen là phi công trực thăng bị chết trong một cuộc hành quân ở phía Tây Tây Nguyên khi máy bay trực thăng của anh ta bị bắn hạ. G.Martin nhận tin dữ này khi đang cùng vợ dự bữa tiệc do nhà Vua Thái Lan tổ chức. Ông ta đã cố giữ kín tin buồn với vẻ mặt bình thường đến mức bà Dorothy Martin vợ ông không hay biết gì, vẫn vui vẻ dự tiệc chiêu đãi.  Trước đó, người con trai ruột của G.Martin cũng bị chết trong một vụ tai nạn xe hơi ở Mỹ.

Năm 1967, sau một cuộc cãi nhau với Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là Dean Rust, G.Martin bị cách chức Đại sứ tại Bangkok. Nhưng chỉ một năm sau, người bạn cũ Richard Nixon trúng cử Tổng thống Mỹ đã phục hồi chức vụ cho G.Martin, đồng thời bổ nhiệm ông làm Đại sứ Mỹ tại Rome. Với quan điểm chống cộng sản, Đại sứ G.Martin đã tổ chức thành công cuộc đảo chính nghị trường lật đổ chính quyền cánh tả Italy năm 1972. Khi đó, trong cuộc bầu cử quốc hội Italy, đại sứ quán Mỹ đã bí mật “bơm” tiền đến hàng ngàn USD cho đảng Dân chủ Thiên chúa giáo để giành chính quyền từ tay những người cộng sản Italy.

Sau nhiệm kỳ ở Rome, G.Martin dự định về nghỉ hưu đã mua một trang trại ở Tuscany. Nhưng giữa năm 1972, Henry Kissinger mời G.Martin làm Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn. Được tin này, vợ G.Martin không muốn chồng mình sang Việt Nam vì sợ đến nơi mà chính người con nuôi của họ đã thiệt mạng tại  đó. Nhưng cuối cùng G.Martin đã đồng ý chức đại sứ Mỹ tại Sài Gòn vì chính H.Kissinger tiến cử và Tổng thống R.Nixon bổ nhiệm.

G.Martin coi cuộc chiến tranh Việt Nam không đơn thuần là cuộc chiến tranh về sự khác biệt ý thức hệ mà đặt cuộc chiến này trong cách nhìn thực dụng toàn cầu về sự cân bằng chiến lược giữa các siêu cường. G.Martin không đánh giá cao Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, chỉ gặp người đứng đầu Chính quyền Sài Gòn mỗi tháng tối đa là hai lần.

Đại sứ G.Martin giao nhiệm vụ cho Al Francis – một trong những người tin cậy nhất của ông – chuẩn bị một kế hoạch di tản cho tình huống xấu khẩn cấp. Al Francis, khi đó là Tổng lãnh sự Mỹ tại Đà Nẵng, đã chuẩn bị một tài liệu 30 trang về các khả năng lựa chọn di tản. Trong đó quan trọng nhất là di tản bằng đường không thực hiện tại sân bay dưới sự bảo vệ của các đơn vị lính thủy quân lục chiến Mỹ. Bản kế hoạch di tản đã bị sửa đi sửa lại nhiều lần. Vào tháng 1/1975, bay về Washington D.C để nghỉ phép Francis không ngờ rằng chỉ vài tháng sau bản kế hoạch di tản của ông ta phát huy tác dụng. Sau khi chế độ Sài Gòn sụp đổ, Al Francis cho biết, khi vạch kế hoạch ông ta không thể đoán trước hết được mọi điều. Ông ta hoàn toàn không ngờ rằng bản kế hoạch di tản chỉ để dự phòng của mình chẳng bao lâu sau lại được đưa ra áp dụng. Nhưng có điều khác cơ bản với nội dung bản kế hoạch di tản dự thảo là trực thăng Mỹ không chỉ chở người từ sân bay mà là từ nóc tòa nhà làm việc của Đại sứ G.Martin.

Kỳ sau: Vì sao Mỹ không ủng hộ Nguyễn Cao Kỳ đảo chính?

MỚI - NÓNG